Năm 1959, khi ba tôi mất, lúc đó tôi chỉ mới 9 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Tôi chưa biết gì về nỗi đau mất cha và cũng không thể chia sẻ gì với má. Lúc đó, má tôi đã phải một thân một mình thân cò lặn lội gánh gồng nuôi con, trong đó có hai đứa con vẫn còn quá nhỏ – một đứa là tôi và một đứa là em gái nuôi mà má tôi đã nhận về từ lúc nó chỉ vừa bảy ngày tuổi.
Ngày đó, gia đình tôi đã có ba anh em. Vậy mà một hôm, khi má tôi ra thị xã, gặp một người phụ nữ ôm đứa con vừa mới sanh được bảy ngày, do hoàn cảnh quá nghèo, người phụ nữ đó phải đem con đi cho. Rung cảm vì tâm trạng của một người mẹ khó khăn như mình, nên dù đã có 3 con, má tôi vẫn nhận nuôi đứa trẻ. Khi má tôi ôm bé về, ba tôi bực mình quá, nói: “Nếu con trai thì tôi nuôi, còn con gái má con bà làm gì thì làm!”. Nói vậy, nhưng rồi vì thương vợ và nhìn thấy đứa trẻ còn đỏ hỏn, ba tôi cũng chìu theo.
Gia đình tôi kể từ hôm đó có thêm tiếng khóc của trẻ con. Trong nhà, người thì lo mua sữa, người thì chạy tới ẵm bồng, nựng nịu đứa trẻ, tuy nó không phải là ruột thịt của mình. Căn nhà tôi trở nên ấm cúng hơn vì đã 7 năm rồi không có tiếng khóc trẻ thơ.
Ngày ba tôi lâm bệnh, má tôi chạy thầy chạy thuốc, bán luôn cả mẫu ruộng để lo cho ba. Thời đó, phương tiện y tế còn quá lạc hậu, thầy thuốc không thể nào chẩn đoán được ba tôi bị bệnh gì.
Ba tôi qua đời trong hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, không đủ tiền để lo nổi đám tang. Tất cả tiền bạc đã đổ hết vào thuốc thang sau nhiều tháng ba tôi lâm bệnh. Đã vậy, cả bên nội lẫn bên ngoại tôi cùng những người ruột thịt của má cũng đã quay mặt làm ngơ. Họ nghĩ, giờ má tôi đã là mẹ góa con côi, lấy đâu ra tiền để trả nợ. Sau này, tôi nghe má kể lại, rằng má có hỏi cậu tôi, nhưng cậu nói: “Bây giờ tao cho bây mượn, sau này lấy gì bây trả cho tao?”. Nghe nói vậy, má rớt nước mắt, đành một thân một mình đi vay tiền lời để lo tang cho chồng.
Sau khi ba tôi mất, anh chị tôi cũng đều trưởng thành và có gia đình. Anh Hai lập nghiệp phương xa, rày đây mai đó; chị Ba thì theo chồng lên tận Lai Vung – Sa Đéc. Trong nhà chỉ còn lại 3 má con. Má đã phải bươn chải sớm hôm để làm 4 mẫu ruộng mà ba tôi để lại.
Năm 1960, một năm sau khi ba tôi mất, nước lớn ngập hết cả vùng, cuộc sống trở nên khó khăn, rất nhiều người dân trong làng đã phải đi làm thuê nơi khác. Gia đình tôi cũng chịu chung số phận. Mấy má con bồng chống nhau tha phương cầu thực ở Thứ Chín (nay là huyện An Biên, Kiên Giang) cách chỗ tôi ở một ngày xuồng. Đời sống của mấy má con vô cùng vất vả. Tôi còn nhớ rất rõ khoảng thời gian này; tôi ở nhà giữ em, còn má, ông ngoại và các cậu ra đồng gặt lúa. Mỗi ngày, khi má về đến nhà, trời cũng bắt đầu sập tối. Nhiều đêm, má đang ngồi bên hai anh em tôi, bất chợt tôi bắt gặp những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt gầy gò của má. Lúc đó, tôi còn quá ngây thơ để hiểu tại sao má khóc. Tôi chỉ biết là má không vui, nên liền ôm lấy má mà chẳng biết nói gì…
Mùa gặt lúa đi qua, mấy má con tôi lại trở về nhà. Tôi thấy má càng buồn hơn với cảnh nhà lạnh lẽo, bên bàn thờ chồng nghi ngút khói hương. Những lúc không ra đồng, má thường đem bộ bài tứ sắc và mấy má con quây quần ngồi chơi. Tôi biết là má buồn vì sự ra đi của ba. Có lẽ má muốn tìm quên qua những giờ phút rảnh rỗi này cùng với con cái.
