I. Thành lập các tổ chức Phật giáo
1. Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt
Vào khoảng cuối năm 1947, nhiều tăng sĩ và Phật tử tản cư ở các địa phương bắt đầu hồi cư tìm về nơi cư trú cũ. Họ bắt tay dọn dẹp, tu bổ, mở cửa các chùa đã bị bỏ hoang. Đây đó đã vang tiếng chuông chùa với tiến hành những lễ cầu siêu và cầu an. Người dân ngày một đến các chùa đông hơn để tìm nguồn an ủi sau những ngày chịu bao nỗi cơ cực của chiến tranh.
Khi các nhà sư lục tục trở về thì bị nhà đương cục từ chối cấp giấy tờ để không ở Hà Nội, có tình trạng nhiều chùa bị giao cho người ngoài đạo Phật ở. Các sư liền tổ chức thành Liên đoàn Tăng ni nội ngoại thành Hà Nội để tiếp xúc giao dịch giải quyết công việc cho các chùa.
Năm 1948, các ông Lê Toại, Nguyễn Quốc Thành, Trần Văn Đại… nguyên là hội viên Hội Việt Nam Phật giáo hồi cư về Hà Nội. Bức xúc trước cảnh “… Thiền hạnh ngày một hạ giá, Phật giáo ngày một hạ giá, Phật giáo ngày một kém vẻ xương minh. Đến nỗi người đã qui Tam bảo mà quan niệm đối với Phật cũng coi như là vị linh thần, đối với pháp thì coi các bộ kinh cũng như các quyển khoa cúng, đối với các tăng ni mặc dầu là đạo đức, học thức cũng coi như ông thầy – tự chuyên cũng thuê. Còn ngoài ra không biết gì đến nghĩa lý Tam qui và Tam bảo nữa.
Các học giả Âu Mỹ sang khảo cứu về Phật giáo Việt Nam đã than phiền rằng: “100 người Việt Nam có đến 99 người theo đạo Phật, nhưng chưa chắc trong trăm người đã được một người biết đạo Phật cho đúng với chân lý”.
Sau một thời gian chuẩn bị ngày 18/5/1949, Hội Tăng ni chỉnh lý Bắc Việt ra đời. Một Ban chấp hành lâm thời được thành lập do Thượng toạ Tố Liên làm Hội trưởng, Hội quán đặt tại chùa Quán Sứ. Cùng thời gian này Hội Việt Nam Phật giáo cũng được tái thành lập do cư sĩ Bùi Thiện Cơ làm Hội trưởng, Thượng toạ Tố Liên làm Phó Hội trưởng, Thượng toạ Viên Quang làm Tổng Thư ký, Hội quán cũng đặt tại chùa Quán Sứ.
Mục đích của Hội Tăng Ni cũng như của hội Việt Nam Phật giáo nhưng có một điểm khác và chính điểm này lại rất quan hệ, đó là việc chư tăng phải theo nghi thức của Thiền gia, cho nên hội Tăng Ni phải thành lập dưới một hình thức khác để chấn chỉnh lại thiền môn, phải theo hệ thống tổ chức của giáo hội khi Phật còn tại thế. Ở nước ta gần đây đã bỏ tổ chức Giáo hội Tăng già, do đó sự tu hành và truyền giáo không thu lượm được kết quả tốt đẹp như thời gian trước.
Ngày 20/8/1949 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội Hội Tăng ni Chỉnh lý Bắc Việt đã họp Đại hội đồng lần thứ nhất để công bố bản Điều lệ của Hội đồng thời bầu ban chấp hành chính thức. Đại hội đồng bầu Sư cụ Nguyễn Chu Sỹ (Tâm Nguyệt) vào ghế chủ tịch, sư cụ Tâm Thuỷ làm giám sát và sư ông Thanh Quảng làm thư ký phiên họp. Ngoài số hơn 100 vị Tăng Ni khắp nội ngoại thành, đến dự có ông Nguyễn Đình Tri đại diện ngài thị trưởng và lại là chủ tịch hội đồng đình chùa Hà Nội. Các vị trong Hội Việt Nam Phật giáo như Bùi Thiện Cơ, Viên Quang, Lê Toại, Nguyễn Quang Tiến… cũng đến dự.
