Trang chủ Bài nổi bật HT.Thích Như Tín : 6 vấn đề thao thức đối với sự...

HT.Thích Như Tín : 6 vấn đề thao thức đối với sự phát triển Tăng ni & Tự viện

1296

Được sự đồng ý của HT.Thích Như Tín – Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN TP.HCM, PTVN xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Hòa thượng về 6 vấn đề thao thức đối với sự phát triển Tăng ni & Tự viện trong “Hội thảo chuyên đề Tăng sự, Tăng Ni và Tự viện” do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức vào ngày 24-25/04/2010

Thế kỷ 21 là thế kỷ hội nhập trên đà phát triển về mọi mặt trong đó có các lãnh vực Tôn Giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Chúng ta cần phải củng cố vê niềm tin, củng cố tổ chức Giáo hội, củng cố sinh hoạt tu học cho Tăng Ni – Phật tử cùng với xã hội trong tư thế hội nhập và phát triển.

Nhìn chung hiện nay, Giáo hội chúng ta trên đà phát triển từ trung ương đến địa phương, từ Tăng ni, Phật tử, tự viện phát triển theo cấp số cộng, song cũng rất đáng tự hào và cũng đáng lo ngại. Người chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động sinh hoạt của Tăng Ni, Phật tử không ai khác hơn Giáo hội, là các bậc Tôn túc lãnh đạo Giáo hội, các bậc giáo phẩm, chư tôn đức đại diện các ban ngành trực thuộc, các vị Trụ Trì, Bổn sư …

Qua đây, tôi xin nêu lên một vài khía cạnh của ngành Tăng sự nói chung, Tăng Ni Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, hầu góp phần củng cố nhận thức trong Hội thảo Tăng ni, Tự viện hôm nay để chúng ta cùng hướng về tương lai, định hướng con đường phát triển Giáo hội PGVN, một Giáo Hội đồng hành cùng Dân tộc.

 HT.Thích Như Tín – Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN TP.HCM

  1. Tổ chức Giáo hội và cơ cấu nhân sự

Nhìn chung về hệ thống Giáo hội từ Trung ương đến địa phương qua 6 nhiệm kỳ, chúng ta nhận thấy sự phát triển không ngừng của Tổ chức Giáo hội từ Trung ương đến các Tỉnh – Thành như: Tu chỉnh Hiến chương, tu chỉnh nội quy Ban Tăng sự, cơ cấu nhân sự… đều được thực hiện nhất quán, tuy còn một số ít địa phương chưa được thông suốt, thực hiện chưa đồng bộ, còn cứng nhắc trên nguyên tắc tổ chức .v.v.. có nhiều lý do trong đó có yếu tố con người là quan trọng.

Chúng tôi xin mạnh dạn nói thẳng và nói thật để chúng ta cùng nhau xây dựng Giáo hội mỗi ngày một phát triển đúng với tin thần Đạo pháp gắn liền với Dân tộc, khi cơ cấu hay bổ nhiệm nhân sự, nên trung thực không nên cục bộ, không vì thân, sơ để chọn người đủ tài đức, có đủ khả năng trình độ tối thiểu, nhất là có uy tín đưa vào tổ chức, ban ngành .v.v.. Những vị được đề cử sẽ thay mặt Giáo hội hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu học sinh hoạt tín ngưởng, sinh hoạt Giáo hội để mỗi mỗi ngày một phát triển.

  1. Khai giảng Giới Đàn – Tổ chức An cư Kiết hạ

Giới đàn khai là để tuyển chọn người có tâm Bồ đề, có chí hướng tu học cầu giải thoát, có đủ khả năng, có đủ căn lành để lãnh thọ giới pháp “Tuyển Phật Trường”, chọn người làm Phật. Do đó, khi thâu nhận Giới tử thọ giới chúng ta nên xem xét, giới thiệu đệ tử thọ giới phải đủ tuổi đủ thời gian tập sự, có tâm cầu tiến để tu học theo tin thần giới luật Phật chế định và Nội quy ban Tăng sự Trung ương đã quy định, không nên vì hình thức, vì số lượng đệ tử mà xem nhẹ phẩm hạnh đạo đức của đệ tử để kế thừa Phật sự trong tương lai.

Khai mở Hạ trường (An cư Kiết hạ): Y theo luật Phật dạy, một Tỳ kheo, Tỳ kheo ni mỗi năm điều phải an cư kiết hạ để thúc liễm thân tâm trao dồi giới đức là hạnh nguyện, là môi trường sống lý tưởng của người xuất gia không thể thiếu trong đời sống tu học. Không nên vì thế này lý do kia mà hành giả xuất gia không nhập hạ mỗi năm để thành tựu Giới pháp được, bởi “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp”, Giới luật có trang nghiêm thì Đạo pháp mới hưng thịnh.

