Trang chủ Bài nổi bật Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Một bậc Thầy uyên bác, kỳ vĩ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Một bậc Thầy uyên bác, kỳ vĩ

800

Miệt mài giảng dạy, dịch thuật, làm thơ, đánh đàn, viết chữ thảo và phô diễn những tư tưởng triết học của hai nền văn hóa Đông Tây từ thời thập niên 60, 70 đứng trên bục giảng của Đại Học Vạn Hạnh, cũng như Viện Cao Đẳng Phật Học Chuyên Khoa Hải Đức Nha Trang, Thầy cũng có lắm lúc mộng kiêu hùng của Phương Trời Viễn Mộng trỗi dậy, và cứ thế mà dong ruổi bằng đôi chân trần, bằng đôi vai gầy qua những rặng đồi lau, rừng già, cỏ mục, lá úa, ăn sương nằm nắng trên những cánh rừng hoang vu nơi miền cao nguyên dân dã, nơi miếu cô hồn, hay lưng đèo heo hút. “Bất đắc chí độc hành kỳ đạo”. Chỉ đi một mình và một mình để xới lên những luống đất mới trồng những dãy cà non, vòng rau, liếp cải mà vui niềm đạo vị, dưới mái am tranh, độc cư Thiền định. Dù ai xuôi ngược bôn ba cái danh, cái lợi, cái huyễn mộng của cuộc đời, nhưng riêng mình thì sinh ra giữa lòng quê hương, dù có đắng cay chồng chất, dù có nghiệt ngã đủ điều, giữa dòng đời phế dưng dâu bể, Thầy vẫn chẳng hề lay động, mà còn khẳng định với chính mình là sinh ra ở đâu, thì chết ở nơi đó. Sinh ra giữa lòng đất mẹ Việt Nam thì lúc nhắm mắt cũng lấy nắm đất Mẹ Việt Nam mà phủ lấp thân ngũ uẩn này. Sá chi những tù đày, keo cư gian khổ, chỉ là chất liệu nuôi lớn chí hùng, của bậc Đại Trí. Đại Từ, Đại Hỷ, Đại Xả.

I. Cảm Niệm Ân Đức Của Bậc Thầy Giáo Thọ

Sau khi mãn niên Khóa 69-70 nơi Tu Viện Nguyên Thiều, Quy Nhơn, Bình Định, lớp học tăng được chuyển vào Phật Học Viện Nha Trang, tiếp tục học phổ thông trường Bồ Đề niên Khóa 70-71 đệ tam lúc bấy giờ. Chương trình này, anh em học tăng học được nửa niên Khoá thì không học nữa, vì Phật học viện mở lớp Phật học Trung đẳng Chuyên khoa, do vậy mà cả lớp đệ tam, học trường Bồ Đề lúc bấy giờ đều chuyển qua học Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học, Hải Đức Nha Trang. Đây là một bước ngoặt đáng kể cho sự tô bồi kiến thức Phật học, mà người trực tiếp giảng dạy – thân giáo sư, chính là Hòa Thượng Thiện Siêu, Hòa Thượng Trí Nghiêm, Hòa Thượng Đỗng Minh, Thầy Tuệ Sỹ…

Suốt bốn năm học Trung Đẳng Chuyên Khoa, ngày hai buổi ôm sách vở đến lớp ngồi đều đặn, Thầy Tuệ Sỹ cũng ngày hai buổi đến lớp với anh em học tăng như là bổn phận trách nhiệm của bậc Thầy chăm lo đàn con, đàn hậu học không bỏ sót một giờ. Thầy dạy trò học. Thầy dò bài trò không thuộc, Thầy bỏ lớp về phòng, một đỗi sau, Thầy trở lại nói: “Tui dạy quý Thầy phải ráng mà học. Học cho quý Thầy chứ chẳng phải học cho tui. Khi xưa tui học đâu có được lớp lang như quý Thầy. Nếu quý Thầy học mà không thuộc bài, tui sẽ không dạy nữa.” Chỉ bấy nhiêu lời nói thôi, mà cả lớp im phăng phắc vì sợ Hòa Thượng Đỗng Minh biết Thầy bỏ dạy là có chuyện lớn. Vì Hoà Thượng Đỗng Minh rất thương quý Thầy Tuệ Sỹ. Do vậy mà Hoà Thượng đã để Thầy Phước An lúc bấy giờ gần gũi với Thầy để cùng uống trà trò chuyện cho vui, cũng như giúp đỡ công việc hằng ngày. Bây giờ Thầy Phước An đã thành Hòa Thượng rồi, và là một cây bút gạo cội trên diễn đàn văn học Phật giáo hôm nay. Hòa Thượng Đỗng Minh lo cho Thầy Tuệ Sỹ đầy đủ mọi phương tiện, nhưng Thầy Tuệ Sỹ đã không thọ nhận gì cả, ngoài ba bộ đồ vạt hò, chiếc áo nhật bình hai vạt phai màu, dài tới đầu gối đơn sơ, mộc mạc chừng ấy, đi đôi dép lép xẹp.