Trước những đề nghị chính đáng của đại hội đồng tăng ni, ông Tri phải tuyên bố: sẽ trả lại quyền quản trị cho Hội những chùa thuộc phạm vi tôn giáo. (Hội đồng đình chùa thành phố Hà Nội được thành lập ngày 21/2/1949 theo sáng kiến của Nguyễn Đình Tri khi ông làm Trưởng ty Địa chính thành phố với mục đích trùng tu, giữ gìn và cải thiện các ngôi chùa cùng các nơi tế tự để giúp cho việc hành giáo có một hình thức trang nghiêm).
Đại hội đồng cũng dành thời gian thảo luận về các hoạt động nhằm thực hiện mục đích của Hội là “đoàn kết để gánh lấy trách nhiệm trùng hưng Phật giáo, chỉnh đốn nội bộ tăng ni, hướng dẫn thập phương thiện tín để tẩy trừ hủ tục mê tín dị đoan…” là khôi phục chủ nghĩa đại chúng hoà hợp của đức Phật Tổ đã dạy.
Sau đó Đại hội đồng tiến hành bầu ban chấp hành mới. Sau cuộc trao đổi ý kiến, Đại hội đồng yêu cầu Ban chấp hành lâm thời chuyển thành Uỷ ban chấp hành (UBCH) chính thức. Đại hội đồng cũng nhất trí đổi tên Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt thành Hội Tăng Ni Bắc Việt.
Tình hình lúc bấy giờ rất phức tạp, để tránh sự xét hỏi nghi ngờ của nhà chức trách đối với Tăng Ni, UBCH chiểu theo điều lệ cấp cho mỗi vị một tờ chứng chỉ. Và thống nhất từ nay trở đi UBCH mỗi khi có việc gì cử người đi là phải có giấy uỷ nhiệm. Nếu ở các chùa có việc gì xảy ra, khó giải quyết phải báo ngay cho UBCH để tìm cách giúp đỡ giải quyết.
2. Hội Tăng già Bắc Việt
Ngày 27/7 năm Canh Dần (9/9/1950) chư Tăng Ni ở các sơn môn đã về họp hội nghị tại chùa Quán Sứ, do Thượng toạ Tố Liên Hội trưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt chiêu tập. Tới dự Hội nghị có sư tổ pháp danh Thông Minh, chùa Hương Tích là Nguyên Lão Chứng minh Đạo sư của Hội Việt Nam Phật giáo, Hoà thượng Mật Ứng trụ trì chùa Quảng Bá nguyên Chủ tịch Uỷ ban Tăng già Bắc Việt, Hoà thượng Thanh Đắc trụ trì chùa Ngũ Xã, cố vấn Hội Việt Nam Phật giáo, Hoà thượng Tuệ Tạng, trụ trì chùa Quán Sứ, cựu Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo.
Ông Bùi Thiện Cơ, Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo, cùng các Thượng toạ, chư Tăng nội ngoại thành Hà Nội với chư Tăng chùa Quán Sứ là 102 vị và các cụ các sư bên Ni chúng nội, ngoại thành 44 vị, cộng cả số Tăng Ni đến dự là 146 vị. Trong số tăng ni đến dự có đủ mặt thành viên UBCH Hội Tăng Ni Bắc Việt. Sư tổ chùa Bà Đá vì bệnh duyên, cử đại biểu thay ngài; cụ Thọ chùa Liên Phái, Thượng toạ Thanh Tiến với một số cụ, chư Tăng Ni ở xa và mắc bận có giấy cáo kiếu và đều tán thành nghị quyết của Hội nghị.
Thượng toạ Tố Liên, Hội trưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt khai mạc hội nghị, Ngài nói: “Vì tình thế của chư Tăng, Ni hồi cư với nhiều việc xảy ra ở các chùa, cần phải có cơ quan đại diện của Tăng Ni mới bảo đảm và giải quyết được mọi sự phiền phức, mà Hội Tăng Ni phải thành lập để thay cho Liên đoàn Tăng Ni nội ngoại thành Hà Nội đã hơn một năm nay… Hiện nay chư Tăng Ni ở Hà Nội hồi cư đã đông đủ cùng với chư Tăng Ni ở các sơn môn khắp Bắc Việt cũng về Hà Nội tu hành cũng khá đông và xem cơ về còn đông nữa, cần phải có bậc lão thành ra lãnh đạo tăng già trong một qui củ, trọng đạo tu hành thì Phật giáo mới có cơ tiến bộ được chắc chắn. Nay tôi trịnh trọng đề nghị Hội nghị cải tổ Hội Tăng Ni Bắc Việt ra tổ chức Phật giáo Tăng già Bắc Việt cho tổ chức đó có tính chất Đại hội đồng, sẽ lại suy tôn ngôi Pháp Chủ để lãnh đạo Phật giáo Tăng già Bắc Việt”. Hội nghị đã biểu quyết thành lập Giáo hội Tăng già Bắc Việt.
