Trang chủ Văn học Hồn quê trong cõi thơ Trần Nhân Tông

Hồn quê trong cõi thơ Trần Nhân Tông

275

Nói đến thi ca là nói đến quê hương, nhưng không phải hồn dân dã của những kẻ chân lấm tay bùn trong thơ nào cũng có; cũng đặc tả những hồ đình liễu tạ, mộ khánh thần chung, nhưng cái hồn quê thì cứ lẩn quất mãi, có duyên lắm mới tìm ra một tứ.


Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê nhất của Việt Nam, ấy vậy mà thỉnh thoảng vẫn có những câu thơ cực kỳ quý phái, đại loại như:


“Sáng đào, trưa lý, đêm hồng phấn


Tuyết lãnh, sương quỳnh, máu đỗ quyên”.


Quách Tấn từng được mệnh danh là thi sĩ đại của Việt Nam thế kỷ XX nhờ thủy chung với tự tình dân tộc, nhưng đọc những câu thơ dưới đây, tôi chẳng tìm đâu ra ruộng đồng hoa cỏ Việt Nam:


“Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng


Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng


Bồn chồn thương kẻ nương song bạc


Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng”.


Đành rằng một thế hệ thi nhân tiền chiến, không thiếu gì những tên tuổi gắn chặt với hồn quê như: Anh Thơ, Trần Huyền Trân, Bàng Bá Lân, Thanh Tịnh… Nhưng đó là chuyện của thời mà người Việt Nam đã “mới”, đã nhảy ra khuôn vàng thước ngọc của văn chương khoa bảng phong kiến Trung Hoa. Còn trước đó, càng đi ngược về xưa, những câu thơ – không phải là những nhà thơ – man mác hồn quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một Bà Huyện Thanh Quan, một Nguyễn Khuyến đã cực kỳ quý hiếm những hình ảnh tiều phu, ruộng lúa, mục tử cưỡi trâu về, rừng chiều phơi lá đỏ. Ấy vậy mà trước đó cả 600 trăm năm, một đấng quân-vương-thiền-sư-thi-sĩ đã gọi hồn quê nước Việt về dìu dặt cả một trời thơ.


Trần Nhân Tông hẳn nhiên là một anh hùng dân tộc. Tên tuổi của ông gắn liền với hai cuộc chiến tranh thần thánh chống quân Nguyên Mông. Một ông vua bỏ ngai vàng đi xuất gia là chuyện chỉ có ở Việt Nam. Một ông vua vừa là một thi sĩ, điều này tưởng như dân tộc nào cũng có. Nhưng một ông-vua-thiền-sư-thi-sĩ, với một tâm hồn đôn hậu chân chất của người nông dân, quả là độc nhất vô nhị. Trong Tam tổ thực lục nói: “Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lý Thập thiện”. Một vị thái thượng hoàng như vậy, làm sao quốc gia không thái bình thịnh trị được?


Cứ như là trình tự của một dòng thơ, nếu ai đọc kỹ thơ của các vua Trần, hẳn sẽ thấy quê hương thay đổi qua từng thời đại. Bắt đầu từ Trần Thái Tông, ta bắt gặp cảnh “nguyệt rụng bến sông dài” (Nguyệt lạc tràng giang dạ kỷ canh), cảnh “trăng khuya lạnh cùng khắp chốn” (Nhất đạo thiềm quang đại địa hàn)… Đến Trần Thánh Tông, cảnh vật đã sống động hơn với “Điểu tán lạc sơn hoa” (Chim liệng rụng hoa rừng) với “Vạn tử thiên hồng không lạn mạn” (Muôn vạn đóa hồng phơi rỡ rỡ), với “Vạn điệp bạch vân già cố trạch” (mây trắng muôn trùng che mái cũ), hay “Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu” (Nước ngậm trời thu nước cũng thu). Đến Trần Nhân Tông, dù ở đâu, nói gì, ta vẫn thấy hồn quê dìu dặt cả trời thơ. Ở đó, mái chùa, tiếng chuông, bến nước cây đa, mục đồng thổi sáo, tất cả đều được cô đọng thành lời, và như một lời nhắn nhủ, đất nước có phồn vinh hay không, triều đình có thịnh trị hay không, tất cả đều lưu xuất từ cõi thanh bình của chân bùn tay lấm, mùi thơm của đất, màu thẳm của trời, và trong sáng cõi tâm.


Sớm ngủ dậy mới hay xuân đến, không phải ở thục khí hay quang thiên, mà ở một không gian rất nhỏ:


“Thụy khởi khải song phi


Bất tri xuân dĩ quy


Nhất song bạch hồ điệp


Phách phách sấn hoa phi”.