Thầy không sang cả, không cầu kỳ, không xa hoa phung phí. Thầy chỉ có một thân hình ốm teo. Một đôi mắt sâu thẳm. Một chiếc trán cao, và đôi tay gầy để đánh máy chữ – bàn máy đánh chữ lúc bấy giờ, nghe như mưa rào, nhanh, liên tục. Đôi tay gầy đó còn đánh dương cầm, guitar, và cầm bút lông để viết chữ thảo Vương Hy Chi… cầm phấn đứng trên bục giảng viết chữ nho, giảng văn học Trung Hoa: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thuỷ cộng tràng thiên nhất sắc.” Thầy sống với anh em học tăng thật giản dị, ăn uống như anh em học tăng, sinh hoạt như anh em học tăng, không có chế độ đặc biệt. Chỉ có điều đặc biệt là Thầy quá thông minh, bác học hơn anh em học tăng. Thầy có một tâm hồn tuyệt vời, cao vút, hơn người. Thầy có một trời kinh, luật, luận. Thầy có, có tự thuở nào. Có từ thời tiền kiếp, từ thuở Đạo Sư, mà ngày hôm nay Thầy đã thị hiện như một bậc Tam Tạng Pháp Sư làu thông kinh điển. Thầy có cả một tâm hồn thơ văn ngất ngưởng, chơi vơi – Giấc mơ Trường Sơn. Phương Trời Viễn Mộng. Ngục Trung Mị Ngữ:

“Ta không buồn, có ai buồn hơn nữa?
Người không đi, sông núi có buồn đi?
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa;
Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi.”

“Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng.
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu.
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng.
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều.”

“Phụng thử ngục tù phạn.
Cúng dường Tối Thắng Tôn.
Thế gian trường huyết hận.
Bỉnh bát lệ vô ngôn.”

“Đây bát cơm tù con kính dâng
Cúng dường Đức Phật đấng Tôn Thân
Thế gian chìm đắm trong máu lửa
Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương.”

“Vấn dư hà cố tọa lao lung?
Dư chỉ khinh yên bán ngục trung.
Tâm cảnh tương trì kinh lữ mộng.
Cố giao già tỏa diện hư ngung.”

“Hỏi mình sao phải lao tù?
Song thưa cửa ngục có tù được mây?
Kiên trì cuộc lữ vàng bay
Lời xưa còn đó phút giây không sờn.”

Bao tiếng dương cầm trong buổi ban mai chõi nhịp, trong thư phòng, sách vở ngổn ngang chất chồng, loại nào cũng có, tiếng gì cũng đủ và bản thảo nào cũng dở dang còn đó. Như một Tô Đông Pha Phương Trời Viễn Mộng. Một Heidegger bước nhảy của con chim Hồng. Triết học Tánh Không. Huyền thoại Duy Ma Cật. Thắng Man Giảng Luận… Dạ thưa nhiều lắm, không kể và không nói hết với một sở học cỏn con của anh em học tăng thời ấy.

Vào những buổi chiều sau giờ cơm, Cô Bảy cho ăn một cách giản tiện, trời êm ả, mát không gió, Thầy và vài anh em học tăng lên đồi tháp sắt ngồi mà kể chuyện vui. Thầy kể chuyện tiếu lâm nhà Thiền trong ý vị thân tình, giữa Thầy trò không có sự ngăn cách, thật gần gũi. Thời ấy cuộc sống của Phật Học Viện thật êm ả. Không có sự xáo trộn nào từ ngoại cảnh. Thầy chỉ lo giảng dạy. Học tăng chỉ lo mà học. Thầy trò sống đậm đà tình thương yêu kính trọng. Cứ thế thời gian bốn năm trung đẳng trôi qua như giấc mộng. Nhớ lại ngày nào Thầy từ Vạn Hạnh- Sài Gòn ra Nha Trang để đảm nhận việc giáo thọ. Giờ này thì đã tốt nghiệp Trung đẳng chuyên khoa rồi.

