Qua ý tưởng ““trường học trong chùa”, chùa là trường học” tại Việt Nam Quốc Tự, tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp cho hoạt động giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội bằng hình thức chùa trên đỉnh cao ốc, chúng ta đã thấy Hòa thượng Thích Thiện Tâm, một nhà nghiên cứu giáo dục của Phật giáo Việt Nam, đã tìm hiểu rất sát sự phát triển của giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học, kể cả việc phát triển các cao ốc giáo dục đại học (cơ sở mới của các Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Y Dược TPHCM…) và gồm cả cơ sở những đại học tư thục dân lập.
Vì vậy, theo hòa thượng, chuẩn bị cho cơ sở vật chất trường lớp giáo dục hướng ra xã hội là chuẩn bị cao ốc trường học.
Cao ốc trường học trước đây khoảng 15-20 năm còn là điều xa lạ với hoạt động giáo dục hướng ra xã hội tại Việt Nam, thậm chí, không thể tưởng tượng nổi khi nói ra ý tưởng. Nhưng hiện nay, cao ốc giáo dục ngày càng đồ sộ, cao tầng như cơ sở mới của Đại học Y Dược TPHCM.
Thế nhưng, bây giờ, khi HT Thích Thiện Tâm nói về cao ốc liên hợp chùa – cơ sở giáo dục, thì vẫn có nhiều bạn đọc bất ngờ, nêu ý kiến hoài nghi, thậm chí không tán thành ý tưởng chùa trên đỉnh một cao ốc dùng ưu tiên cho mục tiêu giáo dục.
Nhiều người không tưởng tượng nổi. Có lẽ cũng như cách đây 20 năm, tòa nhà Đại học Y Khoa Sài Gòn do Hoa Kỳ xây dựng theo mẫu những đại học y khoa ở Mỹ có 3-4 tầng đối với tuyệt đại đa số trí thức Việt Nam đã là rất hoành tráng. Không ai nghĩ đến một cao ốc như bây giờ. Và nói đến tầm nhìn cao ốc giáo dục ở thời điểm cách đây 20 năm, thì cũng như bây giờ, HT Thích Thiện Tâm nói về cao ốc chùa – trường học.
Vì vậy, chúng tôi quan tâm tất cả các câu hỏi chất vấn của bạn đọc, ghi nhận và trình HT Thích Thiện Tâm giải đáp qua các bài phỏng vấn. HT Thích Thiện Tâm coi việc phản biện và trả lời phản biện, bảo vệ ý tưởng là một hoạt động học thuật cần thiết, đáng khuyến khích và có lợi cho việc tiến đến một tầm nhìn giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo mang tính thời đại.
HT Thích Thiện Tâm cho rằng ý tưởng chuẩn bị cơ sở giáo dục như thế là quá mới, cần phải được thuyết minh chi tiết bằng các bài phỏng vấn, để tiến đến sự tán thành, đồng thuận ở mức độ cao.
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch Hòa thượng (HT), cơ sở vật chất trường lớp có là quan tâm của một nhà giáo dục?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Sao lại không? Thầy không nghĩ là một nhà giáo dục có trách nhiệm mà không nghĩ đến cơ sở vật chất trường lớp.
Cơ sở vật chất trường lớp là một trong những yếu tố không thể tách rời trong tổ chức hoạt động giáo dục.
Cơ sở vật chất trường lớp là một biểu hiện cụ thể không thể không có của hoạt động giáo dục. Làm giáo dục mà không có cơ sở vật chất trường lớp là bế tắc.
Nhiều nhà hoạt động giáo dục đã để lại dấu ấn của mình bằng cơ sở vật chất trường lớp.
Thầy được biết, ở miền Nam trước năm 1975, giáo sư Hồ Văn Huyên, một nhà giáo dục quan tâm đến cơ sở vật chất trường sư phạm và được giao trách nhiệm xây dựng các trường sư phạm miền Nam những năm 1960, là người đã được nhiều thế hệ giáo sinh ở miền Nam nhớ đến với công lao thúc đẩy xây dựng hệ thống trường sư phạm (cũng là cơ sở sau này phát triển thành các trường đại học sư phạm). Đến khi ông mất, người ta ghi nhận các trường sư phạm mỗi trường đều có kiến trúc riêng biệt rất độc đáo theo chữ cái tên của ông.
(Cười) Nhà giáo xây trường, nhà sư xây chùa. Thầy vừa là nhà sư, vừa là nhà giáo, nên ở đây chúng ta xây “trường trong trường học”, “trường học là chùa”.
CS MT: Kính bạch HT, có bạn đọc nêu xu hướng chuyển đại học ra ngoại thành?
