Trang chủ Tin tức Hội thảo '' Giáo hội PGVN 35 năm hình thành phát triển''

Hội thảo '' Giáo hội PGVN 35 năm hình thành phát triển''

119

 Hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển”do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam kết hợp Trường Đại Học Khoa học Xã hội & Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, đây là một trong các sự kiện chào mừng  Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN.
Chứng minh và tham dự Hội thảo “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển”có chư tôn đức giáo phẩm: HT.TS Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phật học VN, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; cùng chư tôn đức giáo phẩm HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng chư tôn đức Ban Thường trực HĐTS, Viện nghiên cứu PHVN, Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM, đại diện các ban, viện T.Ư…


Hội thảo có sự hiện diện của ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; Ông Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Nguyễn Ngọc Phong, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM; Phó GS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV TP, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, Phó GS.TS Nguyễn  Công Lý – Phó Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – đồng phó Trưởng Ban tổ chức cùng các học giả, nhà nghiên cứu…. Phát biểu khai mạc, HT.TS Thích Trí Quảng Phó Pháp chủ HĐCM, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phật học VN, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo nhấn mạnh: “Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại, với chủ trương Phật giáo đồng hành cùng với dân tộc, các Giáo hội Phật giáo của Việt Nam trước đây đã nỗ lực thống nhất Phật giáo 5 lần. Mỗi lần thống nhất Phật giáo, dù ở phạm vi vùng miền hay ở phạm vi quốc gia, đều có chung mục đích hướng đến là thiết lập con đường xây dựng Phật giáo toàn quốc vững mạnh. GHPGVN phát triển toàn diện như ngày hôm nay chính là thành quả tất yếu của tiến trình lịch sử đó”.

Hòa thượng khẳng định, Hội thảo khoa học “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển” thu hút nhiều học giả của Việt Nam gồm các Tăng sĩ Phật giáo và các nhân sĩ trí thức, mở ra một triển vọng mới trong việc hợp tác nghiên cứu liên ngành và đa ngành về những vấn đề Phật giáo cũng như mối quan hệ giữa Phật giáo với xã hội ngày nay. Đồng thời tin tưởng, dưới góc độ nghiên cứu liên ngành và các góc tiếp cận khác nhau cùng với sự nhiệt huyết và hiểu biết sâu sắc của các học giả, các vấn đề nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của GHPGVN được sáng tỏ hơn, các giá trị đóng góp tích cực và vô cùng to lớn của GHPGVN sẽ được khẳng định nhiều hơn. Những kết quả nghiên cứu và ý tưởng đạt được qua Hội thảo này sẽ tạo nguồn cảm hứng và tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo đồng hành với dân tộc, Phật giáo nhập thế, Phật giáo và trách nhiệm xã hội và nhiều chủ đề mang tính thời sự khác.