Từ dáng dấp trên chiếc ghế ngồi. Từ hình dáng trên bảng viết. Từ âm ngôn của giọng Quảng Bình- Paksé, Lào của Thầy đã làm cho anh em học Tăng có một sự quý kính mới lạ, gần gũi không khoảng cách. Đơn sơ, dung dị của một bậc Thầy đã đem cái sở học vốn có của mình, mong trao truyền lại cho thế hệ mai sau, nhưng có điều đáng tiếc là anh em học tăng không đủ kiến thức để tiếp nhận kiến văn quảng bác trác việt của Thầy trao truyền. Ngày tháng dần trôi đến ngày thi tốt nghiệp Cao Đẳng.

II. Thời Gian Lắng Đọng Theo Từng Hơi Thở

Đây là lúc mà anh em học tăng phải chong đèn để học thi lên Cao Đẳng. Phía sau Tăng đường là một hành lang rộng. Trên vách tường là một dãy bảng đen và đèn sáng suốt đêm. Học tăng chỉ có học và học.

Chỉ có ôn bài một cách không ngừng nghỉ. Sau bốn năm tiếp nhận được bao nhiêu thì giờ này, giở ra mà ngấu nghiến lại, ráng mà nuốt hết vào bụng để mà thi, mà đậu, mà rớt, mà buồn, mà vui lẫn lộn; kẻ ở người đi thời gian ân tình khó nói, có ai ở trong cuộc mới hiểu nỗi niềm. Người đậu thì được ở lại Viện tiếp tục lên Cao Đẳng, còn người rớt thì phải dự thính hay trở về Bổn Sư, chùa mình. Đây là một tâm trạng của đời học tăng.

Vào thời gian thi lên Cao Đẳng, Thầy là người ra đề thi khó nhất, chấm điểm đúng nhất bằng giá trị của bài làm, không thiên vị hay nể tình Thầy trò gì hết. Khi nào bách bộ, chuyện trò thì thoải mái bình đẳng, tự nhiên thanh thản, còn bây giờ là thi để tô bồi kiến thức, kiện toàn khả năng để làm việc Phật, nên Thầy đã nói: “Quý Thầy hãy học và học thật sự cho mình một kiến văn uyên bác để phụng sự cho Phật Pháp, và không uổng phí công lao của quý Ôn lo lắng. Thời của tui học khác, thời của anh em học khác, nhưng mục đích là một. Ôn Già Lam tuổi đã già. Ôn Trí Nghiêm, Ôn Đỗng Minh cũng vậy, nhưng quý Ngài không nề hà gì hết, chỉ chăm lo đào tạo Tăng tài.”

Thầy luôn nhắc nhở, đừng cô phụ của đàn na tín thí, Phật tử cúng dường cơm ăn, nước uống, sách vở để học thì mình phải trả lại công ơn bằng cách nỗ lực học tập chu đáo, đàng hoàng, vì của đàn na tín thí khó tiêu.

Những giờ thi được tổ chức tại lớp học, thỉnh thoảng Thầy chắp tay sau lưng đi qua một vòng, nét mặt nghiêm nghị, không như khi trước Thầy trò nói cười trên kim thân Phật Tổ, nơi tháp sắt, lầu chuông… Thầy Nguyên Hồng chống dù đứng nhìn nơi góc phòng bên trái, trông có vẻ như một thầy “Tân Tăng”, trong dáng dấp tân tiến thời đại, làm cho không khí càng căng thẳng, anh em học Tăng chẳng ai dám cựa quậy gì hết, chỉ cúi đầu viết, đúng, sai, hay, dở phó mặc cho Bồ Tát Quan Âm gia hộ. Thời gian một tuần lễ thi năm ngày trôi qua, quả thật là không an nhàn chút nào. Lo lắng, bàng hoàng hiện rõ trên khuôn mặt của anh em học tăng. Nhưng một điều an ủi là có Ôn Già Lam, Ôn Thiện Siêu, Ôn Đỗng Minh… luôn có mặt nơi Viện. Ôn Trừng San thì lo cơm nước với trách nhiệm là Giám Sự nên cũng yên tâm, bớt căng thẳng phần nào, đợi đến ngày có kết quả.