HT TTT: Thầy có nghe nói chuyện đó đối với Hà Nội.
Nhưng ở TPHCM, thì các đại học phát triển bằng cách xây cao ốc, mà thầy ấn tượng nhất là cao ốc Đại học Y Dược (Quả thật, khi nhìn thấy cao ốc đó, cùng với cao ốc Bệnh viện Đại học Y Dược là cơ sở thực tập bên cạnh đại học, thầy thấy an tâm hơn về chăm sóc y tế trong nước).
Một loạt cao ốc trường học được xây dựng ở các quận nội thành TPHCM, trong khuôn viên sẵn có của các trường đại học, hay phá dỡ các cơ sở cũ, là nhà cấp 4, nhà 1-2 tầng cho thấy một xu hướng khác đang diễn ra ở TPHCM.
Mà chúng ta có xác định là sẽ chỉ làm giáo dục hướng ra xã hội riêng ở cấp học nào đâu? Thầy mơ ước vừa có trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, phổ thông, trung học chuyên nghiệp vừa có đại học… đủ các cấp mà.
CS MT: Kính bạch HT, có bạn đọc e ngại là một kiểu cao ốc chùa, dù làm trường học, là không thể mang tính chất Phật giáo Việt Nam, gồm cả 2 tính chất dân tộc và Phật giáo?
HT TTT: Vấn đề này thầy đã nói qua, nay có câu hỏi, nên đi vào sâu hơn.
Phật giáo Việt Nam chúng ta không thể nói chuyện làm giáo dục hướng ra xã hội, như truyền thống Phật giáo Lý – Trần, đỉnh cao phát triển của Phật giáo Việt Nam nếu không có thầy và không có trường lớp.
Vì vậy, trong mục tiêu giáo dục hướng ra xã hội, phát triển truyền thống Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần đã có tính dân tộc và tính đạo pháp. Hướng về mục tiêu giáo dục hướng ra xã hội, chúng ta đã mang trong mình giá trị tinh túy nhất của dân tộc và đạo pháp. Đó là cái hồn cốt của mục tiêu mà chúng ta đang hướng đến.
Hình ảnh học sinh cắp sách đến trường Phật giáo, tăng sĩ Phật giáo đứng trên bục giảng, nói về những giá trị thiêng liêng của dân tộc và đạo pháp, là sự thể hiện tính chất dân tộc và đạo pháp của “trường học trong chùa”, “chùa là trường học”.
Trong một dịp khác, thầy sẽ trình bày sâu hơn về giáo dục như là phương tiện đưa thanh niên đến chùa, giữ gìn đạo Phật ở thanh niên, ở trí thức, ở tầng lớp tinh hoa xã hội, là công cụ hữu hiệu chấn hưng Phật giáo đã được nêu thành 50 năm trước. Những điều đó, nếu thực hiện được, thì không phải chỉ là mang tính chất dân tộc và tính chất đạo pháp, mà đã đạt phẩm chất dân tộc và phẩm chất đạo pháp ở mức độ cao.
Nói thế không phải thầy coi nhẹ yếu tố kiến trúc.
Thầy hỏi lại đạo hữu, chùa ngày nay xây dựng bằng bê tông cốt thép khác rất xa kiến trúc chùa truyền thống, nhất là chùa ở miền Bắc. Vậy, chùa bê tông cốt thép như chùa Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Ấn Quang có mất đi tính dân tộc và tính Phật giáo?
CS MT: Kính bạch HT, chùa Việt truyền thống phần lớn bằng gỗ, cột gỗ, đà gỗ… Nhưng con thấy chùa Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Ấn Quang vẫn mang tính dân tộc và tính Phật giáo. Có lẽ là do mái cong.
HT TTT: Đạo hữu có thấy tính chất dân tộc ở những ngôi chùa có mái cong có sự khác biệt?
CS MT: Kính bạch HT, dạ có, con thấy chùa Vĩnh Nghiêm dường như có tính chất dân tộc đậm nét hơn so với các chùa khác, dù có cùng hình thức mái cong.
HT TTT: Như vậy, tính chất dân tộc ở kiến trúc chùa phụ thuộc nhiều vào kiến trúc sư.
Thầy hỏi thêm đạo hữu, nhưng công trình kiến trúc tiêu biểu được đầu tư nhiều cho tính dân tộc ở nước ta, nếu không có mái cong thì có tính dân tộc?
CS MT: Con thấy những công trình giá trị như Lăng Hồ Chủ tịch, Dinh Độc lập vẫn được dư luận coi là có tính dân tộc rất cao. Chẳng hạn, mặt tiền Dinh Độc Lập nghe nói được tạo hình bằng những đốt trúc, có tính ước lệ, ẩn dụ cho người quân tử.
