Trang chủ Tu học Pháp thoại HT.Thích Thanh Từ: Những ưu đãi trong đường tu của tôi

HT.Thích Thanh Từ: Những ưu đãi trong đường tu của tôi

2243
Tôi thường tự mừng và khoe với đại chúng rằng tôi được Tam Bảo ưu đãi trên đường tu, ưu đãi rất là trọng hậu. Những ưu đãi đó tôi xin kể theo thứ tự:
1. Điểm ưu thứ nhất:
Tôi gốc là người ngoại đạo, không biết gì về đạo Phật cả, cha mẹ tôi không biết đạo Phật, bản thân tôi cũng không biết đạo Phật, mà ham tu. Như vậy ham tu là một chủng tử trong quá khứ, chớ không phải ở hiện tại. Tôi nghe ông thân bà thân tôi kể lại: Khi được sanh ra thì tôi đau yếu luôn, các chị gái của tôi cũng vậy, chỉ sống được năm, bảy tháng thôi. Đến phiên tôi thì èo uột, nên trong nhà sợ lắm. Có một số đạo hữu biết tụng kinh nên mới rủ cha mẹ tôi nhập môn.
Muốn bảo đảm cho tôi được sống nên ông thân tôi mới nhập môn theo đạo Cao Đài. Coi như tôi là nhân tố đưa gia đình theo đạo Cao Đài. Như vậy tôi theo đạo khi mới lọt lòng mẹ, nhưng điều đặc biệt là sao tôi lại thích đạo Phật. Tuy thích đạo Phật nhưng không biết làm sao đến chùa, cũng không biết thưa hỏi với ai. Chỉ biết là lúc nào tôi cũng muốn tu Phật thôi. Tôi nghĩ đó là chủng tử quá khứ chớ không phải mới. Vì thế khi phát tâm đi tu, thật tình tôi không biết chọn lựa, vì có từng vào chùa đâu mà biết nơi nào hay nơi nào dở, nơi nào đáng học, nơi nào không.
Việc đi tu của tôi đối với đạo Phật là một việc đánh liều, vì ham tu nên đi tu, không lựa chọn nơi chốn để tu, cũng không nghĩ có thể làm lợi ích cho Phật pháp mai sau. Song nhờ Tam Bảo gia hộ tôi đi đúng chỗ. Vừa bước chân vào đạo là tôi đi thẳng vào Phật học đường, nơi Hòa thượng Viện trưởng đang dạy học. Hòa thượng đang dạy Sơ đẳng Phật học năm thứ ba thì tôi vào chùa. Ngài chấp nhận cho tôi tu và cho học năm thứ ba Sơ đẳng mà thật tình tôi chưa biết “chữ nhất”, vì tôi đã mất hai năm học đầu. Như vậy tôi học đạo thật là không có thứ tự lớp lang chi hết. Nhưng tôi được Hòa thượng thương, đưa cho tôi những kinh sách in sẵn của Ngài để theo đó mà dò.
Nhất là lúc ấy tôi lại có một chú Thiện hữu tri thức còn nhỏ, là anh chú bác với Đắc Huyền, hiệu là Thanh Đức. Tuy còn nhỏ để chóp, nhưng chú rất thông minh, giỏi chữ Hán, chú tiểu gọi tôi bằng chú. Hai chú cháu học chung với nhau, chú tiểu đọc chữ Hán tôi giải nghĩa. Tôi không thuộc mặt chữ nhưng đọc đến đâu tôi biết giải nghĩa đến đó, hai chú cháu hợp tác với nhau học được một năm đến cuối lớp Sơ đẳng bước lên Trung đẳng.
