2. Chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang – Trụ sở tổ chức mô hình Phật giáo Nhất tông hay còn gọi Trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm
Theo Nguyễn Duy Hinh, mô hình tổ chức Phật giáo Nhất tông ra đời dựa trên hai tiền đề xã hội và tôn giáo hình thành trong hoàn cảnh lịch sử của nước nhà. Về mặt xã hội, nhà Trần trong buổi đầu mới thành lập, công việc cấp bách thiết thực nhất đặt ra trước mắt các nhà lãnh đạo tối cao là xây dựng một ý thức hệ độc lập thống nhất gồm 4 mục đích chính:
1. Thoát khỏi sự lệ thuộc chặt chẽ về ý thức hệ với nước ngoài để thanh toán hoàn toàn mọi cơ sở của nước xâm lược.
2. Làm cơ sở tư tưởng để thống nhất ý thức dân tộc về mặt chính trị để củng cố sự thống nhất dân tộc một bước nữa.
3. Làm công cụ thống nhất quyền lực vào chính quyền Trung ương, tức quy tụ vào họ Lý họ Trần.
4. Làm phương diện giải quyết các mâu thuẫn nội bộ dân tộc chủ yếu là giai cấp lãnh đạo và đông đảo nhân dân quần chúng nhằm duy trì một trật tự xã hội và cũng tức là duy trì ngai vàng của dòng họ.
Về mặt tôn giáo, nhà Trần phải lựa chọn Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cần phải thay đổi nội dung của các Thiền phái để đáp ứng các yêu cầu căn bản như đã nói trên. Vì thế, nhà Trần chủ trương lập ra một Thiền phái có nội dung tư tưởng độc lập, thể hiện đúng tinh thần bản sắc dân tộc hơn, hướng đến các mục tiêu sau:
1. Tự mình phân biệt với Thiền tông ở Trung Quốc biểu lộ tính độc lập.
2. Thay đổi một phần nội dung tiêu cực và thân ngoại quốc của các phái Thiền tông trong nước.
3. Vượt lên trên sự khác biệt của tất cả các tông phái Phật giáo cũng như các tín ngưỡng phi Phật giáo để nhằm thống nhất ý thức hệ. Không chịu trách nhiệm về sự khác biệt và đụng độ đã xảy ra trong lịch sử giữa các phái Thiền tông với nhau cũng như Thiền tông với các tín ngưỡng khác, do đó thu hút các tín ngưỡng khác.
4. Tự khoác cho mình chiếc áo một tôn giáo mới – tuy rằng thực tế chỉ là một phái, với đầy đủ các yếu tố để thu phục quần chúng.
Thực tế, tư tưởng lập Thiền phái mới được manh nha từ khi Phật giáo chủ trương mới, nhập thế, tuỳ tục, tuỳ duyên nhưng bất biến để đáp ứng các yêu cầu lịch sử dân tộc đặt ra của một đất nước vừa độc lập và đang thực hiện thống nhất trên mọi phương diện. Dưới ảnh hưởng và uy tín của nhà vua vào thế kỷ thứ XIII, ba Thiền phái trên dần dần sát nhập thành Thiền phái Trúc Lâm duy nhất đơi Trần. Và như thế mô hình Phật giáo Nhất Tông được thiết kế từ khi Trần Thái Tông lên ngôi, và phải đến thời Trần Nhân Tông thì mới đi vào hoạt động thực tiễn một cách mạnh mẽ. Mô hình tổ chức Giáo hội này hoạt động như một tôn giáo mới ra đời mà ở đó Trần Nhân Tông được tôn vinh là Giáo chủ Phật hoàng Trần Nhân Tông, có tôn chỉ, đường lối hoạt động trong một tổ chức thống từ tưởng cho đến hình thức hoạt động của Giáo hội từ Trung ương cho đến các địa phương. Đây là một nét mới, đặc sắc của Phật giáo nhà Trần. Thực tế, khi đất nước thống nhất thì mọi tổ chức cũng phải thống nhất. Thế nhưng, vào đời Lý, mặc dầu Phật giáo được xem là quốc giáo với những ông vua Phật tử thuần thành ủng hộ, vậy mà Giáo hội cũng chưa thành lập được. Các chức vụ như Quốc sư, Tăng thống, Tăng lục…là những chức vụ do vua, triều đình ban, chứ không phải của Giáo hội. Với sự thành lập Giáo hội Trúc Lâm, rõ ràng Tam Tổ Trúc Lâm muốn thống nhất các Thiền phái đang có mặt, quy tụ toàn bộ Tăng sĩ vào trong một tổ chức Giáo hội, hoạt động với một tinh thần và mang bản sắc dân tộc, nhập thế tích cực và thể nghiệm tu chứng ngay giữa cõi đời này.