HT TTT: Vậy nên, thầy nghĩ, tính dân tộc không phải là sao y truyền thống mới có. Vào Sài Gòn lần đầu, thầy vẫn thấy chùa Ấn Quang, Xá Lợi, mang tính chất dân tộc rất đậm nét, dù rằng có những nét rất tân kỳ, thầy chỉ mới thấy lần đầu, như cầu thang lớn ở mặt tiền (chùa Xá Lợi, Từ Nghiêm) hay kết hợp với kiến trúc văn phòng phía dưới (chùa Ấn Quang).
Thầy không rành về kiến trúc, chỉ nói lên cảm nhận của mình. Không nên quan niệm tính dân tộc là phải thấp nhỏ, bằng gỗ, mái cong như chùa cổ.
Tính dân tộc không mâu thuẫn với yếu tố thời đại. Tính dân tộc trong kiến trúc thế kỷ XIX có thể thấy ở Lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, đầu thế kỷ XX có thể thấy ở Lăng Khải Định, chùa Quán Sứ, nhưng cuối thế kỷ XX có thể thấy ở Lăng Hồ Chủ tịch, đồ sộ, hoành tráng.
Thầy thấy ở Đài Loan nhưng cao ốc chùa vẫn mang đậm nét chùa chiền Trung Hoa, đồ sộ hơn nhiều so với chùa trong Di Hòa Viên, nhưng vẫn không lầm với một kiến trúc không phải Phật giáo.
Thầy nghĩ là nên có một cuộc thi thiết kế Việt Nam Quốc Tự với yêu cầu chùa trên cao ốc, diện tích sàn 20.000m2 hoặc hơn nữa, để chọn lấy một mẫu thiết kế đạt nhất về thẩm mỹ, về tính dân tộc và tính Phật giáo.
Thí dụ, để thể hiện tính chất một ngôi chùa Việt Nam, thì có thể ở mặt tiền là một bức phù điêu tượng Phật thật lớn theo mẫu những tượng Phật tiêu biểu của Việt Nam.
Mái cong cũng là một yếu tố, nhưng chúng ta thấy không phải có mái cong mới là mang tính dân tộc, chẳng hạn qua trường hợp Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở TPHCM, theo thầy Thư viện Khoa học Tổng hợp là một kiến trúc không dùng mái cong, nhưng đậm chất dân tộc, nhờ phù điêu và trang trí mặt tiền.
Cổng Viện Đại học Vạn Hạnh khởi đầu có đặt một biểu tượng pháp luân thật to, nhưng xem ra lại không mang tính dân tộc và Phật giáo như kiến trúc cổng sau đó, mà chúng ta còn thấy hiện nay. Cổng này có lẽ đồ sộ hơn bất cứ một cổng trường đại học nào lúc đó ở Sài Gòn.
Việt Nam Quốc Tự là cơ hội vàng trong 300 năm Phật giáo ở đất Sài Gòn – Gia Định. Sau này, có thể không bao giờ Phật giáo TPHCM có được một khu đất lớn ở vị trí trung tâm TP như thế. Vì vậy, có lẽ không nên vội vàng, mà từ từ để nhìn thấy ở đó cơ hội trước tiên cho giáo dục, cho hoằng pháp, cho tu học, cho văn hóa, và có thể cho tài chính kiến thiết Phật giáo nữa.
Thầy nghĩ, nếu tăng ni Phật tử Việt Nam, tăng ni Phật tử TPHCM hôm nay để lại cho hậu thế một quốc tự na ná chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Phổ Quang, có lẽ không gì đáng nói.
Nhưng nếu để lại một trung tâm không chỉ tín ngưỡng, mà đầy đủ diện tích để thế hệ mai sau làm quảng trường, làm trường học, đặt tòa soạn báo có luôn nhà in bên cạnh in báo Phật giáo hàng ngày, có phim trường truyền hình, phòng thu thanh hiện đại làm các chương trình hoằng pháp audio, video chuyên nghiệp, có phòng tập thiền trị liệu, thiền dưỡng sinh, thư viện Phật giáo công cộng, tăng phòng tiện nghi…
Cần 20.000 – 30.000 m2 mà nếu muốn vẫn ở trung tâm TP, thì chỉ có cách cắt cao ốc mà thôi.
Bạn đọc đặt các vấn đề như trên rất đúng, nhưng đó không phải là những vấn đề nan giải.
CS MT: Kính bạch HT, có bạn đọc nêu vấn đề một ngôi chùa – cao ốc có thể bị coi là một ngôi chùa xa hoa?
