Trang chủ PGVN Cửa thiền Học ngoại ngữ miễn phí ở chùa Lá

Học ngoại ngữ miễn phí ở chùa Lá

90

Đến với nhau bằng tấm lòng

Những lớp học này, đã khai giảng được một năm, ban đầu là tiếng Anh, Hoa và Nhật, sau thấy nhu cầu người học và tìm được giảng viên nên chùa mở thêm lớp tiếng Đức. Số học viên tại đây tăng dần lên từng ngày. Hầu hết đây là học sinh, sinh viên có nhu cầu học ngoại ngữ thật sự để bổ sung cho kiến thức các em đang học ở trường.

Buổi đầu tiên tôi đến chùa là buổi sáng thứ Ba, đúng vào giờ học tiếng Nhật, do cô giáo Nguyễn Thu Thủy, đang là giảng viên trường ĐH Mở TP.HCM phụ trách giảng dạy. Giáo viên trong trạng thái vui tươi không căng thẳng, học viên chăm chú đánh vần và đồng thanh phát âm. Tương tự, các lớp học của những môn khác còn sinh động hơn bởi số lượng học viên, các em mạnh dạn phát biểu và chia sẻ bài học với nhau chứ không chỉ ngồi nghe giảng viên “độc thoại”… Có được điều này đơn giản vì tất cả đến với lớp học đều là sự tự nguyện, là nhu cầu chính đáng chứ không ai bắt buộc, chính vì thế các em học thật lòng, giáo viên dạy nhiệt tâm tạo.

Các giáo viên cho biết, khi đăng ký vào học, người học sẽ được kiểm tra trình độ xem đang ở mức độ nào thì sẽ xếp vào lớp học đó, hoặc cũng có khi các em chưa biết gì thì sẽ học lớp cơ bản. Trong quá trình học, các em cũng sẽ được giáo viên kiểm tra thường xuyên, sau đó nếu đạt các trình độ theo yêu cầu thì sẽ được cấp giấy chứng nhận. Giáo viên cũng sẽ tạo điều kiện để học viên thi lấy bằng cấp chính quy tại các trung tâm ngoại ngữ có uy tín của TP.HCM hoặc thi tại các trường đại học có tổ chức thi.

Buổi học tiếng Anh là giờ đông học viên nhất, các em kê bàn sát nhau trong cái nóng oi bức và chật chội bởi diện tích căn phòng khá nhỏ, tuy nhiên, các em vẫn giữ trật tự để thu nhận kiến thức từ các giảng viên. Khi học xong, các em cũng nhanh chóng thu dọn bàn ghế gọn gàng cho lớp học sau, cứ thế, các lớp học xen kẽ nhau theo giờ và ngày sao cho thuận lợi nhất.

Thầy Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá cho biết, các giáo viên đến đây dạy đều là những người giỏi, đang công tác tại các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu, trung tâm văn hóa của TP.HCM. Tuy nhiên, cái quý ở họ hơn cả chính là lòng từ thiện, muốn truyền con chữ đến cho các em không có điều kiện học thêm bên ngoài vì học phí khá cao. Thầy Tâm nói để duy trì lớp học dài lâu thì nhà chùa trích tiền cúng dường khoảng 2 triệu đồng/tháng (dạy 3 buổi/tuần) để hỗ trợ chi phí đi lại cho các thầy cô, phần hỗ trợ này không thấm vào đâu so với công sức các thầy cô bỏ ra nhưng đó là tấm lòng của nhà chùa.

Không chỉ dạy chữ

Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy Tâm nói dạy chữ là một chuyện, dạy làm người còn quan trọng hơn. Xen kẽ các tiết học, thầy Tâm thường lên lớp để nói chuyện vui với học viên, trong những câu chuyện ấy thầy lồng vào những bài học làm người bổ ích, đó là bài học về ý chí vươn lên, sự chịu khó để gặt hái thành công, các bài học về lòng thương người… Chính vì thế các học viên cũng là những chiến sĩ tình nguyện trong những đợt cứu trợ cho đồng bào khi gặp nạn.

Một hôm tôi đến, các em ngồi giữa xung quanh là quần áo cũ mới lộn xộn, đây là đống quần áo do các nhà hảo tâm gửi tới làm từ thiện, các em đã đổ hết ra để xếp lại, phân loại lớn nhỏ, xem cái nào dùng được thì xếp vào, có những cái đã quá cũ thì bỏ ra… Trong lần lũ lụt miền Trung vừa qua, các em cũng cùng với nhà chùa và thầy Tâm đến tận các tỉnh để chuyển hàng hóa cho đồng bào, chính những việc làm như vậy đã nuôi dưỡng trong lòng các bạn trẻ tình yêu thương đồng bào sâu sắc, càng có ý chí phấn đấu trở thành những con người tốt giúp ích cho xã hội.

“Đã đến đây học thì hầu hết là thanh niên, học sinh, sinh viên nghèo vì thế chùa còn có chương trình giới thiệu việc làm và hướng nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các em tự trang trải cuộc sống và có điều kiện tiếp tục học”, thầy Tâm cho biết.

Tiến tới thành lập trung tâm ngoại ngữ miễn phí

Thầy Tâm chia sẻ, để những lớp học ổn định, mang ý nghĩa thiết thực thì kết quả thu được vẫn là kiến thức của các em, cho nên, quy định của những lớp học này cũng khá chặt, nếu học viên nào vắng học từ 3 buổi trong một khóa (khoảng 3 tháng) thì sẽ cho nghỉ. Học viên nào có thái độ thiếu tôn trọng, không nghiêm chỉnh trong giờ học lập tức bị mời ra ngoài. Và ngược lại, nếu các em học tốt, không vắng, điểm kiểm tra cao sẽ được nhận học bổng…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nhà chùa là phòng ốc chật chội. Các lớp học buộc phải xen kẽ nhau vì chỉ có một phòng dạy chung cho gần 10 lớp học. Giờ ít học viên còn đỡ, những lớp đông đúc thì các em vừa học vừa lau mồ hôi.

Thầy Tâm cho biết, để một thời gian tới khi các lớp học ổn định và đi vào nề nếp, các học viên hoàn thành chương trình học có được kiến thức được công nhận (hiện tại khi học xong ở đây các em đăng ký thi lấy bằng cấp, chứng chỉ bên ngoài) thì nhà chùa sẽ dần tiến tới thành lập Trung tâm ngoại ngữ có bằng cấp hẳn hoi, bằng cách liên kết với Sở GD&ĐT thành phố trong việc cấp chứng chỉ, bằng cấp này. Việc có một trung tâm chính quy và bằng cấp có giá trị từ những lớp học miễn phí chính là mơ ước tột cùng không riêng gì của thầy Tâm và nhà chùa và còn ở tập thể các giáo viên, học viên ở đây.