Thượng toạ tuyên bố Uỷ ban chấp hành Hội Tăng ni Bắc Việt rút lui để hội nghị cử chủ toạ mới điều khiển hội nghị. Hội nghị mời sư tổ chùa Hương Tích làm chủ toạ, Thượng toạ Ngọc Bảo làm thư ký, sư cụ Thanh Chỉnh, Thượng toạ Vĩnh Tường làm giám sát.
Trả lời câu hỏi của Hoà thượng Tuệ Tạng thời gian qua Hội Tăng Ni Bắc Việt đã làm được nhiều việc ích chung, vì cớ gì nay lại phải cải tổ? Thượng toạ Tố Liên trình bày:
1. Vì phải theo với mục đích của Hội Phật giáo quốc tế là thống nhất lực lượng Phật giáo theo đà tiến triển thì phải thống nhất lực lượng từng xứ sở, đi đến thống nhất Phật giáo toàn quốc để gia nhập cơ quan thống nhất Phật giáo quốc tế;
2. Vì nếu cứ để danh từ Hội Tăng Ni Bắc Việt, đã gọi là Hội ai muốn vào hay không cũng được. Nay đã lập Hội Phật giáo Thế giới, sẽ không còn trong phạm vi một Hội nữa mà sẽ là cơ quan lãnh đạo Phật giáo đồ của cả một xứ, bấy giờ nếu Tăng Ni nào không theo hệ thống tăng già sẽ không được công nhận vào tăng tịch, hơn nữa vị Pháp chủ và Hội đồng Tổng Trị sự có quyền cảnh cáo khai trừ nếu vị nào phạm đến giới luật của Phật, gián hoặc làm những việc tổn thương đến kỷ luật Tăng già…”
Bản Quy ước của Giáo hội Tăng già Bắc Việt đã được quyết định duyệt y.
Về việc suy tôn ngôi Pháp Chủ, hội nghị nhận thấy rằng: Kể từ ngày Tổ Vĩnh Nghiêm – Thanh Hanh qua đời từ năm 1937 đến năm 1950, Phật giáo Bắc Bộ vẫn để trống ngôi Thiền Gia Pháp Chủ, nay tình hình thực tế đòi hỏi phải có một vị cao tăng đức cao đạo vọng xứng đáng suy cử lên ngôi vị đó để tập hợp lực lượng Phật giáo toàn xứ Bắc. Hoà thượng Tuệ Tạng đề nghị thỉnh Hoà thượng Mật Ứng sung ngôi Pháp Chủ. Sư tổ Hương Tích, ông Bùi Thiện Cơ Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo, Thượng toạ Tố Liên, Trí Hải, Vĩnh Tường lần lượt nói về hiện trạng Tăng già, cần thiết phải có vị Pháp Chủ…
Hoà thượng Mật Ứng sau nhiều lần chối từ đã xúc động cảm ơn Hội nghị đã quá yêu quý, rồi dõng dạc tuyên bố xin phát nguyện chỉ nhận ngôi Pháp Chủ Phật giáo Tăng già Bắc Việt với một thời gian rất ngắn, yêu cầu chư Tăng Ni thực hiện được mấy điều sau:
1. Toàn thể Tăng Ni từ nay phải thống nhất ý chí vào việc xây dựng lại nền Phật giáo đương bị sa sút, vỡ lở cả về tinh thần lẫn hình thức.
2. Chư Tăng Ni thanh niên phải chịu khó học tập tu hành để rửa cái nhục thất học sẽ lại nối được Tuệ mệnh của Phật Tổ.
3. Từ nghi thức tụng niệm cho đến mầu sắc phục sức của chư Tăng Ni cần phải cải tổ cho được nhất thể trong một thời gian rất ngắn.
