Trang chủ Thời đại Truyền thông Hòa thượng Chủ tịch: Nghĩ gì về bảy chữ vàng

Hòa thượng Chủ tịch: Nghĩ gì về bảy chữ vàng

559

Theo đó,  HT Thích  Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN đã truyền dạy bảy chữ vàng cho người làm truyền thông Phật giáo, đó là  TÂM TRONG, TRÍ SÁNG, NGÒI BÚT THÉP. 

Nghe qua mọi người rất xúc động. Bảy chữ này tuy ngắn ngủi, cô đọng, nhưng để sống được như vậy thật không hề đơn giản, đòi hỏi công đức tu hành và nỗ lực vượt qua vô số thử thách.


Đối với người làm công tác truyền thông, “Tâm trong” nghĩa là một nội tâm trong sạch, thanh tịnh, không vì tham đắm lợi danh mà bẻ cong sự thật. Nếu tâm không trong thì ngòi bút của người làm công tác truyền thông sẽ trở thành lưỡi dao vô hình đổi trắng thay đen, hãm hại người tốt, ca ngợi kẻ ác tâm, nói sai đạo lý… Đẩy Phật pháp đến chỗ hoại diệt. Chỉ có vừa làm phật sự mà phải vừa tu hành tinh tấn thì mới giữ được cái tâm trong sáng này.

“Trí sáng” là một tâm trí sáng suốt nhạy bén, có khả năng ghi nhận, phân tích, đánh giá sự việc để tìm ra sự thật, đưa người nghe, người đọc về với lẽ phải. Trí sáng cũng bao gồm sự khôn khéo, giúp người làm truyền thông có thể tác nghiệp ở những điều kiện khó khăn.

Cuối cùng, “ngòi bút thép” hàm chứa sự dõng mãnh, quyết tâm. Quyết tâm ca ngợi, bảo vệ chánh nghĩa. Quyết tâm chống lại cái xấu, bảo vệ Phật pháp. Ý nghĩa này vô cùng đặc biệt. 


Người đệ tử Phật không chỉ hiền lành như mây như nước, mà còn phải cứng rắn như thép như đá. Vì sao vậy, chúng ta thấy rằng, trong thời đại nào thì Phật giáo cũng bị chống phá, kể cả vào thời Phật còn tại thế hay thời đã cách xa Phật. Đặc biệt ngày nay, theo sự phát triển của công nghệ thông tin, rất nhiều tin tức thất thiệt về tu sĩ, về tín đồ Phật giáo, những cách hiểu lệch lạc về đạo lý đã lan truyền trên mạng internet với tốc độ chóng mặt. Không ít kẻ đã:

“Mượn danh Phật xiển dương một phái

Dụ dỗ người phải trái chẳng rành

Xúi người xa lánh chư Tăng

Kêu người thôi học đạo lành Như Lai”

Và hậu quả thì khôn lường. Từ việc mất niềm tin với tu sĩ và những phật tử, người ta mất niềm tin với cả đạo phật. Từ việc hiểu sai đạo lý, người ta bị rơi vào mê tín, hoặc cực đoan thái quá, đề cao bản ngã, đi theo những lối tu kì lạ sai lầm… tức là bước ra ngoài con đường mà Phật đã chỉ dạy.


Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, Phật giáo cần có những “chiến sĩ” trên mặt trận truyền thông nhằm định hướng lại dư luận. Nhờ đó giúp cho Phật tử, người mộ đạo có cái nhìn đúng hơn về Phật giáo. Đồng thời chặn đứng những thông tin sai sự thật, những kế hoạch “tập kích truyền thông” của kẻ ác tâm nhắm vào Phật giáo.

Đó là ý nghĩa Hộ Pháp của công tác truyền thông Phật giáo mà các Bậc tôn túc đã nhìn thấy rất rõ trong thời đại hôm nay.

Trong quá trình tác nghiệp, người làm truyền thông Phật giáo đương nhiên sẽ đối diện với rất nhiều thử thách, gồm thuận cảnh là danh vọng, lợi dưỡng, sắc dục, hay nghịch cảnh là sự chê bai, chỉ trích, cấm đoán, thậm chí mưu hại.


Và ở đây, trở lại bảy chữ vàng mà HT Thích Thiện Nhơn đã truyền trao: “Tâm trong, trí sáng, ngòi bút thép”, là kho tàng vô giá trong tâm hồn, giữ gìn cho người cầm bút không bao giờ rời xa chính nghĩa dù bao thử thách bủa vây.

Phải nói rằng trí tuệ của những Bậc tòng lâm thạch trụ như Hòa thượng luôn khiến chúng ta không thôi ngưỡng vọng. Thời đại mới luôn đặt ra cho Phật giáo nói riêng những thử thách cam go, khốc liệt hơn. Cho nên trong cái “bất biến” là lý tưởng giải thoát, các Ngài vẫn “tùy duyên” uyển chuyển hướng dẫn cho hàng hậu học ý thức về những thử thách mới, cũng như cách sống, cách tu, cách làm việc như thế nào cho phù hợp. 

Vì vậy, những ai làm công tác truyền thông Phật giáo nên ghi khắc bảy chữ vàng trong tim mình để làm trọn sứ mạng Hoằng pháp – Hộ pháp thiêng liêng.


Sau cùng, chúng con xin chắp tay nguyện cầu:

Nguyện đạo pháp bao la khắp chốn

Được xương minh yên ổn tu hành

Bởi vì tứ chúng nhiệt thành 

Khôn ngoan dũng cảm đấu tranh giữ gìn.