Cách đây 80 năm trước sự suy thoái của Phật giáo nước ta thể hiện chủ yếu trên 2 phương diện là sự dốt nát và hư đốn của Tăng đồ, và sự chia rẽ các tông phái, Giáo thụ Thiện Chiếu – trụ trì chùa Linh Sơn, Sài Gòn và Tỷ khiêu tự Lai – trụ trì chùa Hang (Tiên Lữ động tự) Thái Nguyên đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà mà một trong những nội dung chấn hưng là phải “Lập Phật gia công học hội để đào tạo những bậc có tư cách đúng đắn để truyền giáo”1, “Nên đặt ra 3 bậc học ở trong ba nơi Phật gia công học hội Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ví dụ: Sơ cấp thời để ở Hà Nội, Trung cấp thì để ở Huế, Cao cấp thì để ở Sài Gòn”2 Nghĩa là, để chấn hưng Phật giáo, một trong những công việc cần kíp là Tăng sĩ phải được đào tạo có bài bản theo một chương trình mới, mới truyền bá được giáo pháp của đạo Phật trong nhân dân.
Nhận thức được sự quan trọng và cấp thiết này Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã coi công tác giáo dục Tăng Ni là một trong những nhiệm vụ hàng đầu (nhất là đối với Tăng Ni thanh niên). Ban Giáo sư là một trong 10 ban chuyên môn được lập ngay khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời cuối năm 19343. Công tác giáo dục Tăng Ni luôn là một trong những nội dung chính của các cuộc họp đầu tiên của Hội4.
Hội trưởng Hội Phật giáo Bắc Kỳ Nguyễn Năng Quốc ngay khi bắt đầu tổ chức nên Hội đã xác định “cái công cuộc chấn hưng thứ nhất là tôi đã để ý muốn săn sóc ngay đến việc học ở chốn Thuyền môn. Sự săn sóc đến việc học đó, tức là trau dồi về đường tinh thần của nền Phật giáo, nghĩa là muốn chấn hưng Phật giáo nước nhà, thì tất phải chú trọng về mặt tinh thần, cũng như là về đường vật chất”5. Đồng thời với tổ chức khóa Hạ và mở lớp sơ học Phật học tại chùa Quán Sứ trong năm 1935, Hội đã có những bước chuẩn bị tích cực cho việc mở trường Phật học:
Tháng 3 năm 1936, trong chuyến vào dự lễ Nam Giao do Nam Triều tổ chức, Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc đã đưa các Hòa thượng (HT): Bằng Sở, Trung Hậu, Phúc Chỉnh, cụ Bộc và sư ông Trí Hải đi Huế để khảo sát việc thuyền học và thăm các trường học do Hội Phật học Trung Kỳ mới mở.
Tiếp đó, ngày 17.8.1936, Hội cử Thượng tọa Tố Liên vào Huế tham cứu các chương trình Phật học. Thượng tọa đã đàm đạo với ông Lê Đình Thám Phó Hội trưởng Hội Phật học Trung Kỳ, rồi đến chùa Tây Thiên Di Đà tức trường Đại học, Trung học của Hội. Từ hôm sau cứ 2 buổi tham học ở chùa Tây Thiên, 1 buổi nghe sách ở chùa Trúc Lâm trường Tiểu học, một buổi nghe sách ở trường Ni chùa Từ Đàm và thêm 1 buổi theo học khoá lễ đại chúng. Trường Trung học Trúc Lâm có 50 người, trường Ni có 40 người chương trình học cũng như trường Tăng, chỉ có dạy thêm những công việc nữ công, phụ hạnh.
