Trang chủ Văn hóa Nghi lễ Huế: Khai mạc Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế, gần 5000...

Huế: Khai mạc Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế, gần 5000 người tham dự. Đài BBC phỏng vấn Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân

173

Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 2 đến ngày 4-4-2007 (nhằm ngày Rằm đến 17-2 Đinh Hợi) do nhị vị HT Thích Huệ Ấn chùa Phổ Quang và TT Thích Thanh Liên, chùa Từ Hoá làm sám chủ và các Thượng toạ am tường về nghi lễ truyền thống của Phật giáo Huế đảm trách ban Kinh sư.

 

Chương trình đại trai đàn bình đẳng chẩn tế lần nầy tại Huế mang nhiều đặc sắc truyền thống, ngoài những những nghi lễ như hưng tác, cáo giang sơn, khai chung cổ, thượng phan ngủ sắc, khai kinh, đàn tràn giải oan bạc độ chiều ngày 3-4-2007 , đại lễ chẩn tế âm linh cô hồn chiều ngày 4-4-2007 tất cả đều được chư tôn Sám chủ và Ban Kinh sư “làm hết nghi cổ truyền của Huế”.

 

Bên cạnh Đại trai đàn còn có những chương trình đặc sắc khác như múa lục cúng hoa đăng, phóng sanh đăng trên sông Hương gồm 31 chiếc thuyền hoa (tối 3-4-20 0) song song đó là các thời khoá tụng kinh cầu nguyện của Tăng, Ni Học viện PGVN tại Huế; trường Trung cấp Phật học TT Huế và Tăng thân Làng Mai sẽ diễn ra liên tục trong 3 ngày tổ chức trai đàn.

 

Cùng thời gian đó, Thiền sư Nhất Hạnh sẽ có các thời pháp thoại giải minh về ý nghĩa của trai đàn chẩn tế giải oan và tặng khoảng 3 ngàn phần quà, học bổng cho người nghèo tại các vùng lân cận… Ước tính có khoảng 5 ngàn người tham dự, dâng hương cầu nguyện trong 3 ngày diễn ra khoá lễ. 

 

Theo chuyenphapluan.com

 






Đài BBC phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân


Nguyễn Đắc Xuân: Lần trước, sau bao nhiêu năm xa cách, Sư ông về, chủ yếu để thăm viếng và tổ chức một số buổi pháp thoại để phổ biến giáo lý. Lần này, Sư ông thực sự có những hoạt động để đóng góp cho đất nước.


Việt Nam đã thống nhất. Với người sống, đã có Nghị quyết 36, thấm vào Việt kiều và họ về nước, họ đã thấy có sự hòa giải hòa hợp, chuyện cũ bỏ qua. Nhưng với người đã mất, còn mang nặng trong lòng người. Vì chính trị, nên nhà nước Việt Nam không thể đứng ra làm một lễ hòa giải được.


Nhưng với tư cách là người Việt Nam, có uy tín, Sư ông đã làm được việc này. Tôi thấy đó là ý nghĩa lớn nhất, và chuyến đi sẽ có ý nghĩa lịch sự đối với dân tộc Việt Nam.


PV:Từ ý định ban đầu đến hiệu quả trong thực tế, ông đánh giá thế nào?


Từ suy nghĩ và kế hoạch, đưa vào thực tế, bao giờ cũng gặp thử thách. Có những cái phát sinh, nhưng cũng có những hiệu ứng mà mình không nghĩ tới lúc đầu.









 Luôn có ý kiến trái chiều. Nhưng quan trọng là việc này có làm được hay không

 

Nguyễn Đắc Xuân


Tôi lấy ví dụ, sáng 1-4, khi làm lễ ở chùa Linh Quang ở Huế, nhiều nhà sư đã không đến, không ủng hộ Thầy Hạnh. Nhưng buổi chiều, ở Trung tâm Festival 11 Lê Lợi, số trí thức và người dân Huế đến rất đông để nghe Sư ông nói về hạnh phúc và quyền lực. Hôm sau ở chùa Diệu Đế, số người đến cũng đông trên sức tưởng tượng. Trong cuộc sống có những phát sinh ngoài dự tính như vậy.


