Chỉ riêng năm 2005, chỉ tiêu vận động ủy lạo thiên tai, nghèo đói dược giao là 100 triệu đồng. Song tính đến tháng 11, kinh phí thực hiện đã đạt gần 660 triệu. Hoạt động xã hội nơi đây bao gồm phòng khám chữa bệnh Đông Tây y miễn phí mở cửa vào thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, những công trình phúc lợi dân sinh (bắc cầu nông thôn, đào giếng, cất nhà tình thương, hỗ trợ các trại nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn, cứu trợ đồng bào dân tộc).
Mỗi năm bình quân chục chuyến ủy lạo với trên 5.000 phần quà thiết thực được trao tận tay các đối tượng nghèo. Được biết 3 chi hội trực thuộc hỗ trợ Hội trong các hoạt động cứu trợ vùng sâu vùng xa, trợ táng và hớt tóc miễn phí cho đồng bào nghèo thông qua phong trào nuôi heo đất hàng năm. Tất cả được “phát pháo” từ tấm lòng của một vị sư 29 tuổi – ĐĐ. Thích Minh Khương, Hội trưởng Hội Từ thiện TX Lộc Uyển, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cơ sở tại tịnh xá. Sư Khương tâm sự: “Năm 1997, sư học bổ túc lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.6, dự định thành lập một nhóm bạn để chung hùn giúp đỡ học sinh nghèo. Họp mặt được 10 bạn trong đó có đủ thành phần nghèo, giàu, gia dình Phật tử và cả thầy giáo chủ nhiệm lớp. Lúc đầu cả nhóm góp tiền mua tập đi phát cho các em nghèo ở Long An. Sau đó được nhiều người ủng hộ, sư quyết định mở rộng vòng tay với việc hình thành một tổ chức bài bản. Khi quy tụ được 100 người, sư chia làm 2 nhóm vận động rồi phân công phụ trách ủy viên, thư ký… ban bệ của một hội từ thiện. Với sự giám sát của sư trụ trì (TT.Thích Giác Tuấn), lúc đầu Hội hỗ trợ Chi hội Hòa Bình thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM những đợt cứu trợ và mổ mắt cho người mù nghèo”.
Cô Phước Ngọc, một Phật tử khá cao tuổi thường xuyên làm công quả ở tịnh xá và tham gia các chyến ủy lạo của Hội, nhỏ nhẹ: “Đi cực lắm! Có lần bị lạc ở rừng Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đến 9 giờ tối mới về đến khách sạn ăn cơm. Nhiều Phật tử nghĩ rằng mình thoát chết là nhờ ơn trên phù hộ, vậy mà sư không hề than thở.” Bởi theo sư, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa là đối tượng mà sư luôn trăn trở. Đa số họ sống nghèo khổ và trình độ thấp. Trong kế hoạch cứu trợ hàng năm, Hội luôn dành 1-2 chuyến với lượng hàng lớn (500 -600 suất) cho đối tượng này. Xa xôi, hiểm trở song tất cả những điểm đến, sư đều lặn lội đi khảo sát theo đơn xin của địa phương hoặc chủ động tìm kiếm địa chỉ cần giúp đỡ thông qua Mặt trận Tổ quốc các địa phương. Những vùng sâu Cư Jut, buôn Kbu, huyện Krông Ana, Krông Pack, buôn Tur (tỉnh Daklak) cho đến vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng, đồng bào nghèo ở vùng sâu một số tỉnh đồng bằng Nam Bộ đều lưu dấu bước chân dầu dãi của những nhà sư trên bước đường hành đạo. Thực tế để có những phần quà thiết thực cho đồng bào nghèo, quý sư Hội Từ thiện tịnh xá Lộc Uyển đã không nề hà vất vả có lúc tưởng chừng phải mất mạng trong những mùa ủy lạo thiên tai. Như chuyến khảo sát tình hình bão lũ vừa qua ở tỉnh biên giới Lạng Sơn, xe của Hội bị kẹt vì núi lở, nước lũ lội đến gối, loay hoay cả buổi tìm đường, sư phải ăn bánh mì đỡ dạ. Một lần đi ủy lạo vào mùa mưa ở Lâm Đồng, xe cải tiến chở hàng đến chân đèo Bảo Lộc bị lún bùn, xe nghiêng sắp đổ, sư cùng một vài Phật tử nhảy xuống dùng cuốc khai thông bùn lầy và tìm cây ván kê cho xe qua. Mùa bão lũ năm 1998, chuyến cứu trợ của quý sư chở 300 phần quà đi đường sông đến Đại Ninh, Đại Lộc (Quảng Nam), nước chảy xiết, tàu chìm, mấy sư trôi giạt bám víu tìm cách lên bờ trong khi dân nghèo chỉ lo vớt mì và gạo vì đói. Lại có chuyến ủy lạo 600 phần quà cho đồng bào dân tộc huyện Krông Buk, đoàn không liên lạc được với địa phương đã đi lạc vào rừng đến nửa ngày dường, 8 giờ tối mới về điểm ăn cơm… Sư Khương cho biết đa số những chuyến đi của Hội hướng về vùng sâu, vùng xa nên Phật tử cũng ít có thời gian và điều kiện đi cùng, quý sư phải tự lực xoay xở khi khó khăn bất trắc. Song với sư, khi đã dấn thân đem đạo vào đời thì lòng nhân tử của nhà tu không giới tuyến. Sư nói: “Nhiều lúc vận động khó khăn, kinh phí hạn hẹp nhưng nghe đâu kêu cứu là mình phải tìm mọi cách để có tiền. Niềm thương cảm cứ nhân lên mỗi khi nhớ đến cảnh nghèo khó, chắt chiu của những bà cụ ở Gò Công Tây (Tiền Giang) còm lưng tuốt sống lá dừa để bán cho người bó chổi, suốt ngày chỉ được 2.000 đồng. Nhớ chị em phụ nữ nghèo nấu trái màu mặc nưa nhuộm vải ở Tân Châu (An Giang) được trả công 8.000đ/ngày. Nhớ người dân tộc huyện Krông Pack (Daklak) vác gùi làm thuê nhọc nhằn trên rẫy cà-phê, lớp học tình thương thiếu tập sách cho con em người dân tộc ở Phước Long (Bình Phước), những buổi sinh hoạt chan hòa với người mù ở cơ sở 2 chùa Kỳ Quang (TP.HCM)…”. Để tạo chữ tin với nhà tài trợ, báo cáo tài chính mỗi chuyến đi đều có xác nhận của chính quyền địa phương. Năm 2005, ngoài kinh phí thực hiện chỉ tiêu của Quận hội Chữ thập đỏ Q.6, tổng kinh phí hoạt động nhân đạo do Hội tự lực và quyên góp ước tính trên 1 tỉ đồng. Đón Xuân Bính Tuất 2006, Hội chuẩn bị quà Tết cho một số đối tượng người già neo đơn, trẻ mồ côi và ủng hộ Báo Yêu Trẻ về việc tổ chức văn nghệ vận động “Cây mùa Xuân” giúp trẻ em nghèo đón Tết.