Hoa sen với Phật giáo.
Sau khi đức Thích Ca thị tịch, không phải ngẫu nhiên mà từ hàng ngàn năm qua những người theo Phật giáo đã tôn trí Đức Thích Ca ngồi trên đài sen. Vì hoa sen cũng đã được đức Phật dùng làm biểu tượng cho sự giác ngộ. Nếu ai hiểu đầy đủ ý nghĩa sâu xa của hình tượng hoa sen thì làm theo tâm ý của Ngài.
Trong sử Phật giáo có nói đến một lần giảng đức Thích Ca giảng Pháp trong Pháp hội có rất nhiều người tham dự, Ngài Ca Diếp nghe đức Thích Ca giảng đến việc ý nghĩa của việc truyền đạo thì thấy đức Phật dừng lại một lát cầm cành hoa sen giơ lên. Tôn Giả Ca Diếp thấy đức Bổn Sư chỉ giơ hoa sen mà không nói gì nên đã đứng lên nhìn vào cặp mắt của đức Phật để nhận biết đức Phật đang truyền tâm ý gì ? Đức Thích Ca thấy ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười, biết rằng ngài Ca Diếp đã lĩnh hội được “Tâm Ấn” từ nhỡn quang của Ngài nên đã nói: “Ta có Chánh Pháp Nhỡn Tạng trao truyền cho ông đây”.
Sau khi đức Thích Ca nhập diệt, ngài Ma Ha Ca Diếp đã sưu tập tất cả Kinh Pháp của đức Thích Ca trong khoảng thời gian gần ba tháng, kế tục sự nghiệp truyền giảng giáo Pháp của đức Thế Tôn và tồn tại cho đến ngày nay. Trong lịch sử Phật giáo cũng có ghi chép khi đức Phật sắp thị tịch đã nói với hàng đệ tử của Ngài rằng: “Sau khi ta lìa thế gian, mười hai năm sau ta sẽ tái sanh một lần nữa”. Vào thế kỷ thứ bảy, dưới triều vua Songtsen Gampo, nhà vua đã phát hiện một chú bé trong một đóa hoa sen ở hồ Dhanakacha tại vùng Uddiyana, nhà vua đã cùng các quan tể tướng đưa chú bé về hoàng cung.
Vì chú bé sinh ra trong hoa sen nên nhà vua đặt tên là Liên Hoa Sinh. Đó chính là Đạo sư Liên Hoa Sinh đã cùng các để tử truyền Phật giáo đến Tây Tạng trong đó có nhà vua của Tây Tạng. Cho đến sau này các nước vùng Hy Mã lạp Sơn vẫn tôn thờ và coi đức Liên Hoa Sinh là vị Đạo sư quý báu. Với dân tộc Việt Nam, khoảng năm 1028 vua Lý Thánh Tông trong một giấc ngủ đã mơ thấy đức Quan Thế Âm ngự trên đài sen đã dắt nhà vua lên tòa sen. Nhà vua đã kể lại mọi người nghe giấc chiêm bao này, một nhà sư đã khuyên đức vua xây một Liên Hoa Đài thờ Quán Âm Bồ tát. Nhà vua liền cho làm một ngôi chùa theo hình tượng một đóa sen, dưới tòa sen là cột trụ đá như cuống hoa sen nổi trên mặt hồ, đặt tên là chùa Diên Hựu, xung quanh trụ đá trồng hoa sen. Năm 1954, quân Pháp thất thủ ở Hà Nội, chùa một cột bị đánh mìn tan tành chỉ trơ lại cái trụ. Ai cũng nghĩ là do quân Pháp phá hủy, thực tế là do âm mưu của tên chủa đảng Đại Việt là tên Nguyễn Hữu Trí. Hắn cho rằng chùa Diên Hựu linh thiêng phải phá đi để sau này bè đảng của hắn mới có cơ hội quay lại Hà Nội cướp lại chính quyền mới. Một số nhà báo bấy giờ coi âm mưu phá chùa của chúa đảng Đại Việt Nguyễn Hữu Trí là hành động phá hoại ngu dốt.
