Trang chủ Bài nổi bật Hồi ký về Đức Pháp chủ Đệ tam Thích Phổ Tuệ

Hồi ký về Đức Pháp chủ Đệ tam Thích Phổ Tuệ

1065

Duyên khởi

Viên Minh, đầu năm 2001. Tác giả được trải nghiệm đời sống tu học tại chùa Ráng. Thời gian trôi qua vừa tròn 20 năm. Sau khi Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (trong bài dùng từ Cụ) viên tịch ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu, những điều mắt thấy, tai nghe xin được ghi lại để rõ hơn đời sống tu hành của bậc Cao Tăng sống qua 2 đời vua Khải Định, Bảo Đại, 2 chế độ Phong kiến và Dân chủ để thấy rõ: “Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương”.

Lớp học chùa làng.

Từ đầu thập niên 1985 trở lại, tại chùa Viên Minh, hay còn gọi là chùa Ráng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, Cụ mở lớp học cho tăng ni lân cận đến học Phật pháp. Việc dạy học của Cụ thời kỳ này theo hình thức gia giáo.

Các thế hệ học Tăng ở các tỉnh: Hà Tây; Hà Nam; Hải Dương; Ninh Bình; Hưng Yên; Y Nam Định như: TT Tiến Đạt, TT Tiến Thông, TT Đức Thường, TT Nguyên Dụng; Thầy Thanh Thư; Thầy Thanh Lịch (Cổ Lễ); Thầy Giang; Thầy Tiến; Thầy Ngoãn, Thầy Hải; Thầy Khải; Thầy Lan; Đàm Hương (Hải Dương); Thầy Vũ; Thầy Hiền; Thầy Mơ; Thầy Hằng; Thầy Viễn…

Khi các lớp Phật học mở ra, các quý thầy lần lượt đi học thì lại có lớp học sinh mới đến. Mọi người đến đây không chỉ học kiến thức Phật pháp Cụ dạy mà muốn trải nghiệm đời sống tu hành bên một bậc cao tăng ẩn mình nơi thôn dã.

Lớp học của Cụ dạy trước đó theo hình thức: Đọc cho tăng ni ghi vào vở: âm chữ Hán nửa tờ, dịch nghĩa nửa tờ. Những bộ kinh luật Cụ thường dạy cho tăng ni lúc bấy giờ là: Bộ luật Sa Di thượng, hạ; Tứ Phận Như Thích, Giải thích khoa cúng Phật; Quy Sơn Cảnh Sách, Phật Tổ Tam Kinh, v.v… Lớp học không đông, chỉ từ 5 đến 10 người. Số lượng học sinh biến động do các sư bận nên thường trú hoặc bán trú. Nếu tăng ni ở thường trú thì sớm chiều tu tập, tụng niệm; nếu bán trú thì sẽ về sau khi học xong. Vài bộ bàn ghế kê ở nhà cấp 4, vệ Tam Bảo thành lớp học, Cụ ngồi trên quay xuống, nhìn vào chữ Hán đọc từng đoạn âm rồi đọc nghĩa; tăng ni cặm cụi ghi, thỉnh thoảng Cụ giải thích từng câu, từng đoạn.

Khoảng năm 2000, Cụ làm trưởng ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Hà Tây kiêm phó Chủ tịch hội đồng trị sự trung ương GHPGVN. Nhưng chỉ khi nào đi họp, có xe về đón, Cụ đi nửa ngày hoặc một vài buổi rồi lại về chùa. Đệ tử Cụ bấy giờ chỉ có mình thầy Thanh Tuyên ở hầu Cụ, Thầy Thanh Vịnh đi học ở TP. Hồ Chí Minh. Sư thầy Lượng có chùa riêng ở xã bên nhưng thường xuyên sang chùa Ráng để làm đương gia quán xuyến việc chùa, hậu cần, bếp núc.

Nếp sống thường ngày của bậc chân tu

Trong khoảng từ năm 2000 trở lại đây, nếp sinh hoạt tu hành của Cụ vẫn đều đặn như sau:

Từ 1 đến 3h sáng Cụ đã dậy. Phòng Cụ ở bên trái nhà tổ cũ. Nếp nhà này lúc bấy giờ rất cũ, mối mọt đắp từ nền. Chùa dẫu có điện nhưng rất ít khi thắp. Những bóng đèn điện nhỏ chiếu sáng lờ mờ trong khuôn viên thờ tự của chùa. Cụ thường xuyên thắp nến trước thời khóa niệm Phật, đọc sách. Cụ dậy sớm để đọc sách, để trông chùa vì chùa xa dân. Buổi tối Cụ thường nghỉ sớm lúc 7h-8h, các đệ tử thức đến khoảng 11h nên chùa thường xuyên có người thức để trông nom chùa cảnh.

Đúng 4h, Cụ đánh chuông khai tĩnh. Ở phòng bên cạnh nhà tổ bấy giờ có thầy Thanh Tuyên-đệ tử Cụ sẽ lên chùa làm khóa lễ. Thầy Di Sơn và Minh Thiện sẽ theo Cụ niệm Phật buổi sáng. Thầy Minh Thiện thắp hương, thắp nến ban tổ; Di Sơn đun nước, pha trà cúng Cụ. Cụ thường dùng sâm bột hoặc trà mạn vào buổi sáng. Trà nước xong, ba Cụ cháu ngồi niệm Phật ở tổ đường. Sau thời niệm Phật, có thể Cụ cháu ngồi in bùa hoặc duyệt kinh. In bùa ở đây là lấy ván gỗ khắc chú Chuẩn Đề đóng vào giấy tiền vàng mỏng người dân đi lễ thu gom lại. Mỗi lần đóng là một câu niệm chú: “Án ma ni bát minh hồng”. Tờ “bùa” đóng dấu xong để ở ban tổ. Những người dân quanh xã Quang Lãng, có việc gì cần đều đến đây xin dấu mang về cho yên tâm. “Bùa bách bệnh”, có thể dùng trấn trạch khi lên nhà mới, nhà có người mất cần bình an, ốm bệnh mong khỏi… Cụ đã dùng “thiện sảo phương tiện” này để khuyên họ tu tập theo lời Phật dạy.

