Trang chủ Văn hóa Nghi lễ HT. Thích Trí Quảng: Chỉ thống nhất nghi lễ long trọng của...

HT. Thích Trí Quảng: Chỉ thống nhất nghi lễ long trọng của PG (*)

94

Hôm nay, một lần nữa chư Tôn đức Ban Trị sự và Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đồng vân tập về tại thành phố xứ Trầm Hương, Khu du lịch Vinpearl – Hòn tre, Trúc Lâm Tịnh Viện và tại số 09 Hoàng Diệu, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tham dự Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ hai do Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức.

Thay mặt, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, tôi xin gửi đến chư Tôn giáo phẩm, chư vị khách quý, quý Đại biểu và Phật tử lời chúc mừng trân trọng nhất, kính chúc Hội thảo Nghi lễ Phật giáo lần thứ 2 thành công tốt đẹp.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, Nghi lễ luôn là một trong những nhân tố quan trọng để xương minh Phật pháp, bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo trong lòng dân tộc.

Trong các sinh hoạt của Tự, Viện, Tăng Ni và Phật tử, nhất là đời sống tâm linh, Nghi lễ luôn có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Chính những bài pháp ngữ, những bài tán tụng v.v… đều hàm chứa những tinh hoa Phật học, những yếu nghĩa giải thoát, đồng thời qua các lễ nghi được thực hiện đã chuyển tải nội dung giáo dục hoàn thiện đạo đức cá nhân cũng như đạo đức xã hội, nhằm mục đích xây dựng một cuộc sống an lạc, hạnh phúc, hiền thiện theo truyền thống Phật giáo và Dân tộc qua các giai đoạn của lịch sử, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu của Giáo hội và đất nước.

Sau Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, các Ban, Viện Trung ương đã tiến hành tổ chức lễ ra mắt nhân sự và hoạch định chương trình hoạt động Phật sự theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Đặc biệt là kể từ sau Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 1, Ban nghi lễ Trung ương và các Tỉnh, Thành đã tích cực triển khai nhiều công tác thiết thực, hình thành nhiều Tiểu ban đặc trách của Ban Nghi lễ như Nam tông, Khất sĩ, Người Hoa, tham gia và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản, Đại lễ tưởng niệm 700 ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, Đại lễ Phật giáo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu anh hùng liệt sĩ trên khắp các Tỉnh, Thành từ Điện Biên đến Cà mau, Hải đảo và nhiều công tác Phật sự quan trọng khác được Ban Nghi lễ Trung ương triển khai, thực hiện.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong các nhiệm kỳ qua, nhiều Ban Trung ương đã tiến hành tổ chức Hội thảo như: Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hóa, Ban kinh tế Tài chính Trung ương tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, miền Trung, Cao nguyên Trung phần và miền Tây; hôm nay, nơi thành phố biển Nha Trang, Ban Nghi lễ Trung ương phối hợp với Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa tổ chức Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2, là một chứng minh hùng hồn và cụ thể cho chương trình hoạt động của Ban Nghi lễ Trung ương nhiệm kỳ VI (2007 – 2012).

Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần này là một việc làm hết sức cần thiết, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo chủ đề chính của Hội thảo “NGHI LỄ PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH” đề ra, vì đây là tiền đề để chúng ta xây dựng chương trình hoạt động của ngành Nghi lễ, vừa phù hợp với truyền thống, vừa phù hợp với những đặc thù của từng vùng miền, từng Hệ phái; bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể Phật giáo trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.

Qua Diễn văn khai mạc, báo cáo sơ kết công tác giữa nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) của Ban Nghi lễ Trung ương, chúng tôi đánh giá rất cao những thành quả đạt được của Ban Nghi lễ và những nỗ lực của Ban Tổ chức.

Trung ương Giáo hội xin chia sẻ những khó khăn của Quý Ban và tin tưởng rằng, từ đây những dị đồng trong nghi lễ của từng vùng, miền, của Hệ phái sẽ được khắc phục bằng tinh thần đoàn kết hòa hợp, cùng nhau chung lo Phật sự để không ngừng hoàn thiện tổ chức và phát triển từ nội dung đến hình thức của ngành Nghi lễ trong đại gia đình Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trung ương Giáo hội vô cùng hoan hỷ, đó là những khó khăn, những vấn đề cần được hỗ trợ giải quyết đã được Quý Ban nhận ra, phân tích nguyên nhân, thẳng thắn góp ý trong tinh thần xây dựng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự ủng hộ của các Ban, Viện Trung ương, của chư Tôn đức Tăng Ni, các nhân sĩ trí thức để đề ra phương hướng hoạt động cụ thể, những biện pháp khả thi, tính thống nhất và đồng bộ trong các hoạt động của ngành Nghi lễ sẽ được chư Tôn đức đại biểu, các học giả, nhà nghiên cứu thảo luận và góp ý.

Qua các ý kiến phát biểu, chúng tôi có một số gợi ý như sau:

1. Chúng ta có thể tĩnh lược đi từ thống nhất Nghi lễ ba Miền, chỉ thống nhất Nghi lễ, chương trình các lễ trọng trong Phật giáo như: Phật đản, Vu lan, Thành đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Bồ tát Quảng Đức, Lễ húy kỵ Đức Pháp chủ, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ I GHPGVN, nghi lễ Đại hội Phật giáo, tấn phong v.v…

2. Duy trì Nghi lễ truyền thống từng vùng, từng miền, Môn phái, Hệ phái để tiện bề soạn thảo nghi lễ theo đặc thù của từng địa phương, hệ phái mà không làm ảnh hưởng đến nghi lễ chung của GHPGVN.

3. Hỗ trợ các Hệ phái hoàn thiện nghi lễ, chương trình nghi lễ theo biệt truyền, đây là sắc thái đặc biệt của GHPGVN.

4. Mở lớp đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ kế thừa về Nghi lễ do Ban Nghi lễ Trung ương kết hợp địa phương tổ chức tại một, hai hoặc ba điểm thuận tiện nhất trong cả nước.

5. Biên soạn giáo trình giảng dạy về nghi lễ tại các Trường Phật học, các khóa An cư Kiết hạ.

6. Mỗi năm, các ngày Lễ lớn của Phật giáo nên xuất bản Đặc san Nghi lễ, do Ban Nghi lễ Trung ương làm chủ biên.

7. Kết hợp Ban Tăng sự chấn chỉnh Nghi lễ hình thức các Đại Giới đàn, tham gia một cách tích cực trong công tác tổ chức các Đại Giới đàn, và có ý kiến quyết định mang tính hiệu lực về vấn đề Nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

8. Ấn hành và phổ biến rộng rãi trong cả nước về quyển Nghi thức tụng niệm bằng tiếng Việt sau khi đã hiệu đính xong.

9. Phối hợp với Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Tăng sự để thống nhất cho Tăng Ni các trường Phật học được nghỉ học vào những ngày lễ của Giáo hội như: Kỷ niệm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Bồ tát Quảng Đức, Lễ Húy kỵ Hòa thượng Pháp chủ, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ I.

10. Kết hợp với Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Tăng sự để có quyết định cụ thể hay tu chỉnh phần y phục của Tăng Ni trong Nội quy Ban Tăng sự Trung ương cho rõ ràng và có tính hiệu lực.

Tôi tin tưởng với sự đoàn kết hoà hợp, sự đồng tâm hợp lực, trí huệ tập thể, sự hỗ trợ của Giáo hội và của các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự, Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Ban Nghi lễ Trung ương sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao và mục tiêu đã đề ra.

Về phần mình, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ lưu tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hoạt động của ngành Nghi lễ đạt được kết quả hữu hiệu trong nhiệm kỳ VI và những nhiệm kỳ tiếp theo.

(*) Nguyên văn đạo từ của HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN tại Hội thảo Nghi lễ PG toàn quốc, Nha Trang 10/2010