Ngày 20.9.1936, Thượng toạ Tố Liên đi Huế về, đề xuất với Ban Giáo sư Hội Phật giáo Bắc Kỳ: tôi nghe nói trường Phật học ở Huế có dạy cả triết học Đông Tây, nếu ngoài Bắc ta có mở trường Phật học cũng nên theo chương trình Phật học ở Huế, rồi tuỳ cơ châm chước mà giáo huấn thì Phật học hiện hữu mới được tiến đạt. Chuyến đi tham cứu trường Phật học ở Huế chi “hết 20$00 của Hội mà chỉ được mấy tờ chương trình Phật học và ít câu chuyện góp không biết có phải là hư phí của thập phương tam bảo không? Nhưng sách có nói: “thực lòng làm việc Phật pháp thì một ngày ăn đến lạng vàng cũng có thể tiêu được”1. Có thể nói Thượng tọa Tố Liên là người có công đầu trong việc thành lập trường Phật học ở xứ Bắc. Từ “bột” là mấy tờ chương trình Phật học và ít câu chuyện góp đó. Ngài đã cùng Ban Thuyền học Hội Phật giáo Bắc Kỳ dựng được chương trình Phật học cho cả ba cấp: Sơ học, Trung Học và Đại học và “gột nên hồ”: sau một thời gian chuẩn bị, ngày 14.12.1936 trường Phật học Hội Phật giáo Bắc Kỳ làm lễ khai giảng tại chùa Quán Sứ. Trường có 70 tăng sinh, chia 3 lớp: lớp Đại học (20 người), lớp Trung học (30 người) và 20 Tăng sinh lớp Tiểu học. Do chuẩn bị trùng tu chùa Quán Sứ nên hai lớp Đại học và Trung học đặt tạm tại chùa Sở (tức chùa Phúc Khánh, Ngã Tư Sở, Hà Nội); lớp Tiểu học đặt tại chùa Quán Sứ. Chánh Đốc giáo là Tổ Bằng Sở (HT Phan Trung Thứ), Phó Đốc giáo là HT Dương Văn Hiển (Tổ Tế Cát), các giảng sư là HT trụ trì chùa Phù Lãng Trung (Bắc Ninh), Tú Tài Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, ông Nguyễn Quang Oánh …
Chương trình học nội điển, ngoại điển của các trường này khác hẳn với hai cách tu học truyền thống của Phật giáo xứ Bắc là Tăng Ni tu học tại mỗi ngôi chùa vào các kỳ an cư kiết hạ. Có thể nói việc Hội Phật giáo Bắc Kỳ mở các trường Phật học ở 3 cấp đào tạo theo lối mới là một bước ngoặt trong công tác giáo dục tăng tài của Phật giáo xứ Bắc.
Việc mở trường Phật học của Hội đã được các nơi nhiệt liệt hưởng ứng. CHPG tỉnh Hưng Yên đã mở tùng lâm Văn Miếu Hưng Yên tự lo giảng sư và tư lương cho tăng sinh theo học. Ngày 28.11.1940, cụ Hoàng Thị Uyển (cụ Cả Mọc) Hội trưởng Hội Tế Sinh Hà Nội đã cúng vào Trường Thuyền học Hội Phật giáo Bắc Kỳ một ngôi chùa mới tân tạo cùng 31 mẫu ruộng và 43 mấu thổ thuộc địa phận làng Đông Bài, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là sân bay quốc tế Nội Bài). Để đáp tấm lòng chân thành của cụ, Ban Thuyền học đã cho rời trường Tiểu học từ chùa Quán Sứ lên Kim Anh, thành lập trường Tiểu học Cao Phong. Ngày 2.12.1940, Thượng tọa Trịnh Mạnh Đinh, giám viện chùa Côn Sơn đã cúng cho Hội Phật giáo Bắc Kỳ, Hội đã cử Thượng tọa Tố Liên về Chí Linh, Hải Dương trụ trì chùa này và mở trường Tiểu học Côn Sơn (Tùng lâm Côn Sơn). Ngài vừa tổ chức khai khẩn và cach tác 50 mẫu ruộng tại đây vừa tham gia giảng dạy Tăng sinh.
Như vậy tới năm 1941, Hội đã lập được 4 trường Phật học: Đại học ở chùa Sở, trường Trung học tại chùa Quán Sứ, trường Tiểu học Cao Phong (Phúc Yên) và Côn Sơn (Hải Dương) với 69 học Tăng.
Năm 1941, ông chủ hiệu Nhật Chương ở phố Hàng Thiếc, Hà Nội là bạn thân của Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha cúng cho Hội một mẫu ruộng và toàn bộ số tiền xây dựng trường.nằm ở Quán Bún, làng Mọc Thượng Đình (Km số 7 đường tàu điện Hà Nội – Hà Đông). Hội giao cho ông Kha trông coi việc này. Khởi công từ giữa năm 1941 đến cuối năm 1944 Hội làm lễ khánh thành trường (được đặt tên là Phổ Quang) và tổ chức chiêu sinh. Ông Nguyễn Quang Oánh thanh tra nha Học chính Bắc Kỳ đã hưu trí được cử làm Giám đốc và sư ông Vô Vi làm Trưởng giáo. Trường có ban Sơ đẳng (gồm các lớp Sơ đẳng, Dự bị, Đồng ấu) khai giảng ngày 3.1.1945; Ban Trung đẳng (năm thứ 2 và năm thứ nhất); Ban Cao đẳng (đủ 6 lớp). Mỗi học sinh xin học phải có giấy khai sinh, xin vào những lớp Trung đẳng và Cao đẳng phải có học bạ và giấy chứng nhận của trường cũ. Học qui của trường theo như trường công. Với học phí thấp hơn trường ngoài, lại dạy cả nghề tiểu thủ công (vừa học vừa làm), trường Phổ Quang đã cuốn hút được nhiều học sinh gia cảnh khó khăn nhưng có chí tiến thủ nhập học. Trường Phổ Quang là trường vừa học vừa làm đầu tiên ở xứ Bắc – một mô hình giáo dục sáng tạo của Hội, được nhiều người ủng hộ.
