Trang chủ Thời đại Xã hội Hôn nhân – gia đình, hạnh phúc của người Phật tử

Hôn nhân – gia đình, hạnh phúc của người Phật tử

723

Loài vật vẫn có những loài sống thành đôi, thành cặp, có trống có mái, có đực có cái, cũng sinh con và cũng biết nuôi cho con của chúng lớn lên, đủ lông đủ cánh, biết săn mồi. Con người là một động vật cao cấp khác với loài vật vì con người có tư duy, có lao động và biết suy nghĩ trước khi hành động.

Trong việc duy trì nòi giống, con người thương yêu nhau, kết hợp với nhau thành gia đình, sinh con, giáo dục con thành người có ích. Việc người nam và người nữ kết hợp với nhau thành vợ chồng đều phải thông qua hôn nhân, được gia đình, xã hội và luật pháp công nhận. Hôn nhân là kết quả của quá trình yêu đương giữa người nam và người nữ đã trưởng thành, là sự kết hợp với nhau thông qua sự chấp thuận của cha mẹ đôi bên, sự công nhận của pháp luật thông qua thủ tục đăng ký kết hôn. Từ đó, giữa họ hình thành một mối quan hệ mới là quan hệ gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Trong xã hội, con người có nhu cầu tín ngưỡng và thực thi lý tưởng mà tự thân hướng đến. Chúng ta là những Phật tử, là những con người có niềm tin và làm theo những gì mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy. Do đó, chúng ta càng phải có những nhận thức đúng đắn về hôn nhân-gia đình để xây dựng hạnh phúc phù hợp với giáo lý đạo Phật đồng thời phù hợp cuộc sống xã hội.

1- Quyền có hôn nhân và gia đình

Đạo Phật là đạo giải thoát, giác ngộ. Bất cứ ai là Phật tử hay không Phật tử theo quan điểm của đạo Phật đều có quyền đi đến hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, những người đủ duyên để xuất gia, trở thành những nhà sư, tu sĩ thì nguyện sống một đời sống không gia đình, chiếm một số lượng rất nhỏ trong số tín đồ Phật giáo. Họ tự nguyện xa rời cuộc sống thế gian, không vướng bận vào vòng tình ái, vợ con. Cần nói rõ thêm, trước khi xuất gia, họ có quyền có hôn nhân, gia đình, vợ con. Nhưng khi đã xuất gia thì họ phải toàn tâm toàn ý tu học Phật pháp để trở thành người giác ngộ và giúp cư sĩ tại gia tu học.

Những người chưa đủ duyên để xuất gia thì tu học tại nhà. Đạo Phật không ngăn cấm cư sĩ tại gia không được có tình yêu, hôn nhân và gia đình. Cư sĩ tại gia tin và tu theo giáo lý đạo Phật, sống cùng xã hội, tuôn theo luật pháp và đạo lý con người.

2-Phật tử tại gia có quyền có tình yêu, hôn nhân, gia đình

Tình yêu trai gái là điều tự nhiên của con người. Con người được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên. Khi đến tuổi trưởng thành, người nam và người nữ tự nhiên có tình cảm với người khác phái. Từ đấy, họ nẩy nở tình yêu. Tình yêu giữa người nam và và người nữ hoàn toàn không có gì là xấu xa. Đó là quy luật phát triển tự nhiên của con người. Không ai có thể ngăn cấm tình yêu trai và gái. Có những lề thói cổ hũ ngăn cấm đã dẫn đến những hâu quả khôn lường, mang lại nổi đau cho những người thân yêu, ruột thịt.

Tình yêu và hôn nhân là chuyện bình thường của con người. Cha mẹ nuôi dưỡng con cái lớn khôn luôn mong mỏi con cái của mình tìm được “ý trung nhân” để xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Đức Phật không hề bác bỏ hay ngăn cấm người nam, nữ trưởng thành yêu nhau. Đức Phật khuyên dạy con người từ lúc yêu thương nhau đến lúc chung sống với nhau phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, phải hợp với đạo lý làm người.

