1.
Nếu để miêu tả ngắn gọn nhất tranh Lê Trí Dũng, có lẽ tôi sẽ chỉ dùng một từ “Đẹp”. Tuy nhiên tranh ông không nhất thiết phải đắt, phải làm người xem sửng sốt, mà cái chính là khiến người ta cảm thấy thích thú, dễ chịu. Làm hài lòng các cảm xúc, tâm hồn, tinh thần, trí óc…Đó là những thứ có thể không thật sự cần thiết phải có, nhưng nếu có nó sẽ làm cho cả họa sĩ lẫn người thưởng thức, người sở hữu tranh ông, cảm thấy gần nhau hơn.
Đó có lẽ cũng là lý do người ta thường coi tranh đẹp là một thứ tặng vật xa xỉ. Để sở hữu cần có cả cơ duyên.
Mở đường cho xe ra tiền tuyến.
Các sáng tác của ông, dù đề tài chiến tranh cách mạng, tĩnh vật, hay những Con Giáp…, mỗi đề tài một sắc thái cảm xúc khác nhau, nhưng đều lấy sợi chỉ xuyên suốt làm linh hồn sáng tạo, đó là Con Người – tặng vật tốt đẹp nhất của tạo hóa. Sự sáng tạo được thăng hoa thể hiện những mong muốn, khát khao về một tương lai tốt đẹp, cùng tìm kiếm để rồi “ngộ” ra một con đường chân lý.
2.
“Tôi mê ngựa từ bé. Con ngựa đầu tiên tôi vẽ trong đời là con ngựa Xích thố của Quan Vân Trường trong Tam Quốc Chí. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ “Con ngựa toàn thân sắc đỏ như lửa, tịnh không có một cái lông nào tạp, ngày đi nghìn dặm”, lớn lên lại biết thêm vô vàn ngựa hay khác…”, họa sĩ Lê Trí Dúng tâm sự. Sau nhiều năm vẽ ngựa, với ông con ngựa không còn là ngựa nữa, nó hóa thân thành người.
Họa sĩ nói tiếp, “Con ngựa tôi khoái nhất là một con ngựa đơn sắc, gần như chỉ hai màu đen trắng, quay lưng lại người xem, bờm xù, dáng thản nhiên, ngạo nghễ. Hình như ít người đồng cảm với con ngựa này. Cũng phải, bởi ước vọng đoàn viên, ước mơ hạnh phúc vẫn là ước muốn muôn đời. Nhưng cô đơn lại là số phận của những nghệ sĩ đích thực”.
Tôi nghĩ không hẳn thế. Biết bao người, bao thế hệ đã mê “Ngựa”, cả ngựa đơn sắc, mê “Sen tàn”, “Hổ”, “Gà”… Say tranh Lê Trí Dũng .
Sen tàn.
Tôi trong số đó. Ám ảnh bức “Sen tàn” khổ lớn. Những vệt đen loằng ngoằng.
Màu nhòe trên giấy dó, tung hoành, gẫy đổ. Bật lên chỉ một – nụ – đỏ – cánh – sen. Ý tưởng ở đây là sự sống, là sức sống mãnh liệt của vạn vật, trỗi dậy dù trong đổ nát hay tàn héo. Như người ta vậy. Có bản lĩnh ắt qua được vận hạn, an nhiên, tự trưởng thành.
Quả thực như lời của tác giả “Sen tàn”, họa sĩ Lê Trí Dũng, tác phẩm hội họa muốn hay phải “xuất được cái thần”. Nó cũng giống như phép xem tướng. Nếu chỉ đạt đến “hình tướng” mà không đạt đến “thần tướng”, là không được.
3.
Cũng người nghệ sĩ tài hoa ấy chia sẻ, rời quân ngũ hơn ba chục năm rồi, ông vẫn vẽ đề tài chiến tranh cách mạng. “Kể từ ngày đó… Trở lại chiến trường rồi ra quân, đi khắp miền Tổ quốc. Đã 35 năm trôi đi. Trải mọi thăng trầm. Không khi nào tôi quên đồng đội, bao tài hoa ra trận. Không khi nào quên được những mũ sắt, mũ rơm, những hầm trú ẩn, những tàu lá chuối ngụy trang, những bát chè xanh của các mẹ, các chị…”
Mấy năm gần đây, Lê Trí Dũng viết văn. Đã cho ra hai đầu sách, hai tập tản văn – “Những hòn cuội nhặt dọc đường”.
“Tựa” cho tập sách, nhà phê bình – họa sĩ Phan Cẩm Thượng viết : “Nếu chúng ta không quá đòi hỏi về một thứ văn bút hoàn hảo, thì rất thú vị khi đọc tản văn của Lê Trí Dũng. Nó được đúc rút từ những tháng năm thơ dại tưởng cuộc sống là một bức tranh màu hồng, được hun bởi một thứ khói thuốc súng khét lẹt, bởi thời hậu chiến gian khó và bởi sự ngổn ngang tâm thế của hiện tại”.
Họa sĩ Lê Trí Dũng hiện là Ủy viên BCHTW Hội Mỹ Thuật Việt Nam khóa 7, tham gia giảng dạy tại một số cơ sở đào tạo.
Vừa chào đón năm Canh Dần bằng triển lãm 60 con Hổ, tháng 5 tới ông dự định tham gia triển lãm tranh cùng bốn họa sĩ cựu chiến binh từng tham chiến tại mặt trận phía Nam.
Với một kẻ say nghề, lại có những mối quan hệ phong phú như Lê Trí Dũng, đôi khi người ta không biết ông lấy đâu ra thời gian? “Biết sắp xếp công việc và kiểm soát thời gian khôn ngoan, ta sẽ giải quyết mọi chuyện ổn thỏa”, ông nói.
4.
…Tôi gặp họa sĩ Lê Trí Dũng một chiều cuối xuân tại trụ sở Hội Mỹ thuật VN, 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội. Ông vừa trở về sau chuyến đi miền núi Cao Bằng cùng mấy anh em BCH TW Hội.
Được hỏi “công thức” để thành công của mình, Lê Trí Dũng trả lời: “Đam mê, tiếp cận đúng và quyết định đột phá. Tôi đang làm một công việc duy nhất là sáng tác. Tôi say mê nó. Nhưng tôi say mê cái hệ quả của nó hơn. Tiền có thể mua được, nhưng bạn bè, tự trọng hoặc lòng tin thì không”.
Còn ước vọng? – “Tôi mong muốn sự tử tế hiện hữu nhiều hơn và lan rộng trong cuộc sống này”.
5.
Quần quật trên cánh đồng sáng tạo, người nghệ sĩ ấy vẫn tinh tế, phong độ. Thần thái dung dị, hài hước…
Với Lê Trí Dũng, tranh đẹp là một quý vật. Quý vật phải tìm được quý nhân. Và cách tốt nhất để những bức tranh đẹp trở nên đẹp hơn là giới thiệu và đưa nó đến với những người thực sự hiểu được giá trị của nó.