Cũng xin cảm ơn Ban Biên tập Phattuvietnam.net đã sưu tầm, đăng lại bài báo ngắn này. Vì nếu không, chúng ta sẽ hầu như không có dịp để biết đến một cách hiểu đạo Phật và xã hội một cách thấp thỏi, kỳ quặc, và có phần hỗn hào, khi đặt vấn đề nếu là Phật, thì Phật sẽ thế này, Phật sẽ không thế kia…, theo ý muốn quá chủ quan và phiến diện của mình.
Nếu không đọc được bài báo, chúng ta không thể lên tiếng đính chính những luận điểm quá ấu trĩ của bài báo, cũng như giải thích tác giả bài báo đã sai lầm như thế nào, khi giả định là Phật để suy đoán như vậy.
1. Trước hết, chúng ta xem xét vấn đề từ bề rộng của thế giới, từ lý luận về tổ chức sự kiện, để thấy tác giả bài báo thiếu hiểu biết như thế nào.
Trung Quốc mấy năm qua nổi tiếng với việc tổ chức Thế Vận hội 2008, Lễ Quốc khánh 2009, còn Mỹ gây tiếng vang với lễ nhậm chức của tổng thống Obama….Chi phí cho những sự kiện đại hoành tráng như thế đạt mức kỷ lục. Nhưng chắc chắn, nếu ai đó, ở Trung Quốc hay ở Mỹ, cân nhắc khoản chi phí đã bỏ ra, với việc đi cất nhà giúp người nghèo chẳng hạn…, thì sẽ tất yếu sẽ bị coi là…ngớ ngẩn.
Không nói đến những lợi ích vật chất, những lợi ích tinh thần mà những sự kiện tổ chức thành công đem lại là vô giá. Đối với lễ khai mạc, bế mạc Thế Vận hội 2008, Quốc khánh Trung Quốc 2009, đó là dịp hàng vài tỷ người trên khắp thế giới nhìn về Trung Quốc, là dịp để Trung Quốc quảng bá hình ảnh đất nước mình đi khắp thế giới một cách hết sức hiệu quả (chi phí tổ chức tuy lớn nhưng những gì Trung Quốc đạt được lớn hơn rất nhiều và nếu không có những sự kiện như vậy, thì việc quảng bá để có được hiệu quả như đã có sẽ rất tốn kém).
Những sự kiện hoành tráng đó là lễ hội không chỉ tại nơi diễn ra, mà là sự kiện chung cho cả hành tinh. Có người ví lễ khai mạc Thế Vận hội 2008 là một đại tiệc hình ảnh và màu sắc mà Trung Quốc mang đến cho thế giới. Với chi phí như thế , “đại tiệc” là quá rẻ.
Ở một khía cạnh nào đó, Thế Vận hội 2008, Quốc khánh 2009, là sự thỏa mãn cực điểm niềm tự hào của 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Lễ nhậm chức hoành tráng chưa từng có của Tổng thống Obama là sự thể hiện đỉnh cao khát vọng bình đẳng của người da đen ở Mỹ. Nó là vô giá với những người trong cuộc.
2. Một sự kiện hoành tráng, tổ chức thành công không dành cho riêng ai. Nó dành cho tất cả người tham dự trực tiếp và theo dõi qua các phương tiện truyền thông, là một số đông không giới hạn. Nên sự hoành tráng dù tốn nhiều tiền của đó luôn luôn là có ích. Người Trung Quốc và toàn thế giới dù nghèo, dù giàu, đều hưởng thụ bình đẳng sự hoành tráng mà lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận hội 2008 mang lại, chỉ có khác biệt là người tham dự tại chỗ, người theo dõi gián tiếp qua truyền hình.
3. Trở về Việt Nam, cách đây mấy năm, đột nhiên có ý kiến không bắn pháo hoa giao thừa dành tiền để giúp người nghèo ăn tết. Chúng ta đã thấy báo chí và công luận phản ứng thế nào trước kiểu suy nghĩ như thế.
Sau hàng loạt bài báo không đồng tình, ý định không bắn pháo hoa phải dẹp đi. Những năm tiếp theo, năm sau nhà nước đều bắn pháo hoa cho dân xem nhiều hơn năm trước. Số tiền chi phí cho việc bắn pháo hoa đó nào phải đâu lãng phí, mà nghĩ đến chuyện giúp người nghèo. Người nghèo luôn là số đông. Và nhiều chục triệu người dân cả nước dù nghèo hay giàu cũng đều hưởng niềm vui pháo hoa giao thừa, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, qua màn hình TV.
4. Đối với Phật giáo thế giới, thì chắc tác giả bài “Hoành tráng thật!” không biết gì đến những cuộc lễ cung nghinh xá lợi, không phải chỉ ở quy mô 15.000 người với 1000 xe như ở Việt Nam, mà là quy mô hàng triệu người ở Thái Lan, được chiếu trên các kênh truyền hình Thái Lan và Phật giáo (như Dhamma Channel, World Buddhist TV…), hay ở Đài Loan, được chiếu trên kênh Phật giáo BLTV (Phật Quang Sơn), Da ai TV (Hội Phật giáo Từ Tế)…
Những cuộc lễ đó không còn có chỗ cho xe mà chỉ đi bộ. Một lễ cung nghinh xá lợi Phật ở Băng Cốc thì có không biết bao nhiêu con voi tham gia. Kêu lên Lễ cung nghinh xá lợi Phật vừa rồi ở Việt Nam là “Hoành tráng thật!” thì quả là “ếch ngồi đáy giếng”.
