Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm sách tấn tu học đầu năm cho...

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm sách tấn tu học đầu năm cho Đạo tràng Trúc Lâm Sùng Phúc

427

Chúng con thành kính đảnh lễ Tam Bảo và ngưỡng vọng về chư Tôn Thiền Đức- những người Thầy mô phạm dẫn đầu chúng sinh trên đường giác ngộ giải thoát để dâng lên mong ước khát khao cầu học Pháp trong năm mới, nhằm tạo duyên lành cho mọi người biết và đến được với giáo Pháp của Đức Phật, chúng con xin phụng ghi bài pháp thoại của Hòa Thượng và gửi tới đại chúng để cùng chiêm nghiệm, tư duy và thực hành. Nếu có điều gì thiếu sót khi phụng ghi bài giảng, chúng con xin được sám hối quý Ngài cùng toàn thể đại chúng:

(Hòa thượng quang lâm chứng minh và thuyết giảng bài Pháp đầu năm tu học PL.2558 cho Đạo tràng Sùng Phúc)


“Thưa chư tôn Thượng tọa, Đại đức Tăng ni trong pháp hội hôm nay, trong không khí của đất trời mùa xuân, trong tinh thần đại hoan hỉ, đại hòa hợp của những người con Phật trong giáo pháp Thế Tôn, tôi rất vui mừng là nhìn về quá khứ nhiều năm qua, dù bận thế nào thì tôi và đạo tràng Trúc Lâm Sùng Phúc rất có duyên trong ngày khai pháp nên luôn có đủ duyên lành để có mặt…Chúng ta nhìn lại trang sử vàng của đức Thích Ca Mâu Ni, nhìn vào đó chúng ta thấy hạnh viễn ly, xả ly, khiêm nhẫn rời bỏ mọi dục lạc thế gian như đôi câu đối tại chùa Quán Sứ tán thán hạnh của Ngài:

Phải: 歷劫為明君為良將為孝子為導師運用真如結無量善緣莊嚴福海

Trái: 現世棄珍寶棄國城棄王位棄妻孥圓成大覺說恆沙妙法拔濟迷流

Phiên âm:

Lịch kiếp vi minh quân, vi lương tướng, vi hiếu tử, vi đạo sư, vận dụng chân như kết vô lượng thiện duyên trang nghiêm phúc hải.
Hiện thế khí chân bảo, khí quốc thành, khí vương vị, khí thê noa viên thành đại giác thuyết hằng sa diệu pháp bạt tế mê lưu.

Dịch nghĩa:

Đã từng làm ông vua sáng, làm tướng giỏi, làm người con có hiếu, làm thầy truyền đạo, vận dụng những giáo pháp tạo dựng những thiện duyên làm đẹp cho đạo.

Ngay trong đời này bỏ hết cả của cải, cả quốc gia, cả ngôi vua, cả vợ con, chỉ tập trung vào học đạo, ngộ đạo và truyền đạo để giúp cho chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Nói về cuộc đời đức Phật Thích Ca, kiếp cuối cùng giáng sinh vào cung thành Ca-Tỳ-La-Vệ dòng Gô-Ta-Ma, với thân là hoàng thái tử con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-da. Về danh vọng và ngũ dục thì có biết bao người muốn đạt tới. Thế nhưng ngài lại thấy điều đó là vô thường, giả tạm, đổi thay từng phút chẳng ngừng. Như Đại sư Trí Hải nhận xét “ngoảnh mặt đi đã hết mất rồi”,… “hợp rồi lại tan”. Ngài thấy cuộc đời như vậy nên xin xuất gia với vua cha tới 3 lần, từ bỏ ngai vàng bệ ngọc, quốc gia xã tắc, vợ đẹp con khôn, mỹ nữ cung tần…  để rồi 6 năm khổ hạnh, 49 ngày đêm thiền định và thành đạo. Từ đó chuyển pháp luân mọi nơi để giáo hóa chúng sinh, ngày nay những thánh tích để lại từ cuộc đời đức Phật vẫn còn có giá trị giáo hóa nhiều chúng sinh. Có được như vậy do ngài xả bỏ tất cả, Ngài nhìn rõ những thứ ngài xả bỏ. Từ một vị hoàng thái tử mang tương lai là quốc vương sau đó một mình vào núi tuyết tu khổ hạnh sau khi đã học hết với mọi ngoại đạo, khát uống nước suối, đói ăn ngô rừng.