Buổi lễ nhận chứng chỉ tốt nghiệp bốn năm Trung Đẳng để bước vào thềm Cao Đẳng Chuyên Khoa được tổ chức tại trai đường, diễn ra thật trang nghiêm, Ôn Thiện Siêu chủ tọa với tư cách chánh chủ khảo. Còn Thầy thì trao chứng chỉ. Ôn Đỗng Minh ngồi cầm quạt nhẹ nhẹ, cười cười… trông phát sợ cái oai nghi trời phú. Thời gian học Cao Đẳng chỉ tròn có một năm, vì biến cố đất nước, nên Viện phải đóng cửa.

III. Bụi Thời Gian Phủ Kín Gót Hài Lửng Lơ:

Ôn Thiện Siêu ở trên cốc của Ôn Già Lam, còn Thầy thì ở trong phòng nơi thư viện, một hôm Thầy họp chúng, trình với Ôn Thiện Siêu Viện trưởng rồi để nghị anh em học tăng ngồi lại để dịch kinh. Viện Cao Đẳng Hải Đức Nha Trang dịch Trung A Hàm. Viện Cao Đẳng Huệ Ng- hiêm Sài Gòn dịch Trường A Hàm. Như vậy là có việc để làm mà không thừa thải thời gian luống qua. Bắt tay vào công việc, anh em học tăng mỗi người nhận một số kinh về phòng chăm lo mà dịch từ Hán Tạng. Ôn Thiện Siêu chứng nghĩa, còn Thầy thì nhuận bút chuyết văn. Thầy Phước An đọc bản thảo còn người viết thì đánh máy trọn bộ Trung A Hàm 5 tập bằng giấy carbon. Chăm chỉ làm việc, những tưởng sóng êm gió lặng, thuyền đời lướt sóng trôi xuôi. Mới vừa dịch xong bộ Trung A Hàm, thì một buổi sớm mai im lìm, cửa đóng then cài mà bóng hình Thầy đã biến đâu mất, anh em học tăng đi tìm mà không thấy. Ôn Đỗng Minh, Ôn Trừng San là người lo lắng nhất, và cũng kể từ đây Viện buồn.

Anh em học tăng xa đi một bậc Thầy khả kính mà suốt đời không quên. Làm sao quên được, một thân gầy còm, mà phải làm công việc Giám Học Học Vụ, lo cho cả một chương trình học cấp Cao Đẳng Chuyên Khoa, cho các giáo sư Ngô Trọng Anh, nhà văn Tiểu thuyết Doãn Quốc Sĩ, Giáo Sư Cao Hữu Đính, nhà văn Võ Hồng, thầy Võ Đình Dzũ… Chăm sóc từng giờ học, đi canh thiền từng giờ ngồi của anh em học tăng, không bỏ đêm nào. Dù mưa hay gió, ngọn đồi Trại Thủy, vẫn ôm trọn hình hài Thầy trong những bước chân khuya. Thầy sống với tinh thần giáo dục người một cách trọn vẹn. Giáo dục học tăng một cách nghiêm khắc bằng bản hoài: “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức.” Làm sao quên được, đêm càng về khuya ngọn đèn phòng khi tỏ khi mờ vì bị che khuất bóng Thầy bên khung cửa hẹp, từ đó Thầy đã:

“Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc
Một lần đi là vĩnh viễn con tàu.”

Vĩnh viễn con tàu, đi về một mình trên chuyến tàu xuôi ngược về đêm, trên cánh đồng hoang phá rừng, lật đất, trồng bí, tỉa ngô, thì ra Thầy đã không ở Viện nữa mà đáp chuyến xe lửa xuôi về miền thùy dương cát trắng Vạn Giã, Tu Bông, lên núi để làm rẫy; qua bài thơ Ta Biết:

“Ta biết mi bọ rùa
Gặm nhắm tàn dây bí
Ta vì đời tranh đua
Khổ nhọc mòn tâm trí.