Để có người đi làm giám thụ các trường Tăng học địa phương (tức định cách chọn học sinh và đặt chương trình giáo dục cho lớp học), ngày 16.10.1937, Theo đề nghị của HT Trung Hậu, Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc đã triệu tập chư Tăng họp phiên bất thường tại chùa Quán Sứ Hà Nội bầu Ban Tốc thành Sư phạm chư tăng tức mở lớp Sư phạm tốc thành. Đây là một ý tưởng mới và táo bạo. Rất tiếc cho đến cuối năm 1938, do Tăng sinh nhập học qúa ít, Hội lại phải tập trung kinh phí và nhân lực để làm chùa Quán Sứ nên phải hoãn lớp tốc thành sư phạm([1]).
Ít lâu sau, ngày 28.11.1937, Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, ông Nguyễn Trọng Thuật, sư cụ Bằng Sở – Trưởng ban Tài chính kiêm Chánh trụ trì chùa Sở, sư cụ Tế Cát, sư cụ thủ quỹ trụ trì chùa Hương Tích, sư cụ Cồn Đương gia chùa Quán Sứ, cụ Ngũ Xã kế toán, cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, giám sát cụ Bát Mẫu, đã họp tại chùa Quán Sứ, để bầu thêm Ban Trị sự Phật học Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hội đồng bầu Ban Chuyên trách đi khuyến hoá cả thập phương chùa cùng các thiện tín ở địa phương lo việc tài chính cho các trường của Hội, gồm: cụ Chánh giám trường, các sư ông: Phù Tải (Kim Thành, Hải Dương), Thanh Yên (Nam Sang, Hà Nam), Hà Mặc (Bình Lục, Hà Nam), Vô Phóng tự Thanh Mai đệ tử sư tổ chùa Muống, Hải Dương. Thượng tọa Tố Liên được bầu làm Thư ký.
Tuy nhiên, những khóa học, lớp học đầu tiên của các trường Phật học ở Bắc Kỳ chỉ dành cho tăng sinh. Chính vì vậy, Ni sư Tâm Nguyện trên báo Đuốc Tuệ, số 60 ra ngày 1 tháng 5 năm 1937 đã đăng bài “Lời than phiền của ni cô Tâm Nguyện”. bày tỏ sự bức xúc trước tình hình các trường Phật học do Hội đã mở trong thời gian qua chỉ dành cho tăng giới và cho rằng, điều này là một sự thiên vị và “khinh thường ni giới chúng tôi”. Từ đó, một mặt, Ni sư mong Hội mau chóng lập trường Phật học dành cho Ni giới “để chị em nữ ni niên thiếu có nơi học hành, có thầy dậy bảo, mong một ngày kia cũng xin đương vai gánh vác Phật pháp tuyên dương giáo hóa cho nhân dân, cho khỏi phụ chí hướng xuất gia đầu Phật”. Mặt khác, để thể hiện sự nhiệt huyết của mình, Ni sư Tâm Nguyện còn đề nghị phía Ni giới phải chủ động “hợp sức cùng nhau mở trường Phật học để chị em ta có nơi ăn học, chứ không nên bắc nước chờ gạo người”. Việc này, theo Ni sư Tâm Nguyện là có tính khả thi cao, bởi vì: “Nếu bây giờ các vị Thượng tọa bên Ni hiệp sức cùng nhau, nhờ bên tăng giúp đỡ phương pháp, thì trường học của chúng ta dựng thành dễ như trở bàn tay”. Đáp ứng yêu cầu trên của Ni giới, Hội đã lập trường Ni học (có 1 lớp Tiểu học và 1 lớp Trung học) do tổ Bằng Sở làm Chánh Đốc giáo. ở chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội (ban đầu đặt tại chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh) do các vị Thượng toạ Ni và mời các Ni sư ở Huế ra giúp về việc giảng dạy với trên 30 ni sinh. Tổng số Tăng Ni sinh ở 5 trường thiền học của Hội đã lên tới hơn 100 vị2.