Thật vậy, vì nương theo sự hướng dẫn đúng đắn của thầy, mọi người mới thăng tiến đời sống tâm linh và sẽ tái sinh vào cảnh giới chư Thiên, luôn được sống hạnh phúc và cao tột hơn cả là thâm nhập thế giới thanh tịnh của chư Phật hoặc vào Niết bàn thì vĩnh viễn không bị khổ đau sinh tử và sống giải thoát trong cõi vĩnh hằng, bất tử. Trong khi các pháp khác dù là thiện pháp vẫn còn phải chịu trầm luân trong sinh tử, vì là pháp hữu lậu, pháp sinh diệt.
Vì vậy, đối với hàng xuất gia bước theo dấu chân Phật, hoằng pháp là công việc hệ trọng nhất trong đời tu; cho nên khẩu hiệu “Hoằng pháp vi gia vụ” là kim chỉ nam, là tâm niệm, là hạnh nguyện của hàng tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên, ở trên thế gian này, tùy theo từng thời đại, tùy theo từng nước, tùy theo từng giai đoạn phát triển văn minh của loài người mà vấn đề hoằng pháp có sự thay đổi khác nhau.
Điển hình là trên bước đường hoằng hóa độ sinh, Đức Phật đã đưa ra nhiều pháp môn nhằm thích nghi theo hoàn cảnh, theo trình độ và nghiệp lực của chúng sinh. Chúng ta nhận thấy rõ Đức Phật xuất hiện trên cõi đời này vào thời văn minh cổ đại của nhân loại; có thể nói lúc bấy giờ, hiểu biết của con người về vạn vật, về vũ trụ, về mọi lãnh vực của cuộc sống chưa được phát triển, cho nên tư tưởng thần quyền đã thống trị, đè nặng lên tâm lý mọi người là điều tất yếu dễ hiểu. Trong bối cảnh thần quyền quyết định tất cả và bao phủ sự sống của con người như thế, Đức Phật đã triển khai việc hoằng pháp vô cùng khéo léo.
Thật vậy, nếu Đức Phật chỉ giảng dạy về sự tu hành của con người bằng cách phát huy trí tuệ và đức hạnh để đạt đến giác ngộ giải thoát sinh tử khổ đau và thâm nhập đời sống chân thật miên viễn, thì có mấy người nghe theo, chấp nhận được. Đơn giản chỉ vì mọi người thời ấy đã giao cuộc sống của họ cho thần linh quản lý, quyết định.
Đối trước quan niệm chế ngự tâm trí của mọi người là chỉ tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng vô tận của thần linh, của thượng đế, nhưng thật sự không ai hiểu rõ nguồn gốc của vị này, sống như thế nào, đang ở đâu, làm gì, v.v…, mà họ chỉ tưởng tượng ra một vị vô hình tối cao toàn quyền sinh sát, rồi tự sợ hãi, khuất phục. Vì thế, Đức Phật đã triển khai các thế giới vô hình theo hệ thống rõ ràng, chuẩn xác qua các kinh điển Đại thừa. Ngài chỉ rõ cho thấy mọi sinh hoạt về tâm thức, về trí tuệ, về năng lực, v.v… của cư dân ở các thế giới siêu hình từ thấp đến cao, từ thế giới của ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cho đến thế giới của chư thần, lên các thế giới của chư Thiên, của chư vị Bồ tát, cho đến Tịnh độ của các Đức Phật trong khắp mười phương. Từ sự phân tích rõ ràng cuộc sống khổ đau triền miên của các chúng sinh trong lục đạo và sự hằng hữu tự tại giải thoát của các vị Hiền thánh, của chư Bồ tát và chư Phật, Đức Phật mới đưa ra các pháp tu để phát triển tâm linh, thăng hoa tri thức và đạo lực mà các Bồ tát ứng dụng, cũng như mô hình các thế giới an lạc mà chư vị Bồ tát xây dựng trong những bộ kinh Đại thừa.
Không chỉ xây dựng thế giới tâm linh tốt đẹp cho những người có phước đức, trí tuệ có khả năng thâm nhập, Đức Phật còn triển khai về mặt xã hội, ngài thương tưởng tất cả mọi người hiện hữu trên cuộc đời và đưa ra rất nhiều phương cách sống để ai ai cũng có thể phát huy trí tuệ và khả năng siêu việt của con người. Phương cách sống an lạc, hiểu biết, thương yêu, hòa hợp, hòa bình, phát triển mà mọi người hiểu được và ứng dụng được gọi là phương tiện của Phật có nhiều vô số, thường được biểu thị bằng con số tám muôn bốn ngàn pháp môn tu. Nói chung là tam thừa giáo được Đức Phật triển khai giúp cho mọi người trên thế gian này có thể tự làm chủ vận mạng của mình, tự quyết định con đường sống hạnh phúc, thăng hoa lên những cảnh giới hoàn thiện hay con đường sống đọa lạc khổ đau ở ngay trong hiện đời và trong tương lai gần, hay trong vô số kiếp lai sinh.
