“Khó khăn nên mới cần Tăng Ni trẻ… dấn thân”
Trước kỳ khai mạc Đại hội Phật giáo VII, PV Kienthuc.net.vn đã có cuộc trao đổi với HT Thích Gia Quang – Phó Tổng thư ký HĐTS TƯGHPGVN, đồng thời là trưởng BTS Phật giáo của hai tỉnh vùng núi (Cao Bằng và Tuyên Quang – PV). “Đối với vùng núi thì tín ngưỡng văn hóa đa dạng, nếp sống nhiều hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con. Gần như 100% là người dân tộc, không phải ai cũng hiểu và biết nói tiếng Kinh. Mặt khác, bản chất người dân tộc là thuần hậu, thật thà nên rất dễ bị tà đạo lợi dụng.
Còn đối với vùng nông thôn, thường có trình độ dân trí chưa cao, kinh tế còn nhiều khó khăn, địa bàn giao thông cách trở, nếu đến chùa thì lại theo kiểu… mê tín dị đoan. Do đó, việc hoằng pháp còn gặp nhiều khó khăn lắm” – HT Thích Gia Quang cho biết.
“Tăng Ni trẻ cần phải dấn thân hơn vì đạo pháp dân tộc” – Hòa thượng Thích Gia Quang kỳ vọng |
Hoằng pháp là đem giáo pháp của đức Phật phổ biến và truyền bá sâu rộng đến những nơi Phật pháp không có hoặc chưa được phát triển; những nơi mà người dân vẫn còn “đói” pháp của Như Lai. Theo HT Thích Gia Quang hiện nay, hầu hết các Tăng Ni trẻ sau khi tốt nghiệp các trường Phật học lại tập trung hoặc có tư tưởng muốn ở các Thành phố lớn hoặc những nơi có “chùa đẹp, Phật tử đông” để hoằng pháp thuận tiện hơn.
Ít người “dám” hoặc “chịu” về nông thôn, vùng sâu vùng xa, những vùng mới khai phá, kinh tế mới. Trong khi đó tính Phật không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, Thành thị hay nông thôn, giàu hay nghèo…Theo đó đã dẫn đến hiện tượng thừa thiếu Tăng Ni trẻ giữa các vùng miền. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng và phát triển hoằng pháp nói riêng và Phật giáo nước ta nói chung. Do vậy, Tăng Ni trẻ càng phải dấn thân đến những nơi đang gặp khó khăn trong công tác hoằng pháp, phục vụ chúng sinh.
Giáo hội cần phải quan tâm và hỗ trợ Tăng Ni trẻ… hơn nữa
Việc hoằng pháp ở những nơi gặp khó khăn là giảng dạy giáo pháp để người dân nghe, hiểu và hành đúng pháp của đức Phật, nhằm mang lại an lạc, giải thoát. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất được áp dụng dưới thời đức Phật cũng như thời nay.
Hòa thượng Thích Gia Quang |
“Tuy nhiên, với những điều kiện khó khăn kể trên, thêm vào đó đa số Tăng Ni trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc hoằng pháp cho nên khó khăn càng nhiều hơn. Điều này đòi hỏi lãnh đạo các cấp Giáo hội phải có những quan tâm và hỗ trợ kịp thời đối với những Tăng Ni trẻ đã, đang và sẽ dấn thân về những vùng… chướng duyên” – HT Thích Gia Quang mong muốn.
Trò chuyện với nhiều Tăng Ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn (Hà Nội), PV Kienthuc.net.vn thấy được nhiều người có tâm nguyện hoằng pháp ở vùng sâu, vùng nông thôn, muốn dấn thân về những nơi hẻo lánh. Mặc dù mấy năm lại đây, Tăng Ni trẻ đã nhận được sự quan tâm của Giáo hội song có lẽ vẫn chưa đủ và kịp thời để cho Tăng Ni trẻ thực hiện việc phụng sự đạo pháp và thỏa mãn tâm nguyện cao cả của mình.
“Lãnh đạo Giáo hội nhiệm kỳ VII cần tạo điều kiện và quan tâm hơn nữa để Tăng Ni trẻ sau khi ra trường có cơ hội được phục vụ đạo pháp, đem kiến thức Phật học chia sẻ cho tha nhân. Đó là một thực tế cần phải làm” – một Ni sinh lớp Ni 3 của HVPG Việt Nam tại Hà Nội kỳ vọng. Còn theo HT Thích Gia Quang, Ban Hoằng pháp TƯ phải thường xuyên mở các khóa bồi dưỡng hoằng pháp ngắn hạn hay các khóa học cho các Tăng Ni trẻ trụ trì tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Mặt khác, cần phải hỗ trợ một số pháp khí cũng như vấn đề Kinh sách, tranh ảnh, băng đĩa Phật pháp, tượng Phật cho các tự viện còn “nghèo nàn”. Ngoài việc, hỗ trợ Tăng Ni trẻ về tịnh vật (đồ dùng – PV) thì lãnh đạo Giáo hội cần có những trợ duyên thiết thực để động viên và khuyến khích Tăng Ni trẻ. “Có như vậy, đội ngũ Tăng Ni trẻ mới có ý thức và sẵn sàng dấn thân về những nơi xa xôi, thiếu vắng Phật pháp để hướng dẫn, truyền bá giáo lý của Đức Phật phổ cập cho đồng bộ” – HT Thích Gia Quang khẳng định.
Theo: Kienthuc.net.vn