Trang chủ PGVN Nhân vật HT. Thích Trí Tâm dạy ''Làm Đạo phải bắt đầu từ vũng...

HT. Thích Trí Tâm dạy ''Làm Đạo phải bắt đầu từ vũng sình đi lên''

339

Mỗi khi vào Sài Gòn dự hội nghị Giáo hội hay có Phật sự gì,  Hoà thượng chỉ nghỉ tại một ngôi chùa duy nhất là Trường Thạnh. Tôi nhớ khoảng Tháng 4 – 5/1994, đang trong giờ học ở Trường Cao cấp (nay là Học viện Phật giáo), Thượng tọa Chánh Văn phòng Trường qua lớp đưa tôi mảnh giấy nhỏ, nội dung: “Sáng mai Thầy qua Trường Thạnh sớm, Hoà thượng Trí Tâm cần gặp”. Thời đó, điện thoại di động rất hiếm, Hoà thượng nhắn qua điện thoại văn phòng trường. Đây không phải là lần đầu, hễ vào Sài Gòn là Hoà thượng cho gọi tôi. 

Sáng sớm hôm sau, tôi đến Trường Thạnh, vừa bước vào thì đã thấy Ngài ngồi ở bộ trường kỷ tại phòng khách. Vài ổ bánh mì nóng và hộp sữa Ông Thọ trên bàn, Hoà thượng bảo: “Ngồi dùng với Thầy rồi đi công việc!”. Thú thật, một học tăng như tôi thì có “công việc” gì đâu mà đi, mà làm, nhưng Ngài dạy thì tôi vâng.

Xe lăn bánh đi về hướng Tân Bình, đến chùa Hạnh Nguyện, Ngài đón Hoà thượng Thiện Xuân rồi đi thẳng vào hướng Tỉnh lộ 10 đến chùa Long Thạnh, trao đổi công việc với Hoà Thượng Thích Bửu Ý; sau đó về chùa Hưng Phước hội kiến Hoà thượng Thích Hiển Pháp – Chánh Văn Phòng II Trung ương Giáo hội. Tại đây hai Ngài trao đổi với nhau nhiều Phật sự, nhưng tôi nhớ rõ nhất, trong đó có việc chuẩn bị Lễ khánh thành Bảo tháp Xá lợi ở Tổ đình Giác Lâm mà Hoà thượng Thích Bửu Ý, Phó Chủ tịch TWGH làm Trưởng ban Tổ chức còn Ngài, Hoà thượng Hiển Pháp và một số Hoà thượng khác làm Phó ban. 

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam viếng tang cố Hoà thượng Thích Giác Đạo (từ phải qua HT. Giác Toàn, HT. Trí Tâm, HT. Trí Quảng, HT. Hiển Pháp, HT. Đổng Quán, HT. Thiện Nhơn, HT. Từ Hương, HT. Trí Giác)

“Đi công việc với Thầy”.  Vâng, cái “công việc” của tôi là chỉ đi lơn tơn theo Ngài, nhưng đã cho tôi cơ hội được thân cận các bậc tôn trưởng, qua đó, tôi học được nhiều điều hay về cách ứng xử và ngoại giao với nhau giữa các ngài. Cho đến một lần gặp Hoà thượng Bửu Ý họp ở chùa Ấn Quang, tôi vừa vái chào thì Hoà thượng đã thăm hỏi “tận gốc rễ” của tôi. Tôi cười thầm và nhớ lại lúc cùng Hoà thượng Trí Tâm ngồi ở Long Thạnh, Ngài đã “sưu tra lý lịch” của tôi khá kỹ.

Với Hoà thượng Hiển Pháp, tôi như một đệ tử, một học trò. Chính Ngài đưa tôi vào học Cơ bản (nay là Trung cấp Phật học) rồi giới thiệu tôi nhập chúng chùa Vĩnh Nghiêm. Nhưng sau cái “công việc” đi với Hoà thượng Trí Tâm, tôi được Hoà thượng Hiển Pháp dành cho tình thương nhiều hơn; để rồi sau đó, tôi có nhiều thuận duyên đến hầu chuyện với Ngài gần như hàng tuần, có khi vài ngày.

