Trang chủ Đời sống Học thiền theo chương trình du lịch lên núi Yên Tử

Học thiền theo chương trình du lịch lên núi Yên Tử

96

Thuở ấy, thắng xong giặc giữ, nhà vua nhường lại ngai vàng cho con để lên núi chuyên tâm tu hành, nghiên cứu và sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm trên đỉnh non cao nhất của vùng đông bắc Tổ quốc. Trên vùng núi Yên Tử hiện còn lưu giữ một quần thể di tích với 11 chùa và hàng trăm am, tháp cổ kính, trong đó có chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất ở mức 1.068m so với mặt nước biển cùng nhiều di tích nổi tiếng khác và khu tháp Tổ cổ kính bằng đá xanh trên lưng chừng núi.


Tour du lịch lên Yên Tử không còn là mới đối với du khách và đã được khai thác từ nhiều năm nay với sự tham gia của khá đông các đơn vị lữ hành phục vụ nhu cầu của các Tăng Ni, Phật tử, người hành hương và du khách trong nước cũng như ngoài nước, nhất là trong mùa lễ hội ba tháng đầu năm. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Tiếp thị Công ty du lịch TransViet Travel tại 25 – Lý Thường Kiệt – Hà Nội, cho biết: “Tour du lịch lên Yên Tử đã quen thuộc với du khách nhưng chúng tôi đang khai thác và làm mới lại bằng chất lượng dịch vụ cùng với việc nối tour đưa du khách đến được nhiều điểm du lịch khác trong vùng. Điều đặc biệt là khi thiết kế tour, chúng tôi đã đưa vào chương trình một nội dung khá độc đáo thu hút khách, đó là thăm Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, gặp các cao tăng giảng thiền để tìm hiểu và bước đầu làm quen những phương thức thực hành một số kiến thức cơ bản về phương pháp thiền”.


Tên gọi tour du lịch “Linh sơn Yên Tử – Non sông một thuở vững âu vàng” của Công ty du lịch TransViet Travel cũng đã nói lên ý định của những nhà tổ chức mong muốn giúp du khách làm một cuộc hành hương viếng thăm non thiêng đất Phật, trở lại với thời Đông A hào hùng và tìm hiểu về một dòng thiền độc đáo nhất trong lịch sử dân tộc. Xuất phát từ ga cáp treo Yên Tử, hệ thống ca-bin hiện đại của Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm đưa du khách lướt nhẹ trên tán rừng nguyên sinh thăm thẳm với những hàng xích tùng cổ thụ hàng trăm năm và đắm mình trong không gian xanh mát, thoáng đãng, giữa trập trùng núi non hùng vĩ.


Tại ga đến cáp treo, bước trên những bậc đá dốc, du khách lên viếng khu tháp Tổ trước khi dừng bước tại chùa Hoa Yên. Sau đó là hành trình dài theo con đường mòn từng in dấu chân các nhà tu hành thuở trước, men lối đá chênh vênh bên triền núi hoặc len giữa những rừng trúc bạt ngàn cùng vô vàn suối nước róc rách, người hướng dẫn viên trẻ của công ty sẽ đưa khách đến chùa Một Mái, Bảo Sái, Vân Tiêu, thăm tượng An Kỳ Sinh và cuối cùng là chùa Đồng trên đỉnh núi quanh năm phủ mây trắng xoá. Tháng 1/2007, ngôi chùa Đồng đã được đúc mới từ tiền công đức của khách thập phương.


Từ xa trông lại, ngôi chùa như một bông sen vàng rực rỡ với các hoạ tiết tinh xảo theo lối kiến trúc thời Trần, rộng hơn 16m2, nặng 20 tấn, gồm những khối đồng ghép lại, thay thế ngôi chùa cũ được dựng lên từ sau năm 1945. Công trình được thiết kế hài hoà cảnh quan chung quanh, là điểm nhấn tương xứng với giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh của khu danh thắng và chắc chắn sẽ góp phần thu hút đông du khách, người hành hương.


