Trang chủ Tin tức Huế: Lễ đặt đá trùng tu Trung tâm Văn hoá Liễu Quán

Huế: Lễ đặt đá trùng tu Trung tâm Văn hoá Liễu Quán

73

Buổi Lễ có sự chứng kiến của Hòa thượng đạo hiệu Thích Khả Tấn – Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Bình – Ủy viên kiểm soát Ban thường trực Hội Đồng Trị Sự, đông đủ chư tôn thiền đức trong Ban Trị Sự và các tổ đình. 


Tham dự Lễ còn có ông Ngô Hoà – UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Ban dân vận, Ban tôn giáo tỉnh, thành phố và nhiều nhân sĩ trí thức đang công tác trên địa bàn tỉnh.


Trung tâm Văn hoá Liễu Quán Huế được hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thân của đời sống quần chúng với phương châm dân tộc gắn liền với đạo pháp để con người thể hiện việc báo đáp tứ trọng ân: ân đất nước, ân thầy tổ, ân cha mẹ và ân xã hội.


Trung tâm mới được xây dựng gồm 2 tầng và 1 tầng hầm, trên tổng diện tích sàn 1.210 m2, với toàn bộ kinh phí xây dựng do gia đình Phật tử Huỳnh Văn Mạnh và Nguyễn Ngọc Phương tại thành phố Hồ Chí Minh đóng góp.














DIỄN VĂN LỄ ĐẶT ĐÁ XÂY DỰNG TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO LIỄU QUÁN


Ngày 08.04.Đinh Hợi (24.05.2007)


Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


– Kính bạch Chư Tôn Hòa Thượng, chư thượng tọa, Đại đức Tăng Ni


– Kính thưa lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Mặt trận các cấp


– Kính thưa quí vị quan khách


– Thưa toàn thể quí Phật tử


Hôm nay, mồng 8 tháng 4 Âm lịch, ngày mở đầu cho tuần lễ Phật đản, kỷ niệm sự thị hiện của đấng Đạo Sư đã dẫn lối cho chúng sinh tìm về con đường trí tuệ vô ngã vị tha. Trong thời điểm ý nghĩa này, Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đặt đá xây dựng lại Trung tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán.


Lễ được đặt dưới sự chứng minh của Hòa Thượng đạo hiệu Thích Khả Tấn, Thành viên Hội đồng Chứng Minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hòa Thượng Thích Thiện Bình Ủy viên kiểm soát Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự, đông đủ Chư tôn thiền đức trong Ban Trị Sự và các Tổ đình, cùng sự tham dự của quí cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Ban tôn giáo tỉnh và thành phố, quí vị ân nhân, nhân sĩ trí thức và đồng bào Phật tử.


Được phép thay mặt Hòa Thượng Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự kiêm Trưởng Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng con thành kính đỉnh lễ chư tôn Hòa thượng chứng minh, và trân trọng mừng đón chư tôn thiền đức, chư vị lãnh đạo cùng tất cả quí liệt vị. Sự hiện diện quí báu này là biểu ý đồng tình, khích lệ tán trợ cho Ban Trị Sự. Chúng tôi kính cẩn thâm đón bao thịnh tình ấy.


Kính thưa quí liệt vị.


Trung tâm Văn hóa Phật Giáo đã được Giáo Hội tiền nhiệm khởi công xây dựng từ năm 1970, mang đạo hiệu của Tổ sư Liễu Quán, chắc hẳn với mong ước Trung tâm sẽ là tâm điểm Văn hóa sinh động trải dài theo với thời gian, như sự nghiệp hoằng hóa độ sinh của Tổ Sư, để dòng thiền Thiên Thai Liễu Quán tỏa khắp xứ đàng trong và mãi lan rộng. Nét thanh tịnh trang nghiêm của Văn Hóa Phật Giáo Huế thể hiện như dòng Sông Hương trầm lắng êm đềm thơ mộng mãi đi vào thi ca âm nhạc hội họa thấm sâu vào lòng dân Huế.