Cho nên, việc thành lập Giáo hội Trúc Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm vinh dự được các nhà lãnh đạo Phật giáo bấy giờ chọn làm trụ sở Trung ương Giáo hội là điều tất yếu. Văn phòng Trung ương Giáo hội ra đời tại ngôi chùa phát tích chốn Tổ này, một mặt nó đáp ứng được nhu cầu lịch sử đặt ra như đã nói, một mặt tạo nên sức mạnh nội tại của chính mình để phát triển Giáo hội trên một tầm vóc mới, phục vụ cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, cũng là góp sức phát triển đất nước. Với quan điểm Phật tại tâm, chỉ cần biện tâm, tẩy rửa tâm cho đến khi “Tâm tịch nhi tri,thị danh chân Phật” (Chỉ cần tâm lặng mà biết, đó chính là chân Phật) như trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông, thì ai cũng có khả năng trở thành Phật giữa đời này. Vì thế, chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo, số lượng tín đồ Phật tử trở thành thành viên Thiền phái Trúc Lâm đông đảo như vậy. Sỡ dĩ như vậy, là do Trần Nhân Tông trong cương vị đứng đầu Giáo hội đã luôn ý thức việc xây dựng nhân sự kế thừa để phát triển tổ chức bộ máy lãnh đạo điều hành mọi hoạt động của Giáo hội là điều tất yếu. Với nhãn quan của nhà Lãnh đạo, Tổ Trúc Lâm khi biết mình đã già yếu, đã tự tin truyền y bát cho Pháp Loa làm đệ nhị Tổ và giao trọng trách lãnh đạo Tăng già vào năm 1307. Có thể nói Pháp Loa là người thừa kế vai trò lãnh đạo Giáo hội trẻ nhất trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Đây chính là nỗ lực lớn của Thiền phái Trúc Lâm mà cũng là trọng trách lớn nhất mà Giáo hội phải duy trì mà phát triển.
Sau khi lên ngôi lãnh đạo Tăng Già, tháng 9, năm Quý Sửu (1913), “Thiền sư Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lương Giang, đặt văn phòng Trung ương Giáo hội tại đó, qui định mọi chức vụ Tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ Tăng tịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam Tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương” . Từ thời điểm này, ngôi chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang lại có thêm một vai trò nữa, đó là nơi quy tụ những cao tăng thạch đức trong chốn thiền môn, điều hành bộ máy hoạt động của Giáo hội đối với Tăng già, quần chúng Phật tử liên hệ đến các công tác Phật sự trong nước cũng như ngoài nước. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì do số lượng Tăng Ni đông quá, cứ mỗi lần tổ chức thọ giới thì phải thải ra hàng nghìn người; tuy vậy, “tính đến năm 1329, số tăng sĩ đã được xuất gia trong những giới đàn do Giáo hội Nhất Tông (Trúc Lâm) tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên 15.000 vị.”. Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều là những vị thầy có đệ tử với con số hàng nghìn người được quy y, thụ Bồ tát giới tại gia hay xuất gia. Pháp Loa là người chủ trương phát triển Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm có tổ chức hệ thống quy củ đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Số lượng xuất gia này là đã có sự hạn chế, ba năm mới tổ chức một lần, mỗi giới đàn chỉ giới hạn 3000 Tăng Ni. Những vị đệ tử xuất sắc của Pháp Loa là Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn, Hoằng Tế, Huyền Giác, Quế Đường, Cảnh Ngung… đã góp phần xiển dương Giáo pháp và đưa đạo vào đời.
