Trang chủ Tin tức Hoà thượng Minh Thông thảo luận chủ đề “Giới luật trong Phật...

Hoà thượng Minh Thông thảo luận chủ đề “Giới luật trong Phật giáo thời đại mới”

540

Hội nghị sinh hoạt hành chánh Giáo hội và khoá Bồi dưỡng trụ trì năm 2018, do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, Q.10. TP.HCM; Sáng ngày thứ 3 của Hội nghị (02/11/2018), Hòa thượng Thích Minh Thông – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng BTS, Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM quang lâm chủ giảng đề tài: “Giới luật Phật giáo trong thời đại mới”, với sự tham dự của 1.370 chư Tôn đức Tăng Ni các ban ngành chuyên môn trực thuộc BTS GHPGVN TP.HCM, BTS Phật giáo 24 quận, huyện và Trụ trì các tự viện trên toàn thành phố.

Buổi học đặc biệt, có sự hiện diện và lắng nghe của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Ban thường trực HĐCM, Trưởng ban BTS GHPGVN TP.HCM, Ngài ngồi ở dãy ghế các học viên Tăng Ni với phong thái ung dung tự tại, đức độ khả ái… làm cho chúng hội đạo tràng vô cùng hoan hỷ bởi  được thọ nhận nguồn năng lượng pháp lạc lan toả từ Ngài.

Mở đầu cho buổi thuyết giảng, Hòa thượng Thích Minh Thông nhắc đến phương châm: “Đoàn kết – Hòa hợp – Trưởng dưỡng đạo tâm – Trang nghiêm Giáo hội”, với phương châm này đã thể hiện được tinh thần hòa hợp của Phật giáo Việt Nam. Ngài chia sẻ: Muốn đạt được tinh thần đó, Tăng Ni chúng ta cần phải siêng năng tự thúc liễm thân tâm, nghiêm trì giới luật; Xã hội càng hoà nhập và nền văn minh nhân loại càng phát triển thì bổn phận của người tu sĩ chúng ta càng phải chú trọng giữ gìn Giới Luật nghiêm túc hơn, có như vậy người xuất gia mới không bị đánh mất mình theo dòng xoáy của thế cuộc. Đức Phật dạy: “Giới luật còn, Đạo pháp còn; Giới luật mất, Đạo pháp mất”, lời dạy này rất mong quý vị đừng quên.

Hòa thượng dành nhiều thời gian phân tích và mở rộng các vấn đề thực tiễn của Giới Luật để áp dụng trong đời sống hiện tại; Đó là các vấn đề về Chỉ Trì (liên quan trực tiếp với bản thân), tức là không vi phạm những giới pháp đã thọ, giúp ngăn ngừa những việc bất thiện nơi thân tâm để hộ trì Giới thể; Tác Trì (liên quan đến tập thể), tức là những pháp sự, những thiện sự phát khởi cần phải thực hiện đúng theo chánh pháp, “Trì” do “Tác” mà thành. Qua đó, Ngài nhấn mạnh hai vấn đề “Tánh giới” và “Giá giới” để Tăng Ni vận dụng Giới luật một cách linh hoạt trong thời đại mới. Đối với Tánh giới, tự tánh nó là ác, dù Phật chế hay không chế, nếu phạm đến, phải chịu tội theo luật pháp thế gian và luật nhân quả. Đối với Giá giới, tự tánh nó không ác, nhưng Phật nêu hai lý do cần phải giữ gìn: Một là vì sợ phạm trọng; Hai là vì tránh sự chê bai của thế gian.

Trong mỗi giới điều đều hàm chứa tinh thần “khai, giá, trì, phạm” nói lên được tính chất tuỳ duyên của Giới luật Phật giáo, mỗi hành giả chúng ta phải nắm rõ được điều này mới có thể vận dụng, xử lý được các tình huống trong cuộc sống mà không bị vi phạm. Ngoài tính chất quan trọng của các trọng giới, các giới khác, Đức Phật tuỳ căn cơ, tuỳ quốc độ của chúng sanh để chế định nên Giới luật không mang tính chất khô cứng mà luôn uyển chuyển, thích nghi trong mọi quốc độ. Một xã hội phát triển, những giới điều không còn thích hợp, không nên áp dụng, còn những luật cấm của quốc gia, tuy không có trong Giới luật nhưng hàng đệ tử Phật cũng phải cập nhật để nhắc nhở, thực thi. Có thể nói, tinh thần của giới luật là “Tuỳ duyên nhưng bất biến, bất biến nhưng tùy duyên”. Chúng ta phải linh động áp dụng Giới luật sao cho đúng pháp, để đạt đến mục đích giải thoát, nhưng phải hết sức thận trọng trong việc phương tiện, không làm ảnh hưởng đến phạm hạnh, uy tín Tăng đoàn và thanh danh Phật pháp.

 

Để kết thúc phần thuyết giảng, Hòa thượng nhấn mạnh: Trong nền tảng Giới luật Phật chế, tuy có những điều không còn phù hợp với thời đại, nhưng chúng ta cũng không nên bỏ để thể hiện sự tôn kính Giới luật; Trong thời đại mới, có những điều mà trong Giới luật Phật chưa chế định, nhưng nếu chúng ta thấy cần thiết thì nên thêm vào, vì Giới luật là kim chỉ nam định hướng cho người xuất gia, đặc biệt còn là sanh mạng của Phật pháp, mà Phật pháp xương minh là do “Tăng già hoằng hoá”. Hàng Tăng lữ là những người nắm lấy vận mệnh của Phật pháp, vì thế, là người xuất gia chúng ta phải hiểu rõ được giá trị cao quý của Tăng già để luôn tự ý thức, sống đúng theo tinh thần Giới pháp. Nếu người xuất gia không giữ giới cũng đồng với người thế tục, nên phải nương vào Giới luật làm chỗ tựa an ổn nhất, vì rằng, ở thời đại nào Giới luật luôn đóng vai trò là vị Thầy đưa đến giải thoát.
Buổi giảng khép lại sau phần thảo luận, vấn đáp rất sôi động. Chư Tôn đức đã nêu ra nhiều câu hỏi xoay quanh những quy định về Giới luật trong thời đại mới, tất cả đã được Hòa thượng giảng giải tường tận để cho chư Tăng Ni vận dụng thiết thực vào đời sống, nhằm ngăn chặn các ác pháp, tăng trưởng thiện duyên, nâng cao trí tuệ ngỏ hầu được an lạc, giải thoát trong hiện tại và làm chất liệu để nuôi sống thọ mạng của Phật pháp tại thế gian.

An Nhiên – Đồng Quý