Có lẽ, khi tổng kết, rút kinh nghiệm về việc tổ chức Đại Phật sự này, Ban tổ chức sẽ có những đánh giá sâu sắc và bao quát, còn hôm nay, khi triển lãm mới diễn ra được 2 ngày thì sự đánh giá sẽ là không đầy đủ. Nhưng sự nhìn nhận ban đầu là có thể.
Việc triển khai tổ chức hội chợ triển lãm đặc biệt này đã được ban tổ chức tiến hành cách đây cả tháng. Công ty Đông Dương từ Sài Gòn và chi nhánh của nó ở Hà Nội đã nghiên cứu và lên kế hoạch khá chu đáo. Cho dù văn phòng Đại diện của nó đặt tại số 132 Hoàng Văn Thái – Hà Nội đã làm kém hào hứng một số đối tác khó tính vì sự nghèo nàn, sơ sài của trụ sở làm việc. Tuy nhiên, ngày khai mạc đã được ấn định. Tất cả các gian hàng đều có chủ và được chuẩn bị khá công phu.
Có lẽ do kinh phí hạn hẹp và sức ép về thời gian nên cơ sở hạ tầng được chuẩn bị không tương xứng với tầm của triển lãm: các gian quá nhỏ, đơn điệu, trời nắng nóng mà mái sạp thì quá mỏng manh, v,v. Song các khiếm khuyết đó không làm nản lòng khách hàng. Không gian được trang trí lại, hơn 100 gian hàng khá ấn tượng, với những mặt hàng biểu hiện được phần nào tinh hoa văn hoá Việt và đáp ứng được một phần nhu cầu thưởng lãm và mua sắm của khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Trung tâm hội chợ triển lãm này là nơi các Tăng Ni Phật tử khắp nơi về đây (mà không được vào hội trường) có thể đến ngắm nghía, giải toả tâm lý và mua sắm. Ước chừng trong 2 ngày 13 và 14/5 đã có hàng vạn lượt khách lui tới khu hội chợ triển lãm.
Thấy có mặt gian hàng của chùa Vĩnh Nghiêm, của làng Mai, chùa Phật Quang, Drukpa Việt Nam v,v. (không thấy sự hiện diện của hệ thống thiền viện Trúc Lâm (!)), và hàng loạt các công ty và cơ sở sản xuất như Công ty Phú Mỹ Lộc chuyên gò hàn đồ đồng pháp khí đến từ Gia Lâm; Công ty Cổ phần Hợp Phát chuyên chế tác tượng Phật, đồ thờ, pháp khí bằng chất liệu gỗ sơn son thiếp vàng truyền thống, đến từ làng tượng Sơn Đồng nổi tiếng của Hà Tây, v,v. Và rồi nữa: trà Hà Giang, thuốc nam Sa pa …
Một điều rất đáng ghi nhận là nơi đây, tinh thần, ý thức của những người con Phật được thể hiện rất rõ: nhẹ nhàng, lịch sự, giữ gìn vệ sinh, khiếu thẩm mỹ cao, dạt dào trong tình huynh đệ. chắc hẳn ai đến đây cũng thư thái và thoải mái.
Phải chăng triết lý của những chợ chùa, chợ đình, giữa lễ và hội, giữa tâm linh và phồn thực đã vô hình dung được khế hợp tại nơi đây? Văn hoá Phật giáo truyền thống Việt Nam như một dòng chảy tự nhiên, có một nét duyên, mộc mạc và cuốn hút lạ.