Tôi còn nhớ trước kia khi còn nhỏ, được  nghe ngài Trí Thủ nói “Đức Phật ngày xưa Ngài bỏ tất cả mọi thứ”, Hòa thượng Tâm Tịch đáp “Ngài xả nhất thiết cho nên ngài đắc nhất thiết”. Sau này học, tôi thấy hai câu này ý nghĩa tuyệt vời.

Chúng ta thấy Đức Phật xả tất cả, viễn ly tất cả, nhẫn nhục tất cả nên năm nay 2014 này, nước ta được vinh dự đăng cai tổ đại chức lễ Vesak. Từ tấm gương chói rọi của ngài, nhìn nhận tới các bậc tổ sư như ngài Ma-Ha-Ca-Diếp, ngài Trần Nhân Tông Điều ngự giác hoàng…

Như ngài Trần Nhân Tông khi xưa đã từng 3 lần xin vua Thánh Tông để được nhường ngôi cho em rồi xin Vua cha đi xuất gia. Ngài xin nhường lại cái mà biết bao người thèm khát, thậm chí dẫn tới chiến tranh, con giết cha, mẹ giết con, anh em giết nhau để tranh giành. Khi ngài lên ngôi, ngài đã kham nhẫn mọi công việc, lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược. Sau khi làm tròn trách nhiệm, ngài xả bỏ coi mọi thứ xa hoa như chiếc dép rách để lên Yên Tử sáng lập dòng Thiền đậm đà văn hóa Việt. Ngài là tấm gương viễn ly, xả ly, kham nhẫn tuyệt vời.

Lời dạy của Bồ Tát Tỳ-Bà-Thi trong bài kệ đầu đề cao hạnh nhẫn nhục trong việc tu tập đến con đường của bậc thánh “Nhẫn nhục đệ nhất đạo, Phật thuyết vô vi tối. Người dân mình cũng đề cao chữ Nhẫn: “Chữ Nhẫn là chữ chuông vàng, ai mà nhẫn được vừa sang vừa giàu”. Chữ Nhẫn được thể hiện Đao ở trên, Tâm ở dưới. Nhẫn nên phải nhục. Làm việc gì cũng phải lấy tâm gương của Phật, của Tổ, của Thầy mà làm. Khi xưa do phát nguyện, thực hành đại nguyện đó mà các vị thành tựu viên thành.

Hôm nay, Phật tử chúng ta phát nguyện sắp xếp mọi công việc, vượt qua mọi khó khăn, thực tập quán chiếu viễn ly xả ly. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đức Phật cũng dạy mọi thứ do tâm tạo, tâm an thì thế giới bình, tâm bình thì thế giới an. Nếu chúng ta biết quán chiếu công việc, theo dõi hơi thở, hành động, thì sẽ biết sắp xếp mọi công việc. Như chúng tôi mỗi ngày xem lịch nếu không biết quán chiếu, kham nhẫn, sắp xếp thì sẽ đau khổ, Nhưng chúng tôi thành công được vì biết sắp xếp cái gì làm trước, làm sau, luôn phải kham nhẫn, để làm việc. Mỗi người không ai không có việc, từ già đến trẻ.

Chúng ta biết rằng “Vọng tình dị tập, thánh đạo nan văn”, đó là hai vế câu đối ở chùa Bồ Đề. Cái dở thì người ta thường học nhanh lắm, còn cái thật thì học rất lâu và khó. Chúng ta phải thực tập quán chiếu nó, xây dựng được nề nếp học tập cho tốt. Như ngày tu tập, chúng ta có nhiều chướng duyên để nghỉ như bận rộn, sức khỏe, thời tiết, lười biếng… đó chính là ma giải đãi cản ta, ta phải sử dụng lực tinh tiến để khắc phục. Cứ như vậy, sử dụng đức nhẫn nhục thì ta làm gì cũng được trong các thời khóa tu tập. Các vị tu sĩ trẻ càng phải nên nhớ tới kẻo sau này cũng sẽ bị cái chướng của tuổi già cản trở.