Cũng do số lượng Tăng Ni đông đảo như thế, nên vai trò tổ chức và điều hành Giáo hội cũng không phải dễ dàng. Thời đức Phật còn tại thế, Phật từng nói trong kinh Trường A hàm – Kinh Du hành: “Như Lai bất ngôn ngã trì ư chúng, ngã nhiếp ư chúng” (Như Lai không nói Như Lai trì chúng, nhiếp chúng). Ý nói, Phật không tự xem mình là người thống lĩnh chúng Tỳ kheo, bởi vì đức Phật luôn khuyến cáo các thầy Tỳ kheo nên lấy giới luật làm thầy, giới luật còn là chính pháp còn. Tuy nhiên, khi đạo Phật được du nhập vào Việt Nam, đến đời Trần, do xu hướng phát triển của đất nước, do xã hội Phật giáo đời Trần là quốc giáo phát triển một cách mạnh mẽ, nếu không có một mô hình tổ chức Giáo hội thì khó đi đến sự thanh tịnh trong hàng ngũ Tăng già, tất nhiên cũng không tránh khỏi những thành phần khác trong xã hội lợi dụng Phật giáo để phục vụ cho việc hưởng lợi hay thực hiện ý đồ chính trị của họ. Hậu quả, nó sẽ dẫn đến sự phát triển đạo Phật một cách tự phát, không có chủ trương, đường lối rõ ràng mang bản sắc Phật giáo Đại Việt. Hay nói cách khác, chính tổ chức Giáo hội này đã làm cho các thành phần trong xã hội được nối kết, ắt hẳn tạo nên sức mạnh nội lực cộng sinh cho cả dân tộc. Cho nên, cũng nhờ tổ chức Giáo hội này, mà tại Văn phòng Trung ương Giáo hội chùa Vĩnh Nghiêm đã ra những quyết sách, quyết nghị, văn bản cụ thể để chỉ đạo mọi hoạt động của Giáo hội từ Trung ương phổ cập đến địa phương thực hiện.
Thông qua các công tác kiểm Tăng, cấp chứng điệp, tăng tịch, thi cử sát hạch Tăng Ni vào thời Trần dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Trúc Lâm thì suy cùng là củng cố và phát Giáo hội Tăng già trong tinh thần trang nghiêm Giáo hội và đạo pháp trường tồn, đất nước hưng thịnh. Đọc các văn bản như “Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn” (Lời khuyên người xuất gia tiến tu việc đạo), bài “Thượng thừa Tam học khuyến chúng phổ thuyết” (Rộng khuyên chúng về ba môn học Thượng thừa), bài “Yếu minh học thuật”, chúng ta cũng thấy tâm tư nguyện vọng của các nhà lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm đối việc thanh tịnh hóa Tăng già ở trong Giáo hội, cũng như những Tăng sĩ còn ở ngoài tổ chức Giáo hội bấy giờ. Pháp Loa khuyến cáo “Mười tháng mang thai, ba năm bú mớm, ơn nào hơn thế, thế mà chúng còn bỏ, huống chi người ngoài. Chỉ bo bo giữ mối thầy trò, không thể buông tha. Như vậy, không bị trói lại, tự mình xin trói, không phải buộc lại tự mình xin buộc. Chỉ vì ham điều lợi lộc không chịu thực nhìn cái kiếp trầm luân. Hoặc giả khoe mình, cầu danh, cầu tiếng. Hoặc thu mình lại không hay biết gì. Đó chính là bọn vô minh”.
