Trang chủ Tin tức HÒA THƯỢNG THÍCH CHÍ ĐẠO- BẬC THẦY KHẢ KÍNH

HÒA THƯỢNG THÍCH CHÍ ĐẠO- BẬC THẦY KHẢ KÍNH

148

 Uỷ viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
– Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam; 
– Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Tam Kỳ;
– Nguyên Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Phú Bổn;
– Nguyên Uỷ viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng;
– Nguyên Chánh đại diện Phật giáo thị xã Tam Kỳ;
– Trụ trì chùa Hoà Quang, phường An Mỹ, Tp. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
 
Tịch tịch Lăng-già nguyệt,
Phương phương Hương Tích châu.
Chí cao tề Thứu lĩnh,
Đạo hiển tự Thần tinh.

Tôi có duyên lành được xuất gia với vị hiền huynh của Hòa thượng ở tuổi đồng chơn nhưng may mắn được gội ơn lành của Hòa thượng từ lúc mới nhập đạo đến những ngày tháng hầu cận ngài trên giường bệnh. Tâm tình mộc mạc, lời dạy thiết tha của Hòa thượng đã khắc sâu trong tâm khảm tôi hình ảnh một bậc Thầy khả kính, làm niềm tin vững chãi cho tôi trên bước đường tiến tu đạo nghiệp mỗi khi tưởng nhớ đến Người.

Nói đến “Thầy Chí Đạo”, những chú điệu tại chúng an cư kiết hạ tập trung ở thị xã Tam Kỳ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước không điệu nào là không “run sợ” trước những hình phạt nghiêm khắc của Thầy mỗi khi các điệu phạm lỗi; đồng bào vùng đất Quảng ai ai cũng nghe danh Thầy với mật hạnh khó suy, giới đức uy nghiêm, tấm lòng khoan dung đức độ. Song, pháp tướng Thầy lúc nào cũng toát lên vẻ ung dung tự tại, đầy lòng vị tha, tâm lượng từ hòa không phân biệt sang hèn, lão ấu. Những ai đến với Thầy cũng cảm nhận được sự gần gũi, bao dung, dù người ấy là Phật tử thuần thành hay những người mới lần đầu bước chân vào già-lam Thánh địa.

Thầy sống giản dị, luôn tôn kính những bậc trưởng thượng, không từ nan những trọng trách mà giáo hội giao phó, sống hết lòng với người dân vùng lân cận ngôi chùa mà Thầy trụ trì suốt 40 năm qua. Tâm bình đẳng không phân biệt nơi Thầy được thể hiện rõ trong việc xử nhân tiếp vật hằng ngày, dù là người thân hay kẻ sơ, nếu ai cần Thầy giúp việc gì, hoặc đem tâm thành thỉnh nguyện Thầy về tư gia làm lễ kỳ an, kỳ siêu, Thầy đều hoan hỷ nhận lời. Thầy đã mang lời kinh tiếng kệ của chư Phật, chư Tổ đến hóa độ khắp miền đất Quảng, từ thành thị đến thôn quê. Dù công việc Phật sự nơi Thầy bề bộn, nhưng hằng ngày Thầy vẫn đều đặn lên chánh điện hành trì kinh kệ. Bộ kinh Diệu pháp liên hoa là thời khóa tu tập hàng ngày của Thầy từ ngày này đến ngày khác, từ năm này đến năm nọ không bao giờ xao lãng. Những năm cuối đời, mặc dù sức khỏe không còn kiện khang như trước nhưng Thầy đem tâm lực còn lại của mình phát nguyện kiến tạo ngôi già-lam khang trang, làm nơi tu tập cho tứ chúng, công việc sắp hoàn thành thì Thầy lâm trọng bệnh và ung dung tự tại quảy dép về Tây.


 

Những lần được hầu chuyện bên Thầy, tôi thấy mình như được sống lại những tháng ngày sơ tâm hành điệu, lắng lòng nghe Thầy kể những câu chuyện thiền môn. Nhiều lần ngồi chứng kiến Thầy chú nguyện cho những trẻ con thường khóc đêm hoặc những người mang nhiều căn bệnh “khó hiểu”, năng lượng từ bi của Thầy không thể nghĩ bàn, nhiều người sau khi tiếp cận với Thầy và được truyền năng lượng tâm linh bởi những mật ngữ mà Thầy chú nguyện thì dường như căn bệnh lạ của họ được đẩy lùi. Một trong những phương tiện hành đạo của Thầy là những chiếc bùa bằng chữ Phạn được tẩm bởi một ít dầu hương tràm, nhưng có công năng chuyển hóa được thân bệnh và tâm bệnh chúng sinh, nhờ đó Thầy hướng mọi người đến với đạo ngày một nhiều hơn. Sau khi chú nguyện, Thầy thường căn dặn mọi người không được sát sinh hại vật khi trở về với công việc đời thường. Chỉ vài lời dặn dò mộc mạc thôi, cũng đủ thấy được tình thương của Thầy không những đối với những người thiếu phước mắc phải bệnh tật mà còn cứu vớt được các loài chúng sinh sắp bị nhổ lông xẻ thịt.