Kết thúc hành trình, ngoài cáp treo, du khách có thể đi bằng đường bộ theo đường xích tùng 700 năm tuổi, viếng chùa Giải Oan và thăm chiếc cầu đá bên suối nước mới được trùng tu. Sau những giờ phút nghỉ ngơi và thưởng thức bữa cơm chay thanh tịnh trong nhà hàng cơm chay Nàng Tấm của khu nhà ga cáp treo Yên Tử, sang buổi chiều, nhóm nghệ thuật dân tộc của Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm sẽ “chiêu đãi” khách một chương trình ca múa nhạc truyền thống ba miền với đủ cả các làn điệu chèo, chầu văn, quan họ, cải lương, mùa Thái Tây Bắc và múa Khmer Nam Bộ.


Điểm cuối của tour du lịch là Thiền viện Trúc Lâm ngay dưới chân Yên Tử. Du khách được nhập môn cùng các chư tăng, hoà thượng để nghe sư trụ trì giảng giải về lịch sử, giáo lý thiền phái Trúc Lâm và dạy những kiến thức cơ bản về thiền để tu dưỡng tinh thần, biết sống nhân hậu và tình người hơn. Thiền phái Trúc Lâm là dòng thiền kế thừa, kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa Ấn Độ và Phật giáo Thiền tông Trung Hoa.


Theo nhận xét của một nhà nghiên cứu lịch sử thì thiền phái này quy kết, thống hợp được mọi trào lưu từ trước và đương thời, làm nổi bật được tính chất toàn thể và nhất quán trong truyền thống tư tưởng Việt Nam, dung hoà một cách vô cùng tốt đẹp giữa lý tưởng quốc gia và lý tưởng tôn giáo, giữa đời và đạo, giữa cá nhân và tập thể, hay nói cách khác là giữa khát vọng tâm linh cá nhân với khát vọng của tập thể, có tinh thần nhập thế tích cực mà đời sống của đức vua Trần Thái Tông, người mở đường và sau này là vị vua anh hùng Trần Nhân Tông đã là những thể hiện viên mãn.


Hoà thượng Thích Thông Quán, Trưởng tri khách của Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử sẽ hướng dẫn khách thử nghiệm những bài học tập thiền đầu tiên. Tập thiền theo phái Trúc Lâm có hai cách, chủ yếu là “bán già”, tức là kéo chân trái để lên chân phải và ngược lại. Thứ hai là “kiết già”, chân trái kéo lên đùi phải và chân phải kéo lên đùi trái, kéo lên đến sát thân người. Khi thiền khách phải nới rộng dây lưng, cổ áo sửa thân ngay thẳng và tập hít thở nhẹ nhàng để “không khí sạch vào khắp chân thân và đẩy lùi mọi phiền não ra ngoài”.


Tập thiền có ba mức: nhập thiền, trụ thiền và xuất thiền. Ở giai đoạn trụ thiền dành cho những người mới làm quen với thiền, các hoà thượng sẽ chỉ bảo về các cách “đếm hơi thở”, “đếm thời gian toạ thiền. Đếm đã thuần thục là lúc người tập có thể chuyển sang tập thiền mà khí chuyển đến đâu trong cơ thể đều biết rõ. Giai đoạn tiếp nữa là điều chuyển khí để tâm an tịnh. Theo hoà thượng Thích Thông Quán thì ngồi thiền với mỗi người là cách thư giãn rất hiệu quả, giúp cho người tập có được sức khoẻ, sự tự tin, lòng quả cảm, quyết tâm và đức tính kiên trì, cần cù.


Hiện nay, tour du lịch “Linh Sơn Yên Tử – Non sông một thuở vững âu vàng” của Công ty du lịch TransViet Travel đang rất được ưa chuộng, đã có nhiều du khách lên thăm Đất Tổ Thiền phái Trúc Lâm và theo các khoá học thiền miễn phí nhiều ngày tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.