Rõ ràng, sự phát triển của một tổ chức xã hội nào cũng có một số thành phần không tốt, ngay cả trong một đoàn thể Tăng già mà Tổ Pháp Loa cho là có một số người thiếu hiểu biết (vô minh) mà ham trưởng dưỡng, lợi lộc, danh vọng quyền uy; hoặc do thân cận bạn ác, không phân biệt chân ngụy “Miệng nói xuất gia nhưng tâm theo chuyện thế tục, tự mình làm còn dạy người khác làm, không biết xấu hổ”. Như vậy, trong vai trò lãnh đạo Giáo hội, Pháp Loa đã nhìn thấy những hiện tượng, có một số Tăng Ni tham dự chuyện thế tục: mê tín, bói toán, nắm giữ tài sản… Tổ còn khuyến cáo Tăng Ni không nên bàn lý luận suông, thực hành giới luật nghiêm túc; nếu không chẳng những làm sa sút tông môn mà còn làm rỗng mọt Chánh pháp như trong bài Khuyên rộng chúng về môn Tam học Thượng thừa đã ghi.
Xem ra, Tăng sự là vấn đề quan trọng bậc nhất trong hệ thống tổ chức Tăng già thuộc Giáo hội. Tam Tổ và giới lãnh đạo Giáo hội hẳn nhiên thành lập ban Tăng sự để thống kê số lượng Tăng Ni tu học hằng năm, có kế hoạch triển khai về công tác tổ chức Giới đàn, phổ biến về quy định thời gian ba năm mới có một lần độ Tăng. Hồ sơ thọ giới được xét duyệt rất kỹ, có hàng nghìn hồ sơ bị loạị. Đến năm 1329, số Tăng sĩ xuất gia vào thời đó là 15.000 vị so với dân số thời đó không phải là nhỏ. Truyện kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ cũng có nói “Các chùa như Hoàng Giang, Đông Cổ, An Sinh, Yên Tử, Phổ Minh, Ngọc Thanh…dựng lên nhan nhản khắp nơi; những người cắt tóc làm Tăng Ni nhiều bằng nửa số dân thường”. Chính vì số lượng đông như thế, nên có sự hạn chế về việc số lượng giới tử, thời gian quy định tổ chức, có sự chọn lựa giới tử chặt chẽ trong việc Tuyển Phật trường. Mặt khác Giáo hội cũng lo nghĩ nếu Tăng sĩ đông quá nếu không học tập và thủ trì giới luật thì sẽ dẫn đến những tiềm ẩn sai phạm trong Giáo đoàn. Cho nên, Giáo hội sau những cuôc bàn thảo, hội họp, chư tôn đức đã ra kế hoạch tổ chức các lớp học Giới luật cho Tăng chúng qua các mùa an cư, cũng như các khóa học Phật pháp thường xuyên với việc cho ấn bản 5000 bộ luật Tứ phần vào năm 1332 và thỉnh các vị cao tăng như Tông Cảnh, Bảo Phác chủ trì việc giảng dạy và giám sát luật nghi cho Tăng chúng. Hẳn nhiên, những vấn đề Phật sự quan trọng như tuyển Phật trường, thanh tịnh Tăng già, giải quyết những về liên hệ đến giới luật, những sai phạm trong Giáo hội có tính thời sự, cấp thiết đối với mạng mạch Tăng già, ắt hẳn đã được giới lãnh đạo Phật giáo bàn thảo nhiều lần để rồi yết ma tại trụ sở Trung ương Giáo hội – chùa Vĩnh Nghiêm, sau đó mới gởi văn bản đến các cơ sở trị sự địa phương và tự viện để thi hành.
Ngoài việc tổ chức Đại giới đàn truyền thọ Tỳ kheo cho cac giới tử, Giáo hội còn tổ chức truyền thọ Bồ tát giới, Tam quy ngũ giới cho các vị Hoàng tộc, Phật tử tại gia được tổ chức thường xuyên tại cùa chùa Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Quỳnh lâm… Các buổi khoá niệm cầu an, cầu siêu chẩn tế cũng được tổ chức, gọi là “Diệm khẩu thí pháp hội”, có nghĩa là đại hội Phật pháp để bố thí cho loài quỷ đói. Pháp này bày ra để thực hiện giáo nghiã từ bi, lợi lạc quần sinh. Năm 1320, Pháp Loa tổ chức trai đàn chẩn tế ở chùa Phổ Minh trong cung để cầu cho Thượng hoàng Anh Tông sống trường thọ. Việc biên soạn khoa nghi Du già, Phật giáo pháp sự đạo tràng công cách thức ấn hành vào năm 1299 là nhằm mục đích thu hút tín đồ tham gia học đạo. Các cuộc đại tham về thiền thường xuyên được tổ chức theo một nghi thức trang trọng. Mở đầu là phần niệm hương, kế đó là thiền sư đăng toà, có lời sách tấn và sau đó trả lời các câu hỏi của các thiền sinh. Việc xây chùa, đúc tượng phục vụ cho việc hoằng pháp qua các Phật sự như nghi lễ thiền giáo, thuyết pháp được chú trọng. Có thể nói từ khi tổ chức Giáo hội Nhất tông này chính thức đi vào hoạt động trở về sau thì Phật giáo Việt Nam bấy giờ đã trở thành lực lượng tôn giáo hùng mạnh yểm trợ cho triều đại nhà Trần với kỳ tích 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông và thiết lập một nền độc lập hòa bình cho cả dân tộc.
