Trang chủ Blog chùa HT.Thích Bảo Nghiêm khai pháp đầu năm Tân Sửu tại chùa Tương...

HT.Thích Bảo Nghiêm khai pháp đầu năm Tân Sửu tại chùa Tương Mai – Hà Nội

Tối ngày 20 tháng 04 năm 2021, tức ngày 09 tháng 03 năm Tân Sửu, nhận lời thỉnh mời của Ni sư trụ trì Thích Đàm Thu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội đã quang lâm về chùa Tương Mai (quận Hoàng Mai,Hà Nội), thuyết giảng cho Phật tử Đạo tràng nhân ngày khai pháp đầu tiên của năm Tân Sửu.

180

Hướng tới kỷ niệm ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương mùng 10/3 âm lịch, với mong muốn để hàng Phật tử luôn nhớ về cội nguồn, Hòa thượng đã ban bố thời pháp thoại với chủ đề “giữ gìn huyết thống tâm linh”.

Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có niềm tự hào dân tộc và đều giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc đó. Và Phật giáo cũng vậy, khi truyền vào đất nước nào thì những giáo lý của Đức Phật cũng được hòa quyện với bản sắc văn hóa của đất nước đó, nhưng vẫn luôn thấm đượm tình người, thấm đượm tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân và báo ân với Quốc gia, xã hội. Trong kinh điển Phật giáo Nam truyền hay Bắc truyền đều đề cao tinh thần tri ân và báo ân, đặc biệt là tinh thần Hiếu đạo, biết ơn Trời đất, Tổ tiên ông bà cha mẹ, và ơn chúng sinh vạn loài.

Vì thế, khi du nhập vào Việt Nam, Đạo Phật với nếp sống của người Việt đều gặp nhau tại một điểm đó chính là “Hiếu đạo”. Tinh thần của người Việt chính là sự kết nối giữa Tiên tổ trong quá khứ với chúng ta hiện tại không có sự tách rời. Tại bài giảng, Hòa thượng đã nhấn mạnh về tinh thần hiếu đạo qua tín ngưỡng thờ Tổ tiên, phụng dưỡng ông bà cha mẹ của người Việt. Theo quan niệm của người Việt, Tổ tiên chưa bao giờ mất đi mà vẫn luôn hiện hữu trong ta, trong chính hình hài, tính cách và dòng máu chảy trong người. Bàn thờ tại tư gia, từ đường chính là điển hình cho sự kết nối tâm linh đó. Trong những dịp trọng đại như cưới hỏi, tin hỷ hay tin hiếu, con cháu đều đứng trước Bàn thờ thưa với Tổ tiên ông bà quá vãng, và thưa với ông bà cha mẹ hiện tiền. Bằng nhiều ví dụ thực tế khác về ba khía cạnh: Tri ân ông bà cha mẹ trong gia đình, tri ân Tổ tiên trong Từ đường, tri ân người có công với đất nước làng xã như Thành Hoàng Bản thổ và tri ân Tiên tổ khai quốc lập nước, Hòa thượng đã chứng minh được cho đại chúng thấy rõ tinh thần Hiếu đạo chính là một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt Nam từ bao đời nay, thể hiện qua từng tập tục của các địa phương, qua những nghi lễ chúc thọ, cúng bái, phụng thờ.v.v….

Qua đó, Hòa thượng sách tấn đại chúng hãy tự hào khi được là con Lạc cháu Hồng, là một người Phật tử, sống và thực hành theo những giáo pháp mà Đức Thế Tôn chỉ dạy. Đồng thời hãy luôn sống trong tinh thần tri ân và báo ân, thường tâm niệm rằng Tổ tiên luôn ở bên chúng ta trong từng hơi thở, từng hành động cử chỉ, phải biết giữ gìn và phát huy những nét văn hóa vẻ vang bao đời của cha ông để lại. 

 

Diệu Tường