4. Các Tăng chế mỗi khi đã ban bố cần phải triệt để thi hành.
Trong 4 điều đó nếu không được triệt để thi hành như lời yêu cầu, lúc đó Hoà thượng sẽ xin từ chức. Chư Tăng Ni đều đứng dậy chắp tay niệm Phật lĩnh giáo.
Hoà thượng Pháp Chủ trịnh trọng thỉnh Thượng toạ Tố Liên sung ghế Chủ tịch Tổng trị sự và uỷ nhiệm thành lập Hội đồng Tổng Trị sự. Tân chủ tịch xuất trình với ngài Pháp Chủ cùng hội nghị bản danh sách các cụ, các Thượng toạ, chư Tăng Ni đã nhận lời mời vào Hội đồng Tổng Trị sự: Hai Phó chủ tịch là sư cụ Thanh Ngôn (trụ trì chùa Quang Hoa) và Thượng toạ Vĩnh Tường (trưởng tự chùa Ngũ Xã); Tổng thư ký: Thượng toạ Ngọc Bảo (trưởng tự chùa Vạn Ngọc); Phó thư ký: Thượng toạ Thanh Tùng; Chánh thủ quỹ: sư cụ Thanh Tựu (Giám viện chùa Quán Sứ); Phó thư ký: sư thầy Đàm Liên (chủ sự chùa Bích Lưu); Ban Kiểm soát: sư cụ Thanh Ân (chủ sự chùa Nhất Trụ), sư cụ Lê Thành Hiến (chủ sự chùa Trường Tín); Bảo trợ Phật học: Thượng toạ Trí Hải (chùa Quán Sứ), Đại đức Thanh Thư (chùa Thuyền Quang); Uỷ viên Tài chính: sư cụ Ni Đàm Soạn (chùa Đức Viên); sư thầy Đàm Nguyên (đốc giáo chùa Bà Ngô); sư thầy Đàm Thu (chùa Linh Sơn); Giám đốc trường Ni học; sư thầy Đàm Đậu (chùa Vân Hồ); Ban Tuần chúng: sư cụ Hải Tạng (chùa Quán Sứ); Thượng toạ Thanh Điềm (chủ sự chùa Bộc), Thượng toạ Viên Anh, Đại đức Khoan Hoà, Đại đức Thanh Thư; Ban Công tác: Thượng toạ Trí Hải; Ban Cố vấn: sư cụ Thanh Tiệp (trụ trì chùa Liên Phái);
Hội đồng Pháp chủ:
A. Ban Nguyên lão Chứng minh Đạo sư: Sư tổ Phổ Hài, chùa Tế Cát, Hà Nam; Sư tổ Thanh Thịnh, trụ trì chùa Bà Đá, Hà Nội; Sư tổ Thông Minh, chùa Hương Tích, Hà Đông
B. Toà Giáo lý: Hoà thượng Tuệ Tạng; Hoà thượng Ngũ Xã; Sư cụ Tâm Nguyệt, chùa Quán Sứ; Thượng toạ Thanh Tiến, chùa Sủi…
C. Toà Giám sát: Hoà thượng Tuệ Tạng; Thượng toạ Trần Văn Khánh.
Ngày 21/4/1951, tại chùa Quán Sứ, Hội Việt Nam Phật giáo họp đại hội đồng bất thường. Chương trình nghị sự gồm: Xét bản dự thảo Điều lệ Phật giáo toàn quốc; Sửa lại bản Điều lệ Hội Việt Nam Phật giáo; Cử đại biểu đi dự đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo toàn quốc tại Huế vào ngày 6/5/1951.
Ngày 22/4/1951, lễ suy tôn Hoà thượng Thích Mật Ứng lên ngôi Pháp Chủ được cử hành trọng thể tại chùa Quán Sứ. Ngày 19/1/1953 Hội Việt Nam Phật giáo đã họp đại hội đồng thường niên tại chùa Quán Sứ với sự chứng minh của Hoà thượng Thích Mật Ứng.
Giáo hội Tăng già Bắc Việt (là tổ chức của chúng xuất gia) và Hội Việt Nam Phật giáo (bao gồm cả xuất gia và cư sĩ tại gia, Phật tử) tuy hơi khác nhau nhưng cùng chung mục đích là thực hiện công tác văn hoá xã hội trong Phật giáo ở đất Bắc. Hai tổ chức tôn giáo nói trên đều đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
(còn nữa)
Phật giáo Bắc Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1947 – 1954) (Phần 1)