Cũng vì số lượng chư Tăng Ni phát triển nhanh chóng, Phật tử quy tụ đông đảo mà Tam Tổ thực lục ghi nhận Pháp Loa, trong vai lãnh đạo Giáo hội đã tiến hành xây dựng cơ sở tự viện, các công trình văn hóa Phật giáo để đáp ứng nhu cầu tu học cho mọi giới. Về tự viện năm 1313, có 100 ngôi chùa đã được xây dựng; tại chùa Báo Ân. Vào năm 1314, Giáo hội đã xây đến 33 cơ sở trong đó có Phật điện, Tàng kinh và Tăng đường. Tính đến năm 1329, Giáo hội đã dựng được 5 bảo tháp và hai trung tâm hoằng pháp, hành đạo lớn là Quỳnh Lâm và Báo Ân. Về việc đúc tượng, Giáo hội đã đúc tới 1300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng, nhưng nổi bật nhất là có 3 công trình đáng chú ý, với sự hỷ cúng của triều đình được xem như là những công trình văn hóa trọng điểm của Phật giáo Đại Việt: Đó là vào tháng 1 năm 1314, đúc 3 tượng Phật Di Đà, Thích Ca và Di Lặc cao 17 m; Tháng 6 năm 1324, tạo dựng hai bộ tượng A Di Đà bằng sơn mài; Ngày 7 tháng 3 năm 1327 đúc xong pho tượng Phật Di Lặc cao 1 trượng 6 và tượng các Thánh Tăng sau 3 tiến hành tạo dựng … như sách Việt Nam Phật giáo sử luận ghi.
Bên cạnh thành tựu về các hoạt động Tăng sự, xây dựng các cơ sở sinh hoạt hành chánh, tín ngưỡng tâm linh, Giáo hội Trúc Lâm còn tiến hành thực hiện Đại tạng kinh đời Trần như Tam Tổ thực lục đã ghi. Như chúng ta đã biết, thời đại Lý – Trần là thời đại phục hưng văn hóa và phát triển đất nước. Cho nên, ngay khi nhà Lý lên ngôi, các cao tăng dưới sự bảo trợ triều đình đã nhiều lần sang Trung Hoa thỉnh đại tạng kinh về Đại Việt để phiên dịch và ấn tống. Sang đời Trần, công tác này trở thành một trong những Phật sự quan trọng trong kế hoạch và tầm nhìn mới của Giáo hội Trúc Lâm là xây dựng một Đại tạng kinh đời Trần góp phần trong việc chấn hưng văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa nước nhà nói chung. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận thì sau sự kiện sứ nhà Nguyên sang, khi về vua Anh Tông đã cho nội viên ngoại lang là Trần Khắc Dung và Phạm Thảo cùng đi theo để thỉnh một bản kinh mới nhất của Trung Hoa, ấn bản này được cất ở phủ Thiên Trường. Đại Việt sử ký toàn thư chép thì bản này được in để lưu hành. Sách Tam Tổ thực lục nói đến năm 1311, nghĩa là ba năm sau khi Trúc Lâm tịch, thì Anh Tông ban chiếu tục san Đại tạng kinh. Vậy là việc khắc bản được bắt đầu từ năm 1295, hay 1296, rồi công việc bị gián đoạn vào năm 1038 khi Trúc Lâm tịch, cho đến năm 1311 mới tiếp tục. Điều đáng nói là khi Pháp Loa trong cương vị là Tổ thứ hai và giữ trọng trách đứng đầu Giáo hội Trúc Lâm, cũng chính từ trụ sở Trung ương Giáo hội – chùa Vĩnh Nghiêm đã bàn thảo cùng với các nhà lãnh đạo Phật giáo bấy giờ giao trọng trách này cho thiền sư Bảo sát, đệ tử đầu tay của Trúc Lâm và là sư huynh của mình đứng ra làm công tác phiên dịch ấn bản.
