Trang chủ Người thời nay Hoàng Bá Nam: Người lính cảm tử mến đạo Phật

Hoàng Bá Nam: Người lính cảm tử mến đạo Phật

Nâng chén trà nóng trong tay, ông châm rãi kể cho tôi nghe về những trải nghiệm trong cuộc đời của ông.

Ông sinh năm 1927 tại làng Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thời của ông thì rất hiếm người được học hành. Gia đình của ông cũng nghèo khó như bao gia đình nông dân khác, thế nhưng cha mẹ của ông đã cố gắng cho ông đi học để ông biết đọc, biết viết, để có chút kiến thức lận lưng.

Vào năm 1945, phong trào kháng chiến chống giặc ngoại xâm diễn ra khắp mọi miền đất nước, những người thanh niên trai tráng đều tham gia đánh giặc ngoại xâm, hòa cùng khí thế hòa hùng ấy, chàng thanh niên 18 tuổi Hoàng Bá Nam cũng đã tham gia phong trào cướp chính quyền do Đảng Cộng Sản Đông Dương phát động. Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, ông trở về quê sinh sống.

Năm 1946, chiến tranh diễn ra khắp nơi, Bác Hồ kêu gọi đồng bào hưởng ứng phong trào “Tuần lễ vàng”, gia đình ông nghèo, không có gì để đóng góp, nên ông nghĩ: “Mình không có tiền thì dùng sức lực, ý chí của mình để đóng góp cho quê hương, đất nước vậy”.


Ông Hoàng Bá Nam – Ảnh: Minh Phú

Thế là ông xung phong gia nhập đội cảm tử quân để ra trận đánh giặc. Lúc ấy, trong địa phương có thêm một người thanh niên tên là Nguyễn Hải cũng xung phong gia nhập cảm tử quân. Ngày hai người lên đường đi đánh giặc, người dân địa phương đã tổ chức lễ truy điệu, đọc điếu văn tiễn đưa hai người con của quê hương lên đường đánh giặc, cứu dân cứu nước, vì một khi đã tham gia vào đoàn cảm tử quân thì xem như là một đi không trở lại. Hai người đồng hương, đồng trang lứa cùng nhau gia nhập cảm tử quân, biết chắc là khó giữ được tính mạng, để tạo sự gắn kết với nhau và cũng là để làm kỷ niệm cho nhau, nên hai người đã lấy tên của người này làm tên lót của người kia, Hoàng Bá Nam thì đổi thành Hoàng Hải Nam, còn Nguyễn Hải thì đổi thành Nguyễn Nam Hải.

Trận đánh đầu tiên sau khi chính thức gia nhập đoàn cảm tử quân của ông là đánh tại cầu Đầu Mầu, Quảng Trị. Đây là một trận đánh quan trọng trong chiến dịch Bình Trị Thiên, ông lãnh nhiệm vụ ôm bom đánh cầu Đầu Mầu. Trong trận này, ông đã bị thương nặng ở chân, nhưng may mắn là đã không bị giặc bắt, ông thoát ra khỏi trận chiến và sau đó được điều trị tại một bệnh viện giả chiến ở Mai Xá.

Năm 1947, thấy bệnh tình không thuyên giảm nên đơn vị đã cho ông ra Bắc điều trị, sau đó thì đưa về trại An Dưỡng tại Nghệ An. Trong thời gian này, bệnh tình có chút thuyên giảm, ông không muốn làm gánh nặng cho xã hội, với vốn kiến thức và chữ nghĩa của mình, ông xin đi làm ở một nhà in ở Nghệ An.

Đến năm 1950, vết thương hoàn toàn bình phục, ông xin đi bộ đội trở lại và ông đã tham gia vào các đơn vị chủ lực ở Hà Nội, rồi sau đó tham gia chiến dịch Biên giới Thu Đông, rồi chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiệm vụ của ông là ôm bom đánh vào các lô-cốt, hầm ngầm của quân địch. Ông là người đã tham gia vào trận đánh đồi A1 Điện Biên Phủ và đánh vào hầm của tướng Đờ-Cát. Sau khi thắng trận Điện Biên Phủ, ông đã cùng quân đoàn quay về đánh ở ngoại thành Hà Nội và tham gia phong trào giải phóng thủ đô.

Đến ngày 9/10/1954, ông được chính thức kết nạp đảng viên, sau đó được cho đi tham gia khóa đào tạo sĩ quan. Rồi ông tiếp tục ở lại miền Bắc để cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong thời gian tham gia chiến trận ở Bắc, ông đã nhờ người gửi giấy báo tử về cho gia đình, tại vì không muốn người thân của mình ở quê bị quân địch bắt bớ, hành hạ, uy hiếp.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông đã về thăm quê hương, thăm gia đình. Lúc này mẹ của ông đang sống một mình, bố ông mất sớm, ông là con một. Nhưng vì đang vướng bận công việc nên ông không thể về quê sống với mẹ, với lại lúc ấy mẹ của ông cũng còn khỏe mạnh.

