Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay HT Minh Nghĩa: Thống nhất nghi lễ là việc quan trọng, lâu...

HT Minh Nghĩa: Thống nhất nghi lễ là việc quan trọng, lâu dài, nhiều nỗ lực

236

Nhân dịp quyển Kinh Nhật tụng hoàn thành bằng tiếng Việt sắp được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát hành rộng rãi, trang tin Phatttuvietnam.net đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Minh Nghĩa, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Nghi lễ Trung ương về công cuộc thống nhất, Việt hóa, chuẩn hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phattuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, xin hòa thượng cho một số ý kiến nhận xét tổng quát về tiến trình thống nhất, Việt hóa và chuẩn hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam nhân dịp Giáo hội sắp phát hành bản Kinh Nhật tụng thống nhất hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Hòa thượng Thích Minh Nghĩa: Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát hành ấn bản Kinh Nhật tụng thống nhất, dịch nghĩa hoàn toàn tiếng Việt là một bước tiến quan trọng đối với tiến trình chuẩn hóa, thống nhất và Việt hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

Chuẩn hóa, thống nhất và Việt hóa hoàn toàn nghi lễ Phật giáo Việt Nam là một mục tiêu lớn của Ban Nghi lễ và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hướng về mục tiêu này, Ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những cố gắng lớn, cung thỉnh sự đóng góp của nhiều vị hòa thượng, thượng tọa trong giáo hội. Kết quả đạt được như chúng ta đang thấy hôm nay là rất đáng mừng, nhưng so với mục tiêu đề ra, mong ước của toàn thể Tăng Ni Phật tử Việt Nam, thì kết quả đạt được vẫn là rất khiêm tốn, đòi hỏi những nỗ lực lớn lao hơn nữa.

Quyển Kinh Nhật tụng chuẩn hóa, thống nhất, hoàn toàn dịch nghĩa tiếng Việt mới chỉ là một bước tiến nhỏ trên bước đường thực hiện mục tiêu đã đề ra, đó là việc Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước cử hành hoàn toàn thống nhất nghi lễ đã được chuẩn hóa và bằng tiếng Việt. Để thực hiện được điều này, có lẽ, phải trải qua một thời gian rất dài và không chỉ ở một thế hệ.

Phattuvietnam.net: Kính bạch hòa thượng, Phật giáo Việt Nam chúng ta đã thống nhất về mặt tổ chức, nhưng sao việc thống nhất nghi lễ khó khăn đến như vậy?

Hòa thượng Thích Minh Nghĩa: Thực tế, Phật giáo Việt Nam đã thống nhất hơn 30 năm, nhưng việc chuẩn hóa, thống nhất và Việt hóa nghi lễ vẫn tiến triển rất chậm.

Kinh Nhật tụng tiếng Việt thống nhất lần này không phải là bản kinh như thế đầu tiên. Trước đây Giáo hội cũng đã phát hành bản kinh như thế, nhưng việc triển khai nghi lễ Việt hóa, chuẩn hóa và thống nhất rất hạn chế. Nói cụ thể hơn là kết quả đã không đi tới đâu (Hòa thượng lấy từ kệ sách tặng chúng tôi một bản Kinh Nhật tụng tiếng Việt, Ban Nghi lễ GHPGVN biên soạn, ấn hành PL 2554-DL 2010 đóng bìa cứng chữ vàng rất đẹp).

Hòa thượng nói tiếp: Vậy đó, nhưng rất ít trường hợp quyển kinh này được dùng để tụng niệm trong thực tế. Việc phát hành kinh chỉ để tham khảo mà thôi. Điều này thật đáng buồn.

Phattuvietnam.net: Kính bạch hòa thượng, thế thì tại sao việc chuẩn hóa, Việt hóa, thống nhất nghi lễ Phật giáo Việt Nam đã không có được kết quả mong muốn?

Hòa thượng Thích Minh Nghĩa: Theo chúng tôi, có thể từ 2 nguyên nhân:

Một là, đã chưa thấy được tầm quan trọng của nghi lễ.

Hai là, đã chưa thấy được tầm quan trọng, sự cần thiết của việc chuẩn hóa, Việt hóa, thống nhất nghi lễ.

Do không thấy được tầm quan trọng của công việc, nên toàn thể Tăng Ni Phật tử có những nỗ lực phù hợp, đúng mức, khiến cho việc chuẩn hóa, Việt hóa và thống nhất nghi lễ tiến triển rất chậm.

