Chứng minh và chủ trì Phật sự có Thượng tọa Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Trị sự PGHP, trụ trì chùa Tháp Tường Long; Thượng tọa Thích Thanh Giác – Phó Trưởng Ban Trị sự PGHP cùng đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni sở tại và một số tỉnh lân cận.
Đại diện lãnh đạo Tp Hải Phòng, UBMTTQVN, Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo, CATP… cùng các nhà Công đức, Đàn na tín thí là khách mời của Đại lễ.
Gần 2.000 Phật tử đã tham dự đoàn rước và các lễ trọng tại chùa Tháp Tường Long.
Từ 6 giờ sáng, gần 1.000 Phật tử, trên hàng chục xe ô tô lớn nhỏ đã vân tập, phấn khởi cung rước tượng Phật từ chùa Dư Hàng ở trung tâm thành phố về chùa Tháp Tường Long – Đồ Sơn, trên quãng đường chừng hơn 20 cây số đường bằng và gần 05 cây số đường leo dốc đổ đèo lên núi.
20 pho tượng đồng, nặng hơn 20 tấn, kinh phí trên 4 tỷ, chế tác trong dịp này sẽ được an vị và thờ phụng tại Đại điện chùa Tháp sắp hoàn thành.
Đồng thời, hơn 1.000 Phật tử đã vân tập tại chùa Tháp Tường Long từ sớm để tụng kinh niệm Phật và làm lễ cáo Tổ Không Lộ Nguyễn Minh Không – Vị Tổ sư của nghề đúc đồng nước ta.
Công trường xây dựng chùa, tháp đang ngổn ngang và khẩn trương cũng không làm giảm được không khí hân hoan và thành tâm của lễ hội. Chặng đường leo núi lên chùa quanh co uốn lượn lên dốc đổ đèo, non xanh biển biếc đẹp như tranh vẽ… nhắc lòng nhớ lại nơi đây là thắng địa linh thiêng trấn ải trời Nam.
Trên công trường đang cùng một lúc kiến tạo nền móng và tầng trệt cho ngôi đại điện hình chữ công – (I) với 15 gian lớn, trên mặt bằng gần 1.500m2 theo lối chùa cổ bằng gỗ quý; nhà Tổ sẽ được xây dựng ngay sau đại điện với tượng Tây Phương Tam Thánh bằng chất liệu gốm sứ Bát Tràng truyền thống, có kích thước lớn; kế sau là khu lầu bảo tàng di chỉ khảo cổ nền móng của tháp Tường Long nhà Lý; kế bên trái về phía biển Đông là khu xây dựng (mô phỏng) tháp Tường Long đang làm móng…
Được biết, riêng xây dựng tòa Tháp được nhà nước hỗ trợ kinh phí, còn khu chùa, nhà Tổ, cảnh quan… (gần 100 tỷ đồng) do nhà chùa tự lo vận động công đức – xã hội hóa.
Trong thời gian vừa qua, vấn đề xây dựng (mô phỏng) tháp Tường Long sẽ là 09 hay 13 tầng đã gây nên tranh biện rộng rãi trong các hội thảo và dư luận. Tới nay kết luận chính thức là xây tòa tháp Cửu phẩm liên hoa 09 tầng.
Thượng tọa Thích Quảng Tùng cho biết: “Chính nơi đây – đỉnh Long Sơn – ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn chạy dọc bán đảo Đồ Sơn, đã từng hiện hữu một di tích văn hóa lịch sử với cả nghìn năm tuổi, đó là chùa – tháp Tường Long.”
“Tháp Tường Long (còn gọi là tháp Đồ Sơn) được xây thời Lý Thánh Tông. Lòng tháp rỗng và là nơi đặt pho tuợng A Di Đà. Công trình được xây bằng gạch và đá có kích thước khác nhau, với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh. Cách trang trí này biểu hiện nghệ thuật điển hình thời Lý.”
“Theo sách "Đại Việt sử lược" thì năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau ngài nằm mộng thấy rồng vàng bèn ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là "thấy rồng vàng hiện lên” để ghi nhớ điềm lành. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí", tháp cũ Đồ Sơn cao 100 thước, dựng trên một khu đất rộng 1.000m2, có 9 tầng, cửa mở ra hướng tây. Tháp cao khoảng 45 m, đặt trên ngọn núi cách mặt biển 100m nên ngọn tháp này thuộc loại cao nhất so với các tháp ở Việt Nam thời bấy giờ.”
“Tháp Tường Long nhiều lần được tu tạo và khôi phục trong triều Trần và triều Lê, nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn đã cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương (!) – Một bi kịch của lịch sử tang thương đất Việt! Như vậy, đã hơn hai thế kỷ nay không có ai được trông thấy ngôi tháp nữa.”
Chư Tôn đức Tăng ni và Phật tử, cùng với sự tham dự của các cấp chính quyền đã trang nghiên cử hành nghi lễ dâng hương bạch Phật và trì chú gia hộ đúc đại hồng chung 1.000 kg.
Hàng trăm Phật tử đã thành kính, thanh tịnh cúng dàng hơn 30 cây vàng (hoa tai, nhẫn, dây chuyền, vàng lá…) để thả vào nước đồng nung chảy đúc nên Pháp khí nhà Phật.
Cảm động biết bao khi thấy những cụ già, lưng đã còng, trông thật lam lũ, nghèo khó, thôn dã, lần tìm đôi bông tai hay cặp nhẫn kỷ vật cất kỹ trong hầu bao, hay gỡ cặp bông vàng trên đôi tai già nhăn nheo chảy xệ, để rồi run run xúc động trào nước mắt, hai tay dâng cúng Thượng tọa trụ trì, nhờ Ngài thả dùm vào dòng nước đồng đỏ lịm đang rót vào khuôn…
Một nghìn năm đã trôi qua mà cũng đang trở lại. Vạn vật trôi dạt theo dòng vô thường sinh thành dị diệt mà cũng lại thường trụ trong pháp giới.
Chỉ rất sớm thôi, độ này sang năm, hay sang năm nữa, chùa Tháp Tường Long lung linh tố hảo, trang nghiêm tọa lạc trên đỉnh Đồ sơn bên bờ Đông hải sẽ lại thong thả ngân vang tiếng chuông vàng đang được rót từ buổi sớm nay.