Việc “in bùa” vào sáng sớm chỉ thỉnh thoảng mới làm, nên buổi sáng, Cụ cháu thường duyệt kinh. Số là, Hòa thượng Tịnh Hạnh biên tập đại tạng kinh tiếng Việt có thỉnh Cụ duyệt lại bộ kinh Hoa Nghiêm. Cụ cầm bản chữ Hán, Di Sơn đọc bản kinh tiếng Việt. Nếu thấy đoạn nào chưa ổn Cụ cho ý kiến. Di Sơn đánh dấu vào 1 quyển vở, ghi số trang và chỗ cần thay. Trong khung cảnh lờ mờ của nhà tổ cổ kính, dưới ánh nến phập phù, Cụ đeo kính nhìn vào quyển kinh chữ Nho nhỏ li ti, cặm cụi theo dõi từng hàng theo tiếng đọc bản tiếng Việt. Thỉnh thoảng, Cụ lại nói: Nên biểu đạt thế này hoặc thế kia. Trong thế giới hoa tạng như hoa sen, như vỏ ốc, như dòng sông được lần lượt hiện ra theo lời kinh miêu tả. Buổi sớm mai tại chùa Viên Minh trôi qua thật nhanh trong không gian tĩnh lặng và yên bình. Bốn Cụ cháu được ăn sáng bằng một bát mì nóng với rau sống trồng ở chùa.

Ẩm thực trong chùa thời kỳ này cũng khá thanh đạm, ba ngày mới có phiên chợ Trầm cách chùa 3km nên thầy Lượng mới đi mua được đậu phụ. Cụ cháu thường dùng rau chùa trồng được. Đến mùa măng, mấy Cụ cháu hay đi vòng quanh vườn chùa rào dậu chỗ thủng, vừa lấy măng về xào hoặc luộc. Vườn chùa trồng nhiều rau ngót, su hào, mùi tàu… mùa nào thức đấy nên cũng đủ dùng.

Sau bữa sáng thanh đạm, Cụ nghỉ ngơi một chút rồi lên lớp. Học sinh đông thì Cụ dạy đọc viết, vài ba vị thì Cụ cho tự học, chỗ nào không hiểu thì hỏi Cụ. Cuối năm 2000, khi Di Sơn và Minh Thiện mới thụ giới Tỷ Khiêu, đến ngày bá tát đầu tiên xin Cụ tụng giới. Vì chưa học giới kinh nên đọc ấp a ấp úng. Cụ liền bắt học thuộc giới kinh. Vậy là sớm tối, hai học trò bi bô đọc giới bản thật trơn, những chữ khó đều có Cụ giải thích. Sau nửa tháng tụng giới đã thật trơn chu, không vấp váp nữa Cụ cho học Tứ phần giới bản Như Thích. Đầu tiên Cụ cắt nghĩa từng đoạn cho hai người nghe, một thời gian sau Cụ cho tự cắt nghĩa, đoạn nào không hiểu, không rõ Cụ mới giải thích. Vì đã học qua hai cuốn Sa Di thượng hạ bản chữ Hán nên việc tiếp cận văn bản chữ Hán bộ Như Thích chỉ là ở tầng giáo nghĩa.

Sau bữa cơm trưa thanh đạm do thầy đương gia nấu cho bốn cụ cháu, cả nhà nghỉ ngơi 1 chút. Buổi chiều Cụ rất từ bi, không bao giờ sai tăng ni sinh phải làm vườn mà ai ngồi học, Cụ sẽ để yên cho tự học. Nhưng Cụ vẫn thường ra vườn kiểm tra cây cối, đánh cây, vun xới. Vì thấy Cụ đi làm nên các tăng sinh cũng tự giác đi theo Cụ làm vườn. Đúng với tinh thần: Nửa ngày học, nửa ngày làm của tổ Thọ Xương. Vườn chùa Viên Minh bấy giờ rất rộng nên thầy Lượng cho trồng rong riềng, khoai sọ, nhãn, vải. Các học tăng thường xuyên theo Cụ ra vườn đánh nhãn, đổi ngôi khi những cây nhãn đã lớn.

Đầu năm 2001, Cụ xây tháp Phật trước chùa. Nền móng xây tháp là ruộng, vì chưa có cọc bê tông nên phải đóng bằng cọc tre. Di Sơn và Minh Thiện được thử sức trẻ bằng việc dùng vồ gỗ to, đóng từng cây cọc tre xuống đất, sau đó mới xây móng lên trên. Tre của chùa dùng để làm giàn giáo. Cụ thường xuyên trèo lên giáo mỗi ngày để kiểm tra, nhiệm thu từng phần (lúc đó cụ đã 85 tuổi). Ông phó cả xây tháp làm đến tầng thứ 5 thứ 6 sợ không dám làm nữa vì không có thiết kế, thu vào nóc tháp sợ bị sụt nên họ bỏ công trình. Cụ phải gọi thợ khác làm tiếp. Đến nay tháp vẫn bền đẹp.

Đến phần trang trí, tự tay Cụ cầm bút viết chữ Hán: “Thọ Quang Phật Tháp”-Tên tháp Phật là “Thọ Quang”, các câu đối xung quanh, các chữ Phạn bốn phía đều do cụ tự nghĩ và cầm bút lông viết cho thợ nhấn vào. Đến lúc Cụ viết chữ “Ni” bằng tiếng phạn (Trong câu: Án ma ni bát minh hồng) thì Di Sơn được Cụ cho viết hộ. Cụ bảo: Nhìn chữ này giống cái bừa! (vì có 4 răng như răng bừa – công cụ nông nghiệp Cụ vẫn thường dùng hàng ngày).

Việc đắp những tượng Phật trên tháp, Cụ giao cho anh Vinh ở Võ Lăng đến đắp bằng xi măng từng ngày rồi dâng lên. Vậy mà tháp cũng hoàn thành bởi kinh phí tự túc. Thời kỳ này, kinh tế chùa khá khó khăn, tiền xây dựng phải tằn tiện từ việc tự tâm công đức của người dân quê nên Cụ rất tiết kiệm nguyên liệu xây dựng. Từng mảng xi măng rơi hàng ngày, Cụ cũng cho thu nhặt lại, giã nhỏ, sàng lọc hạt mịn nhỏ để tái sử dụng, không được lãng phí. Vì xây dựng thuê thợ làm công nhật, nên các đệ tử, học đồ của Cụ thỉnh thoảng buổi sáng còn phải ra đánh vôi vữa. Tức là: Đi đi ủng vào nhào vôi, cát, nước thành một thể nhuyễn đều cho thợ xây. Tháp Phật là công trình rất tâm huyết của Cụ lúc bấy giờ.