Trong chính quyền đâu phải tất cả đều nghĩ giống như lãnh đạo của Việt Nam. Luôn có ý kiến trái chiều. Nhưng quan trọng là việc này có làm được hay không. Thầy đã làm được Trai Đàn Chẩn Tế, được hoan nghênh, như vậy đã đạt yêu cầu.


PV: Ông nói nhà nước không thể làm một lễ như vậy vì lý do chính trị. Có thể đặt câu hỏi nếu ban lãnh đạo cao nhất không thể làm, liệu tính chất hòa giải còn ý nghĩa?


Nên hiểu nhà nước Việt Nam là nhà nước XHCN. Vấn đề này lại mang màu sắc tâm linh, tôn giáo. Thành ra nhà nước người ta không tiện làm. Lại có nhiều tôn giáo, nhà nước không thể đứng ra làm một lễ của Phật giáo được.









 Vấn đề này lại mang màu sắc tâm linh, tôn giáo. Thành ra nhà nước người ta không tiện làm

 

Nguyễn Đắc Xuân


Nhưng nhà nước cho phép Sư ông Nhất Hạnh làm. Mà thầy không phải là người bình thường; vị trí của thầy còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Thành ra không thể nói nếu nhà nước tổ chức thì hay hơn Sư ông Nhất Hạnh. Nhà nước cho phép Sư ông làm, tôi thấy đó là rất quý rồi.


PV: Không biết giới trẻ trong nước quan tâm nhiều không. Nhiều bạn bảo rằng họ cũng nghe danh Thiền sư, nhưng chưa hiểu nhiều về ông và có khi họ đến dự lễ giống như đến gặp một người nổi tiếng. Liệu họ có quan tâm tính chất hòa giải của sự kiện không?


Thực tế là vậy đấy. Tuổi trẻ họ không trải qua chiến tranh, như con tôi cũng không thể hiểu về sự cần thiết có sự hòa giải cho một dân tộc.


Tuy vậy, người trẻ rồi sẽ lớn lên, và khi có độ lùi nhất định, họ sẽ thấy nó có ý nghĩa và muốn tìm hiểu.


Ngoài ra, trong buổi nói chuyện của Sư ông ở Huế, nhiều người trẻ đến xem và rất thấm thía. Ở Việt Nam hiện nay lại đang rất quan tâm những nhà ngoại cảm như bà Phan Thị Bích Hằng, gặp được linh hồn người quá cố. Chuyện này cũng có tác động lớn. Sự trở về của Thầy Nhất Hạnh và thực tế của các nhà ngoại cảm, hai cái có sự gặp gỡ với nhau. Nên giới trẻ mà có suy nghĩ, sâu sắc, họ quan tâm chứ không phải thờ ơ.


PV: Theo ông ở Việt Nam hiện nay có hay không nhu cầu tâm linh mà những người như Thiền sư Thích Nhất Hạnh có thể bù đắp vào? Dĩ nhiên, mấy năm nay, chuyện đi chùa, cúng lễ rất phổ biến, nhưng hình như đa phần đến để cầu trúng số, tài lộc, chứ chuyện tâm linh thì không phải là ưu tiên của họ.


Chính Thầy Nhất Hạnh đã nói rõ thế này: Phật giáo như đang hoạt động hiện nay chỉ là cái vỏ, chứ không phải cái ruột. Người Phật tử phải tự mình cầm đuốc soi đường. Trong đạo Phật có nói ta phải có đoạn đức, trí đức và ân đức. Ba cái này thì các chùa nhiều khi họ không quan tâm. Đến cúng bái, cầu tài lộc thế thôi, chứ ít ai nghĩ đến cứu rỗi bản thân, tìm hạnh phúc cho mình để từ đó đem đến tốt lành cho người khác.


Thầy Nhất Hạnh muốn hướng đến cái này, tìm đến cái chính chứ không phải cái vỏ. Những lý thuyết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có thể đáp ứng nhu cầu tâm linh hiện nay của con người.