Trải qua 13 năm lặn lội tận các phum sóc, xóm làng xa xôi, Hòa thượng Thích Minh Hạnh đã hỗ trợ xây dựng gần 500 điểm cầu bê tông, xóa đi sự cách trở của “cầu khỉ” tại vùng sông nước miền Tây. Từ đó, người dân, các em học sinh vùng sâu vùng xa có thể đi lại dễ dàng, thuận tiện.
Sinh ra lớn lên tại miền Tây sông nước, hơn ai hết Hòa thượng Thích Minh Hạnh thấu hiểu sự vất vả của người dân và các em học sinh mỗi khi vượt qua những chiếc “cầu khỉ” treo leo để đi làm, đi học.
“Trước đây, do điều kiện kênh rạch chằng chịt, người dân tại các phum sóc, vùng sâu vùng xa đi lại rất khó khăn. Đặc biệt, những lúc trời mưa nhìn các em học sinh phải chật vật qua cầu khỉ để đến trường. Nhìn cảnh đó, tôi rất xót xa. Từ đó tâm nguyện xây những chiếc cầu bê tông để xóa cầu khỉ đã luôn thôi thúc trong đầu” – Hòa thượng Thích Minh Hạnh chia sẻ.
Nghĩ là làm. Năm 2008, với nhiều khó khăn, vất vả ban đầu nhưng bằng tâm huyết, Hòa thượng Thích Minh Hạnh đã đứng ra vận động người dân, mạnh thường quân ủng hộ tiền, vật tư, ngày công lao động… để tổ chức xây dựng hoàn thành 3 cây cầu bê tông đầu tiên trên địa bàn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Hòa thượng Thích Minh Hạnh cho biết: “Lúc đầu triển khai xây cầu cũng gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Do đó, tôi và một số phật tử trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để có thể xây được nhiều điểm cầu bê tông hơn nữa, với chi phí thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo chắc chắn, bền bỉ”.
Cũng từ đó, ngoài hoạt động Phật sự của mình, người tu sĩ Thích Minh Hạnh đã bỏ nhiều thời gian, công sức để tự mày mò, tìm hiểu, học hỏi các kỹ thuật làm cầu. Để tiết kiệm chi phí xây dựng, Hòa thượng Thích Minh Hạnh đã tự nghiên cứu thành công phương pháp xây cầu bê tông “độc đáo” không cần dùng đến các máy móc cơ giới phức tạp.
“Cách thức xây cầu này cũng khá đơn giản. Thay vì dùng máy móc cơ giới phức tạp để làm trụ, móng cầu, chúng tôi sẽ dùng khoan thủ công bằng tay, khoan sâu vào lòng đất. Sau đó đổ cột nhồi kiên cố, kế đó là đổ các đà và làm mặt cầu bê tông. Cách làm này giúp rút ngắn thời gian thi công, dễ làm và tiết kiệm chi phí rất lớn” – Hòa thượng Thích Minh Hạnh chi sẻ.
Để thuận tiện trong triển khai xây dựng cầu, Hòa thượng Thích Minh Hạnh đã vận động, tập hợp thành lập được đội làm cầu thiện nguyện với gần 20 thành viên. Hầu hết, họ là những “lão nông” tâm huyết cống hiến sức mình để xây dựng quê hương.
Với cách làm sáng tạo trên, mỗi năm Hòa thượng Thích Minh Hạnh cùng đội làm cầu của mình xây dựng được trên 30 điểm cầu bê tông lớn, nhỏ khác nhau với thời gian thi công mỗi điểm cầu chỉ mất 15-45 ngày.
Đặc biệt, chi phí xây cầu chỉ bằng 1/3 giá thị trường, vì không mất chi phí thuê cơ giới, thiết kế, đo đạc, nhân công… Trong đó, chi phí vật tư xây dựng đều do các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp, người dân thụ hưởng sẽ đóng góp ngày công lao động để xây cầu.
Tại những nơi đội làm cầu của Hòa thượng Thích Minh Hạnh triển khai xây dựng, đều nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng từ chính quyền địa phương và đông đảo người dân. Chính nhờ đó, trải qua 13 năm (từ năm 2008 đến nay), mô hình “Nhịp cầu yêu thương” của “ông sư làm cầu” hay “ông vua xây cầu” (tên người dân trìu mến gọi Hòa thượng Thích Minh Hạnh) đã xây dựng được gần 500 điểm cầu giao thông nông thôn kiên cố. Nhiều điểm cầu có quy mô khá lớn (ngang 2,5-3m, dài hàng chục mét) xe tải nhỏ có thể qua giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, học sinh đi học dễ dàng.
Hòa thượng Thích Minh Hạnh bộc bạch: “Để làm được gần 500 điểm cầu bê tông xóa cầu khỉ không chỉ cho là công sức của mình tôi, mà đó là cái tâm của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm gần xa, là sự đồng lòng, quyết tâm của người dân và chính quyền địa phương. Để không còn cảnh “ngăn sông cách trở”, tôi tâm nguyện khi nào còn sức khỏe sẽ còn tiếp tục xây dựng để được 1.000 điểm cầu cho bà con vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn”.
Với những đóng góp của mình, năm 2012, Hòa thượng Thích Minh Hạnh vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về việc “Đã có thành tích tham gia đóng góp công tác xã hội từ thiện từ năm 2007-2011, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Đến năm 2015, Hòa thượng Thích Minh Hạnh tiếp tục vinh dự nhận được Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ thiện xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ năm 2010-2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngoài những ghi nhận trên, Hòa thượng Thích Minh Hạnh còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ các bộ ngành, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Sóc Trăng.
Hòa thượng Thích Minh Hạnh hiện là Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng; Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2016-2021. Nhận được sự tín nhiệm từ đông đảo người dân, Hòa thượng Thích Minh Hạnh tiếp tục được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2021-2026.