Khoảng 4h30 chiều, Cụ cháu nghỉ làm vườn, xây dựng mà lên chùa công phu chiều. Thầy Tuyên vẫn lên khóa lễ; Di Sơn được phân công thỉnh chuông. Có lần Di Sơn đọc văn thỉnh chuông: “Thượng chúc đương kim hoàng đế” mà khóa tụng vẫn viết, Cụ liền bảo: Phải đọc là “Thượng chúc đương kim Chủ Tịch”, vì bây giờ có Hoàng đế đâu mà chúc, phải chúc các vị đứng đầu nhà nước như Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng mới hợp với thời đại.

Sau thời thỉnh chuông, ba cụ cháu đi niệm Phật.

Bữa cơm chiều có những hôm chỉ có hai cụ cháu, Cụ cho ăn cơm cùng. Vừa ăn cơm và được nghe những chuyện xưa mà Cụ đã từng trải.

Đến 7-8h tối, Cụ nằm võng xem thời sự một chút rồi ngủ lúc nào không hay. Ba học trò thỉnh thoảng sang phòng cụ xem một chút rồi lặng lẽ đi ra để Cụ nghỉ sớm. Học trò có khi tự học ở nhà khách, có khi lên bờ đê sông Hồng ngay sau chùa để hóng gió mát. Cụ nghỉ sớm nên chỉ tầm 1h đến 3h sáng đã tỉnh giấc. Trong đêm thanh vắng, có khi Cụ nói chuyện một mình với ai đó; hoặc lẩm bẩm trong đêm với những tri kiến mới phát hiện; có khi Cụ đi lại trong phòng, trong chùa, vui cùng với mấy chủ khuyển, chú mèo con. Trong những buổi cơm chiều, cụ cháu ngồi “nhàn đàm” những chuyện đông tây kim cổ.

Việc cắm đất xây chùa Viên Minh

Cụ kể: Chùa Viên Minh xưa ở bên kia sông Hồng thuộc hai làng Mai Xá và Quang Lãng. Do đắp quai đê tránh lũ nên chùa được chuyển về vị trí bây giờ. Tổ khai sáng Nguyên Uẩn là môn nhân Đa Bảo về đây dựng chùa Viên Minh khiến “Đa Bảo chi châu quang lãng”. (viên ngọc Đa Bảo càng sáng thêm). Khi cắm đất xây chùa, Đức Ông “ốp” nhập vào đồng nhân, đồng nhân cầm một bó hương đang cháy đi vòng quanh đất chùa. Vậy mà tạo thành diện tích đất chùa vuông vức như có người đo đạc.

Việc thành lập viên minh pháp hội của Tổ Nguyên Uẩn (1864-1915).

Tổ Nguyên Uẩn sinh năm Giáp Tý (1864), ở thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, hiện nay cùng huyện Phú Xuyên, gia đình công nghệ (Thợ mộc), họ Nguyễn. Thuở nhỏ tên là Nguyễn Chí Nhu, xuất gia năm Bính Tý (1876), thầy nghiệp sư là tổ An Lạc, vị tổ thứ ba tổ đình Đa Bảo, thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, hiện nay thuộc huyện Phú Xuyên. Thầy giới sư đàn đầu là tổ sư Thích Tâm Viên-Chùa Vĩnh Nghiêm-Bắc Giang, thụ giới tỷ khiêu năm Quý Mùi (1883), thụ giới Bồ Tát năm Ất Dậu (1885), nhận chùa Viên Minh năm Canh Tý (1900), chuyển và xây lại chùa năm Nhâm Dần (1902), Khoảng năm Bính Ngọ (1906), cùng các pháp lữ Nguyên Loan (ở chùa Cảnh Phúc), Nguyên Mỹ (ở chùa Linh Quang) thành lập Pháp hội Viên Minh. Tổ viên tịch năm Giáp Dần (1914)”

Vào năm 2016, khi viết bài nghiên cứu đăng trên tạp chí tôn giáo, Tôi được Cụ cho tiếp cận một văn bản chữ Hán, bản chép tay nói về tông chỉ pháp hội Viên Minh như sau:
“Viên sự minh lý, viên lý minh tâm; Viên tâm đạo đạt, minh đạo thành công; Viên công lập đức, minh đức thành nhân; Viên nhân thành Phật, thành Phật độ sinh; Viên Minh như thị, mục đích đạo tràng” Tạm dịch: “Tròn việc rõ lý, tròn lý rõ tâm; Tròn tâm tới đạo, rõ đạo thành công; Tròn công lập đức, sáng đức thành người; Đạo người viên mãn, thành Phật độ sinh; Viên Minh như thế, nên lập đạo tràng ”

Sự nghiệp làm chùa, khắc ván và viết kinh của tổ Nguyên Uẩn

Trong cuộc đời hành đạo của mình, thiền sư Nguyên Uẩn có tài viết chữ Hán đẹp, vẽ tranh đẹp nên đã thực hiện viết bộ kinh Hoa Nghiêm 81 quyển, Pháp Hoa 28 phẩm, Thụ Giới Nghi Phạm, Chư Kinh Nhật Tụng… cho tổ đình Bồ Đề in khắc, tự tay vẽ các bức tranh minh họa quang cảnh đạo tràng Đức Phật Thích Ca đã thuyết pháp, viết bộ Quy Nguyên Trực Chỉ cho tổ đình Tế Xuyên khắc ván in. Thiền sư Nguyên Uẩn đã viết phần chú thích cho bộ Phật tổ Tam Kinh luân quán thuyết. Trong khoa cúng tổ của thiền sư cho biết, thiền sư đã: “Tả kinh Thập bộ” (viết mười cuốn kinh). Thiền sư Nguyên Uẩn đã xây dựng, trùng tu 5 chùa (Ngũ tự kinh doanh): Chùa Tri Chỉ, chùa Đa Bảo, chùa Khai Thái (Phú Xuyên), chùa Mỹ Lâm (Thường Tín), … lập 7 chùa mới (thất am sáng thủy), trong đó có chùa Thạch Cầu (Nam Định), chùa Viên Minh… Chùa Viên Minh trước ở bờ đê sông Hồng, năm 1903 đã dời chùa về vị trí trong đê như hiện nay.

