Trang chủ Đời sống Tâm sự Hoài niệm Bổn sư cố HT. Thích Chơn Phát

Hoài niệm Bổn sư cố HT. Thích Chơn Phát

219

Kính dâng Giác linh Bổn Sư thượng Chơn hạ Phát, Phương Trượng tổ đình Long Tuyền, tân viên tịch.

5giờ sáng, ngày 28 tháng 5 năm 2016, vừa thức dậy; Như Hùng gọi điện báo: “Sư phụ đã viên tịch rồi anh Hoàn ơi!” Tôi bảo: “nói rõ lại đi?” Như Hùng lặp lại lần nữa. Vừa nghe xong cổ họng tôi nghẹn lại không thốt nên lời. Như Hùng nói tiếp: “Hôm tháng 4 em có về thăm sư phụ, Ngài đã yếu và ốm đi nhiều. Tuy không thấy rõ nhưng sư phụ vẫn nói chuyện, trong lúc nói chuyện sư phụ hay lặp đi lặp lại những điều vừa nói trước đó”. 

Nghe nói các thầy đã hết lòng chăm sóc và khuyên sư phụ đi khám bệnh. Người nói: “Tôi có bệnh gì mà đi khám”. Thế rồi qua những ngày nắng gắt của mùa hè tại Việt Nam, với niên lạp đã cao, sức yếu, sư phụ đã xả báo thân, thu thần viên tịch! Nỗi buồn hôm nay không nguôi, dẫu biết rằng “tử sinh tự cổ thường nhiên”, nhưng cũng không tránh được cái tâm thường tình của con người. Như Hoàn thường nói với mọi người trong gia đình và bạn hữu rằng “xác thân này do cha mẹ sinh ra, nhưng huệ mạng này là ơn sư phụ mà có được như hôm nay”.

Đến nay Như Hoàn đã ngoài bảy mươi rồi, cuộc đời đã trải qua biết bao nhiêu sóng gió, thăng trầm. Những gì sư phụ dạy bảo trong những năm tháng tu học ở Người, Như Hoàn không bao giờ xao lãng. Nhờ thế mà hơn 45 năm qua, tuy không được hầu hạ và tu học bên Người, Như Hoàn vẫn giữ được những gì sư phụ đã dạy bảo. Một niềm tự hào và vinh hạnh đó là trong thời gian ở Phật Học Viện Quảng Nam (Tổ đình Long Tuyền), mỗi khi sư phụ đi công tác Phật sự, Như Hoàn đều lái xe “Jeep” để chở sư phụ đi (vì trong thời gian này chỉ có Như Hoàn biết lái xe; sau này có thêm Thầy Giải Quảng và Thầy Nguyên Phước). 

Kể từ tháng 7 năm 1970, sau đêm 30/7, Cô Nhi Viện An Hòa bị thảm sát, Hòa Thượng Hành Sơn bị thương nặng nên đã đề nghị GHPGVNTN do Hòa Thượng Thích Quảng Long làm tổng vụ trưởng tổng vụ xã hội lúc bấy giờ và quyết định điều Như Hoàn về làm phó giám đốc Cô Nhi Viện An Hòa. Ngày nhận quyết định, Như Hoàn đã lên tác bạch xin sư phụ cho phép ra đi. Sư phụ đã dạy: “Chú mi nên nhớ rằng làm công tác xã hội nuôi trẻ mồ côi cũng là Phật sự, nhưng môi trường hành đạo không như trong tu viện; hãy luôn rèn luyện, cảnh giác, và phải tinh tấn cầu giải thoát cho bản thân mới mong giải thoát cho người”.


Chính lời răn dạy ấy mà hơn 45 năm qua Như Hoàn vẫn ghi nhớ để làm hành trang cho đời mình. Sư phụ là người rất nghiêm khắc về “luật-nghi” để dạy chúng. Người thường nói: “Giáo lý Phật Đà mênh mông sâu thẳm như biển cả, nhưng biển cả không bao giờ chứa thây ma”. Người dạy cách đi đứng của người tu sĩ như khi đi phải đưa gót chân xuống đất như thế nào để vừa oai nghi vừa không có tiếng động, hay cách hô thiền, ngồi thiền, và cách nói pháp trước Phật tử, v.v…

Một điểm rất đặc biệt ở Người đó là mỗi mùa pháp nạn từ 1963 đến 1966, ngoài việc tranh đấu để bảo vệ đạo pháp, Người còn gánh trọng trách của Giáo hội như làm chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam 1966, Giám đốc Trường Trung Học Bồ Đề Hội An, Đặc ủy Tăng sự tỉnh Quảng Nam. Nhưng sau khi tình hình ổn định, sư phụ lại quay về chăm lo việc đào tạo Tăng tài, mở Phật học viện Quảng Nam tại Tổ đình Long Tuyền (thời gian này có Hòa thượng Thích Như Huệ, Hòa thượng Thích Như Vạn và Hòa thượng Thích Long Trí tham gia giảng dạy).