Khi tôi bắt đầu vào đạo năm 1949, ở dưới quê được vài ba năm, đến năm 1953 thì Hòa thượng Viện trưởng cho tôi và một số huynh đệ về nhập học tại Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang. Thế là chúng tôi bắt đầu vào lớp Trung đẳng Phật học. Khi còn ở quê, mấy năm sau lớp học Hòa thượng dạy chỉ còn có hai người: bên Tăng là tôi, bên Ni là cô Trí Định, mà Hòa thượng vẫn giảng dạy đều, nên khi lên Ấn Quang học chúng tôi theo kịp huynh đệ không có gì gọi là khó khăn. Như vậy Tam Bảo đã ưu đãi tôi nên xui khiến tôi đi trúng chỗ, nếu không tôi sẽ đi vào các chùa làm thầy cúng, cứ lo đi cúng kính hoài, không biết rồi đời tu của tôi sẽ ra sao?
Tôi thuộc về loại người cứng đầu, coi hiền nhưng cứng đầu. Tu theo đạo Cao Đài tôi không thỏa mãn, vì có những điều tôi thấy dường như không thật nên tôi từ chối không theo. Khi đến với đạo Phật, nếu tôi vào chùa chỉ lo cúng kính, chắc tôi sẽ bỏ cuộc, hoặc là hoàn tục, hoặc lên núi non tu theo ngoại đạo không biết chừng.
Kiểm điểm lại, tôi thấy Tam Bảo đã ủng hộ tôi, hậu đãi tôi. Không biết lựa chọn, cũng không quen với ai mà khi tôi bước vào chùa lại trúng ngay Phật học đường, lại được Hòa thượng Viện trưởng chỉ dạy. Ngài là một vị Giáo thọ đầy đủ đức và tài, sau này được mời lên chùa Ấn Quang (Phật học đường Nam Việt) làm Đốc giáo, tức là Hiệu trưởng. Theo thế gian nói, tôi như chuột rơi vào hũ nếp! Tôi chỉ biết ham tu, và đi vào chỗ đúng như sở nguyện. Có nhiều người xuất gia trước tôi năm mười năm, bây giờ là Trụ trì, chỉ lo cúng kính thôi, chớ không thông hiểu đạo lý bao nhiêu, thật là đáng thương.
2. Điểm ưu thứ hai:
Tôi là con người có tật không chịu dừng, cũng không biết đủ trong khi tìm kiếm một cái gì. Vì thế khi học lớp Trung học Phật giáo, tôi được đọc các quyển kinh mà những dịch giả nào là ngài Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, nào là ngài Tam tạng Huyền Trang…, các Ngài đều thông suốt Tam tạng giáo điển, còn riêng tôi không biết gì, chỉ được học năm, ba quyển kinh, thì làm sao có đủ tư cách là người sau này lãnh trách nhiệm làm lợi ích cho nhiều người!
Cho nên tôi ước mơ làm sao mình có được Tạng kinh để tìm xem trong ấy dạy những gì? Nếu không có Tạng kinh thì coi như đời tu của mình chỉ có một hai mảnh vụn của Phật pháp thôi. Cái mơ ước đó của tôi rồi cũng được toại nguyện. Tức là khoảng năm 1961 đạo hữu Minh Đạo và gia đình phát tâm thỉnh cho tôi Tạng kinh. Cũng năm đó tôi bị bệnh phổi phải nằm bệnh viện, và sau đó tôi lên Phương Bối ở Bảo Lộc cất thất tên là Thiền Duyệt thất để dưỡng bệnh.
Nói đi dưỡng bệnh mà thật tình tôi đọc kinh. Khai Tạng kinh ra đọc, tôi mới biết còn bao nhiêu quyển kinh tôi chưa từng biết. Nhất là mấy bộ A-hàm, càng đọc tôi thấy càng hay. Nhớ lại các bộ kinh Đại thừa tôi thấy làm như tôi mất lòng tin. Tại sao vậy? Vì kinh A-hàm thực tế và cụ thể quá, kể những câu chuyện rõ ràng, còn các kinh Đại thừa kể chuyện đâu đâu.
