Họa sĩ Vũ Đình Tuấn sinh năm 1973, là thành viên của nhiều “sân chơi” mỹ thuật quan trọng như Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Hội đồng Nghệ thuật Festival Mỹ thuật trẻ… đồng thời là Giám tuyển Triển lãm tranh lụa và điêu khắc nhỏ. Anh cũng có nhiều triển lãm tranh lụa trong nước và quốc tế… Nói về tranh lụa với Vũ Đình Tuấn là cả một niềm say mê như không có điểm dừng.
– Điều gì đã dẫn dắt anh đến với tranh lụa? Tôi thấy sự mê đắm của anh trên lụa, như thể mỗi khi vẽ anh bị hút chặt vào đó.
– Cái “tạng” tạo hình của tôi phù hợp với tranh lụa. Lụa hấp dẫn tôi bởi cái vẻ bí ẩn, kỳ ảo, mơ hồ, không giới hạn. Lụa óng ả, xuyên thấu với tơ dọc, mành ngang, lụa đẩy tôi đến tận cùng sáng tạo. Đó là cái lý để tôi mê đắm. Chị nói rất đúng, tôi bị hút chặt vào nền lụa mỗi khi vẽ. Điều này thì không thể giải thích được!
– Anh có chịu ảnh hưởng của một bậc thầy nào đó không? Có đỉnh cao nào mà anh muốn chạm tới hoặc vượt qua?
– Cho tới hiện tại, tôi không chịu ảnh hưởng của một bậc thầy nào cả. Tuy nhiên, việc học hỏi các tiền nhân là điều đương nhiên của những thế hệ sau. Chúng ta kính trọng và ngưỡng mộ tài năng xuất chúng cũng như phẩm hạnh mẫu mực của họ.
Con đường nghệ thuật là vô cùng! Tôi sáng tạo theo nhu cầu, làm hết khả năng mình có, chưa hề nghĩ đến việc “chạm tới” hay “vượt qua” ai. Tôi có con đường riêng, có một vị trí riêng, một vị trí không phân định cao thấp, không so bì, mà bằng phẳng và rất tự tại.
– Tôi nói điều này hơi mạo muội, người ta vẫn nói văn chương, hội họa cũng là người. Nhưng tranh của anh thì ngoài những dữ dội rất nam tính ra, lại có cái phần vô cùng tinh tế, ý nhị, mượt mà, đủ sức lay động với những rung cảm nhỏ nhất. Như thể nó hơi xa anh?
– Nhận xét này chính xác đến bất ngờ. Bản thân tôi khó lý giải về mình. Tôi có cái “vỏ” bên ngoài cứng rắn, xù xì và một chút dữ dội. Nhưng cái vỏ ấy lại bao bọc một nội tâm mềm mại, nhạy cảm, sâu lắng. Thực ra, tôi là người có tâm lý rất phức tạp nếu không muốn nói là rắc rối. Trong khi những điều to lớn lộ rõ hình hài rất khó lay động được tôi thì những rung cảm vô hình dù nhỏ nhất, khẽ nhất, nhẹ nhất lại đủ sức công phá tôi. Những ai chơi thân đều thấy tôi quyết liệt, bướng bỉnh, không ủy mị, nhưng cả nghĩ và rất dễ tổn thương. Trong tranh của tôi có hết những điều này, không giấu được. Cứ nhìn tranh đoán người là không sai đâu!
– Anh mê chèo nhỉ? Tôi nghe anh hát chèo rồi. Anh nhấn nhá, nảy, rung, nhả chữ… tài tình ra trò. Anh cũng mê văn hóa Phật giáo nữa. Những yếu tố này ảnh hưởng thế nào đến sáng tạo của anh?
– Nếu không là họa sĩ, biết đâu tôi giờ là một nghệ sĩ hát chèo (cười). Tôi mê chèo cổ tới mức “lười vẽ” để “chăm hát”. Làn điệu, kỹ thuật hát, ca từ… của chèo cổ lôi cuốn tôi mãnh liệt. Tôi tự học qua sách vở, qua các nghệ sĩ, nghệ nhân và bạn bè. Với thái độ tìm hiểu về nghệ thuật chèo một cách nghiêm túc và khổ luyện theo cách riêng của mình, tôi cũng hát “tạm nghe được” vài ba làn điệu. Thực ra không chỉ có chèo, các loại hình hát xướng dân gian khác như ca trù, quan họ, hát văn, ca Huế… tôi đều tìm hiểu. Càng tìm hiểu lại càng thấy khó vô cùng. Nhưng có lẽ, vì sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, giọng hát của tôi có chút “màu chèo” nên hát chèo là thuận lợi hơn cả.
Văn hóa Phật giáo, đặc biệt là các pho tượng Phật cổ chiếm vị trí quan trọng trong tinh thần của cá nhân tôi. Đến những ngôi chùa cổ, nhiều pho tượng đẹp để lại cho tôi xúc cảm rất sâu đậm, gần gũi, quyến luyến, không dứt ra được. Một phần vì vẻ đẹp tạo hình tinh tế, lắng sâu qua bao thế kỷ, phần khác là hình tướng của những giá trị chân thiện, màu nhiệm và đa nghĩa.
Có lẽ thẩm mỹ dân gian cũng như triết lý Phật giáo hằng ngày nuôi dưỡng tâm hồn tôi, đi vào trong tranh từng chút, từng chút, rất tự nhiên, dù không dễ dàng phân định được trên đường nét hay màu sắc, nhưng tôi lại cảm nhận rõ ràng một sắc thái bình an.
– Gần đây nhất, tôi thấy tác phẩm của anh có trong một dự án âm nhạc. Tranh kết hợp với kỹ thuật đồ họa và âm nhạc, ra một sản phẩm khá là mới lạ, hấp dẫn.
– Vì sự kiện “Quyên Gallery” đã khởi động nên tôi mới được phép tiết lộ.
Đây là một trong số 5 tác phẩm của tôi sẽ được hiện diện trong dự án âm nhạc của ca sĩ Hoàng Quyên. Có 5 họa sĩ hợp tác cùng dự án. Tôi rất vui khi Hoàng Quyên tin tưởng sử dụng bức tranh lụa đầu tiên trong bộ tác phẩm để thực hiện MV “Xin cho hôm nay trôi đi”. Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn bè đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật về chất lượng của MV.
Trong dự án này, các tác phẩm hội họa sẽ được chuyển tải theo kỹ xảo 3D hiện đại nhất, tạo nên không gian siêu thực trên sân khấu âm nhạc. Tôi cho rằng đây là dự án xuất sắc, hứa hẹn tạo ra dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2021.
– Sắp tới anh có dự định triển lãm cá nhân nào không?
– Do tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp nên tôi chưa thể công bố chính xác thời điểm. Tuy nhiên, trong năm 2021 tôi có kế hoạch tham gia nhiều cuộc triển lãm đặc biệt với nhiều nhóm tác giả khác nhau.
Hẹn gặp lại công chúng yêu nghệ thuật, bạn bè đồng nghiệp trong những sự kiện tiếp theo!
– Trân trọng cảm ơn anh và chúc anh luôn đầy ắp xúc cảm nghệ thuật!
THANH AM/HÀ NỘI MỚI