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Thượng tọa Tố Liên là người nhiệt liệt ủng hộ lời kêu gọi “diệt giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài Tăng già muốn nâng cao trình độ thời phải nhiệt liệt tham gia vào việc Bình dân học vụ” đăng trên nguyệt san Diệu Âm số ra tháng 6 năm 1946 – cơ quan hoằng pháp của ủy ban Tăng già Bắc Bộ, Thượng tọa viết: “Các chiến sĩ quyết hy sinh tính mệnh ra nơi chiến địa, chiến đấu với quân thù để giữ vững non sông đất nước, thì đằng này các giáo viên hy sinh hết tâm lực thì giờ để tiễu trừ giặc dốt cho quốc dân, hai đường đều có công ân cứu quốc cả. Riêng tôi, thì tôi nhận thấy việc Bình dân học vụ (BDHV) còn mật thiết hơn“ và Ngài, với tư cách Phó chủ tịch ủy ban Tăng già Bắc Bộ đề nghị “…. toàn cõi Việt Nam mỗi chùa đều lập 1 trường BDHV, trường học đó lại là trụ sở tuyên truyền báo chí, đó là một phương pháp cải tổ nhân tâm rất giản dị mà có rất nhiều hiệu quả. Hầu khắp nước Việt Nam, làng nào cũng có chùa, vị sư chủ chùa nào cũng gắng gỏi cũng nhiệt liệt với công cuộc BDHV như vậy thì chẳng cần phải bỏ bút mặc chiến bào mà vẫn thành công tiễu trừ giặc dốt xóa cái nạn dân ngu như vậy chả là một biện pháp cứu quốc có hiệu lực ư”. Chủ trương của Ngài đã được các chùa ủng hộ, nhiều Tăng Ni đã trở thành thày giáo góp phần tích cực vào công cuộc xóa nạn mù chữ ở Bắc Bộ.
Tháng 10 năm 1948, Thượng toạ Tố Liên trở về chùa Quán Sứ, Hà Nội cùng một số vị như Lê Toại, Trần Văn Đại, Nguyễn Đình Dương, Văn Quang Thùy … vận động tái thành lập Hội và đề nghị thành phố giúp đỡ Phật sự. Nhận thấy nhiều trẻ em Hà Nội thất học do thiếu trường sở, Thượng tọa đã cùng các vị nói trên xin phép thị trưởng thành phố thành lập Trường Bảo trợ giáo dục nhi đồng (BTGDNĐ) tại chùa Quán Sứ, dạy theo chương trình thế gian.
Từ 1.2.1949, nhờ sự vận động của Thượng tọa Tố Liên, phủ Thủ hiến Bắc Việt trợ cấp cho trường GDBTNĐ tại chùa Quán Sứ mỗi tháng 5000 đồng. Từ 1.5.1949, mỗi tháng phủ Thủ hiến Bắc Việt trợ cấp cho trường BTGDNĐ của Hội tại chùa Quán Sứ một vạn đồng.
Theo sáng kiến của Hội trưởng Tố Liên và Thượng tọa Trí Hải ngày 23.9.1949, trường Tăng học bậc tiểu học dạy theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục mang tên Khuông Việt được thành lập theo quyết nghị của Uỷ ban chấp hành Hội Tăng Ni Bắc Việt đặt tại chùa Quán Sứ (trên gác) do ông Nguyễn Ngọc Quỳnh là một vị hội viên làm Hiệu trưởng. Hoà thượng Tuệ Tạng – Tâm Thi (tổ Cồn) làm Đốc giáo đã làm lễ khai giảng.
Trước sự phát triển của đội ngũ sư Ni, Thượng tọa Tố Liên đã bàn với các vị trong Ban Quản trị nhanh chóng thành lập trường Ni học. Nhờ sự quan tâm của Ngài và sự giúp đỡ của Hội Phật học Trung Việt ngày 27.9.1949, Trường Ni học cũng mang tên Khuông Việt đặt tại chùa Vân Hồ (nay thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) Hà Nội đã làm lễ khai giảng. Trường do Ni sư Đàm Soạn làm Giám học và Quản chúng (năm 1951 bà mời Ni sư Đàm Đậu thay mình để bà chuyên lo việc giảng dạy). Hoà thượng Tuệ Tạng và các Thượng toạ Tố Liên, Trí Hải đã được mời làm giảng sư của trường, ngoài ra trường còn mời một số Ni sư trong Huế ra dạy. Chương trình học ngoài nội điển còn có tiếng Hán, khoa học phổ thông và tiểu công nghệ.