Ngày xưa, đức Đệ Nhị Pháp chủ có dặn: “sáng ra trời rét đừng nhìn trong chăn ra thì không dậy được, mở mắt thì phải lật chăn, ngồi bừng ngay dậy, tĩnh tọa một lúc rồi bước xuống thì sẽ không thấy rét mà giờ ấy mới dậy tụng kinh lậy Phật sáng sớm được”. Lời dạy đó được chúng tôi nghe theo, thực hành suốt mấy chục năm nay rồi.Tôi còn nhớ buổi trưa ngài nằm nghỉ mà không đắp chăn trời rét, rón rén đắp chăn cho ngài, ngài cản lại và nói đừng có đắp, đắp vào là không dậy được đâu, nằm ngủ đủ cho đỡ mệt thôi để lát nữa dậy. Cái cuộc sống, tinh thần của các ngài như vậy chúng ta phải biết, phải nhớ để thực hành trải nghiệm bởi vì tất cả mọi việc đều có chướng ngại cả, chúng ta mà không luôn luôn thực hành quán chiếu thì không bao giờ hoàn thành được cả. Nhẫn nhục là hạnh cao cả nhất, sự khiêm cung là rất quan trọng.

Trong bộ Kinh Pháp hoa có hẳn phẩm Thường Bất Khinh, là vị Bồ Tát luôn luôn tôn trọng mọi người, luôn nhắc nhở Phật tính trong mỗi con người. Phật tính của Phật và chúng ta là như nhau, nhưng chúng ta là chúng sinh vì chúng ta còn chấp, còn cống cao ngã mạn, tham sân si mạn nghi. Ngã mạn là một trong năm Ngũ độn sử, chúng khó trừ  vì thâm căn cố rễ từ vô thủy kiếp. Nhưng chúng ta không để nó chi phối chúng ta. Ngài Thường Bất Khinh luôn nhắc mọi người là “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài sẽ thành Phật cả” tức là mọi người đều có Phật tính, nên nương vào Phật tính. Nhưng mọi người đâu có biết, có những hành vi không tốt với ngài, nhưng Ngài vẫn điềm nhiên nhắc nhở “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài sẽ thành Phật cả”. Chúng ta hãy luôn luôn tôn trọng mọi người, giữ nghiêm 5 giới để tôn trọng, bảo vệ cuộc sống cho mình và cho tha nhân. Trong xã hội người ta thường thương những con người biết khiêm cung lễ độ. Phật tử, tăng ni chúng ta tu học, sống với nhau thì đức nhẫn nhục, khiêm cung, lễ độ càng phải nhớ kỹ. Chung đụng trong nhân gian, hành xử phải không tì vết, không phiền não. Thái độ này không chỉ chúng ta áp dụng trong nội bộ đạo Phật mà còn đối với thế giới, đối với cả tôn giáo bạn nữa.

Một ngày tu học là một ngày thực tập hạnh xuất gia, cả với người đã xuất gia hay người tại gia. Đó tức là ra khỏi cái nhà thế tục, ra khỏi những tính nết gây ảnh hưởng không tốt với người khác. Khi chúng ta đến chùa, mọi việc thế sự nên gác lại, buông tất cả. Phiền não chỉ là khách trần mà thôi, nó tạo cho chúng ta đau khổ, trầm luân thì chúng ta nên biết để từ bỏ chúng đi. Ngày hôm qua chúng ta có thể còn phiền não, còn hành động không tốt thì hôm nay ta nguyện không gây thêm oán với ai nữa, và dứt khoát ra khỏi cái nhà phiền não, cũng tức là ra khỏi sinh tử luân hồi. Bữa ngọ không bao giờ tôi xa đại chúng, tôi về với đại chúng bởi sự trân trọng trong giờ cúng ngọ, thể hiện sự nâng niu, trân trọng, hòa ái với đại chúng trong bữa ăn. Đó cũng là sự tinh tấn.

