Đối tượng hoằng pháp mới trong thời hội nhập
Với nhịp sống hối hả và nhiều lo toan như hiện nay, nhiều người cảm thấy căng thẳng và quá tải. Chúng ta thường có cảm giác như không có đủ thời gian để làm xong mọi thứ trong ngày. Sự căng thẳng và mệt mỏi làm chúng ta mất kiên nhẫn, thất vọng và không hạnh phúc, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là giới doanh nhân.
Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây nhất với 7.400 lãnh đạo doanh nghiệp tại 36 quốc gia thì tỷ lệ doanh nhân có mức độ stress tăng dần qua các năm. Tuy Việt Nam không có những doanh nghiệp xếp trong nhóm đầu của thế giới nhưng lại có tỷ lệ doanh nhân chịu áp lực căng thẳng vì công việc (stress), xếp vị trí thứ 3 trong số các nước được khảo sát (72%), sau Trung Quốc 76%, Mexico (74%) và cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực: Thái Lan (40%), Singapore (45%)[1].
Những quốc gia chú trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Trung Quốc, Việt Nam thì mức độ stress của lãnh đạo doanh nghiệp càng nặng nề. Vì phải chạy đua cạnh tranh, đảm nhiệm khối lượng công việc lớn, để bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế và áp lực đồng tiền mặt cung ứng do sự điều chỉnh của các chính sách tiền tệ, nên cũng đã làm cho tình trạng stress của các chủ doanh nghiệp Việt Nam gia tăng trong năm qua.
Hơn nữa, Việt Nam cũng là một trong những nước có số ngày nghỉ trong năm thấp nhất thế giới (7 ngày). Trong khi đó, các nước có tỷ lệ doanh nhân bị stress thấp như Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch…số ngày nghỉ trong năm là 22 đến 24 ngày. Bà Đào Thị Thu Thảo, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông đa phương tiện An Phát (Hà Nội) bộc bạch: “Có tháng phải đi viện đến hai lần vì suy nhược cơ thể, căng thẳng đối phó với đủ mọi áp lực …”
Qua đó cho thấy, thời hội nhập đã làm nảy sinh một đối tượng hoằng pháp mới mà nghành hoằng pháp không thể không lưu tâm, đó là doanh nhân.
Từ thực tế hoằng pháp cho quý bà đẹp và thành đạt
Tôi có nhân duyên hai lần hoằng pháp cho các đối tượng vừa đẹp vừa thành đạt trong kinh doanh. Đó là vào tháng 9-2009, nhận lời mời của Ban tổ chức cuộc thi “Hoa hậu quý bà Đẹp và Thành đạt Việt Nam lần thứ I”, tôi đến thành phố biển Vũng Tàu để thuyết giảng Phật pháp, hướng dẫn Thiền và Yoga cho các thí sinh của cuộc thi này.
Hai tháng sau đó (11- 2009), Ban tổ chức lại mời tôi hướng dẫn thiền cho các thí sinh đến từ 76 quốc gia trên thế giới trong cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam.
Tối 21-9-2009, tại hội trường Nhà thi đấu đa năng TP. Vũng Tàu, trước mặt tôi là 65 người đẹp được tuyển chọn từ 3 miền Bắc Trung Nam. Điểm đặc biệt của đối tượng hoằng pháp này là những quý bà đẹp và thành đạt trong kinh doanh, theo nhiều tôn giáo khác nhau, thậm chí không theo một tôn giáo nào. Họ đang mệt mỏi từ thân thể đến tinh thần vì phải trải qua những ngày thi căng thẳng.
Ai cũng xinh đẹp, lại thành công trong cuộc sống nên hầu hết quý bà đều thể hiện quyết tâm giành chiến thắng. Chính tinh thần tranh giành thắng thua này đã tạo nên bầu không khí căng thẳng, đưa đến nhiều áp lực và cả stress cho quý bà.
Vấn đề là nên giảng cái gì, hướng dẫn họ như thế nào để giúp cho tinh thần của quý người đẹp thành đạt này lắng dịu những căng thẳng và chú ý đến đề tài thiền tập vốn là một phần trong chương trình cuộc thi hoa hậu gây nhiều sự chú ý đối với công chúng.