Ta biết mi là dế
Cắn đứt chân cà non
Ta vì đời đổ lệ
Nên phong kín nỗi hờn

Ta biết mi là giun
Chui dưới tầng đất thẳm
Ta vì đời thiệt hơn
Đêm nằm mơ tóc trắng.”
(Rừng Vạn Giã 76)

Trong thời gian này Thầy sống như thế. Khi thì thoạt thấy ở Viện, khi thì Thầy ở rừng Vạn Giã, ở Chùa Linh Sơn một cách phiêu bồng, như Phương Trời Viễn Mộng, như cánh hải âu nghìn trùng bạt gió, vô định:

“Chân đồi xanh luống cải.
Đời ta xanh viễn phương.
Sống chết một câu hỏi.
Sinh nhai lỡ độ đường.”

“Giữa Thiên đường rong chơi lêu lổng
Cõi vĩnh hằng mờ nhạt rong rêu
Ta đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng
Đốt mặt trời vô hạn cô liêu.”

Vô trụ xứ Niết Bàn là vô tung của các bậc Đại Sĩ. Đi không đến chốn về không tới nơi, cứ mãi thõng tay vào chợ mà vui cùng gió trăng, sơn thuỷ. Nằm trong chiếc lều tranh trong mùa hạ, nơi miền quê dân dã, để thấy phượng hồng nở rộ, để nghe rộn tiếng ve kêu mà quên đi bao hình ảnh nhộn nhịp phố thị tưng bừng xuôi ngược, và bao nỗi bon chen, buôn quan bán chức của một xã hội xuôi dòng, trù dập lặn hụp bao rác rưởi rong rêu.

“Ve mùa hạ chợt về thành phố
Khóm cây già che nắng hoang lương
Đám bụi trắng cuốn lên đầu ngõ
Trên phím đàn lặng lẽ tàn hương
Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương.”

Bối cảnh thời đó là tiếng nổ đột biến dội vào tâm thức để dựng thành những vách tường đồng. Trên đỉnh Trường Sơn, trong lòng đại dương, trên cánh đồng hoang vu sinh tử nắng quái Thầy đã đột phá tất cả những huyễn tượng thời đại, những thành quách ảo huyền của thế nhân, tục lụy. Thầy đã đi trên cao, trên đỉnh đồi thế kỷ, để dựng thành một bức chân dung thời thượng như thật, chống gậy thiền trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, trên núi Yên Tử, trong chốn nhà Thiền, như một lão Thiền Sư khô mộc, mà cho đến hôm nay bức chân dung đó, trượng thiền Tăng đó còn rực sáng trên dòng lịch sử thiền ca, văn học, như các bậc Đạo Sư thời xưa. Đây chúng ta nghe Triết gia Phạm Công Thiện nói: “Một con người vừa là Thi Sĩ vừa là Thiền Sư, vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần vô công dụng hạnh của bậc Bồ Tát. Hành động tích cực, mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng, vì không tham vọng, ích kỷ mù quáng, cho nên nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham sân si của thế tục, cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng. Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ, thi nhân với pháp khí phi thường là Trí tuệ Bát nhã cùng với lòng Đại bi thơ mộng. Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng, dẫn đường soi sáng Thể mệnh của Sử tính quê hương”. Và chúng ta nghe tiếp nhà thơ Tâm Nhiên nói: “Bắt chước Phạm Công Thiện, người viết cũng muốn ca ngợi tán thán Tuệ Sỹ, một Thiền Sư Thi Sĩ vĩ đại, một trái tim kim cang bất hoại vô uý, nhưng ca ngợi làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa lạ thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi.

Thôi thì chỉ xin kính tặng một bài thơ bình dị:

“Những phương trời viễn mộng đi
Thi ca tư tưởng bước kỳ ảo qua
Đọa đày một thuở ta bà
Nỗi đau rực cháy thấy ra tột cùng
Ôi! Giấc Mơ Trường Sơn rung
Rúng hồn tim máu chợt bùng vỡ mơ
Kinh thiên động địa sững sờ
Đâu chân diện mục của Thơ với Thiền?
Mặc như lôi ngồi tịch nhiên
Nghe ban sơ vọng ngân huyền diệu âm
Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm
Từ vô tận ý vang thâm thiết niềm.”
(Tâm Nhiên)