Đến năm 1982, khi nghe tin sức khỏe của mẹ già ngày càng suy yếu, ông đã xin đơn vị cho phép ông được về quê để chăm sóc mẹ già sớm hôm. Đơn vị thì muốn giữ ông ở lại nên đã bảo ông đưa mẹ ra Bắc sinh sống. Nhưng mẹ ông đã gần đất xa trời nên không đồng ý ra Bắc, không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vì thương mẹ, muốn làm tròn bổn phận người con lúc mẹ đã xế chiều nên ông kiên quyết xin về quê, dẫu biết rằng về quê thì cuộc sống khổ cực hơn nhiều. Không còn cách nào khác, đơn vị đành sắp xếp cho ông về quê nuôi mẹ.


Từ khi trở về quê hương chăm sóc mẹ già, ông đã tham gia vào các công tác đoàn thể, mặt trận và dân vận tại địa phương. Rồi theo lẽ vô thường, mẹ ông đã trở về nơi chín suối. Ông vẫn sinh sống ở quê cha đất tổ, nuôi dạy con cái nên người.

Càng về sau, cuộc sống của ông càng an nhàn hơn. Những lúc rảnh rỗi, ông hay đọc sách báo. Trước đây ông nghe nói đạo Phật dạy con người hướng thiện, ăn hiền ở lành. Ngay chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ca ngợi đạo Phật, cho nên từ lâu ông đã có thiện cảm với đạo Phật. Trong làng cũng có một ngôi chùa ở ngay đầu làng và người dân ở quê hầu hết đều theo đạo Phật, đều đến chùa lễ Phật vào những ngày rằm, mồng một, bản thân ông thỉnh thoảng cũng đến chùa lễ Phật, tham dự các lễ hội lớn của chùa. Rồi ông tìm đọc các sách Phật pháp, ông tìm hiểu về đạo Phật và thỉnh Phật về thờ.

Ông chia sẻ: “Càng tìm hiểu về đạo Phật, ông càng thấy đạo Phật rất cao đẹp. Những lời Phật dạy rất thiết thực và gần gũi trong cuộc sống. Như việc người thanh niên xung phong lên đường đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước chính là đức Dũng mà Đức Phật đã dạy vậy. Tìm cách đánh thắng giặc ngoại xâm, đem lại ấm no, hạnh phúc cho muôn dân là đức Trí. Trong khi đánh giặc, lúc quân địch đã đầu hàng thì cho họ con đường sống, không giết càn, giết bậy là đức Bi vậy!”.

Khi nói về hiện thực của xã hội, ông bày tỏ: “Chủ trương, đường lối của đảng luôn luôn đúng. Chỉ vì có một số Đảng viên không hiểu đúng hoặc không làm đúng chủ trương, đường lối ấy nên mới xảy ra tình trạng tiêu cực, làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin đối với nhân dân. Cũng như trong đạo Phật, đâu đó vẫn xảy ra những tình trạng tiêu cực là bởi vì những người theo đạo Phật đã hiểu sai lời Phật dạy hoặc là không làm đúng như những gì Đức Phật đã dạy. Lời Đức Phật dạy luôn luôn đúng, giáo lý đạo Phật là chân lý, là nền tảng đạo đức để mỗi cá nhân hoàn thiện chính mình”.  

Giờ đây tuổi đã về chiều, cuộc sống của ông khá thanh đạm và an nhàn. Ông sống gần gũi với mọi người, với bà con lối xóm và đặc biệt là ông rất có uy tín trong địa phương, rất được mọi người kính nễ. Với những người trẻ mà ông thương mến, ông thường hay khuyên cố gắng phấn đấu làm tròn bổn phận đối với gia đình và cống hiến cho xã hội. Với cá nhân tôi, trong quan hệ ông cháu thân tình, biết tôi là một người Phật tử thuần thành, nên ông khuyên: “Cháu ạ, dù cháu làm gì và ở đâu, cháu cũng phải cố gắng sống cho thật tốt, cố gắng đem đạo vào đời, phải thể hiện cho mọi người biết rằng đạo Phật là đáng quý và đáng theo, để mọi người cảm mến đạo Phật, chứ đừng đem đời vào đạo, làm cho đạo bị hoen ố bởi mùi đời”. Một lời khuyên thật thâm thúy, và càng có ý nghĩa hơn khi lời khuyên ấy là của một vị lão thành cách mạng, một chiến sĩ cảm tử quân bất khuất.

Cuộc đời của ông thật oanh liệt! Ông đã sống và cống hiến trọn vẹn cho quê hương, đất nước. Cho đến bây giờ, đã ngoài 80 tuổi mà vẫn sống có ý nghĩa cho đời. Ông xứng đáng là mẫu người lý tưởng của một chiến sĩ Cộng sản. Dù ông chưa chính thức quy y Tam bảo nhưng trong tâm ông đã có Phật và đã thực hành theo lời Phật dạy. Khi nghe lời khuyên của ông, tôi càng cảm phục ông hơn. Ông đúng là một người ông mà tôi luôn kính mến!

ThS. Hoàng Minh Phú