Trang chủ Văn học Truyện Hơi thở của dòng sông

Hơi thở của dòng sông

77

Thầy Đen tổ chức khóa tu ngay trong chánh điện. Là cư sĩ, thầy có tên quy y nhưng ai cũng thích gọi là thầy Đen đúng như tên cúng cơm.

 

Minh họa: Hoàng Tường

Trong phần giải đáp sau bài giảng, có phật tử đứng lên hỏi một câu:

– Thưa thầy, bờ giác có phải xuất phát từ một bờ sông có thật hay chỉ là bờ sông tưởng tượng?

Quả thật trả lời cho rốt ráo câu hỏi ngây ngô này không phải dễ. Thầy Đen lặng người một lúc khá lâu. Ai cũng thấy vậy là bất thường vì thầy Đen dù chỉ là cư sĩ nhưng về giáo lý đạo pháp thì chưa chắc mấy vị thầy trong hàng chức sắc sánh bằng…

Mãi khi chuyển qua phần hướng dẫn thiền thầy Đen mới lấy lại cân bằng, đường nét tinh tấn hiện lại mồn một trên khuôn mặt thanh tú, khuôn mặt của người được ơn phước. Thầy mở đầu phần hướng dẫn rất lôi cuốn:

– Chủ đề của khóa tu năm nay là gì? Một ngày an lạc. Cả năm các vị đã quay cuồng trong đời sống, hàng xóm ra ngõ không kịp chào nhau, con cái quên cả cha mẹ, người thân quên cả mặt người thân, từng con người đã quên mất chính mình… Hỏi đến mức như vậy thì làm sao có được phút giây an lạc… Bắt đầu bằng tư thế kiết già. Các vị có thấy Phật Thích Ca ngồi đó không? Chân phải là dương, tay phải là dương, dương đặt trên âm, hai ngón tay cái chạm nhau. Hãy ngồi như Phật. Hãy hít vào thật sâu! Ta hình dung như mình đang đổ ánh sáng vàng ngọc vào chiếc ly vậy. Quý vị hãy cùng tôi nén thứ ánh sáng quý giá ấy xuống đan điền… Đầu óc không còn vướng bận gì cả, xả cho bằng hết. Khi người khách hư không đến nhà, chúng ta có thể dừng lại ngắm nghía anh ta chút đỉnh nhưng đừng cố mường tượng ra điều gì, hãy để căn nhà ngập tràn hình bóng của người khách ấy cho đến khi người khách ấy với ta là một…

Hàng trăm phật tử bên dưới đã bắt đầu kiểm soát được hơi thở của mình, đã nén đều đặn hơi thở xuống đan điền rồi đưa lên thùy chẩm, cả chánh điện đầy những chiếc áo xám im phắc thì chính thầy Đen lại bị một loại hơi thở khác điều khiển trở trăn suốt buổi tọa thiền, có lẽ do câu hỏi ngây ngô của vị phật tử trẻ nọ ở đầu buổi giảng đã vô tình đánh thức những sâu kín trong lòng thầy.

…Đò ơi! Tiếng gọi đò của người đàn ông chới với trong nhấp nhá chiều trên bến sông Con Cuông. Một chút nắng quái hắt thứ ánh sáng vàng chạch lên khuôn mặt người đàn ông, vừa đủ để thấy những đường hằn dúm dó nhăn quéo, có nét gì rất quen thuộc. Thầy Đen định quay đi, vào cái thời điểm ngày cùng tháng tận như thế này, con người ta không còn thời gian để dành cho những thắc mắc, nhất là người đã choàng chiếc áo cư sĩ lên người, chiếc áo không phải là thầy tu nhưng nó giúp người xuất gia tránh những phiền nhiễu không đáng có. Thầy Đen định ghé lại ngôi chùa quen tá túc qua đêm đợi con đò sớm mai.