Tôi không giảng cho họ những triết lý cao siêu của nhà Phật mà chỉ nói cho họ nghe những gì mà họ đang đối diện, khiến cho họ mệt mỏi, lo âu. Sau thời pháp thoại, tôi hướng dẫn các thí sinh ngồi thiền và các động tác Yoga căn bản.
Sáng hôm sau, tại thiền viện Chân Không – TP. Vũng Tàu, các thí sinh đã thực tập giờ thiền hành một cách tốt đẹp. Sau giờ thiền tập, các thí sinh cuộc thi hoa hậu đã đến nắm tay tôi, muốn chia sẻ nhiều nỗi lòng của họ. Nhưng thời gian không còn nữa, nên họ xin số điện thoại và email của tôi để có thể gặp tôi vào một dịp khác.
Có lẽ buổi nói chuyện ngắn ngủi đêm ấy tại Nhà thi đấu đa năng TP. Vũng Tàu đã để lại một chút ấn tượng tốt đẹp nên sau cuộc thi, một số nữ doanh nhân đã liên lạc với tôi để tìm hiểu thêm về đạo Phật.
Sau những lần giao lưu tôi cũng không ngờ đó lại là cái duyên đem Phật pháp đến với các nhà doanh nghiệp. Tôi bắt đầu tiếp xúc với loại đối tượng hoằng pháp khá đặc biệt mà trước đây tôi chưa từng biết nhiều, hoặc nếu biết cũng chỉ là những mối quan hệ xã giao, bởi công việc chính của bản thân tôi trước nay vẫn chỉ là giảng dạy ở các trường Phật học, một số đạo tràng tu Phật thất, Bát quan trai và các khóa tu dành cho thanh thiếu niên.
Họ đều là những người đẹp và có cuộc sống thành đạt, nhưng cũng như tất cả mọi người, họ vẫn mang nhiều có niềm trăn trở, băn khoăn về cuộc sống tâm linh.
Tôi nhận thấy, phần lớn các doanh nhân đều thông minh, chu đáo, kỹ lưỡng và sáng suốt, và thật ra, nếu không có những phẩm chất này thì họ khó thành công trong công tác kinh doanh.
Với niềm tin tưởng, họ đã tâm sự với chúng tôi nhiều vấn đề liên quan đến đạo Phật và cuộc sống mà theo tôi, lời giải đáp thực tế nhất là giảng giải và hướng dẫn các phương pháp tu tập căn bản để giúp họ chuyển hóa đời sống vốn nhiều áp lực và căng thẳng này.
Vài điển hình về các doanh nhân biết ứng dụng lời Phật dạy
Nhân đây, xin giới thiệu vài điển hình về các doanh nhân vừa đẹp vừa thành đạt trong kinh doanh sau khi biết ứng dụng lời Phật dạy trong cuộc sống hàng ngày mà tôi từng tiếp xúc.
Như cô Phạm Hồng Thắm – Tổng giám đốc Tập đoàn Giáo dục Âu Mỹ, là người đẹp đạt danh hiệu Hoa hậu Nhân ái trong cuộc thi hoa hậu quý bà Việt Nam 2009, hiện có 18 cơ sở với 22000 học viên.
Sau thời gian thực hành thiền tập, cô tâm sự: “Nhờ tinh thần sống thiền mà tôi đã giảm đi sự căng thẳng và mệt mỏi rất nhiều trong công tác kinh doanh. Tôi rất hạnh phúc khi giúp đỡ mọi người nâng cao đời sống tri thức và vật chất cũng như tâm linh. Đây cũng là cách mà tôi trả ơn cuộc đời.”
Hay Tiến sĩ Đoàn Thị Kim Hồng – Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Ciat, là Hoa hậu thân thiện tại cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới tổ chức tại Ấn Độ chia sẻ: “Từng làm công tác tổ chức các cuộc thi Hoa hậu, như: cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt nam (2007), cuộc thi Hoa hậu quý bà Việt Nam và thế giới (2009), tôi rất cảm ơn các thời pháp thoại và hướng dẫn thiền tập của quý sư, vì nhờ đó mà tinh thần của chị em thí sinh an lạc, thanh thản hơn. Tôi chủ trương pháp thoại và hành thiền là một chương trình chính thức trong các kỳ thi hoa hậu. Tôi vẫn thực hành thiền mỗi ngày và khuyến khích các em trong công ty thực hành thiền đều đặn và làm từ thiện nhiều hơn.”