Thiết nghĩ, nếu hàng ngũ xuất gia trẻ ngày nay noi theo một phần công hạnh hoặc giới đức tu tập của Thầy thì lo gì ngôi nhà chính pháp bị gió tà kiến lung lay, tổ ấn tông phong lo gì nghiêng ngả! Trong cảnh đời rồng rắn lẫn lộn, thánh phàm bất phân, bả lợi danh đã lấn vào mảnh đất già-làm thanh tịnh mà vẫn còn những vị tu hành chân chính, bao dung độ lượng, không màng chút lợi danh như Thầy, quả là bậc Thầy khả kính hiếm gặp! Nếu đàn hậu học trong đời Mạt pháp hôm nay có duyên lành được sống với những bậc Thầy như thế thì con đường tu học chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành tựu.

Lần Thầy tái khám và chữa trị cuối cùng tại bệnh viện Chợ Rẫy, tôi có duyên được lai vãng hầu cận Thầy ít lần. Khi ấy Thầy còn khỏe, đi lại nói năng bình thường, và Thầy mang một nỗi niềm khắc khoải: “Năm nay, các vị tôn túc ở Quảng Nam – Đà Nẵng đi hết mấy vị rồi!” Tôi ngồi im lặng nâng hai bàn chân Thầy lên xoa bóp các huyệt đạo cho Thầy đỡ mỏi, và Thầy vẫn chuyện trò bình thường nhưng trên long dung của Thầy thoáng chút tiếc thương những vị Tôn túc thiền môn đã ra đi. Không biết có phải một điềm gì báo trước hay không mà trước đó vài tháng tôi có sáng tác một bài thi kệ bằng chữ Hán để kính dâng lên Thầy thưởng thức với món tài hèn văn chương của tôi. Trong bài kệ này tôi dùng bốn chữ “Chí Đạo Pháp Hoa” đặt ở đầu mỗi câu thơ để nói về đạo hiệu và tán thán công hạnh hành trì kinh Pháp hoa của Thầy:

Chí nguyện huân tu lụy kiếp lai,
Đạo tâm kiên cố nhật bồi tài.
Pháp lưu tam giới nhân thiên nhuận, 
Hoa phát liên đài phức úc tai!

Lần đến thăm Thầy ở bệnh viện trước đó, tôi chép bài kệ này vào mảnh giấy tập và dâng lên Thầy, Thầy đọc xong có vẻ đắc ý rồi xếp làm đôi bài kệ nhẹ nhàng nhét vào túi áo. Sau đó, khi ra Hà Nội công tác, tôi có nhờ nhà thư pháp Quang Thắng viết bài kệ này trên giấy lụa trông thật bắt mắt. Rồi một lần trà dư tửu hậu tại thư phòng tu viện Huệ Quang- Sài Gòn, tôi đem bức thư pháp vừa mới viết này ra khoe với những vị pháp lữ đồng tu và được thầy Nguyên Hiền dịch thành bốn câu thơ lục bát:

Trải bao kiếp số tu hành
Gieo trồng căn thiện thập thành đạo tâm.
Pháp tràn ba cõi thiên nhân
Ngát lừng hương tịnh chín tầng phẩm sen.

Thầy đã theo bước chân tượng vương vào miền Tịch diệt, chuông chùa Hòa Quang trầm hùng còn đó, bảo tháp Tịch Phương Cảnh sừng sững còn đây, chốn không môn mây ẩn đóa ưu đàm, phòng phương trượng đèn thiền leo lắt bóng. Âm dung đức độ vang mãi thời gian, Tổ ấn tông phong non sông gửi lại; bến nhân ngã rơi đôi dòng châu lệ; bờ tịch diệt ngài tự tại thong dong.

Cung lâm lễ tưởng niệm chung thất Hòa thượng, bậc lương đống của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Quảng Nam nói riêng, nhằm tưởng nhớ một bậc Thầy bao dung đức độ, từ miền đất Cao nguyên sương mờ giăng phủ, con xin hướng vọng về vùng đất Quảng đảnh lễ giác linh Người.

Trăng Lăng-già vằng vặc,
Gạo Hương tích thơm tho.
Chí cao tày non Thứu,
Đạo sáng tợ sao Mai.

Nam-mô tự Lâm Tế chính tông tứ thập ngũ thế, Hòa Quang tự trụ trì, húy thượng Quảng hạ Trai, tự Chí Đạo, hiệu Tịch Phương, giác linh Hòa thượng thùy từ chứng giám.

 

 

                             Mật Ấn trai – Đà Lạt, ngày 20 tháng 1 năm 2015
                                      Tỷ-kheo THÍCH HOẰNG TRÍ khể thủ