Là bụng nói với dạ như vậy, chợt có một sức hút ma quái nào đó kéo bước chân ông tiến lại gần hơn, ông bàng hoàng nhận ra người này mang khuôn mặt của mình, cùng lúc ấy người đàn ông tiến tới và nhanh chóng nhập vào ông. Ông rùng mình rồi nhìn ngó quanh quất, bến sông giờ chỉ còn một hình một bóng là ông. Thầy Đen loay hoay định bụng trượt xuống sát mép nước vốc tay rửa mặt cho tỉnh táo, không ngờ cái triền bờ ấy lại xuôi dốc như triền mái nhà. Ông thắng người lại, loạng choạng trong tư thế cúi soi mặt mình xuống dòng nước. Đột ngột ông lùi lại.

Tiếng “đò ơi” vừa chui lên từ đáy nước, đầu tiên là tiếng thì thầm, sau thì thét lên, vọng lên thảng thốt, những vòng sóng trắng xám nhợt nhạt tỏa lan thành những vòng tròn khổng lồ trên mặt sông nhá nhem. Thầy Đen sợ hãi bật ngửa người lên nền đất ẩm ướt rồi cứ thế trượt nhanh xuống…

Ông giật mình từ từ mở mắt ra khỏi cơn chập chờn mộng mị. Bên dưới, mấy trăm phật tử trong tư thế kiết già như mấy trăm bức tượng, không biết bao nhiêu người, ngồi im nhưng chưa xả được chuyện lu bu gia đình, bản thân. Ông lim dim mắt cố nhớ lại giấc mơ, ông hiểu mọi thứ trong giấc mơ thuộc về chính mình chứ không phải ai khác. Ông không cần cầm trên tay, không cần sờ mó giấc mơ vừa lấy ra từ nơi sâu thẳm ấy nhưng ông biết được sức nóng của nó, bởi thứ nhiệt lực kia đang tỏa ra chính từ nhịp đập tưởng như đều đặn, thanh thản nơi trái tim ông.

Mỗi người có một dòng sông riêng tư và bí ẩn đeo đuổi, ám ảnh không lúc nào nguôi. Đó là con đường đi của anh ta, không chỉ bằng bước chân trần chai vàng dẹt gót, không chỉ bằng con đường sỏi đỏ nhựa đen trước mặt, cũng chưa hẳn là mục đích danh vọng chi chi, càng không phải là sợi tơ mành lụy tình tình lụy thắt ruột co tim nào cả. Đó là ước mơ của một con người.

Ước mơ không rạch ròi vì chưa dám thố lộ, chỉ âm thầm mường tượng trong đêm, chỉ ứa nước mắt mà nghĩ về nó mỗi khi sấp ngửa bầm giập đến tái tê tâm hồn, đến hư hao thân xác. Ước mơ có lúc tưởng chừng ngủ quên đâu đó như dòng sông chui qua gầm cầu bóng tối, như dòng sông cúi mặt sát đất trườn người qua những bụi gai khuất lấp móng vuốt hiểm nguy…

Thầy Đen lại tiếp tục chìm vào những ý nghĩ về dòng sông ước mơ làm cho người ông nóng ran lên. Có một dòng sông khác đang đòi hiện diện ngoài dòng sông Con Cuông nhiều kỷ niệm, lắm xót xa đã gắn chặt một thời niên thiếu côi cút của thầy với quê nhà.

Trước khi xuất gia, thầy Đen cũng thường mơ thấy dòng sông, ông thường có thói quen đứng nơi cửa sổ, tay níu vịn vào song cửa, không phải chỉ để nhìn thấy dòng sông thực đang bị lấp dần ngoài kia mà còn để hình dung ngày càng rõ dần dòng sông trong ký ức miền sâu của mình đang bị lấp dần bởi cơm áo mưu sinh, bởi những nợ nần thúc bách ngày nào. Đồng ý con người là con nợ lẫn nhau, xét cho cùng là thế, nhưng vị đắng đót nợ trần gian thường trực làm cho con người ta bất an, làm cho con người ta quằn quại, làm cho con người ta hèn mọn dần đi. Phải chăng đó là những khối đá lấp dần, lấp dần dòng sông ước mơ trong mỗi phận đời? Tu mau kẻo muộn! Đó là mệnh lệnh. Đó là con thuyền bát nhã hiện ra giữa nước lụt trắng trời.