Ví dụ như trong kinh Kim Cang ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao hàng phục được tâm mình? Phật bảo: Muốn hàng phục tâm mình thì phải độ tất cả chúng sanh, nào là có sắc, không sắc, cho đến có tưởng, không tưởng v.v…, độ tất cả vào Vô dư Niết-bàn. Đọc đến đây tôi nản quá: Vô dư Niết-bàn tức là Niết-bàn của hàng A-la-hán, sau khi chứng quả nhập Niết-bàn.
Mình bây giờ là Phàm tăng chưa có cái gì hết, làm sao độ người vào Vô dư Niết-bàn? Chẳng những độ người mà phải độ tất cả chúng sanh… tính chừng bao nhiêu? Vô biên vô số thì làm sao độ. Độ tất cả vào Vô dư Niết-bàn mà mình chưa được Niết-bàn thì làm sao độ được! Đến đây tôi cứ thở dài, rồi nói: Mình học kinh mà không có thực hành gì được, Phật nói chuyện cao xa trên trời trên mây đâu không.
Rồi tôi đọc thêm kinh Pháp Hoa, lại khổ nữa. Nhất là trong phẩm “Hiện Bửu Tháp” Phật đang nói pháp bỗng dưng có cái tháp dưới đất chui lên lững lờ trên hư không v.v…, chuyện không sao tin nổi. Đến phẩm “Tùng Địa Dũng Xuất” cũng vậy, Phật đang nói kinh, rồi đất rung động nứt ra, Bồ-tát ở dưới đất vọt lên vô số…, sao kỳ lạ quá không thể tin được.
Tự nhiên tôi thấy như mất lòng tin nơi kinh điển Đại thừa. Lúc ấy khi dạy Tăng Ni tôi có nói một câu mà sau này tôi sám hối, tôi nói rằng: “Kinh điển Đại thừa phải để trên trang mà thờ, chớ không có ứng dụng được, vì dạy chuyện đâu đâu, làm sao ứng dụng.” Tôi nói như vậy là thấy tôi mất lòng tin đến mức nào!
Lúc ấy tôi chỉ tin các kinh A-hàm, cụ thể và thực tế. Nên khi nằm ở Thiền Duyệt thất trên Phương Bối, tôi soạn dịch ra những bài kinh A-hàm có đủ tánh cách cần thiết để dạy cho Tăng Ni. Mỗi bộ A-hàm tôi đều trích dịch một quyển và thầm nguyện để đền ơn Thầy Tổ và đàn-na thí chủ thì mình phải dạy dỗ lại một số Tăng Ni.
Tôi soạn dịch chương trình đó xong và có ý ngầm sau khi hết bệnh tôi sẽ mở lớp dạy chư Tăng. Đó là một chương trình chuyên khoa, chư Tăng chuyên học Kinh điển để sau này ra làm Trụ trì hoặc làm Phật sự.
3. Điểm ưu thứ ba:
Đến cuối năm 1962, tôi trở về thành phố ở trong An Dưỡng Địa. Tôi cất một cái thất lá ở riêng, vì có mặc cảm bị bệnh phổi mà ở chung sợ lây bệnh cho chúng tội nghiệp (mặc dù lúc ấy tôi đã hết bệnh).
Khi ấy Hòa thượng Giám đốc Ấn Quang và Hòa thượng Đốc giáo tức là Thầy tôi bảo: “Thanh Từ hết bệnh về Ấn Quang tiếp dạy.” Tôi thưa: “Vì bệnh con là bệnh phổi ở chung trong chúng không được tốt, hơn nữa ở Ấn Quang ồn quá. Quí Hòa thượng bảo con dạy, xin mở trường tại An Dưỡng Địa này, con mới có thể làm việc được.”
Chính Hòa thượng Giám đốc đứng ra lo cất trường Huệ Nghiêm năm 1963. Tôi mới nghĩ ra chương trình chuyên khoa dạy Tăng Ni trong vòng ba năm để đền ơn Thầy Tổ và đàn-na thí chủ. Tôi mới mời Hòa thượng Bửu Huệ và Hòa thượng Thiền Tâm cùng về hợp tác mở trường chuyên khoa và chỉ nuôi ba mươi Tăng sinh. Chúng tôi vận động thì có cư sĩ ủng hộ nuôi từng vị trong vòng ba năm.