HT TTT: Đạo hữu vào giảng đường sang trọng, những lớp học tiện nghi, trong Trung tâm mục vụ hay Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, thì có thấy giảng viên, sinh viên, học viên ở đó… xa hoa không?
CS MT: Kính bạch HT, thưa không vì chính con khi vào đó nghe giảng hay như đã dự hội nghị khoa học, thì thấy những thứ đó phục vụ cho mình.
Hồi phổ thông con học trường Hùng Vương, thấy những chiếc xe hơi đưa những vị giáo sư bác sĩ đến Đại học Y khoa, kiến trúc, rất đẹp đối diện trường con, cũng không thấy họ xa hoa chút nào hết. Thưa, đi dạy học chứ không phải đi rạp hát, vũ trường, phòng trà thì sao mà xa hoa? Có những vị giáo sư già mặc áo vest, thắt cà vạt, tài xế phải cầm tay đưa ra xe trông rất thương!
Sau năm 1975, con thấy những vị giáo sư già đó được đèo xe đạp hay xe gắn máy đi dạy, con thấy có gì đó không phải.
HT TTT: Đã làm giáo dục, cao ốc là trường học, thì không có vấn đề xa hoa.
Xa hoa là tiện nghi mà chúng ta hưởng thụ riêng mình hay giải trí.
Thầy nhớ, những năm 1950-1960, nhà cửa trên đường Sư Vạn Hạnh, Bà Hạt, Vĩnh Viễn quanh khu chùa Ấn Quang toàn là nhà gỗ, nhà tôn, thậm chí nhà lá. Chùa Ấn Quang xây 2 sàn bê tông, là kiến trúc nguy nga nhất bấy giờ ở khu đó, nhưng không có ai thấy quý thầy ở chùa Ấn Quang là xa hoa cả, vì đó rõ ràng là cơ sở công ích.
Cảm giác của thầy cũng như tăng ni Phật tử lúc đó đi chùa Ấn Quang, Xá Lợi thì bây giờ như chúng ta vào sân bay quốc tế, nhà hát thành phố…
CS MT: Kính bạch HT, có bạn đọc lại lo ngại nếu xây cao ốc ở Việt Nam Quốc Tự trên đường Ba Tháng Hai thì sẽ không thích hợp với khu phố?
HT TTT: Tổng diện tích khu đất Việt Nam Quốc Tự hiện nay khoảng hơn 10.000m2, thầy nghĩ diện tích đất như vậy, cao ốc sẽ có quảng trường, rất đẹp, đóng góp vào vẻ đẹp chung của khu phố.
Nếu thầy nhớ không lầm thì trên đường Ba Tháng Hai có một số cao ốc đang xây?
CS MT: Kính bạch HT, đúng vậy. Mà ở khu con ở, chiều ngang thửa đất 15m thì được phép xây 9 tầng, còn kế bên khoảng ngang chỉ 20m dài khoảng 25m thì đã được phép xây dựng 12 tầng, rất đẹp, cho thuê hàng tỷ đồng/tháng.
Thầy thì nghĩ ngược lại, trên đường Ba Tháng Hai còn nhiều khu đất lớn, đủ điều kiện xây cao ốc. Nếu ta xây chùa thấp thì sau này chùa sẽ có vẻ thấp hơn. Độ cao trung bình kiến trúc ở đó có vẻ đang tăng, cùng với nhịp tăng chung của cả thành phố. Nhưng đây chỉ là cảm nhận chủ quan.
HT TTT: Đạo hữu học trường nào, có xây cao ốc không?
CS MT: Dạ đều đã xây nhưng Đại học Sài Gòn (đường An Dương Vương) thì chưa thành cao ốc, chỉ khoảng 6-7 tầng gì đó. Tòa nhà Đại học Sân khấu Điện ảnh (đường Cống Quỳnh) thì bây giờ nhìn từ Công viên Lê Thị Riêng đã thấy, trường đặt bảng tên trường trên đó. Cao ốc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là nơi tổ chức Hội nghị Khoa học về Phật giáo Nguyên thủy vừa rồi.
HT TTT: Thầy hỏi để thêm ví dụ những vấn đề bạn đọc nêu rất hữu ích, và có những vấn đề thầy cũng chỉ có thể trả lời một cách chủ quan. Nhưng tóm lại, chuẩn bị cơ sở giáo dục là kiến trúc nhà cao tầng thì chắc chắn phù hợp với xu thế chung, với nhu cầu riêng của Phật giáo, cũng như rất hợp thời.
CS MT: Còn nhiều câu hỏi, con xin trình lên HT trong cuộc tiếp chuyện sau. Thành kính cảm ơn HT.