Hòa thượng kể: Thầy tôi (tổ Quảng Tốn) thường nói lại: Tổ Bồ Đề (Nguyên Biểu) khi in kinh thường qua thỉnh tổ Nguyên Uẩn viết chữ. Tổ ngồi vắt chân chữ ngũ, giấy dó kê trên đùi, tay trái giữ giấy, tay phải cầm bút viết. Vậy mà những hàng chữ thẳng đều tăm tắp được hoàn thành. Khi đủ số lượng, Tổ Bồ Đề lại cho người xuống lấy hoặc Tổ Nguyên Uẩn cho người mang lên để in thành những bộ kinh như Nhật Tụng, Hoa Nghiêm. Khi ở Ráng, lần đầu tiên tôi được nhìn vài tờ giấy nháp, hoặc tờ viết lỗi còn nguyên những nét chữ của tổ Nguyên Uẩn. Nhìn những nét chữ đẹp không khác gì chữ được in ra, quả là bút công của Tổ thật thâm hậu.

Ngoài hoa tay viết chữ, Tổ Nguyên Uẩn còn có khả năng sáng tạo vẽ tranh. Cụ kể: Những bức cửa võng trên Tam Bảo chùa Viên Minh là do tổ Nguyên Uẩn căn cứ vào kinh Hoa Nghiêm vẽ thành những bức lọng báu, có rèm châu ngọc rủ xuống. Những bức vẽ đã được đục vào gỗ, sơn thếp treo trên chùa. Đấy là dấu ấn tổ khai sáng Viên Minh.

Cụ kể: Tổ Nguyên Uẩn còn cho vẽ những bức họa đồ trong kinh Hoa Nghiêm, đặc biệt những bức tranh vẽ tháp Thập Pháp Giới nhìn rất rõ nét. Sau này, Cụ đã cho xây tháp “Thập Pháp Giới” đúng với bản vẽ trong kinh.

Trên Tam bảo chùa Viên Minh trước kia còn có những bức họa La Hán trên tường nhìn rất sinh động. Cụ bảo: Những bức vẽ này là do tổ đệ nhất trước đây uống trà tầu, trên những phong trà tầu có in hình những bức họa La Hán. Tổ liền cho vẽ lên vách Tam Bảo. Khi xây chùa lên tầng 2, những bức họa này được chụp và in lại thành ảnh treo về vị trí cũ.

Trên Tam bảo chùa có một gian nho nhỏ thờ tượng Mẫu. Các Tổ xưa cho đến đời Cụ vẫn khiêm tốn thờ Mẫu như vậy. Bên cạnh gian nhà Mẫu là gian để các bức ván in kinh. Với Cụ, đây là niềm tự hào và là tài sản trân quý của chùa nên được Cụ trân trọng, giữ gìn dẫu chiến tranh loạn lạc.

Cụ rất trân trọng và lưu giữ những dấu ấn đặc biệt của Tổ khai sáng còn lưu lại trên những nét chữ Hán, văn câu đối thờ trong chùa. Thể “Chữ Đỉnh” trên cột đồng trụ cũ đã bị rêu phủ mờ hết chữ, khi xây dựng chùa hai tầng, bộ chữ này vẫn còn nguyên ở hai cột đồng trụ. Những bộ chữ xưa nhấn trực tiếp vào tường gạch, khi xây lại chùa, Cụ đều cho dập lại rồi đục vào gỗ thờ đúng vào vị trí cũ. Những văn câu đối này Cụ đều thuộc lòng.

Kế đăng trụ trì chùa Viên Minh

Cụ kể: Đệ tử Tổ Nguyên Uẩn gồm ba vị: Đệ tử trưởng là Quảng Truyền, kế đăng trụ trì chùa Tri Chỉ – nơi sinh quán của Tổ; Sa môn Quảng Thành trụ trì chùa Bìm; Sa môn Quảng Tốn kế đăng chùa Viên Minh. Tổ Nguyên Uẩn về trụ trì chùa quê Tri Chỉ cũng tạc tượng tôn thờ trên Tam Bảo khá giống tượng pháp, đồ thờ ở chùa Viên Minh.

Sư phụ của Cụ là Tổ Quảng Tốn kế đăng từ năm 1914 đến năm 1961. Thời gian này các hoạt động Phật sự của chùa chỉ cầm chừng bởi chiến tranh, loạn lạc, Sư phụ mắt kém.
Cụ kể: Vào những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), các xã xung quanh đều có bốt Pháp đóng quân, họ đồng hóa dân theo đạo và thỉnh thoảng đi càn quét khu vực lân cận. Có lần, chúng vào chùa càn quét, hai thầy trò phải chạy chốn ra góc vườn. Mỗi thầy trò ẩn nấp một góc mương. Cụ phải ẩn mình trong bụi rậm, khi chúng đi sát qua phải nằm im, nếu nhúc nhích là bị phát hiện, bị bắt. Chúng đi qua mới thở phào nhẹ nhõm.

Việc sam học ở Quán sứ, Hải Phòng

Cụ kể: Cụ từng tham gia an cư tại chùa Quán Sứ, chư tôn đức đồng học với Cụ có Cụ Trí Tịnh, Cụ Thanh Kiểm, Cụ Thanh Huấn… Thực hiện chính sách của Bác Hồ toàn quốc kháng chiến, trong khoảng năm 1952-1953, Cụ đã ra Hải Phòng trụ trì chùa Linh Ứng.

Học tăng đồng thời với Cụ lúc bấy giờ như cụ Thanh Kiểm, cụ Tâm Giác đi Nhật du học. Cụ cũng có cơ hội và ý định đi học nhưng lại nghĩ sư phụ tuổi cao sức yếu, nặng lòng với thầy tổ, Cụ đã chọn phương án ở lại để hầu thầy, kế thừa chốn tổ Viên Minh. Khi kể lại những chuyện này, Cụ rất xúc động, nghẹn ngào. Bỏ đi cơ hội xuất ngoại nhưng việc ở lại kế thừa chốn tổ khiến Cụ đã trở thành một “Nông Tăng” uyên bác thực sự.

