Trang chủ Diễn đàn "Hội đồng Trị sự GHPGVN trên thực tế không có quyền…"?

"Hội đồng Trị sự GHPGVN trên thực tế không có quyền…"?

76

Đoạn văn được trích như sau:

“Tổ chức giáo hội các tôn giáo ở Việt Nam cũng không thuần nhất, vai trò đại diện (nhìn nhận dưới góc độ quyền lực) nhiều khi rất tán quyền.

Với Công giáo, một tổ chức chặt chẽ với hệ thống giáo quyền từ trung ương đến địa phương. Các tài liệu đều cho biết đại diện của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam (GHCGVN) là Hội đồng Giám mục Việt Nam, một tổ chức được thành lập năm 1980. Song với GHCGVN thì vai trò của giáo hội địa phương (giáo phận) theo giáo luật là rất lớn. Phần lớn các vụ việc xảy ra ở giáo phận thì quyền giải quyết lại thuộc về giám mục giáo phận. Theo giáo luật giám mục giáo phận có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vậy nên quan hệ giữa nhà nước với Công giáo để giải quyết hầu hết các vụ tôn giáo chủ yếu là quan hệ với tòa giám mục giáo phận, đứng đầu là giám mục giáo phận.

Với Tin lành, hiện chưa có tư liệu thống kê đầy đủ nhưng đang tồn tại ở nước ta có tới trên dưới một trăm hệ phái. Hiện nay, nhà nước mới công nhận 10 tổ chức của 9 hệ phái. Những hệ phái còn lại tuy chưa được công nhận tư cách pháp nhân nhưng vẫn đang hoạt động. Vậy mối quan hệ giữa nhà nước với các hệ phái này như thế nào? Quản lý và biện pháp chế tài…

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có tổ chức từ trung ương đến địa phương nhưng theo tôi đây là tổ chức tản quyền. Các vụ việc tôn giáo xảy ra ở cơ sở, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo trên thực tế không có quyền để giải quyết. Ngay cả Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành, Ban Đại diện Phật giáo huyện, thị xã khi có sự việc xảy ra ở cơ sở, tiếng nói hay là vai trò của họ để giải quyết là hết sức mờ nhạt. Muốn giải quyết vụ việc ở cơ sở nổi lên là vai trò của nhà sư trụ trì. Vậy là quan hệ giữa nhà nước với tổ chức tôn giáo (nhìn từ phía Giáo hội Phật giáo) lại là quan hệ với tổ chức tôn giáo cơ sở, cụ thể là với nhà sư trụ trì.

Trên đây chỉ là dẫn chứng từ ba tôn giáo. Các tôn giáo khác theo chúng tôi vẫn gặp phải vấn đề tương tự”.

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có thật là đã có tình trạng như thế không?

Đúng ra, đây không phải là một nhận định, mà là một ghi nhận. Theo tôi, ghi nhận của vị nguyên lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo như thế là chính xác.

Nhưng nói “tản quyền” thì thực chất là nói GHPGVN không có quyền gì hết.

Quyền thuộc về trụ trì chùa như bài viết mô tả, thì thực chất GHPGVN hầu như không có quyền, ngoại trừ quyền bổ nhiệm trụ trì. Vì chùa là cơ sở đã có từ trước khi có giáo hội. Hội đồng Trị sự Trung ương không có quyền, mà chỉ trụ trì chùa có quyền thì đương nhiên Ban Trị sự Phật giáo các cấp cũng không có quyền. Có nghĩa là trọn giáo hội, trên cấp chùa không có quyền.

Khái niệm quyền mà bài viết của PGS.TS Nguyễn Hồng Dương nói đến là quyền hiểu theo nghĩa chủ động. Còn theo như cái cách thực thi quyền hạn mà chúng ta thấy gần đây ở một số địa phương, thì chỉ có quyền thụ động, cụ thể là quyền tự hủy bỏ các hoạt động có trách nhiệm tổ chức mà thôi. Quyền của Ban Trị sự địa phương là như vậy đó.

Trong bài viết dẫn trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương nêu trường hợp ở 3 tôn giáo. Trong đó, chỉ có quyền ở Phật giáo tất nhiên là không như ý muốn của các nhà lãnh đạo Phật giáo. Vì có nhà lãnh đạo giáo hội nào muốn tổ chức của mình không có quyền?

Trong khi đó, ở đạo Ca tô La Mã (PGS.TS Nguyễn Hồng Dương gọi là Công giáo), thì giáo quyền được tập trung ở cấp giám mục, đúng theo quy định giáo luật của họ.

Với đạo Tin lành, khi họ muốn ẩn các hoạt động, thì ẩn luôn giáo quyền là đúng ý họ.

Trong Phật giáo, sư trụ trì là người chỉ đứng đầu đơn vị cấp cơ sở, cấp thấp nhất. Vậy mà thực tế lại có quyền nhất.

Nhưng nếu một tôn giáo có giáo hội không có quyền, hay chỉ có quyền “mờ nhạt” như chữ dùng trong bài viết đã dẫn thì tôn giáo đó sẽ như thế nào?

Chúng tôi chỉ nhận một ghi nhận từ bài viết của một nhà nghiên cứu tôn giáo học để tìm hiểu vấn đề quyền của GHPGVN. Còn việc cần làm gì để giáo hội có thực quyền, thì có lẽ cần thảo luận nhiều.

Nhưng “quyền”, hiểu theo nghĩa thụ động, tiêu cực, như quyền tự cắt hủy, xóa bỏ, loại trừ triệt tiêu xe, thuyền rước Phật trong lễ Phật đản, thì sẽ là điều tai hại cho Phật giáo. Nó không thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo, mà chỉ có tác dụng làm suy thoái Phật giáo.

Ở một khía cạnh khác, thì thực chất quyền tự cắt hủy, xóa bỏ, triệt tiêu, loại trừ hoạt động truyền thống của Ban Trị sự Phật giáo địa phương không phải là quyền, mà thực chất là việc cố biểu hiện quyền, cố chứng tỏ có quyền một cách tiêu cực, rằng ít ra cũng có cái quyền thay đổi, loại trừ, xóa bỏ đó, mà tu sĩ tín đồ tại địa phương vẫn phải thực hiện theo, không thể làm gì khác được.

MT

Phản hồi, thông tin riêng: [email protected], facebook.com/cusiminhthanh.