Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Hoài cảm Xuân

Hoài cảm Xuân

75

Hòa chung không khí hối hả rộn ràng đó, tiệm may áo dài của con gái tôi cũng rất đông khách. Con bé tươi cười vồn vã đón khách đến, chào khách đi. Nhìn con say mê với công việc, hình ảnh người mẹ thân yêu của tôi bỗng chập chờn hiện ra trong tâm trí .


Trước đây khi mẹ còn sống, hàng năm cứ từ đầu tháng 10 âm lịch đổ đi, cả nhà lại xúm nhau phụ mẹ kết nút áo cho kịp kỳ hẹn trả. Nhiều người khen mẹ cắt khéo, ôm người lại may kỹ .Từng xấp vải lụa, dù là hàng nội hay ngoại, một khi đã qua tay mẹ đều biến thành những chiếc áo dài duyên dáng làm hài lòng khách, ngay cả những người khó tính.


Nhớ lại năm đầu khi mới vào Sài Gòn, bố tôi đứng tên môn bài xin mở một tiệm may âu phục. Tiệm mở ra trên nửa năm trời nhưng vẫn thưa khách khiến bố đâm chán nghề. Nguyên nhân nào đây? Do địa điểm không thuận lợi hoặc bố chưa gặp thời? Tôi lan man suy đoán vì hồi ở Phan Thiết, tiệm của bố cũng vào loại đông khách.


Thấy nghề không nuôi nổi vợ con, bản thân lại không thích sống gò bó, chật chội trong những ngôi nhà phố bít bùng không một tấc đất làm sân, bố sinh ra bực dọc, cáu kỉnh. Vốn không nghiện rượu nhưng rồi ông hay sang hàng xóm nhâm nhi đến say khướt mới về. Và ba năm sau, thảm họa xảy đến với gia đình tôi khi bố qua đời sau một cơn bạo bệnh, để lại cho mẹ gánh nặng phải nuôi bảy đứa con ăn học, mà đứa bé nhất chưa đầy ba tuổi .


Không biết nhờ trời thương hay do “cái khó ló cái khôn”, mẹ tôi sau nhiều đêm trăn trở đã đem hết tư trang dành dụm bán đi lấy tiền nuôi con chứ không bán đi dàn máy may của bố để lại. Sau đó mẹ dùng hết thời gian có được để đi học may áo dài. Nhờ có quyết tâm cùng lòng kiên nhẫn, mẹ đã thành công. Tiệm mở ra ban đầu chỉ rất khiêm tốn với tấm bảng bảng nhỏ ghi dòng chữ: “Nhận may áo dài”. Nhưng từng ngày, từng tháng khách lui tới ngày một nhiều, và không phải chỉ những người trong khu phố…


Năm tháng dần trôi, mẹ tôi đường hoàng lên bảng hiệu như một người may áo dài chuyên nghiệp. Chưa đầy năm năm, mẹ tôi đã gầy dựng được một tiệm may khá bề thế với cả chục cô thợ may được mướn thêm. Mỗi khi bước vào ngôi nhà mới khang trang nhiều tiện nghi do một bàn tay mẹ xây dựng lại, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động và tự hào, bởi đó là những cái mà trước đây dù nằm mơ, chúng tôi cũng không dám nghĩ đến.


Khi các em tôi ra riêng hết thì mẹ tôi cũng đã già. Bà chỉ đứng tên trên giấy tờ, còn mọi chuyện đều do tay vợ tôi lo liệu. Nhưng mẹ cũng chỉ sống với vợ chồng tôi được bốn năm sau ngày đất nước thống nhất.


Thời kỳ đó, ai cũng nghĩ nghề may áo dài sẽ mai một. Chiếc áo dài truyền thống bấy lâu giúp người phụ nữ Việt Nam có nét đẹp duyên dáng bỗng trở thành thứ y phục mang tính “tiểu tư sản”. Vợ tôi dẹp tiệm chuyển sang bán tạp hóa sống qua ngày. Nàng buồn lắm, những tưởng sẽ mãi mãi xa rời việc may áo dài, cái nghề truyền thống của gia đình. Mẹ tôi cũng buồn không kém nhưng trước những lời than thở của nhà tôi, bà chỉ ngồi im lặng đưa ánh mắt mông lung nhìn về hướng bàn thờ bố.


Mẹ ra đi bất ngờ vào một ngày cuối năm khi tiết trời đột chuyển lạnh. Trước khi mất, bà dặn dò vợ tôi phải cố gắng duy trì nghề may áo dài nếu sau này hoàn cảnh cho phép .


May thay, giai đoạn khó khăn rồi cũng qua đi. Đời sống người dân sau những năm chật vật bươn chải để sinh tồn, đã tốt đẹp lên khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới. Theo quy luật tự nhiên, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp vẫn là việc đầu tiên con người nghĩ đến khi cuộc sống khấm khá.


Nhưng phải mất thêm vài năm, nghề may áo dài mới được hồi sinh. Số người mặc áo dài tăng dần lên. Ban đầu chỉ là các nữ giáo viên và nữ sinh các trường trung học. Dần dà , những tà áo dài xuất hiện ngày nhiều lên trên đường phố, trong đám cưới hoặc lễ hội. Những năm gần đây ,áo dài mới thực sự trở lại vị trí ngày xưa. Chỉ có một điểm khác là khi áo dài sống lại thì nó được tôn vinh như một biểu trưng mang đậm bản sắc Việt Nam và được nhiều du khách nước ngoài ngưỡng mộ. Không ít người đã đặt may một hai chiếc áo dài mang về nước làm quà tặng người thân.


Tiệm may áo dài của vợ tôi hồi sinh như một phép lạ. Phần do khách quen còn nhớ tìm đến , phần cũng do áo dài may đẹp và giá may tương đối phải chăng nên thu hút khách. Việc làm ăn phát đạt khiến vợ tôi vui hẳn lên, tưởng như được sống lại thời kỳ vàng son thuở trước .


Bây giờ, con gái lại tiếp nối vai trò của mẹ tôi năm xưa. Vợ tôi vào ra phụ giúp con gái điều hành tiệm may như mẹ tôi lúc trước từng làm với nàng. Các cháu gái tôi lại đính những nút bấm, nút nhựa nhiều màu sắc trên các áo dài do mẹ chúng may. Và hôm nay, trong không khí tết đã gần kề, nhìn các cô thiếu nữ duyên dáng bước ra khỏi nhà với tấm áo dài thướt tha, bất giác tôi lại nghĩ đến mẹ với nỗi nhớ da diết khôn nguôi…