Lão “Nông Tăng” uyên bác chùa Viên Minh

Năm 1961, sư tổ viên tịch, Cụ kế thừa cảnh giới Viên Minh, vừa tham gia sản xuất, vừa cần cù tu hành. Đất chùa rộng, việc canh tác cấy trồng đều phải tự làm. Cả xã hội tham gia lao động sản xuất nên chùa cũng nuôi trâu bò để cày cấy. Những lao động cơ bản của nhà nông như: cày ruộng, bừa ruộng, gieo mạ, cấy gặt… Cụ đều thuần thục.

Cụ thường bảo: Trong văn cảnh sách có đoạn: “Thọ Xương cày cấy chung thân, đều là những bậc vĩ nhân cửa thiền”, tu hành tự cung tự cấp nên không phải nợ của tín thí. Do đó, đến đầu những năm 1990 Cụ vẫn tay cày, tay cuốc lao động trong khuôn viên chùa.

Đến năm 2000, chùa vẫn còn một bộ cày bừa, chỉ có điều trâu bò đã thôi nuôi từ năm 1998.

Các thế hệ học sinh của cụ thủa này như Thầy Tiến Thông, Nguyên Dụng; Đức Thường, Thầy Thanh Tuyên… đều phải tham gia cấy ruộng, lao động cùng với Cụ.

Đến mùa thu hoạch nhãn, các học trò của cụ trèo bứt nhãn xuống, xấy, bóc, ướp để làm long nhãn. Cụ để long nhãn thu hoạch được vào một vài cái chóe trên nhà tổ. Cuối năm đi vào Nam họp hoặc có các sư đến lễ tết, Cụ đều lấy làm quà cho các Sư.

Giai đoạn này là thời kỳ huân tu của Cụ. Ngoài việc vườn ruộng, những bộ kinh đại thừa bằng chữ Hán của các Tổ để lại như: Lăng Nghiêm Chính Mạch; Pháp Hoa Đề Cương; Khởi Tín; Bát Nhã… Cụ đều nghiên cứu tinh thông. Sau này những bộ sách do Cụ dịch và biên tập như: Bát Nhã Dư Âm, Đề Cương Kinh Pháp Hoa… được ra mắt khá sớm, làm tài liệu học tập cho tăng ni Hà Tây bấy giờ.

Chuyện kể rằng: Một hôm nọ, Cụ mặc áo mưa đi cày ruộng về. Vừa rửa chân tay ở bờ ao bên cạnh cổng chùa thì có một đoàn khách các sư và Phật tử đến. Họ hỏi: Ông ơi? Hòa thượng trụ trì có nhà không? Vì Cụ ăn vận nâu sồng, đội nón, mặc áo mưa, chân tay lấm bùn nên họ không nhận ra. Cụ khôi hài trả lời: Cụ vẫn đang ở chùa, mời quý vị cứ vào nhà. Khi khách vào chùa xong, Cụ nhanh nhẹn lên nhà, chỉnh trang y phục ra tiếp khách, lúc này khách mới nhận ra, ông “nông dân” ngoài cổng chùa lúc nãy chính là Cụ. Họ càng kính quý Cụ hơn.

Cụ kể: Trong một lần đi họp Hội đồng trị sự ở thành phố Hồ Chí Minh, có một cụ Hòa thượng hỏi: Tôi nghe nói ngoài Bắc có một cụ Hòa thượng pháp danh Phổ Tuệ, vừa giỏi chữ Hán, kinh kệ lại giỏi cấy cày, Cụ biết Cụ đó không? Cụ bảo: Phổ Tuệ chính là con đây! Hai Cụ phá lên cùng cười khoan khoái, để lộ hàm răng nhuộm cánh kiến đen bóng.

Trong thời kỳ đầu thập niên 2000, thỉnh thoảng Cụ được thỉnh đi tham dự các hoạt động của Giáo Hội. Thường thấy Hòa thượng Thích Thanh Duệ hay về chùa Ráng đón Cụ lên Quán Sứ họp hội đồng trị sự. HT Thanh Duệ là bậc túc nho nên rất thâm thúy. Khi ngồi hầu chuyện với Cụ, HT Thanh Duệ rất tâm đắc. Ngoài ra, những pháp hội trong Phật giáo Cụ đi tham gia phần lớn với tư cách là người chủ trì.

Làm trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây

Đầu tháng Tư âm lịch năm 1993, Hòa thượng Thích Thanh Viên – trưởng ban trị sự Phật giáo Tỉnh Hà Tây đến chùa Ráng thỉnh Cụ nhất định phải nhận chức trưởng ban. Cụ từ chối không nhận. Cụ Võ Lăng phải ở đó ăn cơm và trình bày lý do đang bệnh nặng, khó trụ được lâu, vì đại cục, thỉnh Cụ nhận lời. Sau khi thuyết phục được Cụ, Hòa thượng Võ Lăng đến chùa Trấn Quốc gặp cụ Kim Cương xin công văn của Trung ương hội Phật giáo cử Cụ làm trưởng ban. Cụ Võ Lăng cầm công văn thông qua hội nghị thường trực của tỉnh Hà Tây. Một tuần sau, cụ Võ Lăng viên tịch, vậy là Cụ làm trưởng ban trị sự Phật giáo Tỉnh Hà Tây từ ngày 16 tháng 4 năm 1993. Dẫu không muốn mà Cụ vẫn phải làm.