Sau phát biểu chào mừng của PGs.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV TP, đồng Trưởng BTC Hội thảo; TT.TS Thích Nhật Từ, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu PHVN trình bày đề dẫn hội thảo. Theo đó, Ban Tổ chức hội thảo thu hút 120 bài tham luận của chư tôn đức, học giả, nhà nghiên cứu gởi đến, Ban Tổ chức đã chọn ra 80 bài có nội dung phù hợp với bốn nhóm chủ đề. Các diễn giả, nhà nghiên cứu tập trung trình bày tham luận, thảo luận tại 4 nhóm diễn đàn: Các phong trào thống nhất Phật giáo và sự hình thành GHPGVN, Các hệ phái trực thuộc và các hoạt động tiêu biểu của GHPGVN, GHPGVN đồng hành cùng dân tộc và phụng sự nhân sinh, GHPGVN từ tinh thần dân tộc đến hội nhập thế giới. Từ góc độ nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại, với nhiều phương pháp nghiên cứu: so sánh, phân tích, chứng minh, chư tôn đức Tăng Ni, các học giả, nhà nghiên cứu khẳng định sự thống nhất các Hệ phái, tổ chức Phật giáo Việt Nam hình thành một tổ chức duy nhất GHPGVN – là một quy luật tất yếu. Mục đích của hội thảo để các học giả, nhà nghiên cứu đánh giá khách quan, độc lập về những đóng góp của GHPGVN trong sứ mệnh tiếp nối truyền thống của Phật giáo Việt Nam hơn 2000 năm lịch sử luôn đồng hành cùng dân tộc với tinh thần “Hộ quốc an dân” và phụng sự nhân sinh. Phiên khai mạc, HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN  đã trình bày tham luận với đề tài: “Tính ưu việt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam”. Các phiên thảo luận của hội thảo, chư tôn đức, các diễn giả, học giả, nhà nghiên cứu: HT.TS.Thích Gia Quang, HT.TS.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Thiện Tánh, HT.TS.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thường Quang, TT.TS.Thích Hạnh Bình, TT.TS.Thích Quang Thạnh, TT.TS.Thích Giác Duyên, GS.TS.Ngô Văn Lệ, SC.Ths.TN Đồng Hòa, NS.TN Như Thảo, TS.Nguyễn Quốc Tuấn, PGS.TS Trần Hồng Liên, GS.TS Nguyễn Hồng Dương, TS.Nguyễn Nghị Thanh, PGS.TS Lê Cung, HT.Thích Minh Thiện, TT.Thích Huệ Thông, PGS.TS Nguyễn Công Lý, TT.TS. Thích Tâm Đức, ĐĐ.TS Nguyên Hạnh, PGS.TS Phan Thị Hồng, PGS.TS Đặng Văn Thắng, PGS.TS Đỗ Thu Hà, NNC Trí Bửu, ĐĐ. TS Thích Đồng Trí, ĐĐ.TS Thich Hạnh Tuệ, NT.Thích nữ Huệ Từ, NS.TS Thích nữ Như Nguyệt, Ths.Đinh Thị Phương, PGS TS Phan Thị Hồng Xuân, PGS TS Phạm Quốc Sử, ThS.Đinh Thị Phương, Nguyễn Thị Thanh Mai…  trình bày tham luận, thảo luận tại 4 diễn đàn với các nhóm chủ đề trên.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, HT.Thích Thiện Nhơn nêu đôi nét về tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, sự đóng góp của các hệ phái Phật giáo Việt Nam trong công cuộc thống nhất Phật giáo dẫn đến thành lập GHPGVN. Trong suốt quá trình hình thành, phát triển của mình, GHPGVN luôn gắn liền với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc. Hòa thượng tin tưởng với nhiều phương pháp nghiên cứu, sáng tạo, góc nhìn đa diện, các học giả đánh giá khách quan sự đóng góp to lớn của GHPGVN trong lòng dân tộc. Các phiên trình bày tham luận, thảo luận, Hội thảo làm sáng rõ các phong trào thống nhất Phật giáo và tiến trình lịch sử dẫn đến sự hình thành GHPGVN, đó là 4 dấu mốc thống nhất Phật giáo quan trọng tại Việt Nam trong thời cận đại: Sự ra đời của “Tổng hội Phật giáo Việt Nam” vào năm 1951, năm 1958, các sơn môn pháp phái ở miền Bắc thành lập “Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam”. Biến cố Phật giáo năm 1963 đã thúc đẩy lãnh đạo Phật giáo ở miền Trung và miền Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) với 13 tổ chức Phật giáo tại miền Trung và miền Nam vào đầu tháng 4 năm 1964.Đất nước hoàn toàn thống nhất vào 30-4-1975, điều kiện khách quan thuận lợi, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam sau vài năm vận động đã thống nhất Phật giáo thành hiện thực. Sự ra đời của GHPGVN vào ngày 7-11-1981 từ 9 hệ phái, tổ chức Phật giáo là sự ra đời tất yếu

