Trang chủ Diễn đàn Hỏi Học viện PGVN tại TPHCM về truyền thông xuất bản –...

Hỏi Học viện PGVN tại TPHCM về truyền thông xuất bản – Bài 4

78

Trong kỹ thuật ngôn từ, điều này có thể gọi là “defamiliarization”, hay “ostranennie”, tạm dịch là “lạ hóa”. Vấn đề lẽ ra được trình bày một cách xác định, hoặc phủ định, nhưng nay “lạ hóa” sang thể nghi vấn. Đối tượng được hỏi được nêu lên rõ ràng, để tăng tính xác thực, đối thoại, cụ thể của bài viết. Mục tiêu phục vụ đạo pháp vẫn như thế.

Từ những vấn đề cụ thể, người đọc có thể rút ra những kết luận khái quát về những vấn đề chung. Thí dụ, như qua bài viết này, quý bạn đọc là Tăng ni Phật tử có thể có những nhận định khái quát về vai trò của truyền thông xuất bản đối với Phật sự hoằng pháp. Hỏi Học viện PGVN tại TPHCM vì đây có liên quan đến một sự việc, là Học viện PGVN tại TPHCM tổ chức Hội nghị Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam” và xuất bản tập sách tuyển những bài viết tham gia hội thảo.

Học viện PGVN tại TPHCM không nêu quan điểm về vấn đề truyền thông bằng xuất bản trong hội thảo này. Nhưng theo cách làm của phía Phật giáo trong ban tổ chức Hội thảo (Học viện PGVN tại TPHCM), và qua phát biểu của tác giả Thích Ngộ Dũng trên trang “Đạo Phật ngày nay” do Thượng tọa Tiến sĩ Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TPHCM, Thích Nhật Từ, biên tập, chúng ta có thể gián tiếp thấy được những vấn đề cần nêu ra với học viện.

DẪN VÀO VẤN ĐỀ

Những ngày trung tuần tháng 6/2013, vào cao điểm kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963 của Phật giáo Việt Nam, vào các nhà sách lớn trên các thành phố lớn trong cả nước, ở dãy kệ giới thiệu sách trọng điểm, chúng ta sẽ thấy hàng loạt sách của… Nick Vujicic, nhà truyền bá phúc âm (envangelist). Tìm chỉ một quyển sách nói về pháp nạn Phật giáo cũng không thấy.

Trong khi đó, trong hoạt động tổ chức Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)”, có một quyển sách được xuất bản. Nhưng đây là sách ấn tống, chỉ phát đến đại biểu tham dự hội thảo, không đề giá bán, tất nhiên như thế không phát rộng rãi, tức không truyền thông mở rộng.

Tôi thì ghi nhận có bản pdf sách nói trên trên mạng internet. Tuy nhiên, tác giả Thích Ngộ Dũng không coi đây là một hoạt động truyền thông cho hội thảo khoa học, tất nhiên là cho dịp kỷ niệm pháp nạn, mà chỉ liệt kê rất dài dòng các bản tin mà báo chí đưa về hội thảo.

Quan niệm truyền thông chỉ là báo chí đưa tin, mà không kể đến hoạt động xuất bản, sẽ là một sai lầm lớn trong làm truyền thông, nhất là truyền thông cho một dịp kỷ niệm quan trọng như 50 năm Pháp nạn 1963.

Đối với Phật giáo hệ quả sẽ là trong dịp kỷ niệm trọng đại này, trên kệ giới thiệu, sách đặc biệt ở các nhà sách lớn toàn quốc, chỉ toàn là sách… Nick Vujicic (!) Điều này là vô cùng mỉa mai và đáng tiếc. Phật giáo Việt Nam cũng có sách kỷ niệm pháp nạn, nhưng không phát hành rộng rãi.

Trong khi đó, phát hành sách là một phương thức truyền thông được đặc biệt chú trọng đối với truyền thông các hoạt động kỷ niệm lớn.

Trong dịp kỷ niệm 600 năm năm sinh Nguyễn Trãi chẳng hạn, có đến mấy chục tựa sách về Nguyễn Trãi được xuất bản. Mỗi tựa sách về Nguyễn Trãi lúc đó được được in đến cả mười ngàn cuốn. Vì vậy, trong dịp kỷ niệm Nguyễn Trãi lúc đó, có đến mấy trăm ngàn bản sách về Nguyễn Trãi được xuất bản. Việc phát hành kỷ yếu hội nghị khoa học toàn quốc về Nguyễn Trãi, một số tựa sách phổ thông và sách trong hệ thống giáo dục cùng đề tài kéo dà nhiều năm sau đó.