Hạ chủ các trường hạ ở Hà Nội

Sau khi cụ Võ Lăng viên tịch, Cụ về lo tang ma chu đáo, tự tay viết câu đối viếng lên vải trắng. Thượng tọa Tiến Đạt đến xin cụ viết khoa cúng, cụ liền dọc dấy, mài mực viết trong buổi sáng là xong quyển khoa cúng. Cụ lại viết thêm cho bài minh ghi tóm tắt hành trạng cụ Thanh Viên. Không những vậy, năm nào Cụ cũng về chùa Võ Lăng làm hạ chủ và làm giảng sư tại đây. Ngoài thời giảng kinh chính trên pháp tòa, tại thư phòng, Cụ vẫn cặm cụi nghiên cứu, đọc sách. Bộ sách: “Thái Hư Đại Sư Toàn Tập” bằng chữ Hán được phát hành ở Việt Nam, Cụ ngồi bên song cửa chùa Võ Lăng, tay cầm kính núp, mắt đeo kính lão, dò theo dòng chữ dọc miệt mài ngồi đọc sớm chiều… là hình ảnh đẹp khó quên. Đến cuối mùa an cư năm 1999, tại trường hạ Võ Lăng, Cụ làm thầy truyền giới Bồ Tát cho các giới tử tăng ni, tiêu biểu như Thượng tọa Tiến Đạt. Đến năm 2007, tại chùa Mỗ Lao, Cụ cũng là thầy truyền giới Bồ Tát cho tăng ni.

Ngoài trường hạ Võ Lăng, bốn trường của tỉnh hội Hà Tây như: Chùa Thầy, chùa Hội Xá đều thỉnh Cụ làm hạ chủ. Sau này, các trường hạ lần lượt tách ra, mở rộng thêm, Cụ đều được cung thỉnh làm ngôi vị tối cao của Hạ trường. Có những trường như: Lại Yên, Chùa Đăm, Mậu Lương… mới mở ra, Cụ thường xuyên đến dự khai pháp, thậm chí ở lại giảng khoảng một tuần rồi mới về trụ xứ. Khi lên ngôi Pháp chủ, các trường hạ ở Hà Nội, vào đầu và cuối hạ đều về chùa Ráng lễ thỉnh Cụ chỉ bảo cho việc tu hành, giảng pháp trong an cư. Trong văn tác bạch nhập hạ đều có câu: “Y thùy trì luật giả? – Y Hòa thượng Thích Phổ Tuệ luật sư” (An cư nương vào ai trì luật? Nương vào luật sư Thích Phổ Tuệ)

Trường hạ Viên Minh được Cụ xây dựng cho Tăng ni huyện Phú xuyên về an cư mỗi năm ba tháng. Cụ là giảng sư toàn phần trong các thời khóa giảng. Những nề nếp an cư kiểu Bắc bộ, dưới sự chỉ giáo của Cụ đã được giữ vững và duy trì.

Pháp hội giảng kinh – quy y Tam Bảo tại Hưng Yên

Trong khoảng những năm 2000, nhận lời mời của chùa Táo (Hưng yên), Cụ đến dự tuần lễ cầu siêu. Điểm nhấn trong pháp hội lúc bấy giờ là giảng kinh Địa Tạng. Cụ được Ban tổ chức thỉnh thăng tòa diễn giảng kinh Địa Tạng cho tăng ni và Phật tử nghe. Thượng tọa Thanh Hiện lúc bấy giờ đọc bình văn được một đoạn thì giao cho thị giả của Cụ (Di Sơn) đọc đỡ.

Sau từng đoạn đọc bình văn âm Hán, Cụ điểm kiểng nhẹ rồi cắt nghĩa, giảng giải cho đại chúng nghe. Giọng Cụ sắc gọn, ý tứ cao xa. Người nghe phải thật chú ý mới thấy độ thâm thúy trong từng lời giảng của Cụ. Là thế hệ người “cổ”, nhưng những ngôn từ Cụ biểu đạt rất “kim”; Nội dung lời giảng không rườm rà mà chủ yếu nói về giáo lý đạo Phật, phương pháp tu tập để chuyển hóa. Đó chính là nét đặc sắc trong cách Cụ giảng pháp.

Ngoài việc giảng pháp ở trường hạ, pháp hội, Cụ vẫn thường được thỉnh làm thầy truyền giới Tam quy ngũ giới cho Phật tử gần xa. Một chùa ni bên Hưng Yên khi tổ chức đàn quy y Tam Bảo đã thỉnh Cụ sang làm thầy truyền giới. Cụ dõng dạc đọc: “Thỉnh Đức Thích Ca Mâu Ni Phật… ứng giáng đạo tràng, chứng minh công đức, để các Phật tử, nhận pháp tam quy”. “Chúng con tên là… xin trọn đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Giọng đọc của Cụ chậm dãi, rõ ràng. Các Phật tử đồng thanh đọc theo. Đọc tam quy, tam kết xong, các thiện nam, tín nữ đã trở thành Phật tử. Những đàn quy do Cụ làm chủ sám như vậy rất nhiều. Do đó, ngày Cụ viên tịch, lớp lớp Phật tử tại gia, đầu quấn khăn vàng đến viếng Cụ.

Hòa thượng đàn đầu, đàn giới cho tăng ni ở Hà Nam, Hà Tây

Ngày 24-25/9 năm Canh Thìn (2000), đàn giới do tỉnh hội Phật giáo Hà Tây tổ chức có 61 giới tử, gồm 9 tăng (4 vị thụ Tỷ khiêu, 5 vị thụ Sa di) và 52 ni. Cụ được thỉnh là HT đàn đầu; HT Thanh Bích chùa Hội Xá làm thầy Giáo Thụ; TT Viên Thành chùa Hương là A Xà Lê; HT Thanh Khánh chùa Hà Vĩ và TT Thanh Chính là giáo thụ; TT Thanh Ân là điển lễ. 13h xe đến chùa Ráng đón Cụ, lại qua chùa Đống Tranh, chùa Hội, chùa Hà Vĩ đón các Cụ về chùa Mỗ Lao. 18h, Cụ đáp từ cho nghiệp sư, Giới sư ni, Giới tử lần lượt vào lễ tăng để tổ chức đàn giới.

