Trang chủ Tin tức HTKH "PG thời Đinh và tiền Lê trong công cuộc dựng nước...

HTKH "PG thời Đinh và tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước"

64

Các ông bà: Hà Văn Núi, Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Tiến Thành, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương cùng các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban trị sự Phật giáo một số tỉnh, thành phố và đông đảo các tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh đã về dự hội thảo .

Đề dẫn Hội thảo của Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo đã nhấn mạnh: Hộ quốc an dân, đồng hành với dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước là nét chủ đạo trong phương châm cũng như hành sử của Phật giáo Việt Nam. Các nhà khoa học cần nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc và khách quan những đóng góp của Phật giáo giữa hai triều đại Đinh và tiền Lê cũng như đối với dân tộc Việt Nam.

Các tham luận tại Hội thảo tập trung vào ba chủ đề: Phật giáo thời Đinh và tiền Lê: Kế thừa, hội tụ và phát triển; tinh hoa Phật giáo thời Đinh và tiền Lê qua các mặt văn hóa, chính trị và các nhân vật Phật giáo; phát huy di sản văn hóa Phật giáo thời Đinh và tiền Lê.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Ninh Bình là nơi phát tích của ba triều đại: Đinh, tiền Lê và Lý. Những yếu tố tự nhiên, lịch sử, văn hóa đã hòa quyện làm nên một Ninh Bình đa dạng, giàu truyền thống và bản sắc văn hóa với hàng trăm di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 78 di tích lịch sử đã được xếp hạng Quốc gia. Đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã góp phần tích cực, trở thành sức mạnh tinh thần và tư tưởng, xây dựng ý thức dân tộc và văn hóa dân tộc Việt Nam, gắn bó song hành cùng dân tộc Việt Nam.

Nối tiếp lịch sử và truyền thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và tăng ni, phật tử tỉnh Ninh Bình nói riêng luôn đoàn kết, hòa hợp, lấy việc tu hành phục vụ chúng sinh, phục sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình là mục tiêu hướng tới. Những năm qua, đóng góp vào thành tích phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các chức sắc, chức việc và đồng bào tín đồ tôn giáo tỉnh nhà nói chung, của Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà nói riêng. Năm 2010, tỉnh Ninh Bình cùng thủ đô Hà Nội và cả nước tổ chức nhiều hoạt động hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Qua cuộc Hội thảo, các nhà khoa học và các đại biểu sẽ có nhiều tham luận quan trọng và hữu ích khẳng định vai trò, giá trị của "Phật giáo thời Đinh và tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước", qua đó thấy rõ trách nhiệm của các tăng, ni, phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.