Lớp học đó bây giờ còn có mặt ở đây là Phước Hảo, Thiện Phát, Nhật Quang. Tôi nghĩ rằng chúng Tăng học trong ba năm có thể hiểu vững được căn bản Phật pháp. Lúc ấy chư Ni bên Dược Sư cũng phát tâm xin mở một lớp chuyên khoa như vậy, có các vị Ni lớn dự học, lớp ấy cũng do chúng tôi chịu trách nhiệm.
Như vậy chúng tôi thay phiên nhau giảng dạy một lớp Tăng ở An Dưỡng Địa và một lớp Ni ở Dược Sư, dự định ba năm là tròn bản nguyện của chúng tôi. Nhưng vừa được một năm rưỡi tức là khoảng cuối năm 1964 thì Viện Hóa Đạo cho ba trăm Tăng vào ở tại Huệ Nghiêm. Thành thử chúng tôi phải lo cai quản luôn tất cả và mở thêm các lớp phụ vừa học đời vừa học đạo. Chúng tôi lãnh trách nhiệm vừa lớp chuyên khoa và các lớp phụ cho đến năm 1966, là xong bản nguyện ba năm giảng dạy của chúng tôi.
Thế là Tam Bảo đã ưu đãi tôi rồi, phải không? Ước mơ có Tạng kinh để mò mẫm nghiên cứu thì có Tạng kinh. Dự định dạy ba mươi Tăng thôi, thì có thêm một lớp Ni số học chúng cũng tương đương. Sau đó lại trông coi thêm ba trăm Tăng nữa… muốn một mà thành ba thành bốn. Như vậy có phải là Tam Bảo đã ưu đãi tôi không? Muốn ít mà được nhiều.
4. Điểm ưu thứ tư:
Sau ba năm giảng dạy tuy biết việc ở Học viện còn bề bộn, và biết rằng Thầy tôi sẽ buồn, nhưng tôi cũng xin rút lui ra Vũng Tàu cất thất ở và đặt tên là Pháp Lạc thất. Thật ra tôi ham tu Thiền. Khi vào đạo tôi đọc lịch sử đức Phật thấy Ngài ngồi thiền dưới cội bồ-đề và thành Phật.
Còn tôi bây giờ niệm Phật hoài, buồn quá, Phật đâu có niệm Phật mà Ngài thành Phật, tại sao mình không tu giống Phật, mình không phải đệ tử Phật sao?
Vì thế tôi quyết định tu Thiền. Tôi ham tu thiền mà không thầy dạy, nên tôi mò trong Tạng kinh đọc những bài nói về Thiền. Về Thiền nguyên thủy tôi còn hiểu được, về Thiền tông tôi cứ lắc đầu không hiểu nổi, các Thiền sư nói như đùa vậy, hỏi một đường đáp một ngả đâu đâu, nhiều khi còn hung hăng đánh nạt, làm nhiều chuyện quái gở không chịu nổi.
Vì vậy tôi không tin Thiền tông mà chỉ ứng dụng tu theo Thiền Lục Diệu Pháp Môn, môn Thiền này gồm cả Nguyên thủy và Đại thừa do ngài Trí Khải đại sư dạy.
Tôi thật tình ham tu thiền, mà tiến thì không tiến được vì không người chỉ bảo hướng dẫn, phải tự mò mẫm. Trong Lục Diệu Pháp Môn, đầu tiên là Sổ tức, kế đó là Tùy tức, rồi Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Sổ tức là đếm hơi thở, tôi làm tốt, qua Tùy tức là theo hơi thở vô ra tôi làm cũng được. Nhưng đến Chỉ, chỉ là dừng, trong đó dạy phải dừng ở trán hoặc ở đầu mũi, hoặc dừng chỗ quả tim nơi ngực, hoặc dừng ở rún. Khi tôi dùng pháp “Chỉ”, tôi dừng ở trán thì nhức đầu, tôi dừng ở ngực thì nghe nhói tim, tôi dừng ở rún thì buồn ngủ. Dừng chỗ nào cũng không được, thành ra tới Chỉ thì tôi bế tắc không làm sao tu được. Thật là khổ! Tôi quyết tu, mà chặng một chặng hai tôi bước qua được nhưng đến chặng ba thì bị bế tắc.
