Nhân kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2006), Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chư tôn giáo phẩm, tăng ni, Phật tử, các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo cả nước đều có một nguyện vọng được thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam dưới một mái nhà chung. Xin Hòa thượng cho biết những yếu tố nào đã góp phần đưa nguyện vọng đó trở thành hiện thực?
Trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc, danh xưng dù có khác nhau nhưng sự nghiệp chung của Phật giáo Việt Nam vẫn là hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Trong những thập niên trước năm 1975, Phật giáo Việt Nam tuy đã có tổ chức và thực hiện các cuộc vận động thống nhất Phật giáo, nhưng nhìn chung chưa có cuộc vận động nào mang được trọn vẹn ý nghĩa của nó trước khi ra đời như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, một phần do hoàn cảnh khách quan của đất nước lúc đó còn bị chia cắt, một phần do những dị đồng chưa thể hóa giải các đệ tử Phật môn cùng chăm lo Phật sự. Vì vậy, các tổ chức Phật giáo trước đây tại Việt Nam chưa hội đủ các yếu tố để hợp thành một khối thống nhất đúng ý nghĩa, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, yêu nước của toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam.
Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, là bối cảnh vô cùng thuận lợi, là động lực để chư tôn giáo phẩm, tăng ni, Phật tử các tổ chức giáo hội, hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng. Đây chính là duyên khởi của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tháng 11/1981 tại Chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội đã quy tụ 9 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước bao gồm Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo Quán; Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Hội Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ và Hội Phật học Nam Việt.
Kể từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, đại diện cho tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước để thực hiện mọi hoạt động Phật sự theo hướng đi lên của thời đại trong suốt 25 năm qua.
Xin Hòa thượng cho biết những thành tựu Phật sự cơ bản mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được trong 25 năm thành lập và phát triển?
Là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn thực hiện đúng phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập được 53 Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong cả nước có khoảng 40.000 chức sắc, nhà tu hành với 14.000 tự viện, trong đó, 405 tự viện Phật giáo được Nhà nước cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hệ thống đào tạo tăng tài rộng khắp với 4 Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ, ngoài ra còn có 6 lớp cao đẳng, 30 trường trung cấp Phật học và hàng trăm trường Phật học cơ sở. Gần 200 tiến sĩ, thạc sĩ Phật học đã và đang được đào tạo ở nước ngoài.
Thực hiện tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật, gắn với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, các tỉnh thành hội Phật giáo cả nước đã hướng dẫn tăng ni, Phật tử tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu trang nghiêm, long trọng đối với những người đã khuất; thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, người nghèo khó, tàn tật, cô đơn.
Tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, các cấp Giáo hội đã xây dựng các Tuệ Tĩnh đường, hơn 650 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc; tổ chức khám và phát thuốc miễn phí trị giá trên 23 tỷ đồng.
Các cấp Giáo hội còn mở hơn 160 lớp học tình thương, cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật với gần 6.500 em theo học. 25 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã huy động hàng trăm tỷ đồng, hàng chục tấn gạo, quần áo, thuốc men cho công tác từ thiện xã hội.
Xin Hòa thượng cho biết công tác Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới?
Những thành quả mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được trong thời gian qua đã khẳng định một ưu điểm lớn, quyết định sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiếp nối tinh thần đoàn kết hòa hợp trong lòng dân tộc và sự lãnh đạo sáng suốt có kỷ cương của Giáo hội, cùng sự tích cực phục vụ Đạo pháp của tất cả tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, sự hỗ trợ chân tình của các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thành quả, các tiền đề đã đạt được và thực hiện hữu hiệu lý tưởng bảo vệ Đạo pháp dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Thành quả đạt được của Giáo hội sẽ kết thành những bông hoa tươi thắm trong tinh thần đoàn kết hòa hợp của người con Phật, để chào mừng Đại hội Phật giáo các tỉnh, thành và Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI