Trang chủ Văn học Hương sen toả phố

Hương sen toả phố

59

Có một chiều, mùa ngang qua ngõ quyện đặc mùi sen. Kéo xô khung cửa, tôi hít vội… chuyếnh choáng. Hình như… ai vừa mang sen về cho hương toả phố.


Hà Nội phố giờ thưa dần những đầm sen tự nhiên. Có chăng là những bể non bộ hay cái ao nho nhỏ được kè gạch, đá cẩn thận, mang sen về trồng vào đó như một thú chơi  tạo cảnh.


Nghe nói vùng Quảng Bá, Nghi Tàm, sen rộ rất nhiều. Có thể, vùng này nhiều đầm và bên cạnh hồ Tây, lại thuộc ngoại phố trước đây nên còn nhiều sen. Cất công đi tìm. Ra phố, sen đã theo những vòng quay bánh xe của mỗi hàng hoa rong từ trong đêm về toả ngát những con đường khi trời vừa hửng. Hoá ra ta đã nhầm…


Chẳng ở đâu như đất Hà thành, sen bây giờ “cạn dần” mà thú mua hoa sen từ những gánh hoa rong ngoài phố về bầy trong nhà hoặc đặt trên bàn thờ hoặc đi lễ… vẫn được giữ nguyên. Chắc có lẽ tự xưa, làng còn ở trong phố, người và hoa đã nguyện “hiến mình” vào những phổ dụng toàn thể và cảm xúc cho ước lệ “hạ sang”.


Lạ lẫm mà rất đỗi quen thuộc, thật khó tả hương sen và càng khó tả khi hương sen ấy hoà cùng nắng làm dịu bớt oi nồng, để rồi chưng cất một hương hạ Hà Thành, dẫu không đậm nét như mùa thu thì cũng đủ để những ai yêu Hà Nội vương những ngó tơ lòng.


Hạ tán, những cánh sen như “thuyền bát nhã, trôi về miền đợi sấm” vẫn cố vướng víu lại sang tận mùa thu để ẩn mình trong cốm vòng. Hương sen toả ra từ lá sen gói cốm, chính sen đã ngấm vào trong cốm để làm lên cái dư vị mùa thu. Nao lòng lắm chứ! Cứ giả sử định lượng thì trong hương cốm bao nhiêu là hương lúa nếp non, bao nhiêu là hương sen gói bọc? Chẳng cần đong đếm, dù ít hay nhiều, dù hữu hay vô, cốm chẳng thể thiếu lá sen cũng tựa như phố phường Hà Nội chẳng thể thiếu hương sen khi hạ sang.



Bạn bè bảo tôi là kẻ đi tìm mộng vì thói quen lảng vảng chiều Hà Nội. Tôi thì “vu oan” cho những người thích hương sen là kẻ ham hồi tưởng. Mà khi hồi tưởng người ta lại rất hay chơi trò “giả sử”, tôi cũng không ngoại lệ.


Giả sử trà sen toả hương cùng khói mơn man, trên bàn trà bình sen vừa hé và trên vách tường bức “thiếu nữ bên hoa sen” của Tô Ngọc Vân dịu dàng ẩn hiện. Trong bối cảnh ấy, một vài gã đàn ông thuộc típ người “nhìn một khúc sông thấy nửa hờn dỗi, nửa nhớ thương” đang rôm rả chuyện hoa sen, ngồi hít hà hương trà, hết ngắm bình hoa, lại ngắm bức tranh… kiểu gì cũng có gã bật tanh tách những đoạn tản về sen.


Giờ đang là đầu hạ, sen bắt đầu ướp phố, nồng nàn sắc và hương. Sớm nào tôi cũng dậy để chạy vội ra đầu ngõ ôm về những bó sen thật lớn vì tôi thích là một nhẽ, nhưng trong nhà tôi mới có anh bạn Tây vừa “nghiện” hương sen. Anh bảo, hoa sen thì có ở nhiều nơi nhưng chẳng nơi nào khi hè sang, hoa lại thơm quyện cả vào phố, vào mùa như Hà Nội.



Anh còn phân vân việc mang hoa sen về nước tặng vợ vì sợ không mang theo hương của nó về được. Tôi cười và nói “Ừ! có thể, nhưng anh không phải lo, tôi sẽ có cách giúp anh mang hương của hoa sen về được. Có một điều tôi chắc chắn anh cũng như vợ của anh sẽ còn thấy thích hoa sen hơn rất nhiều nếu anh nghe và mang theo về cả những câu chuyện về loài hoa sen ở Tổ Quốc tôi”.


Tôi bắt đầu những câu chuyện ấy bằng một câu hỏi: “Anh có biết vì sao ở dân tộc tôi lại có câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/Nhị vàng bông trắng lá xanh/Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…?”