Một kỷ niệm Như Hoàn không bao giờ quên đó là hình ảnh của sư phụ khi thăm Như Hoàn vào năm 1972, lúc Cô Nhi Viện thành lập khu nông trại tại Võ Su, quận Hoài Đức, tỉnh Bình Tuy (nay là huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận). Thời gian này Như Hoàn đảm trách khu nông trại. Một hôm, lúc Như Hoàn dẫn cô nhi lớn đi lao động về thì bỗng nhiên thấy sư phụ ngồi trong nhà. Rất bất ngờ, nên Như Hoàn vội vàng y áo lên đảnh lễ. Sau hồi hầu chuyện và dùng trai, sư phụ bảo: “Đem cờ ra đây, Thầy với chú mi chơi ít ván xem thử có tiến bộ gì chưa?” Trong khi hầu cờ, sư phụ có đề cập đến một số công tác Phật sự trong chuyến đi Sài Gòn và luôn tiện ghé thăm nông trại như thế nào. Đồng thời sư phụ cũng lướt qua một số tình hình thời sự lúc đó, và khuyên Như Hoàn không nên mở rộng hoạt động của nông trại nữa. Trước khi tiễn sư phụ về lại Hội An, Người có dặn: “Làm người tu sĩ ở môi trường nào cũng không sao, nhưng phải luôn giữ cái tâm đạo mà hành”. Thế rồi sau biến cố 1975, sư phụ ẩn dật, không tham gia gì trong Giáo hội. Người bế quan miên mật tịnh tu, hằng ngày cùng Tăng chúng xắn quần, vác cuốc, cấy lúa trồng khoai để lo cái ăn cho Tăng chúng trong chùa.

Một hôm, sau bao nhiêu năm không ra khỏi chùa, lần đầu tiên sư phụ xuất quan đi Sài Gòn để vận động đại trùng tu Tổ đình Long Tuyền. Sư phụ cùng sư huynh Giải Trọng đã ra nhà Như Hoàn ở lại một đêm để sáng sớm hôm sau lên máy bay đi Sài Gòn (thời gian này việc đi lại bằng đường hàng không rất khó khăn).

Từ ngày ấy, vì cuộc sống bôn ba lúc ở Đà Nẵng, lúc tận rừng sâu trên ĐăkLăk, Như Hoàn không được thường xuyên về đảnh lễ và thăm sư phụ. Tết Bính Thân vừa qua, con Như Hoàn vào chúc thọ sư phụ. Người hỏi rằng: “Thằng Hoàn có về không? Mỹ ‘đuổi’ nó về chưa?” Tuy câu nói đơn sơ nhưng cảm thấy gần gũi, ấm áp. Đối với một đề tử, dù ở xa xôi hơn nửa vòng trái đất, tâm nguyện của Như Hoàn là tháng 7 này sẽ về thăm và đảnh lễ để chúc thọ sư phụ, nhưng than ôi! sư phụ đã xả báo thân viên tịch rồi. Người đã cao đăng Phật Quốc. Hàng đệ tử Tăng-tục đều ngưỡng vọng nhớ thương. Phật giáo Việt Nam đã mất đi một tàng đại thụ, suốt đời đã chở che và lèo lái con thuyền của Giáo hội qua bao thăng trầm, và đào tạo biết bao nhiêu môn đồ hiện nay ở khắp nơi trên thế giới.

Kính cẩn đảnh lễ và ngưỡng vọng về ngôi tổ đình xưa, nơi ấy Người đang an nghỉ trong vô cùng cảm kính của mọi người, của môn đồ pháp quyến. Như Hoàn xin kính đâng lên sư phụ lời nguyện cầu Người cao đăng Phật Quốc.

California, ngày 30 tháng 5 năm 2016.

Khấp Kính, Đệ tử Như Hoàn (Phạm Sanh)