Sáng ngày 25/7, HT.Thích Lệ Trang – Phó Trưởng BTS, Trưởng Ban Nghi lễ CHPGVN TP, Trụ trì chùa Định Thành (Q.10) đã có buổi giảng chuyên đề thứ 2 tại Trường hạ Tổ đình Từ Nghiêm (Q.10).
Tham dự buổi thuyết giảng chuyên đề này có sự quang lâm của Ni trưởng Thích Nữ Như Xuân – Trưởng Phan ban Ni giới PG TP.HCM, Thiền chủ Trường hạ Tổ đình Từ Nghiêm cùng Chư tôn đức Ni Ban chức sự, Ni chúng an cư nội thiền, ngoại thiền đồng tham dự.
Trong buổi tuyết giảng này, Hòa thượng nói về quá trình du nhập của Phật giáo vào Việt Nam, và tính thích ứng, sự phát triển của nó trong Văn hóa người Việt: Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ, thái tử Sĩ –Đạt- Ta là người Ấn, được giáo dưỡng trển nền tảng văn hóa Ấn. khi Phật giáo truyền đến Giao Châu –Việt Nam, thì đạo Phật cộng thêm nền văn hóa Việt Nam và trở thành Văn hóa Phật Giáo Việt nam. Nói như vậy để chúng ta hiểu và không đòi hỏi Phật giáo phải nguyên thủy thế này thế nọ. Phật giáo phải uyển chuyển để thích nghi và tồn tại, khi Phật giáo truyền đến Giao Châu, Phật giáo và những vấn đề liên quan cũng phải phù hợp với văn hóa buổi đầu của Giao Châu.
Về phục sức, Tu sĩ ấn độ đắp y casa. tu sĩ trong khi hành lễ thường “Thiên đản hữu kiên”, là trịch áo bày vai phải, nhưng khi đến Việt Nam, cần phù hợp với văn hóa việt nam -văn hóa lúa nước, ca sa không được to và rộng, phải gọn gàng để chấp tác, nên cần thay đổi phục sức. sau còn chế ra giáo phục, thường phục. Màu y có màu lam (màu bùn non), màu nâu (đất phơi khô) màu vàng (màu của đất phèn), tất cả đều là màu của đất.
Về kiến trúc chùa tháp, chùa Phật giáo Việt nam là kiến trúc trùng các, nhưng biến đổi nhiều ít vẫn giữ lại cái chop nhọn ở trên.
Về âm nhạc Phật giáo, để khế hợp với căn cơ, kinh điển phải chuyển dịch, phiên âm theo từng địa phương, thậm chí tại Việt Nam, âm điệu của miền bắc, miền trung, miền nam đều khác, và âm nhạc, nghi lễ Phật Giáo cũng điểu chỉnh phù hợp với văn hóa tình cảm của từng vùng, từng miền.
Hòa thượng chia sẻ thêm, Phật giáo dù có nhiều tiếp biến nhưng có những điều không thể thay đổi, đó chính là giáo pháp của Phật. giáo lý vô thường, vô ngã, nhân quả…siêu việt thời gian không gian. Chùa chiền Tăng sĩ Việt nam để thích nghi và tồn tại cho nên có Tổ chức, có Tự viện, có Giáo hội…;tu sĩ tự nấu ăn, tự may áo. Dù chúng ta làm việc, tu tập các pháp môn khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến tiêu chí giải thoát giác ngộ.
Trong phần thực nghiệm, Hòa thượng chia sẻ sự thấu hiểu trong đời sống tu tập thông qua giai thoại về tổ Bách trượng và một vị Tăng đọa làm thân Chồn.
Chuyền rằng, ngày xưa, Tổ Bách Trượng giảng pháp, nhìn thấy một ông già không đi, cứ ngồi đó, cho đến ngày cuối, ông đó mới bạch Tổ: Con chẳng phải người…… lúc trước, con làm Tăng ở núi này, nhân có người hỏi: “Người đại tu hành có lạc vào nhân quả không?”. Con đáp: “không lạc vào nhân quả”. Do đó, đến năm trăm đời đọa làm thân chồn. Nay thỉnh Hòa thượng chuyển một câu nói để con thoát khỏi thân chồn. Tổ bảo: vậy ông hỏi đi.
Ông già hỏi:
– Người đại tu hành có lạc vào nhân quả chăng?
Tổ bảo: Không lầm nhân quả.
Ngay câu nói ấy, ông già đại ngộ, làm lễ thưa: Con đã thoát thân chồn. Con ở sau núi, dám xin Hòa thượng lấy theo lễ Tăng chết mà tống táng con.
Tổ sau đó ra phía sau núi, thấy có xác con chồn, bèn làm lễ thiêu như vị Tăng.
Qua giai thoại trên, Hòa thượng Thích Lê Trang đã khuyến tấn hàng Ni chúng, là một thầy tu phải biết, phải hiểu, phải hành Phật pháp. Nếu là thầy tu mà không biết nói pháp, thì bị gọi là “Á Dương Tăng”. Ông thầy tu thì không thể chỉ rành về công nghệ thông tin, rành nấu ăn, cắm hoa… mà mục đích chính là “Thâm nhập kinh tạng” thì trí tuệ mới như biển cả được. Thuyết một pháp sai, mà bị lầm lạc bao nhiều đời như vậy, chúng ta mới thấy tầm quan trọng của việc học và hành pháp.
Lại nữa, người tu hiểu được mình đang tu tập, mình đang làm gì, mới thấy hạnh phúc. Khi chúng ta tụng kinh, hiểu được thâm ý kinh, tụng lời ngài Địa Tạng phát nguyện trong kinh địa tạng, tụng lời bồ tát Mục Kiền Liên phát nguyện trong kinh Vu Lan, tụng rất cảm động trước hạnh nguyện của các Ngài, những lời tụng đó giống như chính chúng ta đang phát nguyện, thì chúng ta càng cảm động hơn. và năng lượng tuệ giác đó mới nuôi dưỡng chúng ta, vượt qua mọi phiền não khổ đau.
Kết thúc bài giàng, Hòa thượng nhấn mạnh, người tu phải giữ giới luật, thọ giới xong cần phải học giới, học giới để không phạm lỗi, tránh tội. Giữ giới mới nuôi lớn tâm Bồ Đề, biết yêu thương mình, biết chăm sóc mình, không làm tổn thương mình, không tổn thương người khác.
Những pháp này, người tu chúng ta cần gìn giữ, giữ phong thái người tu, phong thái cổ kính, gìn giữ gia phong.
Mọi người hiểu đúng rồi thị cái sai tự biến mất, không cần phải chỉ trích, đào thải.
Một số hình ảnh tại Trường hạ Từ Nghiêm
THU HIỀN – HUY PHONG (Ảnh : A.T)