Giáo lý nhà Phật đặt nền tảng trên tình thương yêu con người. Ngài dạy con người phải thương yêu nhau, mang lại niềm vui, an lạc cho nhau. Xây dựng cuộc sống hôn nhân, gia đình là phải mang lại hạnh phúc, niềm vui cho nhau , chứ không phải mang lại nỗi đau.

Trong Kinh Đại Bảo Tích , Đức Phật đã dạy: “Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người chồng, người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn”. Như thế, Đức Phật đã nêu rõ nền tảng của hạnh phúc gia đình là sự hiểu biết lẫn nhau và phù hợp với nhau. Dân gian Việt Nam chúng ta nói nôm na là “Nồi nào vung nấy”, tức là sự phù hợp với nhau về tính cách, lối sống và sự cảm thông nhau. Sự phù hợp ở đây hoàn toàn không có nghĩa là “Môn đăng hộ đối” với hàm ý phân chia giàu nghèo, sang hèn. Nếu hai người không phù hợp với nhau mà phải chung sống với nhau thì rất khó có hạnh phúc.

Tình yêu chân chính bao giờ cũng dẫn đến hôn nhân, tạo lập gia đình. Như thế hôn nhân phải luôn đi đôi với gia đình. Tình yêu không đi đến hôn nhân thì thường là mang đến nỗi sầu khổ đôi khi mang đến hận thù. Chuyện tình “Roméo và Juliet” là một câu chuyện lãng mạn về tình yêu. Chỉ vì mối thù giữa hai dòng họ, khiến cho họ không thể đến với nhau bằng hôn nhân, nàng Juliet tìm đến cái chết bằng thuốc độc, chàng Roméo tự vẫn bằng gươm. Ngày nay, cũng đôi khi đôi ban trẻ không được đến với nhau do gia đình ngăn cấm, họ cũng tìm đến cái chết. Thật thương thay !

3-Hôn nhân- gia đình, hạnh phúc của người Phật tử

Như trên đã nói, Phật tử ở đây là các cư sĩ tại gia. Khi đã có tình yêu thì người Phật tử có quyền tiến đến hôn nhân và lập gia đình. Giáo lý nhà Phật không can thiệp, ngăn cấm hay bó buộc gì giữa đôi trai, gái. Đạo Phật là đạo từ bi, hỷ xả, không cố chấp. Giáo lý đạo Phật không đòi hỏi phật tử của mình buộc người hôn phối phải từ bỏ đạo khác mới được kết hôn như một vài tôn giáo khác.

Hai người nam nữ trưởng thành thương yêu nhau và tiến đến hôn nhân là một nhân duyên lớn. Khi tiến đến hôn nhân để có cuộc sống chung giữa hai người là bắt đầu một quá trình thử thách. Hôn nhân này có dẫn đến hạnh phúc hay khổ đau phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức và nhân cách của hai người.

Để có cuộc sống hạnh phúc, người Phật tử cần phải thực hiện những nguyên tắc đạo đức của con người, sống và thực hiện các quy định của pháp luật, trên hết người Phật tử cần phải nhớ kỹ và thực hành những lời Phật dạy.

Về góc độ luật pháp, hôn nhân phải đảm bảo các nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng và bình đẳng. Vợ và chồng phải chung thủy, thương yêu, quý trọng, giúp đỡ nhau cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Vợ chồng tôn trọng và giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau. Vơ chồng tạo điều kiện cho nhau trong việc chọn nghề, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội theo nguyện vọng và khả năng mỗi người. Khi có con, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, chăm lo việc học tập và giáo dục con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Về góc độ đạo lý con người: Vợ chồng phải thương yêu nhau, quý trọng nhau và cùng nhau có trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dưỡng con cái thành người hữu ích.