Còn thi sĩ Bùi Giáng thì sao: “Chỉ một bài thơ Tuệ Sỹ đã trùm lấy hết mọi chân trời mới cũ từ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương. Bài thơ không đề:

“Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn…”

Đồng thời cũng trong thời gian này, Thầy tập chú vào lĩnh vực dịch kinh Tạng A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, giảng giải Kinh Thắng Man, Duy Ma Cật… và nhiều thể loại khác. Thầy như lão Tăng miệt mài bên chồng kinh sách. Đây là dĩa mực Tàu, cây bút lông, viết thư Pháp, kia là chiếc máy đánh chữ cũ mèm gõ nhịp không ngớt. Làm và chỉ làm cho một sự nghiệp cha ông, tiền nhân, lịch đại Tổ Sư còn để lại. Kính ngưỡng, bái phục một sức người ròng rã, không mệt mỏi đi ngang qua thời gian như tuổi đời chồng chất. Văn hóa, học thuật, thi ca, tư tưởng Đạo Pháp, kinh văn, giáo dục… như là tư lương, hành trang trên đôi vai Thầy nặng trĩu, cưu mang. Những nỗi niềm thế nhân có thể hoang phế, đến rồi đi thành rồi bại; như bọt hải âu trên đại dương trồi rồi lặn, hiện thành rồi tan vỡ, những ân tình của Thầy đối với thế hệ trẻ dù tăng hay tục Thầy đã hết sức quan tâm; quan tâm một cách mật thiết, nhiệt thành; quan tâm như quan tâm hơi thở của chính Thầy. Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên Huế. Thầy viết: “Các con thương quý, Trong những ngày gần đây, những biến động tuy làm sửng sốt thế giới nhưng hầu như chỉ làm gợn sóng một ít nơi đây để giữ yên cho giấc ngủ đông miên kéo dài qua hai thập kỷ của Phật giáo Việt Nam…Các con lớn lên trong thời đại thanh bình, nhưng các con lại bị ném vào giữa một xã hội mất hướng. Quê hương và đạo pháp là những mỹ từ thân thương nhưng đã trở thành sáo rỗng…Thế hệ các con được giáo dục để quên đi quá khứ. Nhiều người trong các con không biết đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là gì; đã làm gì và cống hiến những gì cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, hòa bình dân tộc, trong những giai đoạn hiểm nghèo của lịch sử dân tộc và đạo pháp của đất nước. Một quá khứ chỉ mới như ngày hôm qua mà di sản vẫn còn đó nhưng đã bị chối bỏ một cách vội vàng. Di sản được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng bao tâm tư qua bao khổ lụy đau thương, bằng máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật tử; mà những người gầy dựng nên di sản đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục… Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chiều theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực…” Lời thư sách tấn, gửi cho thế hệ trẻ, nếu ai có duyên đọc thì sẽ cảm nhận, một cảm giác thấm thía, chân tình, đầy hào khí chân thân của một bậc Thầy trên đỉnh cao.

IV. Cuộc Trùng Phùng Như Một Chứng Tích Kiêu Sa Hay Chỉ là Bóng Chiều Nghiêng Đổ.

Lưu lạc trên khắp mọi nẻo đường, bóng thời gian thăm thẳm, khỏa lấp những bước chân trần bụi đỏ lưu vong. Từ miền quê hương cát trắng, tới vùng cao nguyên sông hồ, từ cánh rừng già, đồi hoang, phố thị, cho đến mái chùa u tịch, đìu hiu, có mặt như là hiện thân của vị Bồ Tát vô phân biệt. Tới năm 1980 người viết được duyên lành gặp lại Thầy nơi Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, mà không biết Thầy ở đó tự bao giờ, sau những ngày phiêu bồng Phương Trời Viễn Mộng.