Không biết làm sao, tôi bèn chuyển qua Ngũ Đình Tâm Quán tức là năm pháp quán để dừng vọng tâm, gồm có: quán bất tịnh, quán từ bi v.v… tôi sử dụng pháp quán thân bất tịnh, quán cho đến nó hoại ra. Sách dạy quán thân bất tịnh đến khi nào nhớ tới thân, mình cảm thấy rợn người, chịu không nổi muốn ụa mửa, là thành công quán bất tịnh. Nếu ngay đó mà tiếp tục quán nữa thì chịu không nổi, chán quá rồi có thể tự tử hoặc mượn người khác cắt cổ giùm, chớ không mang nổi cái thây ma này nữa.
Khi xưa có một lần đức Phật dạy một số Tỳ-kheo quán bất tịnh. Các ngài tu quán bất tịnh đến thuần thục, gớm thân chịu không nổi, nên mượn người khác làm ơn chặt đầu giùm, bao nhiêu y bát xin cúng dường lại. Ông đó giết giùm một lúc mấy mươi thầy Tỳ-kheo. Sau đó, đến ngày tụng giới, họp chúng lại, Phật thấy số thầy Tỳ-kheo sao thưa thớt, còn ít quá, mới hỏi lý do. Khi biết các thầy mượn người ta chặt đầu giùm, Phật mới quở: Ta dạy các ông quán bất tịnh để trị bệnh tham dục, chớ không phải quán bất tịnh để mà tự tử, như vậy là sai rồi.
Phật bảo sau khi quán bất tịnh thành tựu rồi, tức là nhớ tới thân mình thì gớm đến rởn óc, thì phải trở qua quán tịnh. Pháp quán tịnh dạy: Tưởng như mình xẻ da thịt ra một lằn thấy xương trắng (chớ không phải lấy dao xẻ) mình tưởng nó từ là xương trắng mờ mờ, rồi lần lần nó trắng ra cho đến chừng nào nó phát quang là thành tựu quán tịnh.
Sau khi quán bất tịnh rồi, tôi áp dụng pháp quán tịnh. Tôi tưởng xẻ da thịt ra, rồi tôi quán, sao đau đầu quá, chịu không nổi tôi ngừng. Kế tôi chẻ thêm chỗ khác và quán nữa, đầu tôi nóng và nhức, chịu không nổi. Tôi lại chẻ dưới ngực để quán, nhưng quán đến đâu thì đau đến đó, chịu không được, nên ngang đó tôi bị bế tắc. Bế tắc từ Lục Diệu Pháp Môn đến quán bất tịnh, tôi khi ấy cứ lòng vòng loanh quanh, không biết đường mà đi, tiến không được, thối cũng không xong. Đời tu của tôi cảm thấy gần như cùng đường rồi.
Tôi mới đọc qua “Tham Thiền Yếu Chỉ” của ngài Hư Vân, trong ấy có nói về tu Thoại đầu. Tôi liền áp dụng ngay quán thoại đầu, tôi dùng câu: “trước khi cha mẹ chưa sanh mình là gì” và quán mãi câu này. Ban đầu đề lên được, một hôm tôi đề, đề hoài nó không lên, tôi không biết làm sao, tiến tới cũng không được mà lui lại cũng không xong.
Như vậy mới thấy đời tu mình không có thầy, không có người hướng dẫn thật là khổ vô cùng. Có thể nói gần như tôi bị tới chỗ bế tắc. Tôi chỉ mong ước làm sao biết tu Thiền, pháp Thiền nào cũng được miễn là biết tu Thiền là được rồi. Nhưng tôi tu pháp Thiền nào cũng không xong, coi như đời tu của mình không có kết quả!