Ngoài việc làm ruộng nhà, má tôi còn phải đi làm thuê cho người khác. Thực sự những tháng ngày sau khi ba tôi mất, má tôi đã hết sức vất vả, tuy cảnh nhà lúc ấy chỉ có ba má con.
Năm 1962, chiến tranh càng ngày càng trở nên ác liệt. Vùng quê tôi ở, nơi người ta thường gọi là khu vực “bánh da lợn”, ban ngày lính Mỹ kiểm soát, tối đến du kích cách mạng về làng; bom đạn nổ đì đùng, nhiều đêm má con tôi phải nằm dưới “trảng xê” suốt đêm để tránh những đợt pháo nã vào.
Rồi chế độ Sài Gòn chủ trương lập ấp chiến lược, má phải dọn nhà ra kinh Cái Sắn, ở đậu trên khu đất của một người bà con bạn dì. Thời đó, mỗi năm chỉ có một mùa lúa, không làm hai, ba vụ như ngày nay. Những ngày rảnh rỗi khi ruộng đồng cấy xong, má tôi nấu bắp đem ra chợ bán, phần thì để kiếm thêm chút đỉnh mưu sinh, phần thì giúp đỡ anh Hai tôi đang làm ăn thất bát và chị Ba tôi lâm vào cảnh nghèo vì đông con. Trong nhà vẫn chỉ ba má con, đứa con gái nuôi mới vừa sáu tuổi, một mình má tôi thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần, vất vả nuôi tôi và em tôi ăn học.
Tôi còn nhớ, đến khi em tôi lâm bệnh, má đã chạy thầy chạy thuốc, bán cả những đồ nữ trang mà má dành dụm được để lo thuốc cho con. Nhưng rồi tiền bạc cũng hết, đứa con gái mà má tôi cưu mang từ khi nó mới sanh ra vừa được bảy ngày cũng từ giã ra đi. Thế là ngôi nhà vắng thêm một người nữa, chỉ còn lại hai má con. Má tôi lại buồn rầu thương nhớ; mới tiễn biệt chồng không bao lâu, giờ đây lại tiễn thêm đứa con nuôi thơ dại.
Má tôi, với tình thương của một người mẹ và sự cương nghị của một người cha – hình ảnh này thật khó phai mờ trong tôi. Nhớ một lần, tôi cùng với đám trẻ trong xóm chơi nghịch, dùng cây làm kiếm. Trong lúc vui đùa, tôi đã quơ kiếm làm bể tấm kiếng tủ do ba tôi mua – chiếc tủ có thể nói là một kỷ vật mà má tôi rất quý. Khi về, má bắt tôi nằm xuống đất đánh cho một trận. Tôi vừa đau vừa khóc, chạy ra ngoài kêu lên: “Ba ơi, về bắt con đi! Má đánh con nè…”. Nghe vậy, má liền gọi tôi vào quỳ gối đánh tiếp, những lằn roi ngang dọc bầm tím cả người. Đêm hôm đó, má đã khóc khi nhìn lại những lằn roi trên người tôi. Má lấy dầu, tay thoa cho tôi mà nước mắt chảy dài. Má ôm tôi vào lòng, nói: “Má thương con lắm, mai mốt con không được như vậy nữa nghe chưa!”. Lúc ấy, tôi chưa nhận thức được gì, nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng má đánh tôi!
Tôi vẫn nhớ mãi những ngày tháng cùng má ra đồng cấy lúa. Trên thì trời mưa, dưới thì đỉa bám, mắt và mặt thì lại bị bù mắt đeo cắn rất khó chịu. Cái lạnh thấm dần theo những cơn mưa, gió thổi kéo dài hàng giờ. Nhìn má mặc chiếc áo mưa mỏng manh, trên tay gầy cầm cây nọc cấy những bụi lúa, tôi cảm thấy thật xót xa, dù lúc đó sự nhận thức của tôi còn quá nông cạn để hiểu thế nào là sự cực nhọc của má. Tôi mặc chiếc áo mưa đứng cấy cùng má, bất chợt tôi nói: “Mình bán ruộng đi ra ngoài thị xã buôn bán đi má, sống ở đây cực quá…”.