5. Xét từ điểm nhìn giáo lý nhà Phật, thì tổ chức một cuộc lễ cung nghinh xá lợi Phật như thế, không hề có một chút gì là “làm không giống lời Phật dạy”. Đức Phật dạy đệ tử tu hành bố thí, nhưng đều tán thán hành nguyện từ thiện hay cúng dường Tam Bảo.
Đạo Phật cũng là đạo tự do và tôn trọng sở hữu (với giới cấm lấy tài sản của người là một giới cấm căn bản). Khuyến khích bố thí, nhưng đạo Phật không đề ra một tỷ lệ nào nhất định, mà tùy hỷ, tùy tâm của mỗi người. Cho là phải bố thí, cúng dường như thế này mà không nên bố thí hay cúng dường như thế kia, để vội vã kết luận “làm không giống lời Phật” là quá đỗi hàm hồ.
Đức Phật dạy cúng dường bậc thánh tăng, đạo quả càng cao, phước báu càng lớn. Nhưng Đức Phật cũng nhiều lần khuyên giúp đỡ những người đói rách khốn cùng, dù đó là cô gái giang hồ hay người từng là trộm cướp. Đạo Phật dành sự lựa chọn và nhân duyên cho từng con người hành trì hạnh bố thí cụ thể.
Trong Kinh Phật có giai thoại ông trưởng giả Cấp Cô Độc mua một khu vườn để cúng dường làm nơi an cư cho Đức Phật và Thánh chúng từ một vị Thái Tử, theo cách mua “hoành tráng thật!”, là trả bằng số vàng trải khắp khu vườn theo đòi hỏi của người chủ cũ của khu vườn. Đức Phật không hề can thiệp vào việc làm “hoành tráng thật!” đó, hay đặt vấn đề dùng vàng đó xây bao nhiêu căn nhà của người nghèo.
Đức Phật tôn trọng quyền tự do và quyền sở hữu trong việc bố thí. Bố thí bằng cách nào, như thế nào, cho ai thì cứ tùy ở mỗi người, vì đó là nhân duyên của họ.
Nay, nếu có đại thí chủ Phật giáo Việt Nam phát tâm cúng dường lễ cung nghinh xá lợi Phật, mà có người lại viết bài đăng báo nói là “làm không giống lời Phật”, rồi giả định rằng Phật sẽ làm thế nào đó, thì quả thật không hiểu gì về đạo Phật, về đức Phật!
6. Tìm hiểu ý nghĩa, tầm vóc của buổi lễ cung nghinh xá lợi, thì những điều mà tác giả bài báo kêu lên là “hoành tráng thật!” đó, e là cũng còn chưa phải là tương xứng.
Xá lợi Phật đuợc trao tặng không phải ở cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà là được trao tặng cho nước Việt Nam, với những người đại diện tiếp nhận là Phó chủ tịch nước. Vì vậy, Phó Chủ tịch nước cung nghinh xá lợi tận chân cầu thang máy bay, cung kính chắp tay chiêm bái, nghênh đón. Đây là một cuộc lễ đón rước cấp quốc gia.
Chuyên cơ, xe loại sang trọng là điều đương nhiên phải có cho một lễ đón cấp quốc gia, với quân xa cảnh vệ danh dự mở đường. Thật đáng ngạc nhiên khi bảo rằng không thể chấp nhận những phương tiện đón rước hoành tráng trong một buổi lễ đón có sự hiện diện của vị Phó Chủ tịch nước.
Trang trọng, uy nghiêm cho một lễ đón quốc gia, đó là điều bình thường, không có gì là “hoành tráng thật!”.
7. Những phương tiện như vậy còn thể hiện sự kính ngưỡng của hàng chục triệu Phật tử Việt Nam đối với bậc đại đạo sư của mình. Ba chiếc xe đặc biệt đó chở niềm tôn kính của hàng chục triệu con người. Nó làm hàng chục triệu người nghèo cũng như giàu hoan hỷ, thỏa mãn, vui sướng. Với sự đáp ứng như vậy, thì đặt vấn đề cân nhắc chi phí quả là ngớ ngẩn và kỳ cục (1).
Nếu loại trừ xuất phát ác ý, thì bài “Hoành tráng thật!” trên báo Thể thao Văn hóa là một bài thiếu trách nhiệm, có thể do hạn chế về trình độ, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức cần thiết, cũng như tư duy thấp kém của người viết.
MT
1. Dường như tác giả bài “Hoành tráng thật!” có cường điệu và tự mâu thuẫn khi thông tin rằng “xe này thuê tiền tỷ một ngày” rồi sau đó nói rằng “…tiền thuê xe Hummer một ngày đủ xây cả căn nhà cho một gia đình nghèo”. Xây nhà “cả căn nhà cho một gia đình nghèo” với tiền tỷ?
Tôi không thuê loại xe đó bao giờ, nên không biết giá, nhưng thấy kiểu xe Cadillac dạng như thế ở TPHCM được một nhà hàng tiệc cưới dùng cho thuê làm xe cưới. Giá chắc không cao, vì thấy xe được thuê rất thường xuyên. Thuê xe như thế để cung nghinh xá lợi Phật trong buổi lễ quốc gia thì đâu có gì vượt quá sự bình thường, tối thiểu?
Qua bài viết “Hoành tráng thật”, xác định cách thức tiếp cận giáo lý từ lý thuyết sang thực tiễn