Xoay qua trở lại từ pháp này sang pháp kia chạy vòng quanh mãi, nhưng tôi gan, nói tu là tu, tất cả ba tạng Kinh đều để trong tủ khoá lại không giở ra đọc cũng không coi một cái gì, chỉ còn một chuyện tu thôi, tôi cắm đầu miệt mài tu, mà sao cứ lúng túng loanh quanh mãi.
Buồn quá tôi lạy sám hối và khóc với Phật: “Kiếp trước không biết con bị nghiệp chướng gì mà sao tu hành không ra gì hết!” Mỗi khi buồn là tôi lạy Phật sám hối. Tôi sám hối đơn giản lắm không có bài bản gì. Tôi quì xuống lạy Phật: “Con bị nghiệp chướng sâu dày nên việc tu hành thối chuyển, xin Phật thương gia hộ cho con, có nghiệp chướng gì con xin sám hối.”
Lạy Phật và khóc với Phật, trong bụng nghĩ sao tôi thật thà thưa như vậy. Vì thế mà Phật thương, bất thần một đêm tôi ngồi thiền bỗng dưng tự tôi sáng được lý Thiền. Khi sáng được lý Thiền thì tất cả những câu trong kinh Kim Cang hay kinh Pháp Hoa hồi xưa học tôi bị bế tắc, bỗng dưng tôi hiểu hết, hiểu một cách dễ dàng như có ai dạy sẵn mình vậy.
Tôi lấy làm lạ quá, tôi chưa tin tôi, tôi mới mở Tạng kinh ra đọc, đến những bộ nói về Thiền khi xưa tôi không hiểu, bây giờ đọc tới đâu tôi hiểu tới đó, hiểu một cách say sưa thích thú. Tôi mới thấy thật là chuyện bất ngờ cho nên tôi cười, cười tới ba bữa, cười hoài, cười một mình thôi. Điều mình thật khổ công tìm, tìm không ra, bây giờ bất thần tìm thấy được quá mừng nên đi đứng nằm ngồi gì tôi cũng cười, cười hoài đến ba hôm.
Mở Tạng kinh ra tôi đọc lại sử các Thiền sư tôi hiểu được ngay. Thế là Tam Bảo đã ưu đãi tôi quá rồi, nếu không thì tôi đã chết trong thất không làm được gì. Đây là một sự ưu đãi rất trọng hậu chưa bao giờ có ai được cơ hội tốt như tôi. Không thầy không bạn, mò mẫm không ra rồi ráng tu, tự nó sáng ra, hiểu được những điều mà trước kia tôi chưa từng hiểu.
Tôi thuộc người không kín đáo nên biết cái gì thì phải nói không có giấu giếm, việc này hay quá tại sao mình để nghi ngờ hoài cho uổng, mình phải nói ra cho mọi người cùng hiểu mới được. Lẽ ra tôi phải để năm năm mười năm để nuôi dưỡng Thánh thai thì mới tới chỗ diệu dụng. Nhưng vì hiểu được, mừng quá nên tôi chuẩn bị mở cửa thất, rồi mở lớp dạy thiền…
Nói tóm lại đời tu của tôi gặp được nhiều ưu đãi: Ưu đãi số một là tôi vào chùa đúng chỗ, ưu đãi số hai là tôi muốn có Tạng kinh liền được Tạng kinh, ưu đãi số ba là tôi muốn dạy Tăng Ni để đền ơn giáo dục của Thầy Tổ thì tôi được dạy. Đến cái ưu đãi thứ tư này tôi muốn tu thiền mà không có người chỉ dạy, chỉ biết mò mẫm một mình, bỗng dưng sáng đạo, như vậy nếu không phải Tam Bảo gia hộ ưu đãi tôi, thì là ai?

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ/  Xuân Trong Cửa Thiền