Đen đã xuất gia. Thầy Đen nổi tiếng là người thầy hướng dẫn những khóa tu “một ngày an lạc” khắp các chùa chiền quanh miền Đông Nam bộ. Thầy Đen đi đến chùa nào thì phật tử ở đó xôn xao, hồ hởi lũ lượt đến chùa, một phần vì cách giảng bài, cách trả lời những thắc mắc gọn gàng sâu sắc một cách thông tuệ, một phần vì nhu cầu an lạc quá cần thiết cho họ. Thầy như đem đến cho họ nguồn nước mát xoa dịu những vết thương do đời sống trần tục mang lại.

Mỗi phận đời nặng trĩu ước mơ là một dòng sông luôn cố hết sức oằn mình qua những khúc quanh co định mệnh. Thầy Đen là người ít mơ trong những buổi hướng dẫn tu thiền nhưng thỉnh thoảng những lần như vậy đều làm cho da ông sạm đi. Thầy Đen không làm sao quên những cơn ác mộng chứa đựng hình ảnh gần gũi ấy đã ám mình như thế nào.

Hồi trẻ có lần ông còn thấy mình ngoi lên ngụp xuống sặc sụa trong dòng nước đục ngầu, rồi hơi thở đã rời ông ra đi, ông chới với hẫng hụt, ý muốn càng ngoi lên thì thể xác lại càng chìm xuống… Chính ông đã thấy mình nằm quay đơ xanh lạnh dưới đáy nước… Ông kể giấc mơ khủng khiếp ấy cho má ông nghe. Má quay mặt đi thở dài. Má đang rót nước mà nước cứ tràn ra đầy bàn. Má chợt kể về cái năm Thìn khốn khổ.

Giọng má thường miên man chìm lắng về một nơi xa vắng nào đó trong những lúc bà nói về cái kỳ vượt cạn trên nóc nhà lênh láng nước. Khi bà ngoại cắt được dây nhau thì thân thể đứa bé đã dần tím bầm, bà phải phát vào đít năm bảy phát liền tiếng khóc mới oe oe cất lên. Người ta khóc để chào cuộc đời và cố gắng hết sức để cười trong ngày cuối của mình. Tiếng khóc thiêng liêng đánh dấu những cực nhọc đầu tiên của một con người. Má chỉ gắng gượng nghe được tiếng khóc ấy rồi ngất đi. Máu vượt cạn sinh con từ cơ thể má trườn theo mái tôn trộn lẫn với dòng nước lụt bầm đục đang duềnh lên ì oạp tận chỗ nằm của hai má con. Đứa bé được đặt tên là Đen vì hình ảnh tím đen khi chào đời, cũng vừa là do sắc trời vần vũ đen nghịt mấy ngày ấy.

Sau, đứa bé lại hay rùng mình, trân người, mỗi lần như vậy các đốm đỏ lại nổi lên khắp người nên má còn nựng nịu là “tắc kè bông của má”. Má nói: “Tội nghiệp, chắc tại lúc ấy má đã quá sợ cơn nước lũ nên mới truyền cơn ác mộng vào con”. Thường thường, nghe đến đó Đen chợt thấy thương má không kể xiết nên vội vàng chuyển sang chuyện khác. Ông muốn má nguôi ngoai, không bị dằn vặt, ông không muốn nhìn thấy má đau buồn.