Trong khi đó, chuẩn hóa Việt hóa và thống nhất nghi lễ là việc đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, thống nhất rất cao, kiên trì, bền bỉ, quyết tâm, thậm chí cực nhọc (do phải học thuộc lời văn kinh tụng mới).

Phatttuvietnam.net: Kính bạch hòa thượng, xin hòa thượng nói chi tiết về việc chưa thấy được tầm quan trọng của nghi lễ.

Hòa thượng Thích Minh Nghĩa: Đó là quan niệm chỉ xem nghi lễ là việc tụng niệm hình thức bên ngoài, không phải là việc tu học, nên sao cũng tốt, miễn có là được.

Quan niệm như vậy là không thấy được nghi lễ chính là hoằng pháp, là tu học.

Nghi lễ là con đường dẫn người ta vào đạo Phật, là phương tiện rất đắc lực cho việc hoằng pháp. Nghi lễ là cái giúp cho người chưa biết đạo tiếp tục với Phật pháp, gieo duyên để họ tiến sâu hơn nữa trên đường tu học. Người ta thấy được, cảm được, tiếp xúc được đạo Phật bằng cái gì trước tiên, nếu không phải là qua nghi lễ. Nghe câu kinh tiếng kệ, người ta sẽ có những cảm xúc mạnh mẽ, những ấn tượng sâu sắc đối với đạo Phật, tạo ra nền tảng cho sự thâm tín Phật pháp sau đó.

Nghi lễ không phải chỉ là hình thức của Phật giáo, mà đó chính là một phần nội dung của Phật giáo.

Phattuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, còn về khuyết điểm chưa thấy được tầm quan trọng của việc chuẩn hóa, Việt hóa và thống nhất nghi lễ?

Hòa thượng Thích Minh Nghĩa: Chuẩn hóa là một mặt quan trọng, nhưng trong Việt hóa và thống nhất kinh điển đã có bao hàm cả hoạt  động chuẩn hóa nghi lễ. Vì vậy, dưới đây chúng ta chỉ nhấn mạnh đến 2 nội dung Việt hóa và thống nhất nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

Có thể nói, tất cả Tăng Ni Phật tử Việt Nam đều nhận thức được yêu cầu thống nhất và Việt hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam, nhưng lại với các mức độ khác nhau.

Thí dụ, trong mục tiêu thống nhất nghi lễ, vẫn có các ý kiến cho rằng có thể duy trì sự khác biệt ở các địa phương, vùng miền hay hệ phái…

Riêng tôi, tôi quan niệm là đã nói đến mục tiêu thống nhất nghi lễ, thì phải thống nhất toàn quốc, toàn Giáo hội, thống nhất hoàn toàn, triệt để, tuyệt đối.

Thí dụ, nếu nói nghi lễ Phật đản thống nhất, thì cần có việc cử hành thống nhất toàn quốc, tất cả mọi tỉnh thành từ Bắc chí Nam, thống nhất mọi hệ phái, Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ… đều tụng niệm như nhau, cùng một nghi thức. Như thế mới là đã có sự thống nhất về nghi lễ.

Nếu thống nhất mà không triệt để, mà vẫn duy trì sự khác biệt nào đó, thì thực chất vẫn là chưa thống nhất.

Còn Việt hóa, là phiên dịch văn kinh tụng mà chư Tổ đã biên soạn ra tiếng Việt, cũng phải thực hiện trên một yêu cầu nghiêm nhặt, là chỉ có một bản dịch thống nhất. Một bài sám chẳng hạn mà có vài bản dịch khác nhau, thì không thể nói chuyện thống nhất nghi lễ được. Đó lại là tạo ra thêm nữa sự khác biệt mới.

Cá nhân tôi không tán thành việc biên soạn thêm các loại nghi thức, sám văn mới, vì đó cũng là một xu hướng đi ngược lại với mục tiêu thống nhất, nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

Đã hướng về nghi lễ thống nhất thì chỉ có một nghi lễ duy nhất, biên soạn một lần, và cứ thế mà thực hiện, không có khác biệt, dù chỉ là khác biệt nhỏ.

Vì vậy, tôi nói là mục tiêu thống nhất nghi lễ rất khó thực hiện, cần phải nỗ lực rất nhiều và trải qua một thời gian rất dài.

Phattuvietnam.net: Kính bạch hòa thượng, nhưng việc sáng tạo bổ sung nghi lễ, như viết các bài sám văn mới, là đáp ứng nhu cầu thời đại, là phục vụ kịp thời việc tu học của Tăng Ni Phật tử hiện nay.