Về góc độ giáo lý đạo Phật, vợ chồng phải biết bao dung, chân tình, thương yêu và quý trọng lẫn nhau theo nếp sống xây dựng một đời sống gia đình hạnh phúc mà Phật đã dạy. Người chồng phải biết yêu thương, kính trọng và trung thành với người vợ, săn sóc chu đáo đời sống kinh tế của người vợ; thương yêu chưa đủ, hạnh phúc cần phải đáp ứng các nhu cầu cuộc sống. Người vợ phải thương yêu, kính trọng, chung thủy với chồng, khéo léo hành xử đối với những mối quan hệ của chồng và vui vẻ với làng giềng.

Trong thời đại ngày nay, hạnh phúc của người Phật tử là phải biết hướng dẫn con cái trở thành Phật tử, biết tôn kính Tam bảo, biết đi chùa, thương yêu người, bố thí, bớt tham sân si….Con cái hiếu để, kính trọng ông bà, cha mẹ, lánh xa kẻ xấu ác và không làm điều ác, thường hay làm việc thiện.

Phật tử là cư sĩ tại gia có nhiều trách nhiệm đối với xã hội (làm công dân, làm người lao động, làm kinh tế), đối với gia đình (làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ), đối với bản thân (thường xuyên tu dưỡng đạo đức, làm gương sáng cho con) nên người Phật tử tại gia phấn đấu tu học làm một việc hết sức khó khăn.Thật đúng với lời nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.

Phật tử tại gia xây dựng được mái ấm gia đình hạnh phúc, làm kinh tế đủ sống hoặc dư giả, nuôi dạy con nên người, đồng thời vẫn có thời gian đến chùa nghe pháp, tu học thì đúng là một kỳ tích phi thường.

4- Những điều nên làm để có hạnh phúc trong hôn nhân-gia đình

Khi trưởng thành, người nam và người nữ bắt đầu có tình yêu thì phải giữ gìn cho tình yêu trong sáng. Sự thương yêu nhau là hết sức cần thiết, song quan trọng hơn là biết kính trọng nhau. Sự kính trọng ngay những ngày yêu thương nhau sẽ làm nên tảng cho tình yêu lâu dài. Có kính trọng nhau mới vượt qua được sự ham muốn, giữ cho nhau sự trong sáng về mặt trinh tiết và phẩm hạnh. Nhiều bạn trẻ sớm đổ vỡ tình yêu vì đã quá hiểu rõ về nhau, cho nhau tất cả những gì cần phải gìn giữ cho hạnh phúc trước khi lập gia đình.

Tạo điều kiện cho người bạn đời tương lai của mình hiểu biết về gia đình cha mẹ, anh em hai bên. Có hiểu về gia đình nhau mới thông cảm cho nhau, biết là gia đình người hôn phối có đạo lý, đạo đức như nhà minh không. Gặp nhà không biết đạo đức thì nên hướng dẫn họ sống đạo đức, nếu không được thì nên sớm nói lời chia tay trước khi quá muộn.

Chọn người yêu phù hợp với mình, trước hết là phù hợp về tín ngưỡng. Không nên chọn người tôn giáo khác mà người ấy buộc mình phải bỏ đạo Phật mới tiến đến hôn nhân. Đạo Phật không đòi hỏi người yêu của mình bỏ đạo thì người yêu của mình cũng không được buộc mình phải bỏ đạo Phật. Như thế là mất công bằng và bình đẳng trước khi hai người trở thành vợ thành chồng. Trong hôn nhân mà không có bình đẳng ghì thật khó có hạnh phúc lâu dài. Nhiều cuộc hôn nhân với người khác tôn giáo đã cho thấy, họ cũng có hạnh phúc trong thời gian đầu, sau đó họ lục đục vì tranh chấp dạy dỗ con cái, cho con theo đạo nào và bản thân họ cũng mặc cảm bất an vì đã “bỏ đạo”. Nhiều người đàn ông vì muốn lấy được người mình yêu đã bỏ đạo, nhưng sau đó cũng bỏ cả “đạo theo” vì lương tâm cắn rứt, lúc ấy người hôn phối cũng mất hạnh phúc vì chồng (vợ ) mình bị gia đình nhiếc mắng có thằng chồng (con vợ) phản đạo. Khi tiến đến hôn nhân và thành lập gia đình, cả vợ và chồng cần phải luôn có ý thức cộng đồng trách nhiệm trong tạo dựng hạnh phúc gia đình. Không phải chỉ một người nhường nhịn mà phải cả hai người cùng nhường nhịn lẫn nhau. Cuộc sống gia đình làm gì không có những mâu thuẩn to hay nhỏ, nếu chỉ vì một lời nói, một tự ái thiếu kìm chế thì cuộc sống hôn nhân sẽ đổ vỡ.