Như thế, có thể coi xuất bản là truyền thông hậu sự kiện (với thời gian nhiều năm), nhưng thực ra truyền thông bằng xuất bản là truyền thông cả tiền sự kiện và trong sự kiện. Sách truyền thông về kỷ niệm 600 năm năm sinh Nguyễn Trãi được xuất bản cả năm trước sự kiện.

Mỗi dịp kỷ niệm lớn, là chúng ta lại thấy trên báo đài quảng bá “đợt phát hành sách chào mừng…”, chính là dùng truyền thông xuất bản quảng bá cho sự kiện.

Việc xuất hiện những bản sách truyền thông sự kiện trên các kệ sách mặt tiền của các trung tâm phát hành sách toàn quốc chính là một hoạt động truyền thông cho sự kiện, bên cạnh việc mua sách, đọc sách, bàn bạc về nội dung sách…

Tôi nói đến bản pdf sách tuyển tập các bài viết hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam” là nhắc đến hoạt động truyền thông này. Như vậy, Học viện PGVN tại TPHCM vẫn có biết đến hoạt động truyền thông xuất bản, nhưng biết mà không làm hay làm không tới, đến nỗi đưa tin về hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam” thì rất nhiều, liệt kê một dãy dài, đủ báo, đài, trang web…, nhưng tìm mua sách kỷ yếu hội thảo thì không thấy đâu cả, trong khi ở nhà sách người ta chỉ lo phát hành trọng điểm sách của nhà truyền bá phúc âm Nick Vujicic.

Nếu nói hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam” chưa thành công về mặt truyền thông chính là ở chỗ này. Truyền thông về việc có diễn ra hội thảo thì nhiều, nhưng truyền thông về nội dung chi tiết của hội thảo thì hầu như không hề có đối với công chúng rộng rãi.

Đây là một thực tế hết sức rõ ràng, đáng buồn. Chúng tôi, chỉ ghi nhận trung thực, “như thị”, đúng như sự thật, hoàn toàn không có ý “dạy đời”, chỉ có ý mong muốn tình trạng như thế sớm được cải thiện.

Cũng cần nói thêm, là trong truyền thông bằng xuất bản cho những dịp kỷ niệm lớn, còn có nhiều hình thức được triển khai, không chỉ đơn thuần là xuất bản và phát hành (in sách rồi bán). Có thể kể đến những hoạt động như:

– Tổ chức triển lãm sách.

– Tổ chức ra mắt sách, tác giả giới thiệu sách, ký tên trên sách, tặng sách, giao lưu bạn đọc – tác giả…

– Tổ chức phát hành sách lưu động.

– Bán giảm giá hoặc phát hành theo giá bán đặc biệt có trợ giá…

Tất nhiên, sách ở đây là sách chuyên đề truyền thông cho dịp kỷ niệm.

Truyền thông xuất bản như thế không chỉ là một hoạt động truyền thông mà còn là một sinh hoạt văn hóa, học thuật, với đối tượng phục vụ chính là trí thức, thầy cô giáo, sinh viên, học sinh. Một đơn vị giáo dục, học thuật như Học viện PGVN tại TPHCM thiết tưởng rất thích hợp với hoạt động văn hóa như vậy. Việc không đề cập tới, không tổ chức truyền thông gì hết mới là chuyện lạ.

CÂU HỎI CỤ THỂ

Câu hỏi được chuyển đến Học viện PGVN tại TPHCM, phía Phật giáo trong ban tổ chức hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)”, cụ thể là:

– Hòa thượng Tiến sĩ Thích Trí Quảng, Viện trưởng Học viện PGVN tại TPHCM, đồng trưởng ban chỉ đạo hội thảo.

– Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TPHCM, đồng trưởng ban chỉ đạo hội thảo.

Câu hỏi cụ thể:

1. Quan điểm của Học viện PGVN tại TPHCM về truyền thông xuất bản đối với hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” ra sao?

2. Tại sao Học viện PGVN tại TPHCM đã không tổ chức phát hành rộng rãi sách tuyển tập các bài viết tham gia hội thảo khoa học nói trên?

3. Hiện nay vẫn còn trong năm kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963. Vậy, Học viện PGVN tại TPHCM có kế hoạch tổ chức hoạt động truyền thông xuất bản hay không? Nếu không thì tại sao?

Cho đến khi viết bài này, những câu hỏi trước đây chúng tôi kính gởi đến lãnh đạo Học viện PGVN tại TPHCM về vấn đề truyền thông đối với hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” vẫn chưa được trả lời. Kính mong ở quý vị lãnh đạo Học viện PGVN tại TPHCM câu trả lời thỏa đáng để giải tỏa thắc mắc của chúng tôi, cũng là hoạt động chỉ giáo từ thầy đối với trò là Phật tử, góp phần vào việc truyền thông cho hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)”, một hoạt động có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Pháp nạn lịch sử.

MT