Có thể nhận thấy rõ rằng trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, Đức Phật vừa giảng giải về thế giới tâm linh và cũng vừa xây dựng thế giới hiện thực thật sự tốt đẹp. Ngài đã triển khai rất nhiều phương tiện để dung hóa và kết hợp cả hai khía cạnh của sức sống con người về vô hình và hữu hình một cách hoàn mỹ.
Theo sự tiến hóa của nhân loại trên mọi lãnh vực của cuộc sống, tất nhiên tầm nhận thức của con người và những tư tưởng, những phát minh của con người càng ngày càng phát triển, càng tiến bộ theo thời gian. Đặc biệt chúng ta tiến sang thế kỷ XXI, tri thức của nhân loại thường được xem là phát triển ở tột đỉnh, với vô số phát minh mới, nhận thức mới trong từng ngày ở nhiều lãnh vực khác nhau.
Đứng trước nền văn minh vật chất của loài người đang ở đỉnh cao như vậy, thiết nghĩ các vị giảng sư cần đáp ứng được yêu cầu tri thức của thời đại. Thực tế là chúng ta biết rõ những gì mà mọi người đang suy nghĩ, đang bức xúc, nên cần giảng nói những gì mà họ chấp nhận được và phần nào giải tỏa những khó khăn cho họ, đồng thời đưa ra phương hướng sống giúp họ được an vui, phát triển về vật chất lẫn tinh thần. Làm được như vậy là giảng sư đã có được phương tiện thích nghi với yêu cầu xã hội hiện đại, đã có được phương tiện ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống nhân gian.
Tuy nhiên, căn bản hoằng pháp của đạo Phật không phải chỉ giới hạn trong những phương tiện, mà đòi hỏi giảng sư phải phát huy tâm linh thật sự. Vì vậy, ngoài kiến thức thông thường của xã hội cần phải có, người hoằng pháp còn phải thực tập đời sống tâm linh một cách sâu sắc để có cái nhìn toàn diện đúng đắn về mọi việc, thì phương tiện của chúng ta mở ra mới có ý nghĩa và đúng với chánh pháp.
Thể nghiệm sâu sắc tinh thần này, trong bài sám Vu lan, tôi đã cảm tác: “… Nương pháp chân thật, khai phương tiện môn, tận dụng lục thông, cần hành lục độ, chúng sanh hết khổ, con mới yên lòng…”.
Có thể khẳng định rằng đối với người xuất gia, việc chính yếu là nỗ lực thực hành tinh ba của Phật chỉ dạy để đời sống tâm linh thăng hoa và sử dụng sức mạnh tâm linh thánh thiện ấy mà triển khai thành những pháp phương tiện trong cuộc sống, mới giúp ích cho mọi người tăng trưởng hiểu biết, được an vui, hạnh phúc trong đời thường, đồng thời cũng giúp họ thâm nhập và tiến bộ về tâm linh. Nếu chỉ nương theo hình thức bên ngoài, sống với vật chất, thì họ sẽ ở mãi trong sinh tử. Ngược lại, chỉ phát triển tâm linh, dễ lạc vào không tưởng, xa rời thực tế thì cũng khó thuyết phục được người nghe theo.
Tóm lại, trên bước đường hoằng pháp, giảng sư phải thật tu thật chứng, để từ đó đưa ra những phương tiện tu học thích hợp với văn minh thời đại. Kết hợp nhuần nhuyễn năng lực siêu tuyệt của tâm linh và phương tiện thực tiễn lợi ích trong cuộc sống con người, chắc chắn đạt được kết quả tốt đẹp trong công việc hoằng pháp lợi sinh.
Cầu mong các vị giảng sư tiếp thu nền văn minh của nhân loại ở thế kỷ XXI và phát huy được sức mạnh bất khả tư nghì của tâm linh như Phật dạy, để trở thành người phạm hạnh thật sự xứng đáng cho chư Thiên và loài người quy ngưỡng, mở rộng con đường hoằng pháp lợi sinh đến vô cùng tận.