Công tác ấn hành Đại tạng kinh được thực hành như thế nào thì sử sách không ghi. Sử chỉ ghi lại vào tháng chạp năm Kỷ tỵ (1319) chư Tăng và cư sĩ đã hiến máu in Đại tạng kinh 5000 quyển. Đây là bản kinh đầu tiên được hoàn thành để khắc bản ấn tống và được ra mắt khánh thành mà trước đó tại Văn phòng Trung ương Giáo hội – Vĩnh Nghiêm, Pháp Loa đã ấn ký ra công văn kêu gọi ủng hộ việc khắc bản Đại tạng kinh đời Trần. Như vậy việc khắc bản hoàn thành năm 1319; thời gian khắc bản là 24 năm, kể cả ba năm gián đoạn. Có điều sách Tam Tổ thực lục ghi vào năm 1329, Pháp Loa lại cho in Đại tạng kinh với số lượng là 5000 quyển. Với con số 5000 quyển mà Tam Tổ thực lục hai lần nhắc lại, có lẽ trong đó có cả Thiền lâm chiết chủy ngữ lục, Trúc Lâm hậu lục, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Thạch thất Mị ngữ, và Tăng già thoái sự là các tác phẩm của Trúc Lâm để đưa vào Đại tạng mà phát hành. Ngoài ra các tác phẩm Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Lục thời sám hối khoa nghi, Kim cương Tam muội kinh của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, các tác phẩm của Pháp Loa cũng được vào Đại tạng để ấn hành rộng rãi.
Rõ ràng, công việc khắc bản Đại tạng kinh là một công trình văn hóa mang tầm vóc của Quốc gia, chứ không phải chỉ riêng Giáo hội thực hiện, nếu không có sự ủng hộ của triều đình và các đại thí chủ vương hầu khanh tước Phật tử, cũng như đội ngũ quần chúng Phật tử giỏi kỹ thuật viết chữ và khắc bản nhiệt tâm, hằng sản đóng góp công sức. Ròng rã gần 20 năm để thực hiện việc ấn bản khắc in. Chứng tỏ Phật giáo Đại Việt vào thời Trần, với Giáo hội Trúc Lâm, nhất là các nhà lãnh đạo Phật giáo Trung ương có trụ sở tại Văn phòng Trung ương Giáo hội – chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang đã làm nên Đại tạng kinh đời Trần, đóng góp cho công việc hoằng dương Phật giáo ở nước ta, cũng như công cuôc chấn hưng văn hóa và phát triển đất nước. Điều này, một lần nữa khẳng định vai trò chùa Vĩnh Nghiêm – Đức La – Bắc Giang có một vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển Phật giáo Đại Việt.
Tóm lại, chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang không chỉ quê hương phát tích chốn Tổ, mà còn là một trung tâm hoằng pháp, đào tạo tăng tài, giảng dạy giáo lý Phật đà, thực hiện các Phật sự đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tâm linh cho Phật tử Đại Việt. Quan trọng hơn, chùa Vĩnh Nghiêm là đại bản doanh của Thiền phái Trúc Lâm, là trụ sở Văn phòng Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm thực hiện mô hình Phật giáo Nhất tông thống nhất từ trong ý chí, tư tưởng, tôn chỉ, đường lối, hình thức sinh hoạt từ Trung ương cho đến các địa phương trong dòng chảy lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo Đại Việt.