Má nhìn tôi mỉm cười, nói: “Nơi đây là mảnh vườn, khu đất đã nuôi má con mình, ra ngoài thị xã lạ nước lạ cái làm sao mà sống, ở đâu quen đó con ơi…”. Rồi má bảo tôi lấy những bó mạ rải ra cấy tiếp!
Nhà chỉ có hai má con, anh chị tôi thỉnh thoảng về thăm, lưu lại vài ngày nhưng cũng không giúp má được gì. Tôi biết, nhiều lần má đã phải đi Phú Quốc, Nha Trang, lên Lai Vung, Mộc Hóa (lúc đó là tỉnh Kiến Tường) thăm anh và chị tôi vì lâu quá anh chị không về thăm nhà. Có lần, cuộc chiến diễn ra vào lúc nửa đêm, súng nổ liên hồi cùng với tiếng đạn pháo ngoài tỉnh nã vào. Má tôi đứng ngồi không yên, cứ nói với tôi: “Không biết anh Hai con có sao không?”. Khi tiếng súng lặng yên, trời mới tờ mờ sáng, má đã bơi xuồng qua sông rồi đón xe lên tận nơi anh tôi ở, chỉ để biết anh tôi có yên lành hay không. Điều này đôi lúc khiến tôi bực mình, vì tôi biết, anh Hai tôi mỗi khi có dịp về thăm nhà là vòi vĩnh, xin tiền má. Có lần tôi đã nói với má: “Má đừng cho tiền anh Hai nữa. Anh ấy không biết lo, chỉ biết về báo má”. Má tôi buồn buồn nói: “Con nào má cũng thương như nhau, má làm sao bỏ con cho được!”.
Năm 1963, cuộc đời tôi bắt đầu chuyển qua một khúc quanh mới. Những ngày tháng bên má, tôi ít đi đâu chơi với mấy đứa bạn trong xóm, thường chỉ chạy đến chùa. Gần nhà tôi chừng vài trăm mét có một ngôi chùa lá (chùa Bửu Thọ) với một vị thầy già và hai chú điệu tóc để chỏm. Chiều chiều, hai chú tung tăng chạy giỡn ở sân chùa sau những giờ công phu. Mỗi lần, khi chùa gióng chuông, dù đang làm gì tôi cũng chạy đến để nghe mấy chú cúng thí. Tôi thích nhất bài: “Nhữ đẳng Phật tử chúng, ngã kim thí nhữ cúng, thử thực biến thập phương, nhất thiết Phật tử cộng…”. Tiếng khánh hòa lẫn với tiếng ê a của mấy chú đạo như một hấp lực kéo tôi đến với chùa. Thật ra, không phải chỉ đến năm đó tôi mới thích đến chùa nghe đọc kinh, mà từ lúc tôi còn nhỏ, khi bà nội về tu ở chùa Bửu Thọ với hai người bạn già, những đêm chạy đến chùa ngủ, tôi thích được nghe bà nội đọc kinh, dù bà nội tôi không biết chữ nào. Tôi nghe nội đọc các bài sám Nhất tâm, Từ vân, chú Chuẩn Đề, chú Thất Phật diệt tội chơn ngôn, chú Vãng sanh, kinh Cứu khổ cứu nạn…, và nội còn đọc cả phái quy y của mình, cho tới ngày nay tôi vẫn còn thuộc. Không biết nội tôi học như thế nào, học với ai, làm sao mà nội lại thuộc rất nhiều bài sám và các kinh chú ngắn như thế. Sau này má tôi cũng thế, không ai dạy, không thấy má học, nhưng bà cũng thuộc rất nhiều.
Trong làng tôi chỉ có mỗi ngôi chùa Bửu Thọ là chùa Phật giáo duy nhất. Không biết chùa có từ lúc nào, nhưng khi gia đình tôi về ở đây thì ngôi chùa đã có và đã trải qua nhiều đời trụ trì. Các thầy ở rồi đi, có những năm ngôi chùa hoang vắng không có một người.