Ấy thế là nhân duyên hội ngộ thời, thành lập lớp học Cao Cấp Phật học bốn năm do Ôn Già Lam bảo trợ. Ban giáo thọ là Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Minh Châu, Hòa Thượng Thiện Siêu, Hòa Thượng Đỗng Minh, Hòa Thượng Chơn Thiện, Thầy Mạnh Thát, Thầy Nguyên Hồng và Thầy Tuệ Sỹ trong ban giáo thọ. Lại miệt mài học như thuở xưa vì có Ôn Già Lam đứng mũi chịu sào nên ai cũng yên tâm tu học, mặc dù có những lần nửa đêm anh em học tăng phải bỏ dép dưới gốc cây vú sữa leo lên mái chùa mà trốn công an soát hộ khẩu. Cứ thế, khi bình, lúc chiến, khi nhặt, lúc khoan lần lựa bốn năm học cao cấp rồi cũng qua. Lại một lần nữa Thầy là người trực tiếp giảng dạy cho anh em học tăng nhiều nhất. Cái tình Thầy trò càng ấp ủ, càng thâm trầm, càng gắn bó như chim liền cánh. Từ Tu Viện Quảng Hương Già Lam đến thư viện Vạn Hạnh ngày hai buổi Thầy trò gặp nhau, có đêm làm Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển mấy Thầy trò thức trắng đánh máy, quay Ronéo làm cho kịp ngày sinh nhật 19 tháng 09 của Ôn Già Lam – Tập I Phần Đầu Chữ A.

Anh em học tăng của lớp Cao Cấp Phật Học Quảng Hương Già Lam Tu Viện ra hải ngoại khá nhiều, đến nay hiện còn Hòa Thượng Nguyên Siêu, Hòa Thượng Giác Như, Hòa Thượng Nhựt Huệ, Hòa Thượng Minh Dung, Cư Sĩ Tâm Huy, Cư Sĩ Tâm Quang, Cư Sĩ Như Hùng – Hoa Kỳ; Hòa Thượng Thiện Quang, Thượng Tọa Nhật Quán – Canada; Hòa Thượng Quảng Ba, Cư Sĩ Đức Niệm – Phan Thiết (Úc)… Còn những vị đã mất ở Mỹ có Hòa Thượng Thái Siêu, Hòa Thượng Quảng Thanh, Hòa Thượng Hạnh Tuấn, Hòa Thượng Đức Niệm – Quảng Nam, và Cư Sĩ Quảng Trừ – Úc… Anh em học tăng được học với Thầy bốn năm cao cấp Phật Học dưới mái Tu Viện Quảng Hương Già Lam như một giấc mơ trông mòn con mắt, đất bằng dậy sóng, trời thinh không nổ toạc chân mây, cướp đi bút nghiêng, sách vở, chiếc ghế học đường vắng bóng Thầy, lối đi dấu mòn hiu quạnh, chiếc lá rơi nơi hiên chùa, nào ai nhặt, bóng xế chiều tà nào ai hóng bên vách tường rêu. Cây vú sữa, chiếc ghế đá đã bao lần in dấu, bóng Thầy trong chiếc áo nhựt bình lam, Thầy đã bị người Cộng Sản Việt Nam bắt cùng một lúc với Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Ni Trưởng Trí Hải cùng nhiều quý Thầy khác.

Giam cầm tù ngục, kết án tử hình rồi lại chung thân. Bao cảnh đoạ đày, lầm than cơ cực. Một kiếp thiên tài lạc bước, sanh nhằm thế kỷ đảo điên. Ôi! thân hình, mỏng manh như lau sậy. Nhưng lau sậy có tư tưởng, gió thổi lau sậy không rạp đầu, vẫn thẳng lưng, ngẩng cao cổ mà không gãy. Đây là khí khái của bậc sĩ phu trước thời đại, nhiễu nhương, dâu bể, Thầy không nao núng, muộn phiền, không trách ai. Tĩnh tọa trong tù để quán chiếu nội tâm, một niềm bình an, tự tại:

Biệt Cấm Phòng
“Ngã cư không xứ nhất trùng thiên
Ngã giới hư vô chân cá thiền
Vô vật vô nhơn vô thậm sự
Tọa quan thiên nữ tán hoa miên”

Xà Lim:
“Ta ở tầng trời không vô biên
Nơi ấy tịch nhiên Thiền thật Thiền
Không vật không người không đa sự
Nhìn xem hoa vũ bởi Tiên thiên.”

Bán Niên Tù:
“Biệt thế phong quan cận bán niên
Đan sa hiện quỷ ngộ thần tiên
Thanh tu bất đoạn ma hồng chưởng
Khuynh đảo nam sơn quái lão thiên.”