(Xuân hiểu)


(Ngủ dậy nhìn ra cửa sổ


Mới hay trời đã xuân đầy


Kìa kìa một đôi bướm trắng


Nhịp nhàng hướng nụ hoa bay).


Chưa bàn đến tâm cảnh đạt ngộ của thiền sư, mà nghĩ cho cùng, cái vô sự của “người rồi việc” cũng là cái vô sự của kẻ thường tình, có điều nó đã được cảm nhận một cách thong dong qua tâm hồn sáng trong cùng thực tại. Ngắm cảnh xuân, Trần Nhân Tông viết:


“Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì


Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi


Khách lai bất vấn nhân gian sự


Chỉ bạng lạn can khán thúy vi”.


(Xuân cảnh)


(Chim trong liễu thắm hót khoan thai


Bóng ngả bên thềm mây vẫn bay


Khách đến thôi bàn chi thế sự


Chỉ tựa lan can ngắm cỏ cây).


Trần Nhân Tông thường nói đến cảnh xuân. Xuân ở trong ông lúc nào cũng có hoa, có bướm. Dù đang ngự trong giường rồng chiếu trúc hay lúc ngắm xuân tàn giữa hoa tan tác rụng, thơ ông vẫn đượm một vẻ bình yên của tâm hồn dân dã. Dù cuộc thế có mịt mờ, khuê cung có ảm đạm, cỏ hoa vẫn hiền hòa và niềm xuân vẫn bình lặng, như nỗi niềm sông nước mơn man của quê hương thân thiết. Trong bài thơ xuân làm trong đêm 11 tháng 2, ông viết:


“Hoan bá kiêu sầu phong vị trường


Đào sinh trúc đạm ổn long sàng


Nhất thiên như thủy nguyệt như trú


Hoa ảnh mãn song xuân mộng trường”.


(Nhị nguyệt thập nhất dạ)


“Chén rượu tiêu sầu vị thấm xa


Giường rồng chiếu trúc ngắm nhìn ra


Trời trong như nước ngời đêm nguyệt


Giấc mộng xuân đầy bóng cỏ hoa”.


Trong bài “Khuê oán” có một tứ thơ vô cùng mới lạ, khi nhìn thấy không dưng mặt trời lặn ngoài phía lầu Tây thì bóng hoa đều hướng hết về phía Đông:


“Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng


Hoàng ly bất ngữ oán Đông phong


Vô đoan lạc nhật Tây lầu ngoại


Hoa ảnh chi đầu tận hướng Đông”.


(Khuê ẩm)


“Vén rèm dậy ngắm cánh hồng rơi


Oanh làm thinh giận gió xuân ơi


Lầu Tây vô cớ vầng dương lặn


Bóng cỏ hoa đều ngả hướng Đông”.


Có lần tá túc tại một ngôi chùa làng Cổ Châu với một tâm trạng buồn sau khi thăm chị mình – công chúa Thiên Thụy sắp mất, thế mà Trần Nhân Tông đã có bài thơ vô cùng giải thoát:


“Thế số nhất tức mặc


Thời tình lưỡng hải ngân


Ma cung hồn quản thậm


Phật quốc bất thăng Xuân”.


(Đề Cổ Châu hương thôn tự)


“Số đời một hơi thở


Tình trong đôi mắt trong


Khi cung ma mờ mịt


Cõi Phật một trời xuân”.


Khi đứng trên hồ Động Thiên, nhìn thấy cỏ hoa kém phần Xuân sắc, hồn quê vẫn man mác khi người thơ lắng hồn nghe một tiếng chuông:


“Động thiên hồ thượng cảnh


Hoa thảo giảm xuân dung


Thượng đế lân sầm tịch


Thái thanh thời nhất chung”.


(Động thiên hồ thượng)


(Bên hồ động thiên lặng


Hoa cỏ kém màu xuân


Thượng đế thương cô tịch


Tâng không điểm tiếng chuông).


Hai chữ “Thượng đế” trong bài khiến ta ngỡ ngàng. Hẳn khái niệm Thượng đế là đấng toàn năng không có trong tư tưởng thời Trần. Vậy Thượng đế ở đây là gì? Trời ư? Tiếng chuông hẳn phải vọng từ một thôn tự nào đó. Ôi, cảnh ở đây đâu có bóng người, chỉ có cái vô hình vô ảnh lẩn quất giữa hồn cây cỏ. Hồn thiêng sông núi, quốc túy quốc hồn, tác giả tạm hình dung thành thượng đế, ban sự sống cho trời thơ? Tiếng chuông sao mà xao gợn hồn ta đến thế!