Vì chúng ta luôn “vọng tình dị tập“. Cái tốt nó không dễ, nhưng không phải là chúng ta không làm được, chúng ta phải vượt qua bằng sự kham nhẫn, bằng đức hy sinh. Chúng ta cứ thực tập đi thì đến ngày tu chúng ta quen rồi, chúng ta nhớ vô cùng. Các bạn trẻ khi vào khóa tu cho thanh thiếu niên, ngày một ngày hai có thể chán, nhưng những ngày sau quen rồi, có khi cuối khóa tu lại khóc, lại không muốn về, để rồi sau này chỉ mong có khóa tu để được quay lại.

Tôi lưu ý các vị đừng nghĩ đi tu là sướng, đi tu đúng chữ thì vất vả lắm. Nhưng chúng ta phải biết buông bỏ, có bỏ tất cả mới được tất cả, như đức Thích Ca chúng ta hạnh xả ly rất lớn, cho nên năm nay 2638 năm rồi nhân loại vẫn kính ngưỡng và tổ chức ngày sinh của ngài. Người tu sĩ bỏ tất cả mọi thứ của thế gian mà được vinh danh chữ “Thầy”. Có lúc chúng ta gặp thuận duyên, nhưng cũng có lúc nghịch duyên: lên giảng đường mà người ta không lên nghe, có lúc người ta nói này nói kia… với đức nhẫn nhục, chúng ta sẽ vượt qua được. Với các vị Phật tử, có gia đình thuận lợi, có gia đình rất khó khăn, phải trốn chồng, vợ để được đi chùa. Đừng lấy đó làm chướng duyên, cố gắng làm người Phật tử chân chính, lấy đức để cảm hóa mọi người. Có một ngôi chùa trước đây hoằng pháp gặp nhiều khó khăn, dân không tin đạo Phật, vợ ra chùa thì chồng đứng trước chùa nói những điều không tốt, con ra chùa thì bố đánh… tôi đã khuyên các vị đó cứ nhẫn nhục, làm những điều Phật dạy. Và đến một ngày những người gây ra các chuyện đó đồng loạt ra chùa xin sám hối.

Trong kinh Phật dạy khi Ngài hỏi ngài Phú Lâu Na khi ngài đi thuyết pháp:

-Nếu người ta không tin, người ta mắng thì sao? -Thì con thấy may vì họ chưa đánh con.

-Thế họ đánh thì sao? -Thì con thấy may vì họ chưa đánh chết con.

-Thế họ đánh chết thì sao? -Thì con được giải thoát.

Đó là tấm gương hoằng pháp vĩ đại chúng ta cần phải nhớ.

Hôm nay, tôi xin gửi lời nhắn nhủ, khuyến tấn tới các vị trong quá trình tu hành trong cuộc sống, mong các vị tinh tiến hơn, vượt qua mọi khó khăn, phải làm việc dựa trên tinh thần kham nhẫn, tinh thần nhẫn nhục và vượt khó để chúng ta thành tựu trong sự nghiệp tu tập, thành tựu trong chương trình tu học cả năm nay của chúng ta. Cầu chúc cho chư tôn đức, toàn thể các Phật tử chúng ta viên thành sự nghiệp, là người Phật tử, là người sứ giả Như Lai, học đến đâu tâu đến đó, học rồi ra chuyển hóa cho mọi người, để mọi người xung quanh đều thấm nhuần giáo pháp Phật, để cùng xây dựng Phật quốc lưu ly tại thế gian, tại đất nước chúng ta, chúc cho thiện nguyện càng ngày càng phát triển, càng ngày càng là điểm đến của tất cả mọi thế hệ, mọi tầng lớp nhân dân, Phật tử, về đây tu hành chuyển hóa để cùng viên thành đại nguyện như đức Phật đã dạy, như đức Phật đã mong muốn, chúc cho tất cả mọi người an lạc trong chánh pháp.

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”