Trang chủ Văn học Hòa thượng Tuệ Sỹ và bài thơ Khung trời cũ

Hòa thượng Tuệ Sỹ và bài thơ Khung trời cũ

1936

Trong bài viết về Tuệ Sỹ, Bùi Giáng cho biết, khi vừa đọc bài thơ Khung Trời Cũ xong, ông đã không cầm được sự ngưỡng mộ của mình mà thảng thốt buột lên “Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương”.

KHUNG TRỜI CŨ

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.

Từ thời còn đi học, tôi đã thích lắm bài thơ Khung Trời Cũ. Thích, nhưng cũng không rõ mình thích vì cái gì. Kiểu như, đọc lên, nghe êm êm. Kiểu như, đọc lên, nghe rất thơ. Thì thích, vậy đó.

Khung Trời Hội Cũ là một bài thơ trữ tình. Bài thơ là những cảm xúc, những suy tư, tâm tình của một vị thiền sư.

******

Giọng thơ, ngay từ đầu, chậm rãi, điềm tĩnh: đôi mắt ướt/ tuổi vàng/ khung trời hội cũ. Dưng không, ngay tại chỗ này, tôi nhớ đến lời một bài hát của Trịnh Công Sơn, tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay.

Cái màu vàng của lá, màu vàng của hoàng hôn, khi nào cũng dễ làm chúng ta ngậm ngùi. Nó là bằng chứng của ngày tháng nối tiếp dần qua mà không sao cản lại được, không cách chi ngăn lại được.

Tuổi vàng, đôi mắt ướt, khung trời cũ, không phải là một hình ảnh thường thấy, là những mô tả thường có trong các bài thơ đó đây, trước nay, của các thi nhân sao.

Có thể sẽ có bạn thắc mắc khi đọc đến đoạn này, thế thì “hội”, hội ở đây là gì, hiểu như thế nào cho đúng với nguyên văn “khung trời hội cũ”?

Thưa, thơ không có đúng sai. Thơ, lại càng không cần phải hiểu cho rốt ráo, cho tỉ mỉ, cho chi tiết, cho đúng với tinh thần ban đầu của người viết. Làm thơ là chuyện của tác giả. Cảm nhận là việc của bạn đọc. Tác giả không có nghĩa vụ giải thích tất cả các thắc mắc của bạn đọc. Đến chỗ này, tôi chợt nhớ đến câu khẳng định của tiểu luận gia Đặng Tiến “Thơ, là quyền uy tối thượng”.

“Hội” hiểu là ngày đi. Một ngày đã qua như muôn ngàn ngày đã qua. Hội, hội hè. Hội, họp hội, Hội, đông đúc. Kiểu gì thì cũng quy về, tôi, đôi mắt ướt khi nhìn tuổi đang ngày mỗi vàng đi, khi ngày mỗi xa dần những buổi vui thuở nao, thuở còn đông đúc, thuở còn cùng nhau tề tựu với biết bao hân hoan, trông đợi.

Chính vì tuổi sẽ vàng, nên mới, một cảm thán tiếp theo, áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang.

Áo đất trời, áo cỏ cây, áo mây gió, áo con người, áo thiên nhiên, chẳng thể nào, xanh mãi. Đó là quy luật.

Biết là quy luật, biết là không thể khác, vậy mà, đã có lúc để rơi đôi dòng nước mắt, đã có lúc buột câu tiếc nuối, đã có lúc thấy mình gấp gáp, những giây phút tuy rất thoáng thôi – phút vội vã bỗng thấy mình du thủ – nhưng cũng thấy ân hận, nên, cần lắm một đêm, thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.

Tuổi thì vàng, áo thì không xanh mãi, và, trăng kia sẽ rồi tàn. Tất cả, tất cả, đều là những vô thường, đến rồi đi, có rồi mất. Quy luật.

******

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đỉnh núi đá kia, sao ngươi lạnh mãi. Hạt muối biển im kia, sao hoài mãi chẳng chịu tan. Chỉ mỗi ta đây cười rất ngắn, nắng tàn. Và đông hạ đổi thay xoành xoạch. Sau những kêu lên ấy, tác giả chốt hạ, buồn chăng.

Buồn chăng là câu hỏi hay câu cảm? Cả hai. Hỏi người, hỏi ta, rồi tự thú, buồn, buồn lắm, sao mà không buồn cho được, khi, kiếp nhân sinh ngắn ngủi quá, quay đi quay lại, chưa kịp gì, đã tận.

******

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.

Rồi mân mê, ta chơi trò đếm tóc. Đếm tới đếm lui, vẫn chưa đủ trăm năm. Chỉ thấy vây quanh bốn vách u buồn.

Những tự thán, nối tiếp nhau, dường không sao dứt. Những động từ “đếm, đi, ngó”, những tính từ “bạc, dài, mỏi, ủ rũ”, chúng được xếp cạnh nhau, khiến thơ trở nên sinh động, uyển chuyển, nhẹ nhàng, thanh thoát. Nên buồn mà không sầu. Buồn mà không bi quan. Cái buồn trở nên rất đỗi tự nhiên, theo kiểu, ai mà chẳng thế, ai mà chẳng có lúc buồn khi ngắm tuổi lá vàng rơi, buồn khi ngó trăng khuya tàn xế, buồn khi thấy nay mới đông, mai đã hạ, thi nhau.

Và, đã rồi đây, tôi đã rồi đây, như con suối trong rừng xa kia, trong tâm thế, sẵn sàng để xuôi nguồn.

Xuôi nguồn. Về nguồn. Sang bờ. Hoàn tất.
Hoàn tất một vòng sinh tử.

******

Bài thơ, theo như truyền tụng, vốn ban đầu có tên là Không Đề, khi vào tuyển tập thơ, nó mới mang tên Khung Trời Cũ.

Khung Trời Cũ, cái đã qua ấy mà, dẫu có to như bầu trời kia, thì cũng vẫn nằm trong giới hạn của một cái khung. Mọi thứ, đều có giới hạn. Khung Trời Cũ hay Không Đề, thì cuối cùng, cũng chẳng chi còn mãi. Cụ Du đồ sộ thế kia, cũng chỉ mơ, cũng chỉ hỏi, liệu ba trăm năm sau, có còn? Thì huống hồ, một bài thơ. Thì huống hồ, một thân thế, một sự nghiệp.

Thôi thì cứ như tác giả bài thơ trên vậy, dọn cho mình sẵn một tâm thế, suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn, há chẳng phải thấy lòng thanh thản đón nhận quy luật hơn sao.
Tôi viết bài này lúc kim đồng hồ chỉ nhích hơn bốn giờ chiều nay, lúc đọc đầu tiên trên trang anh Trần Triết, và Vũ, nhẹ nhàng những câu chia xa. Biết là Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã viên tịch.

Thế mà, vẫn cảm giác như, đâu đây, thấp thoáng bóng người, khi nhắc nhớ bài thơ Khung Trời Cũ.

Sài Gòn 24.11.2023

Phạm Hiền Mây