Trang chủ Văn hóa Hội đua ghe ngo của Phật giáo Khmer Nam Bộ

Hội đua ghe ngo của Phật giáo Khmer Nam Bộ

142

Bởi theo họ, trong đời nếu ai làm nhiều việc thiện như giúp các nhà sư vượt qua khó khăn, đưa những vị sư về đến chùa an toàn kịp lúc sau cơn giông tố, sẽ trở thành người có phúc đức nhất. Từ đó về sau, những chiếc bè đưa rước các vị sư được biến thể thành chiếc ghe. Hàng năm, bắt đầu từ đầu tháng 10 ÂL vào dịp lễ hội Ok Om Bok hay còn gọi là lễ “Cúng trăng”, người dân Khmer Nam Bộ lại tổ chức đua ghe ngo trên sông để tưởng nhớ những việc làm tốt của người dân Khmer đối với các vị sư thời trước.


Chiếc ghe ngo là di sản văn hóa dân tộc Khmer gắn liền với ngôi chùa Khmer Nam Bộ. Chiếc ghe ngo được làm bằng thân cây to độc mộc, có hình thon dài, dáng giống như con rắn, xung quanh thân ghe trang trí hoa văn rất đẹp mắt. Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer thường vào dịp lễ hội Ok Om Bok. Đây là môn thể thao mang tính văn hóa dân tộc được chuyên môn hóa lên tầm cao để tham gia thi đấu ở khu vực và quốc tế, không những hấp dẫn người dân địa phương mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước. Lễ hội Ok Om Bok năm nay, trong 92 chùa Khmer ở Sóc Trăng hiện có 40 chiếc ghe ngo đang chuẩn bị đưa vào thi đấu. Riêng chiếc ghe ngo chùa Bốn Mặt (xã Phú Tân, Mỹ Tú) có chiều dài hơn 27m, bề rộng 1,5m, có sức chứa khoảng 53 vận động viên bơi thuyền do Đại đức Bone vận động quyên góp chính quyền sở tại và đồng bào Phật tử quanh chùa mới đủ kinh phí đóng ghe. Ghe ngo chùa Bốn Mặt đóng năm 2002 do ông Huỳnh Rớt (Kiên Giang) cùng 2 nghệ nhân khác thực hiện. Việc đóng ghe ngo đòi hỏi phải kỹ lưỡng, từ khâu chọn cây cho đến việc đưa vào xưởng cưa, bào đều phải theo thước tấc cố định, và dĩ nhiên phải có sự chỉ đạo của các sư sãi trong chùa. Theo phong tục của đồng bào Khmer, sau khi ghe ngo đóng xong, nghệ nhân thường sử dụng nhiều hoa văn trang trí lên mũi ghe và quanh thân ghe. Nét chạm, khắc phải tỉ mỉ từng chi tiết. Mũi ghe có gắn hai mắt thuyền chạm khắc hoa văn Sồ-Bạnh, hai dầm đầu ghe vẽ hoa văn Đọt-chane, phần đầu và đuôi ghe vẽ hoa văn Phơ-nhi-vo, giữa hai thân ghe là hoa văn Ăng-ko rất đặc sắc. Tất cả hoa văn trang trí trên ghe ngo nhằm thể hiện sức mạnh của nền văn hóa đặc trưng của người Khmer ở vùng sông nước. Sau khi thi đấu, ghe ngo được đem về chùa bảo quản, và được trét dầu chai, sửa chữa lại trước ngày hạ thủy tham gia thi đấu vào mùa lễ hội năm sau.


Từ khi tham gia thi đấu vào năm 2002 đến nay, đội ghe ngo chùa Bốn Mặt đã 10 lần đoạt giải nhất và hai lần giải nhì, là một trong 8 đội mạnh của tỉnh Sóc Trăng. Để giữ vững ngôi vô địch, năm nay đội ghe ngo chùa Bốn Mặt đã lên kế hoạch tập luyện hơn một tháng nay, tăng cường lực lượng thanh niên trẻ thay cho các vận động viên lớn tuổi, tập cho toàn đội bơi đồng nhịp theo tiếng còi đường đua. Phật tử La Thong, Thư ký Ban Tổ chức đội đua ghe ngo chùa Bốn Mặt cho biết: “Chuẩn bị cho cuộc đua ghe ngo sắp tới, 97 thanh niên trong phum sóc đến tham gia tập dượt. Việc chấm công cho các vận động viên mỗi ngày là để sắp xếp đội hình cho ngày thi đấu chính thức, ai có sức khỏe tốt thì cho tham gia đua nhiều trận hơn…”.


Từ trong truyền thuyết về chiếc bè đưa các vị sư vượt sông nước mênh mông để kịp về chùa độ ngọ, cho đến chiếc ghe ngo mang dáng dấp thần linh đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong cộng đồng người Khmer nói chung và Phật giáo Khmer Nam Bộ nói riêng. Vào dịp lễ hội Ok Om Bok hàng năm, hội đua ghe ngo tại Sóc Trăng thực sự đã trở thành môn thể thao văn hóa truyền thống của Phật giáo Khmer, nơi mà ngôi chùa là trung tâm văn hóa của cộng đồng dân tộc…