Hòa thượng Thích Minh Nghĩa: Như vậy, thì sẽ dẫn đến tình trạng nghi lễ phát triển không thống nhất và không có giới hạn.

Riêng tôi, tôi quan niệm khác. Trong lịch sử phát triển 2500 năm Phật giáo Việt Nam, thì chư vị Tổ sư đã biên soạn một khối lượng nghi lễ đồ sộ, phục vụ mọi mặt nhu cầu tu học của Tăng Ni Phật tử ở mức độ tuyệt đối. Do đó, chúng ta nên hướng về kho tàng nghi lễ truyền thống Phật giáo, kế thừa những gì mà lịch đại tổ sư đã để lại. Như thế đã là quá đủ cho hoạt động nghi lễ.

Thống nhất tức là đồng lòng, quyết tâm chắt lọc, tuyển chọn những gì tinh túy nhất từ kho tàng nghi lễ truyền thống Phật giáo thế giới và Việt Nam, tạo thành một khuôn mẫu nghi lễ mới với sự nhất trí hoàn toàn.

Phattuvietnam.net: Kính bạch Hòa thượng, hòa thượng có nói đến khái niệm “Chắt lọc”. Vậy phải chăng ở đây có sự tinh giản, rút gọn?

Hòa thượng Thích Minh Nghĩa: Theo tôi, nghi lễ cần có 2 dạng:

Dạng đầy đủ

Dạng tinh giản, rút gọn

Việc sử dụng hình thức nào tùy thuộc vào hoàn cảnh cử hành nghi lễ, người tham dự cuộc lễ thời gian dành cho nghi lễ.

Tinh giản, rút gọn nghi lễ không có nghĩa là bỏ bớt đi những gì mà tiền nhân để lại trong kho tàng nghi lễ, mà chỉ là tạo nên sự phong phú cho việc chọn lựa trong cử hành nghi lễ hiện nay.

Đó cũng là một biểu hiện cho sự thống nhất. Thí dụ, với một thời gian cử hành nghi lễ hạn hẹp, việc rút gọn nghi lễ không phải do vị Tăng Ni chủ lễ tự lựa chọn nội dung mà phải có những khuôn mẩu tinh giản định sẵn cử hành thống nhất.

Phattuvietnam.net: Kính bạch  hòa thượng, như hòa thượng vừa nói, thì có lẽ việc thống nhất nghi lễ khó hơn so với việc Việt hóa?

Hòa thượng Thích Minh Nghĩa: Tất nhiên rồi. Thống nhất nghi lễ đòi hỏi sự nhất trí hoàn toàn, tuyệt đối của tất cả Tăng Ni Phật tử Phật giáo Việt Nam.

Còn Việt hóa, tức là phiên dịch chuẩn xác, chuyển tải được trọn vẹn ý nghĩa văn kinh ra tiếng Việt, chỉ là nỗ lực của một số vị tôn túc có trách nhiệm.

Thống nhất nghi lễ là đưa vào sử dụng thống nhất một văn bản kinh tụng mới. Vì vậy, cần một số lượng bản in khổng lồ. Điều này cần kinh phí rất lớn, đòi hỏi sự góp sức của toàn thể Tăng Ni Phật tử.

Sử dụng nghi lễ mới, Tăng Ni Phật tử phải đầu tư công sức để học lại, chỉ có thể cầm văn bản mà đọc tụng trong thời gian thôi. Việc học thuộc văn bản kinh tụng mới là một việc khá nặng nề.

Ngoài ra, còn có vấn đề sửa đổi thói quen dùng nghi lễ cũ.

Việc thống nhất, Việt hóa nghi lễ trước tiên nên nhằm vào đối tượng là Tăng Ni Phật tử trẻ. Những người trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu, triển khai thực hiện nghi lễ mới, nghi lễ Việt hóa và thống nhất.

Các cơ quan, đơn vị truyền thông Phật giáo Việt Nam nên mở những đợt quảng bá, vận động sử dụng nghi lễ thống nhất và Việt Nam. Những hoạt động như thế cần triển khai dài hạn và liên tục, được xem như là nhiệm vụ truyền thông thường xuyên, lâu dài, chủ yếu.

Cũng cần có những bài nghiên cứu, phân tích những ưu điểm của nghi lễ Việt hóa, thống nhất, nhằm nâng cao tác động vận dụng triển khai.

Phattuvietnam.net: Xin cảm ơn Hòa thượng đã dành cho cuộc phỏng vấn. Kính chúc Hòa thượng Phật sự viên thành.

MT (thực hiện)