Pháp môn Tịnh Độ (Niệm Phật) là pháp tu thù thắng phổ thông đệ nhất, dễ tu dễ chứng, phù hợp với căn cơ của mọi người, muôn người tu muôn người đắc, từ cổ vãng kim lai, hiền ngu già trẻ gái trai đều thành, với điều kiện người tu phải chấp trì danh hiệu Phật nhất tâm bất loạn Lục Tự Hồng Danh ( Nam Mô A Di Đà Phật) và cốt sao ba nghiệp (Thân, Khẩu, Ý) phải thanh tịnh, sạch trong:
“Muốn tu Tịnh Độ thành công
Cốt sao ba nghiệp sạch trong làu làu
Thân khẩu ý trước sau tinh khiết
Thời hiện tiền tịnh nghiệp mới nên
Trau dồi ba nghiệp chưa chuyên
Vãng sinh Tịnh Độ nhân duyên lu mờ”
Để thoát ra khỏi sinh tử luân hồi khổ đau, vãng sinh về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà (Tây Phương Cực Lạc) chỉ cần nhất tâm bất loạn niệm Phật với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, đặc biệt là được nương nhờ tha lực của Phật A Di Đà tiếp dẫn theo như lời nguyện thứ 18 của ngài trước khi thành Phật:
“Khi ta thành Phật, nếu chúng sinh mười phương muốn sinh về nước ta, xưng danh hiệu ta, nhẫn đến tối thiểu là mười niệm*, nương vào nguyện lực của ta, nếu như không được vãng sinh, ta thề không giữ ngôi Chánh Giác.”
Nghiệp của chúng sinh khi tạo nhân không đồng, nên quả chiêu cảm cũng chẳng giống nhau, mỗi mỗi đều sai khác. Vì vậy mà Phật đã phương tiện giảng giải mọi pháp môn theo mỗi trình độ căn cơ của từng mỗi chúng sinh, giúp chúng sinh gặt hái quả lành.
Buổi Pháp thoại của Hòa thượng đã kết thúc thành công viên mãn trong nguồn năng lượng an lành vô biên, cả Đạo tràng như được ban tặng liều thuốc quý, buông xả mọi phiền muộn âu lo thường nhật, sống những phút giây ngập tràn niềm an vui hỷ lạc.