Ngắm cảnh chiều trên châu Lạng, giữa cái buồn buồn của sương thu lá đỏ, ta cũng nghe vẳng một hồi chuông lặng tỏa:


“Cổ tự thê lương thu ái ngại


Ngư thuyền tiêu sắc mộ chung


Thủy minh, sơn tĩnh bạch âu quá


Phong tịnh, vân nhàn, hồng thụ sơ”.


(Lạng châu vãn cảnh)


(Chùa cổ sương thu một lớp buồn


Thuyền câu hiu hắt một hồi chuông


Núi lặng dòng im âu trắng hiện


Lưa thưa lá đỏ gió mây chùng).


Tả cảnh mùa thu ở Vũ Lâm, ta cũng thấy thiên nhiên luôn văng vẳng tiếng chuông ngân như làm nền cho mây nước êm đềm và màu lá đỏ vốn rất đặc sắc của trời thu đất Bắc:


“Họa kiều đảo ảnh trám khuê hoành


Nhất mạc tà dương thủy ngoại minh


Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc


Thấp vân như mộng viễn chung thanh”.


(Vũ lâm thu vân)


(Bóng cầu cong ngược vắt qua khe


Ngấn nước hồng lên vệt nắng tà


Lá đỏ rơi mờ chân núi thẳm


Mây chùng như mộng tiếng chuông xa).


Không phải ngẫu nhiên khi tiếng chuông luôn là âm sắc gợi tả sự thanh bình trên quê hương đất Việt. Nếu tiếng đại bác đêm đêm là âm thanh đặc tả quê hương thời ly loạn, thì tiếng chuông chùa là giai điệu đẹp thuở thái bình. Trần Nhân Tông đã cảm nhận sâu sắc tình tự quê hương trong tiếng chày kình đêm đêm khi trở giấc. Người ta chẳng thấy đâu trong những vần thơ kia cảnh điện vũ nguy nga, cảnh tam cung lục viện, cảnh quan triều hướng chín bệ rồng tung hô vạn tuế. Thật là lạ lùng khi đối với một ông vua, ta lại nghe cảnh nửa đêm trở giấc vì tiếng chày giã gạo nơi nào, nằm ngắm trăng lay trên cành hoa quế qua đèn song chếch bóng án thư đầy:


“Bán song đăng ảnh mãn sàng thư


Lộ trích thư đình dạ khí hư


Thùy khởi châm thanh vô mích xứ


Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ”.


(Nguyệt)


(Đèn song chếch bóng án thư đầy


Sân thu sương bạc ảo huyền bay


Trở giấc tiếng chày đâu chẳng biết


Trên cành hoa quế bóng trăng lay).


Như vậy không phải cứ xuân hoa, nguyệt dạ, không phải cứ cổ tự, chung thanh, mà là chính tâm hồn thi nhân hòa quyện cùng non nước ấy. Cái hồn quê không có những cảnh tình đặc tả khi mà cõi lòng chưa được bình yên. Đành rằng Trần Nhân Tông sống gần chùa chiền tăng viện, nhưng điều đáng nói là hình ảnh quê hương cứ như được ấp ủ và duy trì qua sinh hoạt của chùa chiền. Khi vị sư khép cổng chùa dưới cội đa già sau khi xông trầm khắp điện, lúc ấy chỉ cần một tiếng ve cất lên là đủ kéo dài một tứ thu cho cả trời thơ đất Bắc:


“Huân tận thiên đầu mãn tọa hương


Thủy lưu sơ khởi bất đa lương


Lão dung ảnh lý tăng quan bế


Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường”.


(Đề Phổ Minh Tự thủy tạ)


(Muôn nén trầm xông tỏa ngát xa


Nước gợn nghe chừng đủ mát da


Dưới cội đa già Tăng khép cổng


Tứ thu dìu dặt tiếng ve ca).


Bài thơ tôi thích nhất của Trần Nhân Tông là bài “Thiên trường vãn vọng”. Và có lẽ đây là bài thơ hay nhất của thi ca cổ điển Việt Nam khi gợi mở một hồn quê thanh bình miên viễn. Về thăm lại quê tổ phụ ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, không biết thi nhân đã đứng ở đâu để ngắm cảnh chiều nên thơ đến thế:


“Thôn hậu thôn tiền đạm tợ yên


Bán vô bán hữu tịch dương biên


Mục đồng địch lý quy ngưu tận


Bạch lộ song song phi hạ điền”.


(Thiên Trường vãn vọng)


(Khói phủ mơ màng giữa xóm thôn


Bóng chiều như có lại như không


Mục đồng thổi sáo trâu về hết


Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).


Hay:


(Cô thôn khói phủ mơ màng


Hoàng hôn ẩn hiện nhẹ nhàng như không


Trâu về theo sáo mục đồng


Cánh cò bay lả song song xuống vườn).