Thượng tọa Tố Liên là người đầu tiên khai thông việc cử tăng sinh ra nước ngoài đào tạo cơ bản. Với tầm nhìn chiến lược lâu dài phát triển Phật giáo nước nhà, tại hội nghị bất thường Hội PGTG tại Colombo, Xri Lanka (19.2.1951) nhân danh Đại diện Ban chấp hành Hội Phật giáo Thế giới tại Việt Nam Thượng tọa đã yêu cầu Hội Phật giáo Thế giới giúp đỡ cho các học sinh tăng Việt Nam được dễ dàng sang học Phật Pháp tại Xri Lanka, Ngài dự định gửi ngay 3 Tăng sinh sang một lúc sau khi dàn xếp xong. Nguyên lão nghị viên Justn Kotelawala hứa sẽ phát tâm cúng hàng tháng 75 Rupi để cúng dàng 3 vị học sinh Tăng này về việc ăn học. TT Tố Liên tỏ lời cảm ơn và ngài ước định gửi ngay số Tăng học sinh ấy trong thời gian gần nhất.
Sau ngày thành lập Giáo hội Tăng già Toàn quốc (14.9.1952) Thượng tọa Tố Liên với tư cách là Tổng Thư ký GHTG Việt Nam đã đề xuất với Hội Phật giáo Thế giới và các nước hội viên chấp nhận các nhà sư trẻ Phúc Tuệ (Quảng Độ), Chân Từ (Thanh Kiểm), Quảng Minh, Tâm Giác, Trí Không, Minh Châu… sang Ấn Độ, Nhật Bản và Xri Lanca tu học Phật pháp. Sau ngày tốt nghiệp về nước họ trở thành cầu nối Phật giáo Việt
Ngày 12 tháng 10 năm 1952, đọc thông điệp tại Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ hai tại Tôkyo, Nhật Bản trưởng phái đoàn Việt Nam Thích Tố Liên kêu gọi: “Phật tử phải thực hiện một sự lớn lao nữa trong địa hạt giáo dục, vì những người thiếu giáo dục sẽ bị người đời coi khinh. Riêng đọc sách không cũng chưa đủ. Người còn ngu dốt, người công dân thiếu giáo dục sẽ là những gánh nặng cho chủng tộc. hiện nay cần phải bành trướng nền phổ thông giáo dục cho quảng đại quần chúng chứ không phải chỉ riêng sự học chuyên nghiệp. Toàn thể dân chúng phải được giáo hóa để nhận định những điều phải trái. Trong sự giáo hóa quần chúng để đạt được kết quả mầu nhiệm hơn cả phải là công cuộc hoằng dương Phật pháp. Quảng đại quần chúng sẽ được giáo hóa để hiểu rõ những bổn phận và trách nhiệm để tạo thành những cuộc sống thực tế và hữu dụng. Dân chúng phải nhận định rằng đức hạnh và văn hóa là một vấn đề chung. Những sự mê tín làm bại hoại phong hóa và tổn hại tiền tài. Chính vì thế chư Tăng Ni phải giáo hóa để giác ngộ dân chúng. Nam nữ thanh niên phải được huấn luyện để hiểu rõ về Giới luật, về Chính tư duy và Chính mệnh.
Phải chăng đó là những lời tâm huyết về giáo dục Tăng Ni hoằng dương Phật pháp của Đại lão Hòa thượng Tố Liên – một cao tăng tài đức và tấm gương sáng cho đàn hậu tiến chúng ta ngày nay.
1 Chấn hưng Phật giáo nước nhà, Thiện Chiếu, Đông Pháp Thời báo số 532, ra ngày 14.01.1927.
2 Nói về sự lập ra Phật gia công học hội, Tỷ khiêu tự Lai, Khai Hóa Nhật Báo số 1657 ra ngày 12.2.1927
3 Biên bản số VII cuộc họp Ban Quản Trị và Ban Đạo sư Trung ương ngày 14.12.1934, tập Kỷ yếu số 1 Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra tháng 5 năm 1935.
4 Biên bản số XII, cuộc họp Ban Quản trị Trung ương ngày 17.2.1935. tập Kỷ yếu số 1 Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Và Biên bản số XXII, họp Đại hội đồng thường niên Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ, ngày 10 tháng 5 năm 1935 tại chùa Quán Sứ. Tập Kỷ yếu Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
5 Đuốc Tuệ, số 62 ra ngày 15 tháng 6 năm 1937, tr.20.
[1] Biên bản kỳ hội đồng bất thường chư Tăng. Đuốc Tuệ, số 72 ra ngày 1.11.1937, tr. 43-44; Công đức Thuyền học của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Đuốc Tuệ, số 90, 1.8.1938, tr. 9 -10.
2 Tờ trình của Phó Hội trưởng Bùi Thiện Căn tại Đại hội đồng Hội Phật giáo Bắc Kỳ họp ngày 13.9.1942.