Mùa Vu lan cuối của thế kỷ 20, Thầy tôi – Cố Hoà thượng Giác Đạo – viên tịch. Tang lễ tổ chức 5 ngày thì Hoà thượng Trí Tâm cũng có mặt 5 năm ngày. Thỉnh thoảng, thấy Ngài ra hành lang xem các lẵng hoa của các phái đoàn đến viếng, lẵng hoa nào, của ai Ngài phân ngôi rồi bảo hiếu đồ đặt theo thứ tự cho phù hợp. Tôi chịu trách nhiệm soạn thảo nội dung văn kiện tang lễ. Ngài cẩn thận bảo tôi mang hết các văn bản cho Ngài xem, Ngài đặc biệt xem kỹ bài tiểu sử và Điếu văn Tưởng niệm của Tông phong. Ngài đọc kỹ và góp nhiều ý quan trọng vào tiểu sử – nhất là thời kỳ Thầy tôi làm Tăng trưởng GHPG Cổ truyền Việt Nam tỉnh Pleiku kiêm Chánh Đại diện Phật giáo Cao nguyên Trung Phần còn Ngài làm Tổng Thư ký Giáo hội kiêm Chánh Đại diện Phật giáo Miền Trung.

Hình ảnh một Hoà thượng ở Nha Trang đôn đáo vào tận Sài Gòn lo lễ khánh thành một ngôi bảo tháp của Môn phái, rồi ra tận Gia Lai trực tiếp điều hành tang lễ của một vị giáo phẩm ở Cao nguyên; cái tinh thần vì tông môn pháp phái, vì cốt nhục linh sơn khiến tôi vô cùng cảm kích và noi theo học hạnh Ngài.

HT. Thích Tâm (giữa) trong lễ giỗ đầu Cố HT. Thích Giác Đạo

Tôi nhiều lần mời Hoà thượng vào Khánh An thăm cho biết ngôi chùa mới nhận, Ngài nói có dịp sẽ đến thăm. Rồi một lần, Ngài gọi tôi, hỏi “Đang ở đâu”. “Bạch Hoà thượng con đang ở Khánh An” – Tôi nói. “Này, nói chuyện với anh tài xế nhé” rồi Hoà thượng chuyển máy cho anh lái xe. À, thì ra Ngài hỏi đường đến thăm Khánh An. Đó là một buổi sáng năm 2000. Lúc Hoà thượng đến, tôi tiếp Ngài … ngoài hiên, trước sân chùa. Uống vài chun trà, trò chuyện một lúc, Hoà thượng bảo mở cửa để Ngài vào dâng hương cúng Phật. Thầy Trí An vội vào mở cửa chùa. Lúc đó tôi thưa: “Bạch Hoà thượng, Hoà thượng đứng ngoài bái Phật được rồi, vì bên trong … nước ngập”, nhưng Ngài chỉ cười rồi xắn ống quần lội vào chùa dâng hương. Bái Phật xong, Ngài đi một vòng “tham quan”. Ra phía sau, thấy phòng tôi ở chung với … bàn vong. Hoà thượng nói: “Phòng gì mà …. ở đông thế!”. Tôi và Hoà thượng cùng cười thật thoải mái. 

Hầu chuyện xong, tôi tiễn Hoà thượng ra xe những hỡi ơi, chuyện dỡ khóc dỡ cười, chiếc xe bị lầy gần nữa bánh, tài xế không cách nào lái ra được, tôi phải vội qua hàng xóm nhờ mấy anh thanh niên phụ đẩy dùm.

Tôi nhìn Hoà thượng với vẻ hối lỗi, Hoà thượng ôn tồn nói: “Làm Đạo phải bắt đầu từ vũng sình đi lên mới có ý nghĩa, mới có giá trị TC ạ! Thăm chùa thế này, Thầy trò mới có kỷ niệm chứ”. Nói xong, Ngài cười thật thoải mái.

Chiếc xe trắng, mang biển số Khánh Hoà lấm lem ra khỏi chùa một cách nhọc nhằn, chở theo bậc cao đức lội sình vào thăm Khánh An rồi xắn quần vào lễ Phật dần khuất sau hàng cây. Tôi nhìn theo mà mắt nhoà đi hồi nào không biết!

