Bạn của ba tôi nhiều vô kể. Mẹ tôi thường xuyên ca cẩm về việc ông luôn mời khách về nhà ăn cơm mà chẳng bao giờ báo trước. Trong đó, có những người bạn đặc biệt mà mỗi dịp hàn huyên đều không thể thiếu món "độc chiêu" là giò xào. Cho đến giờ, nhắc đến những khoanh giò xào ấy, tôi vẫn còn thấy thèm. Chỉ là thịt đem xào và gói thành giò thôi, chẳng gia vị cầu kỳ nhưng sao ngon lạ lùng! Đến nỗi, sau này, anh em chúng tôi đổi cụm từ "mấy ông thịt chó” của ba thành "mấy bác giò xào".
Để làm món giò xào, khi trời còn tối, mẹ tôi đã phải xách giỏ đi chợ. Lá chuối mẹ đã hơ và lau sạch từ tối hôm trước sắp gọn gàng trong cái nia. Mua bán xong, mẹ tôi về nhà đã thấy "mấy bác giò xào" ngồi chờ quanh bếp. Ba tôi chẳng bao giờ đụng tay đến mấy chuyện này. Ông chỉ có nhiệm vụ đi nhắn "mấy bác giò xào" đến nhà cho đúng ngày, sau đó bỏ mặc mấy ông bạn tay thớt, tay dao, ông ra đứng trước nhà cho tay vào túi quần ngắm xe qua, người lại và… chờ Tết. Thỉnh thoảng, bắt được người bạn tri kỷ nào đi ngang, ông lại kéo vào nhà chỉ để khoe "mấy bác giò xào" đang sắp đặt, gói ghém… rồi hẹn ngày Tết đến nhâm nhi (cái này thì ba tôi cũng thật đặc biệt, ông chẳng biết uống một hớp rượu nhưng lại rất biết cách đãi đằng).
Giỏ thịt mẹ tôi đem về được "mấy bác giò xào" nhanh chóng thái miếng (không mỏng và cũng không quá dày). Phải là thịt đùi, có mỡ có nạc mới ngon! Người sắp lá chuối, người thái thịt, người bắc bếp. Phải thao tác nhanh mới có được cây giò ngon. Bỏ thịt vào chảo đang nóng (không cho mỡ), đảo nhanh, thịt săn lại, nêm xíu muối rồi đảo ít nữa cho thịt thật chín, xong trút ra rổ có lót miếng lá chuối. Một bác nhanh tay lấy đũa gắp từng miếng thịt vào xấp lá chuối đã chuẩn bị sẵn. Cái khéo léo của người thợ là ở đây, phải sắp làm sao để khi cắt khoanh giò ra, phần thịt thành vòng tròn màu đỏ sẫm, kế đến là phần mỡ màu trắng và cuối cùng là da, tất cả đều tròn vành vạnh. Cây giò gói xong được chuyển sang cho người đang ngồi chờ bó nẹp. Hai cái nẹp gỗ bó ép thật chặt vào cây giò xào, vừa nẹp vừa lăn. Cuối cùng, cây giò được bỏ dựng đứng trong thau cho mỡ từ từ chảy ra. Ngày hôm sau, lượng mỡ trong giò sẽ ra hết, miếng giò sẽ giòn khay kháy, ăn không bao giờ ngán!
Những ngày Tết thời đó, nhà tôi luôn có món giò xào và chả lụa (đặc sản quê mẹ tôi) sắp song hành trong đĩa khi dọn ra cho khách nhấm nháp với củ kiệu. Như một ngẫu nhiên, hai món "tủ” của ba và mẹ (giống như kiểu rau muống và giá) đã làm nên hương vị những cái Tết thật đầm ấm và đầy ắp tình thương yêu.
Giờ đây, trong đủ loại món ăn ngày Tết, giò xào không còn là điều háo hức với chúng tôi như những ngy Tết cũ, bởi khi đó, những cây giò xào không chỉ ngon bởi tay nghề người thợ, mà còn là tình cảm quý mến bạn bè đồng hương của ba, là tấm lòng những người xa quê với nhau và còn bởi không khí gia đình ấm cúng…