7h ngày 25, Cụ lên làm chủ sám cho hai Hội đồng giới sư lên giới tràng lễ Phật, niệm danh hiệu Bản Sư cầu gia bị. Tăng truyền giới ở Giới Tràng, ni truyền giới ở Tam Bảo. Trong hai đàn giới Tăng, Ni, Cụ đều là thầy Hòa thượng để truyền giới thể, giới tướng cho tăng ni. Cụ sách tiến tăng ni giữ gìn giới thể bằng việc học và giữ giới tướng để tỏa ra giới hạnh đoan trang. Sau đàn giới, giới tử thị giả Cụ về, trước sau dừng ở chùa Hội Xá, chùa Đông Tranh, chùa Đa Bảo và về đến Ráng lúc hơn 7h tối. Cụ to nhất nhưng vẫn đồng hành cùng các cụ trên một tuyến đường, một chiếc xe ô tô chứ không có sự phân biệt. Ít nhất từ năm 2000 đến năm 2020, trong các đàn giới của tỉnh Hà Tây sau hợp nhất với Hà Nội, Cụ đều làm thầy Hòa thượng – Nhân vật quan trọng nhất của đàn giới.

Cuối năm 2001, đàn giới của tỉnh Hà Nam tổ chức, Cụ cũng được thỉnh làm Hòa thượng đàn đầu trong đàn giới. Vào chiều hôm trước, Ban tổ chức đàn giới bố trí xe về chùa Ráng thỉnh Cụ về chùa Mai Xá để truyền giới… Chiều tối, các giới tử được các thượng tọa cho lễ sám, dạy đọc trước văn bạch, thỉnh để ngày hôm sau đọc thống nhất.

Đến buổi sáng trước khi truyền giới, Cụ hỏi hội đồng giới sư và trụ xứ đã kết giới tràng chưa? Ban tổ chức báo cáo: Mới kết đại giới ạ. Cụ yêu cầu phải kết giới tràng xong mới được truyền đại giới. Lúc bấy giờ các hòa thượng Thanh Tứ; TT Bảo Nghiêm… đều phải chấp thuận làm theo ý kiến của Cụ là: Giải tất cả đại giới và giới tràng cũ xong, kết giới tràng và kết đại giới lại, sau đó mới truyền giới. Cụ giải thích: Giới tràng như áo trong, Đại giới như áo ngoài. Khi giải giới thì phải cởi từ ngoài vào trong. Khi kết giới phải mặc từ trong ra ngoài. Có giới tràng thì mới truyền giới được. Trong việc tranh luận này, Cụ đã căn cứ vào giới luật để thực hành, dẫu có nhiều ý kiến khác nhưng rốt cuộc, tập thể vẫn phải nghe theo ý kiến của Cụ. Đàn giới thành công viên mãn, Cụ về đến chùa khi trời đã tối mịt.

Hiệu trưởng, giảng viên trường Phật học tỉnh

Cụ tinh thông kinh điển nên đã được Tăng ni thỉnh làm giảng viên các trường Phật học, hiệu trưởng trường Trung Cấp Phật học tỉnh Hà Tây. Cụ phụ trách những môn như: Luật Sa Di (quyển Thượng, Hạ), Duy thức học… Trên pháp tòa, Cụ giảng theo lối cổ: Tay cầm sách chữ Hán, đọc cho học sinh ghi những nội dung quan trọng. Đến chỗ cần giảng, Cụ giảng kỹ lưỡng. Nhất là kiến thức Duy Thức học vốn trừu tượng nhưng Cụ đã giải thích khá rõ ràng khiến tăng ni dễ tiếp thu. Làm hiệu trưởng, Cụ định hướng các hoạt động của nhà trường, trực tiếp giảng dạy, chỉ đạo thi cử, cấp bằng tốt nghiệp cho lớp lớp tăng ni ra trường. Đến năm 2007, lên ngôi vị Pháp chủ, Cụ mới thôi công tác làm hiệu trưởng.

Ủy viên mặt trận tổ quốc tỉnh và trung ương

Năm 2004, Cụ đi dự đại hội Mặt trận trung ương cùng đoàn đại biểu Mặt trận của tỉnh Hà Tây do ông Thực làm trưởng đoàn. Đoàn dự đại hội ở hội trường gần Lăng Bác, tối nghỉ ở khách sạn gần Hồ Tây. Hàng ngày cụ đi theo đoàn, lên hội trường, ở khách sạn.

Buổi tối, Cụ đi cùng đoàn Hà Tây vào thăm chùa Trấn Quốc, đi thuyền ra Hồ Tây, mọi người chuẩn bị hai xuất ăn chay cho hai cụ cháu. Với những việc thế sự như vậy, cụ đều khá điềm đạm, không thích cảnh xô bồ, chỉ ưa chốn yên tĩnh, luôn mong được về chùa.

Khi làm ủy viên trung ương mặt trận, rồi Pháp chủ, cụ sợ nhất phải ra ở chùa Quán Sứ. Và sự thật, Cụ thủy chung với chùa Viên Minh đến trọn đời.

Lên ngôi vị Pháp chủ

Sau đại hội Phật giáo toàn quốc năm 2007, Cụ được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ. Ban tổ chức đại hội ra phố Hàng Quạt may một bức biển thêu chữ vải: “Pháp chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Đoàn đại biểu Phật giáo Hà Tây hội ý để phân công đón rước Đức Pháp Chủ.

Đại hội kết thúc, Cụ được đón rước từ chùa Quán Sứ về chùa Mỗ Lao – trụ sở tỉnh hội Hà Tây. Từ cầu Trắng – Hà Đông, xe ô tô đi từ từ trong 2 hàng tăng ni, Phật tử đứng ở vệ đường cung đón. Đến cổng chùa, Cụ được chư tăng che lọng, tung hoa, đón rước xuống trong tiếng niệm Phật của đông đảo Phật tử. Ban văn hóa Phật giáo tỉnh thiết kế tòa ngồi đặc biệt để thỉnh Cụ thăng tòa. Cụ nghẹn ngào phát biểu khuyên răn: “Tôi không ngờ chư vị lại giữ lời đã hứa khả với chúng tôi như vậy! Đã tổ chức lễ đón rước quá lớn. Ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi đã làm được những gì trong cuộc đời tu hành của mình mà dám nhận cái phúc lớn đó? Phúc là phải do tu mà có. Phúc thì nên tích mà không nên tán. Phúc không tích thêm mà cứ lạm hưởng thì rồi cũng hết. Khi đó phúc trở thành họa. Nay được hưởng như thế này là cái họa cho chúng tôi. Chúng tôi cần làm gì đây để báo đáp sự cung ngưỡng lớn lao như thế này của đại chúng?” Sau lễ đón rước trang nghiêm, Cụ lại về ẩn tu tại chùa Ráng chứ nhất quyết không ra chùa Quán Sứ theo thông lệ: Cụ Pháp Chủ phải ở chùa Quán Sứ để làm việc. Nhưng Cụ vẫn làm việc ở chùa Ráng, làm biểu tượng tu hành cho tăng ni Phật tử cả nước.