Khẳng định mạnh mẽ sự đóng góp của các Hệ phái PG trong ngôi nhà GHPGVN, sự đóng góp này không chỉ với tư cách thành viên sáng lập, mà còn góp phần tạo nên những thành tựu và phát triển nhất định của Phật giáo Việt Nam. Cùng với GHPGVN, tổ chức Phật giáo hợp pháp duy nhất tại Việt Nam, các hệ phái Phật giáo trực thuộc Giáo hội đã hội nhập toàn diện. Các hệ phái trong ngôi nhà GHPGVN đã chứng minh sự phát triển bền vững của mình trong lòng Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Ban Tổ chức hội thảo và các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh các đóng góp của GHPGVN về các lĩnh vực: văn hóa, ngoại giao quốc tế và từ thiện xã hội… của 13 Ban, Viện. Khẳng định truyền thống hộ quốc an dân có từ nghìn đời,  chủ trương nhập thế của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, theo khuynh hướng đồng hành cùng dân tộc. Đó là sự đồng hành của Phật giáo Việt Nam trong khối đoàn kết dân tộc, đã có những đóng góp to lớn về văn hóa và xã hội của đất nước.


Hội thảo cũng đề cập đến những thuận lợi và thách thức của tiến trình hội nhập thế giới mà GHPGVN đã, đang và tiếp tục thực hiện từ nền tảng của tinh thần dân tộc.Tính ưu việt của GHPGVN trong việc đề cao tinh thần dân tộc, phục vụ dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã dựa vào “bản sắc dân tộc” để hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu, nhằm tạo nên hình ảnh đất nước con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, vượt qua dị biệt, hài hòa hợp tác vì lợi ích chung của các dân tộc. Tại phiên bế mạc, HT.Thích Giác Toàn, HT.Thích Thiện Tâm, đồng Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN với tư cách là chứng nhân lịch sử đã chia sẻ những kỷ niệm với chư tôn giáo phẩm trong các hệ phái Phật giáo Việt Nam và Hội nghị thống nhất Phật giáo thành lập GHPGVN (4 đến 7-11-1981). PGS.TS Võ Văn Sen nhận xét, hội thảo không những khẳng định thành tựu, đóng góp to lớn của GHPGVN xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc mà còn khẳng định lớn lao hơn, đó là GHPGVN là hạt nhân, nền tảng trong nền văn minh mới, văn minh thời đại hội nhập.

TS.Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo VN nhận định, hội thảo thu được kết quả tốt đẹp – đề cập toàn diện sự phát triển 35 năm của GHPGVN. Hội thảo không chỉ khẳng định được thành tựu của GHPGVN mà còn nghiêm túc đặt ra nhiều vấn đề, làm thế nào để GHPGVN là một thực thể, thiết chế hùng mạnh, hóa giải nhiều thách thức, xây dựng, kiện toàn hệ thống Giáo hội phát triển mạnh mẽ, uyển chuyển, đáp ứng trước đòi hỏi mới của xã hội hội nhập. Trong lời phát biểu đúc kết hội thảo, HT.Thích Trí Quảng đã cảm ơn sự đóng góp tích cực của chư tôn đức, học giả, nhà nghiên cứu, thiện tri thức, đặc biệt Trường ĐH KHXH & NV TP góp phần cho thành công của hội thảo.


Hòa thượng nêu lại những bài học kinh nghiệm thăng trầm trong việc thống nhất Phật giáo trong nước và quốc tế. Khát vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam từ những lần thống nhất trước để ngôi nhà chung GHPGVN có thế đứng trong lòng dân tộc với sự đóng góp cho xã hội, nhân sinh… đó là sự hy sinh, cống hiến công đức to lớn của chư tôn tiền bối cho đạo pháp và dân tộc.

Hội thảo “GHPGVN 35 năm hình thành và phát triển” kết thúc trong niềm hoan hỷ vô biên của những người con Phật, nhìn lại một chặng đường 35 năm qua Phật giáo Việt Nam hình thsfnh và phát triển luôn đồng hành  cùng dân tộc…