Ngày nay, Ban Trị Sự Phật Giáo Thừa Thiên Huế cũng tiếp nối ước mong ấy và quyết sẽ biến thành hiện thực, từ hình thức đến cả nội dung. Trên mảnh đất tuy không rộng, để chuyển tải một cơ sở mang tính Trung tâm, nhưng chính vị trí cảnh quan và nhất là sau khi được Nhà nước mở lối đi bộ bọc quanh,  tiếp nối với đoạn đường dọc bờ sông Hương, thì mảnh đất có giá trị gấp bội phần, thật xứng đáng cho một vị thế Trung tâm. Càng trân quí giá trị mảnh đất, Ban Trị Sự lại càng thận trọng về mô hình kiến trúc và đã được các Ban ngành chuyên môn chỉ đạo, các nhà kiến trúc góp ý, để tạo nên mô hình sau cùng này. Hy vọng đường nét sẽ hài hòa góp phần tô điểm thêm cho một phố thị Văn Hóa bên bờ sông  huyền thoại.


Giáo Hội ước mong tại Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán sẽ phải khơi dậy, giới thiệu về một dòng Văn hóa Phật Giáo trường tồn từ thời kỳ mở nước đến các triều đại huy hoàng và cả những giai đoạn đen tối tang thương của quê hương dân tộc, khẳng định vai trò của văn Hóa Phật Giáo trong các phong trào yêu nước, cứu quốc. và hiện nay đất nước đang đổi mới tiến đến mục đích dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh thì vị trí của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phải đóng góp gì trong hướng xây dựng nền văn hóa Phật Giáo góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để đất nước vững vàng bước vào thời hội nhập kinh tế quốc tế. Như vậy Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Liễu quán còn mang tính một bảo tàng, một thư viện, một cửa ngõ để đi vào ngôi nhà Phật Giáo Thừa Thiên Huế, ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam. Trung tâm phải là nơi giao lưu với các nền văn hóa để cùng đồng hướng về một mục đích duy nhất phụng sự quê hương. Trung tâm không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa của Tăng Ni Phật tử, nhân dân Thừa Thiên Huế, mà còn hy vọng là điểm dừng chân, ngắm nhìn, suy gẩm, của khách thập phương.


Bao nhiêu ước mơ, kỳ vọng của Ban Trị Sự về việc thực hiện Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán cũng bao gồm mục đích đáp đền bốn ơn lớn. Người con Phật luôn ý thức: được sinh ra, được nuôi lớn, được dạy dỗ, được bảo vệ đều là nhờ bốn ơn ấy. Như Phật sự hôm nay có được, cũng không ngoài sự hộ trì của Giáo Hội, của Nhà nước, của nhân dân, của thí chủ.


Trong niệm tri ân tha thiết, chúng con chí thành đỉnh lễ thù ân chư tôn Hòa thượng chứng minh, chân thành cám ơn chư vị lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Ban tôn giáo đã tận tình giúp đỡ. Ban Trị Sự tán thán đạo tâm của gia đình quí Phật tử Huỳnh Văn Mạnh và Nguyễn Ngọc Phương ở thành phố Hồ Chí Minh đã phát tâm cúng dàng toàn bộ kinh phí để hỗ trợ Phật sự trọng đại này của Giáo Hội. Ngoài ra bao tâm niệm tốt lành của Tăng Ni Phật tử đã cầu nguyện cho Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán.


Ban Trị Sự chí thành hồi hướng lên ngôi Tam Bảo. Nguyện cầu Tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn nhân dân an lạc, Chư Tôn thiền đức pháp thể khinh an tuệ đăng thường chiếu, chư vị lãnh đạo, thiện hữu tri thức thân tâm thường lạc


Nam Mô Công Đức Lâm Bồ tát Ma-ha-tát


Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thừa Thiên Huế