Sáng ba mươi nào mẹ tôi cũng mua một bó lá mùi (ngò) già về đun nước để mấy mẹ con tắm gội. Ông ngoại tôi vốn là nhà nho nên mẹ tôi hay ăn nói văn chương, bà gọi thế là “tẩy trần” cho thân thể sạch sẽ thơm tho để đón năm mới. Ngày còn bé tôi không ưa những lần “tẩy trần” ấy lắm vì mùi ngò già quá nồng, không dễ chịu như mùi hương trầm.
Mấy ngày tết, trong nhà lúc nào cũng thơm mùi trầm, ban ngày là hương nén, tối là trầm đốt trong cái bình đất nung hình đài hoa sen. “Tết nhất nếu chẳng có gì thì cũng phải có nén hương thơm tỏ chút lòng thành” – mẹ tôi bảo thế. Tôi còn nhỏ, chẳng để ý đến chuyện cúng bái, chỉ thích xem bà bày mâm ngũ quả.
Đầu tiên là nải chuối sứ thật đẹp, rồi quả bưởi còn đủ cành lá xanh mướt, quả táo cho “táo tởn cả năm”, nếu không mua được táo ta thì táo tây cũng được, thêm một chùm sung – thứ quả tôi chỉ thấy trên bàn thờ mỗi năm có một lần – cho năm mới được sung túc. Theo mẹ tôi, ngũ quả phải có cam vì trong chữ Hán “cam” nghĩa là ngọt, vả lại có câu “Khổ tận cam lai” (hết cay đắng đến ngọt ngào).
Bà không bày cam quýt chung vì “quýt làm cam chịu” – hầu như bất cứ chuyện gì bà cũng có một câu châm ngôn để dẫn chứng, lại thêm một cặp dưa hấu có dán chữ “Phúc” viết trên miếng giấy đỏ. Xa xứ Bắc nên tết đến mẹ tôi lại tiếc là miền Nam không có quả phật thủ, hình dáng như bàn tay năm ngón, tên đã hay mà quả lại thơm.
Trái cây cúng giao thừa cũng là ngũ quả: lê xanh, táo đỏ, quýt vàng, mận trắng, thêm chùm nho đen thế là đủ năm màu. Lọ hoa cúng cũng có năm màu tượng trưng cho ngũ hành vì giao thừa là lúc trời đất giao hòa, lại thêm quả dừa, không phải với ý “cầu dừa đủ xài” như quan niệm của người miền Nam mà vì dừa là thứ quả sạch nhất trên đời. Chiều ba mươi mẹ tôi dựng mấy khúc mía dài bên cạnh bàn thờ “để tối ông bà về lấy làm gậy chống”. Tôi không hình dung được cảnh ông bà lò dò chống gậy mía vào nhà, chỉ thích là hết tết có mía hấp, mùi mía hấp mới ngọt và thơm làm sao!
Cha tôi theo Tây học nhưng giỏi chữ Hán nên những ngày cận tết là lúc ông bận rộn viết câu đối dán nhà và viết hộ họ hàng, bạn bè. Tôi còn nhớ được vài câu như “Nhất gia thiên tứ bình an phúc, Tứ hải nhân đồng phú quý xuân”… những mong ước tốt lành cho năm mới. Mẹ tôi kể rằng ở ngoài Bắc, gần tết các nhà còn xuống phố Hàng Mã “rước” ông tiến sĩ giấy về nhà, mong con cái học hành đỗ đạt (vậy là người lớn cũng giống như bọn học trò nhỏ chúng tôi, trong sách đứa nào cũng kẹp mấy nhánh lá thuộc bài!).
Gói bánh chưng – Ảnh: Lê BÍch |
Cúng giao thừa – Ảnh: Lê Bích |
Có những năm vào ngày cận tết, mẹ tôi mua ở đâu được bó hoa ngọc lan to, bà ngắt từng bông bày lên cái đĩa sứ trên bàn thờ, nói là ở ngoài Bắc thì hoa cắm lọ chỉ để chưng cho đẹp nhà, hoa cúng thì phải bày trong đĩa cho luôn thanh khiết. Ngày rằm, mồng 1, nếu vườn nhà ít hoa thì các bác hoặc mẹ tôi ra chợ mua hoa.
Hoa hồng, hoa bưởi, hoa sói, ngọc lan, hoàng lan… gói lá chuối thành từng gói ba xu hay năm xu, mua về bày lên các bàn thờ, ngày tết thì có cành đào cắm lọ và bát hoa thủy tiên. Gần tết ông ngoại tôi mua củ thủy tiên tỉ mỉ gọt bớt vỏ để củ nẩy nhiều búp hoa và canh sao cho hoa nở đúng lúc giao thừa. Những củ thủy tiên được đặt vào cái bát sứ Giang Tây chèn mấy hòn cuội trắng, đổ thêm ít nước mưa. Những giò hoa cứ lú dần lên rồi như xuân báo nửa đêm, đúng giao thừa những nụ hoa trắng tinh bừng nở tỏa hương thơm ngát trong niềm hân hoan của mọi người.
Có một năm cha tôi được ông bạn tốt bụng nào đó đi Hong Kong về tặng mấy củ thủy tiên. Không biết vì ông gọt không khéo hay do trời quá nóng nên chỉ được mấy bông hoa còn thì toàn những lá, vậy mà thấy ông vui ra mặt.
Cũng như những ông bố khác, cha tôi quanh năm không đụng đến chuyện “tề gia nội trợ” nhưng tết thì khác. Mẹ tôi chuẩn bị mọi thứ nhưng bánh chưng thì phải do cha tôi gói. Cha tôi không dùng khuôn để gói bánh mà gói bằng tay, theo ông, tay phụ nữ không mạnh, gói không đủ chặt, bánh ăn kém ngon. Khi nhớ lại dáng cha tôi đeo kính trắng cẩn thận lau đi lau lại từng tấm lá trước khi gói bánh, tôi có cảm giác như tấm bánh chưng ngày tết có ý nghĩa hết sức quan trọng nên phải do tay người chủ gia đình làm. Không biết có phải vì vẻ trang trọng đó mà những tấm bánh chưng tết tôi ăn sau này chẳng thấy tấm nào ngon như bánh cha tôi gói ngày trước.
Vườn nhà tôi tại Đan Mạch có hai cây hoa đào rừng và rất nhiều hoa thủy tiên, nhưng mùa xuân Bắc Âu đến muộn, tết chỉ có mỗi cây quất trồng trong nhà. Những năm gần đây phong trào chơi “mai Mỹ” đã lan tới Đan Mạch. Đó là cây forsythia (cây đầu xuân) có nhánh thẳng như loại hoa ta gọi là “đào Trung Quốc”. Hoa forsythia màu vàng tươi có năm cánh hình ngôi sao nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên những người Việt xa quê bên Mỹ ưu ái gọi là “mai Mỹ”.
Vào dịp tết, những khu chợ người Việt tại California có bán những bó forsythia cho mọi người mua chưng tết. Khi không có mai thật thì dùng tạm “mai Mỹ” vậy, và những thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở xứ người lại có dịp được nghe người lớn kể: “Hồi đó, tết ở Việt Nam…”.
Sang năm, tôi cũng sẽ trồng một bụi “mai Mỹ”.