Một hôm, có một vị thầy già về đây ở và bắt đầu sửa sang lại ngôi chùa. Thầy nhận thêm hai chú đạo tóc để chỏm và tập hợp một số quý anh chị trong xóm đến tụng kinh hàng đêm và đi hộ niệm mỗi khi có đám. Lúc đó tôi cũng tháp tùng chạy theo. Đây là một duyên lành lớn trong đời tôi, như trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã nói: “… Phật chủng tùng duyên khởi” – (giống Phật do duyên sanh…). Người hàng xóm nói với má tôi rằng: Con chị nó có “căn” tu!
Môt hôm, thấy tôi đang nô đùa với hai chú điệu – mà ở quê tôi gọi là “ông đạo” – thầy kêu tôi lại, nắm tay tôi, nói: “Con thích đi tu không? Mỗi lần công phu chiều, thầy thấy con có mặt ở cửa chùa nhìn mấy chú tụng kinh, thầy nghĩ chắc con có duyên với Phật pháp. Nếu con thích đi xuất gia thì về xin má, nếu má con cho thì thầy sẽ xuống tóc và con ở đây với mấy đạo cho có huynh đệ với nhau”.
Sau đó, tôi nói với má: “Má, cho con đi tu nha má!”. Má tôi thừ người một phút rồi nói: “Tùy con, má không ép. Nhưng có tu được không đó? Đi tu thì phải tu cho đàng hoàng, chớ vì ham vui, nay thì tu, mai lại về, tội chết! Má không cản con, nhưng cũng không bắt con ở nhà. Con thấy đó, nhà mình chỉ có hai má con!”. Má tuy không bác chuyện xuất gia, nhưng tôi biết má buồn vì tôi là đứa con trai út. Từ nhỏ tôi đã được ba chìu, má yêu. Khi ba tôi còn sống, đi đâu ba cũng cõng tôi theo. Anh chị đánh hoặc đụng đến tôi là ba tôi ra mặt bênh vực liền. Cho nên anh, chị tôi tuy thương em nhưng cũng có lúc bực mình, nói với ba rằng: “Ba cưng thằng Khánh riết rồi nó hư đó, muốn gì được nấy!”. Chính vì vậy mà má cho rằng tôi vào chùa cực nhọc sẽ không thể tu được, song vì thương yêu con nên má không cản.
Tuy hiểu ý má, nhưng tôi vẫn không từ bỏ ý định xuất gia. Ngày rằm tháng Tư năm đó, thầy làm lễ thế phát cho tôi. Thầy mời má lại nguyện hương cho tôi trước chánh điện, má từ chối, nói: “Thằng Khánh nó muốn đi tu, tôi bằng lòng. Nhưng nó còn quá nhỏ, không biết vào chùa ở được bao lâu, tôi không thể phát nguyện cho con, vì mai mốt lỡ con tôi nó làm không được, tôi lại mắc lời hứa với Tam bảo…”. Tuy nói là lễ xuất gia, nhưng thực ra chỉ có má và thầy nơi chánh điện. Buổi lễ đơn sơ và thật giản dị. Thế là mái tóc quăn của tôi được thầy cạo còn chừa một cái vá. Tôi trở thành “ông đạo”.
Vào chùa, tôi phải học hai thời khóa tụng, ngoài ra còn phải đi học ở trường làng. Cô giáo Thể lúc nào cũng hỏi: “Tại sao em đi tu?”. Các bạn tôi thường chơi hàng ngày cũng nhìn cái chóp của tôi mà hỏi thăm đủ chuyện: “Sao mày đi tu vậy, bộ má mày đuổi, không cho mày ở nhà nữa hả?”.
Tôi vào chùa, có lẽ má buồn nhưng không nói ra, bởi hàng đêm tôi không còn ngủ chung với má. Vì chùa ở cách nhà không xa, nên mỗi ngày, sau thời công phu khuya, tôi đều chạy về nhà giúp má bưng mấy thau bắp xuống xuồng qua chợ bán. Lúc nào má cũng dành cho tôi một dĩa cơm cháy bắp thật ngon. Tôi biết, qua dĩa cơm cháy bắp, má đã dành cho tôi biết bao nhiêu là tình thương. Những dĩa cháy bắp ấy, suốt đời tôi không thể nào quên được…