Bài “Thiên Trường phủ” cũng là một bài thơ rất hay của Trần Nhân Tông, sáng tác khi ông dạo gót trên con đường thôn dã đầy bùn đất gần chùa Phổ Minh. Cũng cảnh sư tăng trở về chùa sau khi cơn mưa tẩy sạch đám bùn nhơ dưới ánh trăng mờ:


“Lục ám hồng hy bội tịch liêu


Tế vân thôn vũ thổ hoa tiêu


Trai đường giảng hậu tăng quy viện


Giảng quán canh sơ nguyệt thượng kiều


Tam thập niên cung hoành dạ tháp


Bát thiên hương sát động xuân triêu


Phổ Minh phong cảnh hồn như tạc


Phảng phất canh tường nhập mộng nhiêu”.


(Thiên Trường phủ)


Trong bài này, hai câu cuối là hai câu thơ lạ. Ngắm cảnh rêu phong chùa Phổ Minh, tác giả chợt nhớ hình ảnh vua cha mình phảng phất. Lần đầu tiên trong thi ca Việt Nam, hình ảnh ngôi chùa và hình ảnh người cha xuất hiện cùng một lúc, như đời sống gần gũi cũa người dân quyện chặt với mái chùa thấp thoáng. Ở đây người cha lại là một ông vua – tức Trần Thánh Tông. Ôi! Có triều đại nào lại êm đềm hơn thế nữa ?


Còn rất nhiều những bài thơ hay, những tứ thơ lạ của Trần Nhân Tông phảng phất hồn quê. Sau khi xuất gia hay lúc đã trở thành Tổ sư của một thiền phái, thi kệ của Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng cũng luôn nhuốm nặng màu quê và thiên nhiên. Đọc những vấn thoại của các thiền sinh hỏi Trúc Lâm trong các bộ Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Trúc Lâm hậu lục hoặc Thạch thất mỵ ngữ, ta chợt nhớ đến Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu thiền sư đời Lý, đầy những hình ảnh thi ca và hồn quê man mác trong từng câu vấn đáp. Trong Đại Hương Hải Ấn thi tập cũng còn rất nhiều những câu thơ đẹp, không thể nào nói hết. Như trong bài “Tảo mai”, khi đặc tả hoa mai sớm, thi nhân thấy sương móc đọng trên hoa tỏa hương làm chú bướm si ngây tỉnh giấc, ánh sáng đêm thì lại giống như nước làm con chim khát buồn rầu. Nếu Hằng Nga mà biết được vẻ đẹp thanh nhã của hoa mai như thế thì chẳng thèm ở làm gì nơi cây quế với cung thiềm lạnh lẽo trên kia:


… “Cam lộ lưu phượng si điệp tỉnh


Dạ quang như thủy khát cầm sầu


Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ


Quế lãnh thiềm hàn chỉ ná hưu”.


(Tảo mai)


Quả là phải có một tâm hồn vừa lãng mạn, vừa thanh tao, vừa đầy sáng tạo quyện chặt với thiên nhiên mới có những câu thơ mỹ miều đến vậy!


Vài nhà phê bình văn học thời nay cứ nói thơ xưa là thứ nghệ thuật vị nghệ thuật, không giúp gì nhiều cho thế đạo nhân tâm. Họ cho rằng nghệ thuật phải vị nhân sinh, thật buồn cười và ngớ ngẩn quá lắm! Nếu là thứ văn chương vô bổ thì sao gọi là nghệ thuật? Đừng hỏi vì cái gì. Cứ xem thơ của thời nước nhà thịnh trị, của những bậc nhân đức phi thường và thơ của thời ly loạn, của những kẻ xu thời thức vận thì biết. Hồn quê tuy mộc mạc đơn sơ đó, nhưng đó chính là hồn dân tộc. Dân tộc mà không giữ được cái hồn của mình thì tất cả sẽ tiêu vong. Chưa nói đến những giá trị đạo lý và nhân văn trong thi ca bất hủ Lý – Trần, chỉ nói đến cái giản dị thanh tao trong ngần trong từng câu chữ nhỏ, người viết dám tuyên bố rằng, trong thơ, và trong cả đời sống cũng vậy, hồn quê còn là dân tộc còn, bất luận là vị nghệ thuật hay vị nhân sinh.


Trong niềm tri cảm đó, xin nghiêng mình trước núi sông để lắng nghe bản hòa âm của cỏ nội hoa ngàn, và để ngâm tràn những bài thơ của đấng đại quân vương thiền-sư-thi-sĩ Trần Nhân Tông trong niềm thiết tha vô hạn.


(1) Tất cả những câu thơ trong bài này là do người viết tạm dịch