Đoàn tăng ni Hà Nội, mỗi năm vào dịp đầu an cư, cuối hạ, tất niên đều đến đỉnh lễ Cụ. Các đoàn Tăng Ni Phật tử 3 miền Bắc Trung Nam thường về chùa thỉnh pháp từ Cụ. Trong những lời giáo huấn Tăng ni, Phật tử, cụ thường nhắc nhở việc tu hành, giữ gìn đạo pháp, phụng sự tổ quốc, bảo vệ hòa bình. Những câu nói tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng chứa đựng cả một thế kỷ tích lũy: Sống trong mạt pháp cần giữ gìn chính đạo; Sống qua loạn lạc mới thấy giá trị của an cư; Sống trong chiến tranh mới thấy giá trị của hòa bình. Ở ngôi vị Pháp Chủ nhưng những sinh hoạt tu hành Cụ vẫn giữ gìn như trước đây: Cần kiệm, Mộc mạc, Gần gũi, Trí tuệ, Uyên bác. Đối với dân làng Quang Lãng, Cụ vẫn là Sư Cụ chùa làng họ: Bình dị, dễ gần. Vẫn bộ áo nâu, vẫn đôi guốc mộc, vẫn hai thời tụng niệm công phu, vẫn bốn mùa thắp hương thờ Phật, vẫn quanh năm giáo hóa chúng sinh, vẫn từng ngày bảo vệ Tổ quốc. Cụ khiêm tốn không nhận mình là Pháp chủ vì chức đó chỉ có Phật tổ mới xứng; Dẫu là nhận huân chương Hồ Chí Minh hay những đoàn của nguyên thủ quốc gia đến thăm, nhưng Cụ vẫn đạm bạc với danh lợi, như gió thoảng qua hiên, như trăng in mặt nước.

Cụ Trí Tịnh nói: Tổ đệ nhất, đệ nhị chùa Viên Minh đều viên tịch ngày rằm. Cụ pháp chủ đi sau một ngày. Sau ngày rằm tháng 9, vào giờ Dần, cụ đã nhẹ nhàng ra đi trong tiếng niệm Phật Di Đà.

Đọc những bài văn tế, văn điếu của các sư

Khoa cúng tổ Nguyên Uẩn, Cụ gần như thuộc lòng. Mỗi lần đọc đến đoạn: “Thanh xuất ư lam, nhi thắng ư lam” (màu xanh sinh ra từ màu lam nhưng đậm hơn màu lam – ý nói đời sau phải hơn đời trước) cụ đều nghẹn ngào, nước mắt rơm rớm xúc động.

Nay Cụ đã viên tịch, xin lấy lời văn tế của Cụ đọc cho các học trò trước đây làm lời tiễn biệt Cụ. (Bài này thường được tăng ni dùng khi truy điệu Tăng ni)

Than ôi hai chữ vô thường,
Đương vui bỗng hoá đau thương não nùng.
Dẫu Trời Đất cũng vòng không sắc,
Huống thân người bền chắc được sao.
Tử sinh hai chữ nan đào,
Như nung gan sắt như bào lòng son.
Nhớ Cụ trước khi còn tấm bé,
Vốn thành phần gia thế bần nông.
Ngán đời áp bức đế phong,
Quy y mượn thú cửa không hồi đầu.
Chăn trâu cắt cỏ dãi dầu,
Gánh nước giã gạo ngõ hầu tâm minh.
Cảnh chùa … sư sinh đạo mạch,
Trải bao năm kinh sách dùi mài.
Đường trần vượt lối chông gai,
Tham gia đời đạo vẹn hai ân tình.
Quản gì gian khó hy sinh,
Tấm thân khổ hạnh con người sồng nâu.
Các chốn Tổ tìm cầu phỏng đạo,
Tâm Bồ đề giới quả chu viên.
Đến khi tuổi mới vãn niên,
Chăm lo xây đắp hóa duyên chùa này.
Lòng Bồ Tát ăn ngay nói thẳng,
Khắp tín đồ ai cũng mến yêu.
Giúp cho quang cảnh mỹ miều,
Bao nhiêu nơi chốn, bấy nhiêu công trình.
Nay gặp buổi Hòa bình Hạnh phúc,
Ánh đạo vàng sáng rực khắp nơi.
Tưởng rằng ơn Phật nhờ trời,
Cụ còn mạnh khoẻ sống ngoài trăm năm.
Để sớm tối giúp dân tín ngưỡng,
Lớp tuổi cao tin tưởng còn nhiều.
Những mong gió sớm mưa chiều,
Quy y có chủ cầu siêu sẵn thầy.
Nào ngờ đã non Tây vội lánh,
Vui non bồng ngán cảnh trần ai.
Dân thôn thiện tín quan hoài,
Chùa chiền vắng vẻ ai người chủ trương.
Hội Phật giáo buồn thương sầu tiếc,
Lớp hậu lai thiếu bậc dắt dìu.
Sơn môn, pháp phái quạnh hiu,
Chùa chiền vắng bóng, cây chiều xác xơ.
Ôi thân này chỉ là mộng ảo,
Nghiệp định rồi cầu đảo được sao?
Từ đây Cực Lạc tiêu dao,
Chứa chan quả Phật ngạt ngào hoa thơm.
Xin phù hộ cho miền nhân thế,
Khắp trẻ già đoàn thể vui tươi.
Cùng nhau xây đắp cuộc đời,
Thi đua lao động người người tiến lên.
Cho tổ quốc vững bền độc lập,
Cho hòa bình đạo Phật dài lâu.
Chúng con thành ý khẩn cầu,
Cùng nhau tống tưởng niệm câu Di Đà.

Chùa Vĩnh Quang, ngày tuần đệ nhị của cụ (29.9.Tân Sửu).
Giới tử, học đồ: Thích Di Sơn, pháp tự Đức Hải kính ghi.