 

Chụp với Hoà thượng năm 2013 tại Quảng Ninh

Năm 2008, lần đầu tiên Đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam, tôi được phân công điều hành chính Lễ Đốt nến cầu nguyện hoà bình, Hoà thượng là Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, chủ lễ cho sự kiện này. Đại lễ có lãnh đạo quốc gia, các vị Tăng  thống, Pháp chủ, Chủ tịch, Tông trưởng của các Giáo hội, Giáo phái Phật giáo của gần 100 quốc gia trên thế giới và hơn 20 nghìn Phật tử tham dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, có truyền hình trực tiếp của đài truyền hình TW. Vì tính chất quan trọng của Đại lễ, nhà đài đến gặp tôi để trao đổi kịch bản.

Sau khi trình bày nội dung chương trình Đại lễ, Nhà đài xin gặp Hoà thượng Trưởng ban Nghi lễ. Tôi  liên hệ qua điện thoại, Ngài bảo hai hôm nữa Ngài mới có mặt ở Hà Nội. Cô nhà đài nói “Chương trình truyền hình trực tiếp của chúng tôi phát đi toàn quốc, được tính bằng giây mà không gặp được Hoà thượng chủ lễ thì sao thực hiện được”. Tôi nói với cô nhà đài là do cô không có lịch đặt trước với lãnh đạo Giáo hội, hơn nữa cũng còn quá sớm để thực hiện chương trình.

Cuối cùng, qua vài cuộc điện thoại, Hoà thượng nói “Phần của Ông này (danh xưng HT hay dùng) chỉ niêm hương cúng Phật khoảng 3 phút, còn lại giao TC tính hết đi”. Tôi mỉm cười, trò chuyện cởi mở: “Thế Hoà thượng tin tưởng giao cho con à? Ngài cười lớn: “Giao tất”. Đó là lý do tạo sao mà MC “bao” luôn phần nghi lễ trong sự kiện đó.

Năm 2013, Nhân lễ kỷ niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông niết bàn. Đoàn Đại biểu các tỉnh ở tại một khách sạn lớn ở Quảng Ninh – lại là duyên – phòng tôi ở cũng gần phòng Hoà thượng. 

Sáng sớm, tôi qua phòng hầu trà với Ngài. Lúc này, sức khỏe đã yếu lắm, vậy mà Ngài ngồi rất lâu chơi với tôi, nhắc lại chuyện quá khứ, những câu chuyện thật cảm động, những tình cảm đặc biệt giữa Ngài với Bổn sư tôi, với bố tôi …. Tôi ngồi lặng lẽ nghe  quá khứ hiện về.

Mới năm ngoái đây, trong chuyến hoằng pháp một số chùa ở Nha Trang, tôi ghé qua Nghĩa Phương thăm, đảnh lễ Ngài. Với thân thể tiều tụy Ngài vẫn ra tiếp. Không dám làm phiền, tôi chỉ dâng lễ rồi cáo lui. Hình như đọc được tư tưởng tôi, Ngài cười nhẹ và nói “Đi đâu mà vội vậy, Thầy còn khỏe mà!”.

Chụp với Hoà thượng tại Tổ đình Nghĩa Phương lần cuối 10/2016

Vâng, “Thầy còn khỏe mà!”, dư âm như còn văng vẳng đâu đây, vậy mà sáng sớm nay, vừa công phu xuống, Hoà thượng Trí Thạnh gọi báo “Hoà thượng Trí Tâm tịch rồi con!”.

Tôi ngồi lặng đi một chút, hít thở nhẹ và sâu, lòng hướng về Ngài. Dù ở xa, tôi vẫn dõi theo sức khỏe của Ngài, biết là thời gian không còn bao lâu với Ngài trên đời. Thế nhưng khi cái tin thật đến thì lại hoài nghi!

Ôi! Sóng biển lặng lờ, mây mờ núi Phượng, dấu xưa lặng khuất, nhẹ bước rong chơi. Nghĩa Phương kia ngôi đường chủ xa khơi, miền cát trắng sóng bạc màu khăn trắng.

Tâm thành tưởng niệm, một nén hương lòng, kính dâng lên bậc Tượng long, nguyện Ngài cõi phàm tái hiện.

Xin bái biệt Hoà thượng!

Sài Gòn, ngày 11.10.2017