Nửa Năm Tù:
“Gần sáu tháng nhốt riêng phòng kín
Đất màu hoa quỷ tưởng thần tiên
Dài râu đen cọ bàn tay đỏ
Lật đổ trời Nam lão quái thiên.”

Nằm tại bệnh viện Nhật Bản để trị bệnh, nhưng Thầy vẫn không quên bổn nguyện phụng sự Phật pháp được xương minh, Tam Tạng giáo điển được chuyển dịch thành Việt ngữ. Từ đây Thầy đã tạo thành một vận hội mới; vận hội thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp, Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Qua lời Hậu Từ, Thầy viết: “Trải qua trên dưới hai nghìn năm du nhập, những giáo nghĩa căn bản mà Đức Phật đã giảng được học và hành tại Việt Nam, đã đem lại nhiều an lạc cho nhiều cá nhân và xã hội, đã góp phần xây dựng tình cảm và tư duy của các cộng đồng cư dân trên đất nước Việt, thế nhưng, sự nghiệp phiên dịch cũng như ấn hành để phổ biến Thánh điển, làm nền tảng sở y cho sự học và hành, chưa được thực hiện trên quy mô rộng lớn toàn quốc… Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết, trên nương nhờ uy thần nhiếp thọ của chư Phật và thánh Tăng, cùng với sự tán trợ của chư vị Trưởng Lão hiện tiền trong hàng Tăng Bảo, kêu gọi sự hỗ trợ, cống hiến bằng tất cả tâm nguyện và trí lực bằng tất cả hằng sản và hằng tâm của bốn chúng đệ tử Phật cho sự nghiệp hoằng pháp đệ nhất tối thắng này được tiến hành vững chắc và liên tục từ thế hệ này cho đến nhiều thế hệ tiếp theo, duy trì ngọn đèn chánh Pháp tồn tại lâu dài trong thế gian vì lợi ích và an lạc của hết thảy chúng sinh.”

Để rồi từ đây quý Thầy Cô, Cư sĩ Phật tử từ trong nước đến hải ngoại đã nhiệt tâm, ý thức được trọng trách mà ngồi lại với nhau dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của Thầy để phiên dịch, ấn hành Đại Tạng Kinh. Thành quả sơ khởi được thành tựu và giới thiệu đó là Thanh Văn Tạng Giai đoạn I, Phần 1- 29 tập, đã được ra mắt và gửi đến một số quý Tự Viện, và Tăng Ni, Cư Sĩ. Đây là niềm vui mà Thầy trò đã có được trong hai năm qua. Nét mực chưa ráo, dòng chữ chưa nhòa ấn hành Thanh Văn Tạng chưa xong… còn nhiều thứ nữa Thầy ơi! Vậy mà Thầy đã viết Thông Bạch, Quyết Định… để chuyển giao cho người khác. Tình nào cho thấu, ruột nào không thương, đành đoạn giữa đường, phân ly đôi ngả. Dẫu biết rằng, sanh tử là của con người, sống chết trong mắt của bậc Đại Sĩ Xuất trần thì giống như hoa đốm giữa trời không, như huyễn mộng không thực, như thành Càn Thát Bà, như đốm nắng đồng hoang. Sanh tử đến đi như giấc mộng, nhưng Bạch Thầy, đó là cái tu, cái chứng, cái sở ngộ của Thầy, còn chúng con là hàng hậu học, nghiệp trọng phước khinh, chướng thâm huệ thiển, lấy tài nào để phiên dịch Đại Tạng, lấy đức nào để nhiếp phục nhân tâm, tồi tà hộ chánh, ngổn ngang trăm đường, thấy mà đau, nhìn mà xót. Sao nghiệp vận oái oăm, duyên Phật Pháp chẳng thuận, để cho việc phiên dịch Đại Tạng Kinh thành tựu viên mãn, rồi Thầy hãy về hầu Phật, như vậy có vui hơn không, có trọn vẹn nghĩa tình, hạnh nguyện hiến dâng trong Phật Pháp!

Kính bạch Thầy, duyên Phật trong đời, trên chúng con đã có Thầy. Duyên đời trong Phật, dưới Thầy còn có chúng con, nguyện đồng hành đến vô lượng kiếp, cưu mang ân đức, một đời sáng soi.

San Diego, California-USA ngày 24 tháng 09 năm 2023
Khể Thủ
Thích Nguyên Siêu