Hay cô Lê Tú Lan – Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng Vũ Kiều bộc bạch: “Những lúc tôi lạy Phật và trì chú Đại Bi là những giờ phút thanh thản và an lạc nhất trong ngày. Tôi không còn cảm giác âu lo hay buồn phiền. Có lẽ nhờ vậy mà tôi làm việc tốt hơn với niềm tin và hạnh phúc.”
Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Hường – cán bộ chi cục Thuế tỉnh Bình Dương thì thổ lộ: “Tôi rất vui mừng khi hiểu ra một điều là không có con đường nào đem lại an lạc và hạnh phúc vĩnh hằng như đạo Phật. Với tôi bây giờ chỉ là sự quyết tâm thực hành lời Phật dạy thường xuyên mà thôi.”
Cần kết hợp giữa thuyết giảng và hướng dẫn hành thiền
Từ kinh nghiệm thực tế tiếp xúc và hoằng pháp cho quý bà đẹp và thành đạt ấy, tôi nghĩ rằng,doanh nhân là một trong những đối tượng quan trọng của nghành hoằng pháp vì tính quần chúng. Một doanh nhân biết sống theo lời Phật dạy sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều thành phần trong xã hội.
Sở dĩ như vậy là vì họ luôn liên đới với rất nhiều thành phần trong xã hội như: cán bộ, nhân viên, công nhân, khách hàng… do nhu cầu công tác, sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng. Doanh nhân còn là những người tài năng, nhạy bén và đa số đều có trình độ học thức. Vì vậy, việc hoằng pháp cho họ cần phải thực tế, chính xác và rõ ràng.
Sự đổi mới và tính hiệu quả là một lối sống của các nhà doanh nghiệp. Đặc biệt họ thật sự khát ngưỡng đời sống tâm linh và trông mong những lời giải đáp có phương pháp và hiệu quả thực tế, như những điều kiện trong các thỏa thuận kinh doanh. Những người bị cuốn hút vào công việc kinh doanh thường là những người có sức mạnh nội tại để nắm bắt và thực hành tốt các phương pháp tu tập: Thiền, Tịnh hay Mật.
Do vậy, phần pháp thoại và phần hướng dẫn tu tập phải mang tính khoa học và có tính thuyết phục. Bên cạnh đó, người hoằng pháp phải có sự trải nghiệm trong đời sống tâm linh để có thể có khả năng truyền đạt kinh nghiệm tu tập đến giới doanh nhân một cách sinh động nhất .
Đưa đạo Phật đến với các doanh nhân là đem một kinh nghiệm sống đẹp và hữu ích đến với họ. Do vậy, hoằng pháp cho đối tượng này trước hết phải có thời pháp thoại ngắn hay dài tùy theo yêu cầu thực tế, rồi sau đó hướng dẫn họ thiền tập.
Thiền chánh niệm có khả năng làm tăng thêm sự tập trung và buông xả, vượt qua sự căng thẳng do cạnh tranh thị trường, tìm lại sự cân bằng và an lạc nội tâm, nhờ vậy mà nâng cao chất lượng quản lý và điều hành công ty, mang lại hiệu quả tốt trong các hoạt động kinh doanh.
Vì vậy, người hoằng pháp cần nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tinh thần sống thiền, vì chỉ có thực hành thiền định hay các thời khoá tu tập mới có thể giúp các nhà doanh nghiệp xả được stress, mở rộng lòng yêu thương đối với các cộng sự và đối tác của họ, làm tốt đẹp cuộc đời bằng các thiện sự …
Nhân hội thảo công tác hoằng pháp với chủ đề : “Hoằng pháp với truyền thống hộ quốc, an dân”, tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ về công tác hoằng pháp cho doanh nhân như trên. Rất mong được nhận nhiều ý kiến góp ý của những sứ giả Như Lai về vần đề này để công tác hoằng pháp của chúng ta thêm đa dạng, phong phú, góp phần làm tốt đạo đẹp đời, xứng đáng với sứ mệnh tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.
Tham luận của Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ – Giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM tại Hội thảo hoằng pháp toàn quốc 2010 tại Kiên Giang
——————————————–
[1] Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường và kiểm toán Grant Thornton, công bố trong báo cáo kinh doanh thường niên (w.w.w.baodatviet.vn ngày 20/03/2010)