Vợ chồng khi đã lấy nhau rồi cũng phải tiếp tục kính trọng như ngày chưa lấy nhau. Người Việt Nam ta có câu “ Tương kính như tân” (Quý trọng nhau như mới gặp nhau). Có tôn trọng lẫn nhau thì sẽ không có người nầy xem nhẹ, xem thường người kia, không có lời nói của kẻ cả với vợ hay chồng mình. Khi được tôn trọng, vợ chồng sẽ có lời nói nhẹ nhàng, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Vợ chồng nên giảm thiểu lới trách móc, chì chiết mà thay vào đó bằng lời nói yêu thương, nhẹ nhàng. Có thương yêu tôn trọng nhau thì vợ và chồng sẽ không dám có tư tưởng và hành động phản bội, thiếu thủy chung.

Vợ chồng phải thành thật với nhau, vợ chồng tuy hai mà là một, tuy một mà là hai. Vợ chồng không được dấu diếm nhau điều gì Không có bí mật tư riêng. Vợ chồng chia sẻ niềm vui lẫn nỗi buồn sẽ giúp nhau giải quyết khó khăn, thông cảm nhau hơn và cùng nhau vượt qua khó khăn. Người chồng hay người vợ giấu diếm, che dấu điều gì sẽ khiến cho người hôn phối của mình cảm thấy bị lừa đối. Từ đấy sẽ mất niềm tin với nhau. Vợ chồng mà thiếu niềm tin thì hạnh phúc cũng kém bền vững.

Vợ chồng phải có cách thức giáo dục con cái nên người. Con cái nên người, thành đạt là niềm hạnh phúc của gia đình. Nếu đứa con tốt thì cha mẹ hạnh phúc. Đứa con hư thì cha mẹ bất hạnh. Đức Phật dạy: “Cha mẹ phải có bổn phận khuyên bảo con cái tránh xa điều xấu, làm điều tốt, tạo cho con cái có nền giáo dục tốt, tạo điều kiện cho chúng lập gia đình với người phù hợp”.

Hôn nhân – gia đình là một hiện tượng xã hội, không chỉ luật pháp quy định chặt chẽ về hôn nhân gia đình mà đạo đức xã hội, giáo lý của các tôn giáo đều có những quy định để buộc công dân, tín đồ của mình tuân theo. Đạo Phật đã thấm nhuần vào trong cuộc sống của nhiều người dân, vì giáo lý đạo Phật thật sự tôn trọng tình yêu, hôn nhân và gia đình của con người. Pháp luật về hôn nhân và gia đình ở nước ta có nhiều nguyên tắc, trong đó có một nguyên tắc mà đạo Phật chú trọng, đó là nguyên tắc bình đẳng trong hôn nhân. Bình đẳng là nguyên tắc đảm bảo hạnh phúc lâu dài. Để có hạnh phúc, người Phật tử cần tin và làm theo lời Phật dạy, sống và hành động đúng theo đạo lý làm người, phù hợp quy định của luật pháp đem đến hạnh phúc an vui cho chính mình và cho mọi người.