Thầy Đen cố gắng kiểm soát hơi thở của chính mình nhưng một lần nữa ông lại thất bại. Ông chỉ còn nghe thấy hơi thở của dòng sông…

…Mỗi đoạn đời của dòng sông ấy có khác nhau, nơi đầu nguồn đổ dốc thì reo vui vô tư, chỉ thấy sáng trưa cầu vồng lấp lánh; nơi quanh co nhiều hơn thì nước cũng xoáy trào nhiều hơn, cũng ngầu đục cát đá cuộn mình; nơi đôi bờ suông thẳng thì nước phăng phăng tuôn đi, hả hê quên để mắt đến đôi bờ, bên này lở bên kia bồi, bên vực sâu bên bãi cạn… có gì mà đau, có gì mà nhớ, rồi chợt thảng thốt nhận ra, thảng thốt chạnh lòng, trách giận chính mình vô tâm, trách giận con tim hững hờ, trách giận chính những niềm vui vốn nhỏ nhoi, tạm bợ ở đời đã đánh lừa, đã làm quên đi nỗi khoắc khoải trong veo của đời mình.

Chỉ một điều giống nhau như đúc của các dòng sông, dòng đời ấy là khi về hạ nguồn thì lặng lờ thẫm màu dâu bể, thì trầm ngâm gỗ mộc nâu già, thì thấm đau thấm mệt đến như quên mất nỗi ưu tư mà kỳ thực nỗi ưu tư đã đến nơi gọi là bến sâu bờ quạnh.

Thầy Đen chẳng biết mình đã đến đoạn hiu hắt ấy hay chưa nhưng ông biết rõ một điều: mình không có quyền thấm đau thấm mệt lúc này. Cuộc đời xuất gia, đi giảng đạo khắp nơi tưởng đã đưa ông chạm được bờ kia nhưng hơn ai hết ông biết mình vẫn còn rất trần gian… Ông từ từ mở mắt rồi đứng dậy, nói lớn thay cho lời kết thúc:

Nam mô a di đà Phật!

Tiếng hàng trăm phật tử họa theo:
Nam mô a di đà Phật!

Phương pháp tu sau khi xong thiền này gọi là “tu Nam mô”. Một ý tưởng ngủ quên vừa được đánh thức. Ông định hướng dẫn thêm về phương pháp “tu Nam mô” nhưng lại thôi. Thầy Đen dợm lui vào bên trong, bỗng dừng sựng lại bàng hoàng khi nghe hai phật tử trong lúc duỗi tay chân thì thầm trò chuyện với nhau về sự trải nghiệm tọa thiền vừa rồi, kẻ xướng người họa nối tiếp thành một bài thơ xuyên thấu cõi lòng của người thầy vốn được coi là uyên bác:

“Một sớm phiêu bồng qua bên sông
Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bên này sông”.(*)

 

Đây là loại truyện không cốt chuyện. Nó ước lệ như một buổi chiều không mùa, không thứ gì rõ rệt. Vậy rồi hiện ra tiếng nói, dáng con người và cuối cùng là những câu độc thoại tràn ngập cô đơn. Chỉ có vậy thì đời đâu, thực đâu, thông điệp đâu?

Ở Nguyễn Hiệp bao giờ cũng có một thân phận trần ai trước khi nhân vật tìm đến với tín Phật, sau đó thì dông bão trong tâm và sự dùng dằng rất người giữa đạo và hạnh, giữa biến và tồn, giữa quên và nhớ.

Biết Nguyễn Hiệp từ năm 2003 với truyện Những người đàn bà gánh tro và sau đó là Bông cỏ giêng (giải nhì Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2003-2004), tôi hằng tin tác giả sẽ là số ít độc đáo có thứ văn chương nhuốm thiền. Văn là người, đúng vậy, một người côi cút sớm, từng lăn lóc với đủ thứ nghề mà vẫn song hành với viết lách, chắc chắn người ấy tâm phải định, lòng phải trong và tình phải sáng thì mới đi được đến nơi.

46 tuổi, bảy đầu sách, hội viên mới “bóc tem” của Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Hiệp thật xứng đáng để chúng ta chúc mừng. Tôi chưa từng dừng lại Bình Thuận nhưng những khóm xương rồng trong cảnh chiều tà thật bi tráng, ấn tượng. Nguyễn Hiệp đó, thẳng đứng và lam lũ cùng với đoàn người chân trần đang đi đến bờ giác với những câu thơ trong lòng:

Với hoa vũ trụ nở
Nhìn hoa vũ trụ sáng.

DẠ NGÂN