  1. Tấn phong Giáo phẩm – Bổ nhiệm trụ trì

Giáo phẩm trong Giáo hội là bậc có đủ tài đủ đức, có uy tín, có khả năng tất cả trong chúng để tôn xưng, đó là “Chúng Trung Tôn”. Nhưng về tổ chức Giáo hội, tổ chức Đoàn thể Tăng già phải hội đủ điều kiện mà Hiến chương Giáo hội, nội quy tăng sự đã quy định về tuổi đời, tuổi đạo, công đức.v.v.. Chúng ta không nên tự xưng, tự phát, tùy tiện theo danh tướng để giảm giá trị, uy tín của các bậc Giáo phẩm trong Giáo hội.

Trụ trì là “Trụ Pháp vương gia trì Như Lai tạng”. Vì thế, khi các Tự viện khiếm khuyết vị Trụ trì hoặc Thầy Tổ viên tịch, chúng ta nên căn nhắc chọn các vị đệ tử có đủ tài đức, uy tín, khả năng đạo đức để đề bạc lên Giáo hội bổ nhiệm, không nên cơ cấu đề cử những người không đủ tiêu chuẩn của một vị tu sĩ đảm nhận Trụ trì, làm mất niềm tin đối với Phật tử. Bởi vì, Trụ trì là thành viên của Giáo hội, thay mặt Giáo hội hướng dẫn Tăng Ni  Phật tử tu học, sinh hoạt Phật sự nơi Tự viện do Giáo hội bổ nhiệm và quản lý.

  1. Thâu nhận chúng Tăng – Tăng Ni sinh

Tăng Ni sinh theo học tại các trường, chúng ta biết “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn” các Tự viện là nơi tiếp độ chúng, đào tạo Tăng tài để kế vãng khai lai truyền thừa Chánh pháp. Do đó tăng chúng phải ở chùa, ở chúng, không thể ở riêng lẽ, tư gia .v.v.. Do đó, đề nghị các Tự viện tiếp nhận Tăng chúng đúng theo ý nghĩa của một tu sĩ, của một Tăng ni sinh, không thể thu nhận mà không xem xét nhu cầu tu học của cá nhân Tăng ni xin nhập chúng. Bởi nhu cầu của Tăng Ni là học và tu, “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách”. Dó đó, Thầy Bổn sư, vị trụ trì cùng với Nhà trường tạo điều kiện cho Tăng ni sinh tu học đúng ý nghĩa môi trường Giáo dục, đào tạo Tăng tài để phục vụ Giáo hội hoằng dương Chánh pháp.

  1. Kết hợp hài hòa với các Ban ngành trong Giáo hội

Ban Tăng sự, Ban Giáo dục, Ban Hoằng pháp có sự liên hệ mật thiết, chặt chẽ, hài hòa để đào tạo Tăng tài, hoằng dương Chánh Pháp.

Theo hiến chương, Tăng Ni tự viện do Ban Tăng sự quản lý. Trồng người, đào tạo con người do Ban Giáo dục Đào tạo Tăng tài cho Giáo hội. Ban Hoằng pháp chọn người có tài đức có khả năng để giảng dạy, thuyết pháp, hướng dẫn cho Tăng Ni Phật tử tu học dúng Chánh pháp.

Với trách nhiệm trên, chúng ta phải thống nhất liên hệ công tác để hài hòa Phật sự, không bị động và không trùng lắp trên công việc của mỗi ngành.

  1. Quản lý Tăng ni Tự viện

Thực hiện hiến chương giáo hội và ban Tăng sự trung ương, áp dụng giới luật Phật dạy và thiền môn quy cũ để hướng dẫn các Tự viện và Tăng ni tu học, hành đạo và công tác Phật sự, thể hiện lục hòa cộng trụ, tứ chúng đồng tu trong tin thần giới luật và phật pháp thiện lành, chấp hành tốt mọi chủ trương của Giáo hội, góp phần công tác cùng Giáo hội. Chúng ta phải minh định và hiểu rõ về quản lý để khi tiếp xúc, giải quyết các sự việc không bị hiểu lầm, không bị lúng túng, bị động khi có việc xảy ra.

Quản lý với tin thần trách nhiệm, hướng dẫn tu học cho Tăng Ni công tác Phật sự của Giáo hội theo tin thần Hiến chương của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước,  chớ không phải lợi dụng chức quyền áp đặt, chiếm đoạt tài sản của các Tự viện và cá nhân về cho Giáo hội hay chính mình.

Trong phạm vi bài tham luận này, với tin thần trách nhiệm Giáo hội giao phó, với sự tin tưởng của Lãnh đạo cùng với sự tín nhiệm của Tăng Ni Phật tử, tôi xin nêu lên đây và trình bài trước Hội nghị mà hầu hết các bậc cao niên lạp trưởng trong Giáo hội luôn thao thức.

Xin Đại biểu Hội nghị cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau xem xét, chia sẽ để thực hiện hữu hiệu, góp phần phát triển Giáo hội trong tin thân Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo Hội.

Minh Thuận thực hiện