Nhưng khi bè đảng Nguyễn Hữu Trí di tản vào Nam vừa đặt chân xuống Tân Sơn Nhất thì bị bắn chết. Ai cũng cho rằng hắn bị quả báo. Sau khi Chính phủ Việt Nam ta tiếp quản thủ Đô đã cho xây lại chùa một cột đẹp hơn và chắc chắn hơn. Cảm niệm về sự thanh cao của hoa sen, một bài thơ ngắn của một nhà sư: Trước đấng từ bi nguyện mấy lời, Chẳng sanh đất Phật chẳng lên trời, Xin làm giọt nước cành dương nhỏ. Sái rực đài sen sạch bụi đời.
Sen trong tâm hồn người Việt
Tháp Mười đẹp nhất hoa sen Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ Gần một niên kỷ qua câu thơ này đã có trong trang sách tuổi thơ và đi vào các ca khúc Việt Nam để tôn vinh vị lãnh tụ ưu tú nhất, có phẩm chất phi thường của dân tộc Việt Nam là Bác Hồ, là vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa mà hiện nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Dường như thiên định, không phải ngẫu nhiên có một đấng nam nhi Nguyễn Tất Thành từ địa danh Làng Sen quê cha đã kiên tâm một mình bôn ba hải ngoại tìm đường cứu dân tộc mình thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang. Hoa sen và cuộc đời của người trai Làng Sen đã đi vào những bài hát nổi tiếng ở Việt Nam, như: “Từ Làng Sen có một người trai trí lớn, mang ý tưởng cách mạng giải phóng quê hương…” trong bài Từ Làng Sen của NS Phạm Tuyên. “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen, Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ…” trong bài Hoa Sen Tháp Mười của NS Trương Quang Lục. “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong, trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng…” ca khúc Bên lăng Bác Hồ của NS Dân Huyền v v… Ngày nay, ao sen của Làng Sen quê nội của Hồ Chủ Tịch được trồng nhiều hơn, nước ao trong lành, lá xanh, bông sắc hồng, mỗi mùa hạ về hoa nở thơm ngát cả vùng quê đêm ngày.
Thành phố cổ Hà Nội ngày xưa, hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Thuyền Quang, hồ Hoàn Kiếm, hồ Quảng Bá, hồ Bảy mẫu bạt ngàn hoa sen. Những đứa con gái tóc đuôi gà ở cái tuổi tiểu học thường ra đường Cổ Ngư nhặt búp đa, khi ấy thủ đô mới giải phóng, ven hồ Tây chỗ nào cũng có hoa sen.
Những gánh hàng hoa trên vai các cô, các bà áo dài nâu mớ ba, mớ bảy từ làng Yên Phụ, làng Nghi Tàm, làng Quảng Bá xuôi xuống các phố cổ dưới nắng sớm, những bó sen trắng, những bó sen hồng được điểm búp lá sen non xanh lóng lánh những giọt nước do mấy ngón tay người bán hoa vẩy lên đã in đậm trong cuộc đời mỗi người. Mà hèTrên nóc tủ chè của những gia đình người Hà Nội dường như lúc nào cũng có lọ hoa sen trắng.
Sau này, hoa sen của Hồ Tây đã có chủ, những nam thanh nữ tú đi thuyền peritxoa trên hồ thấy hoa sen mê quá thỉnh thoảng cũng hái trộm một bông. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, hoa sen ở khu nhà thuyền Hồ Tây không ai chăm sóc nên lụi dần, hiện nay chỉ còn đám sen rộng chừng hai trăm mét vuông bên phía chùa Trấn Quốc và phía trên quận Tây Hồ. Hà Nội, sau đợt gà gáy sáng, sương chưa tan mà chợ hoa Nghi Tàm đã rực rỡ với khu bán hoa sen, đặc biệt chỉ có Hồ Tây mới có sen bách hoa có những cánh nhỏ ôm quanh hương sen, trên chóp cánh của nó đều có gạo sen. Sen ở Huế, Sài Gòn, Đồng Tháp đều giống sen quỳ khác với sen bách hoa là không có những cánh nhỏ bên trong.
Với đặc điểm khí hậu bốn mùa ở miền Bắc nên mỗi năm chỉ có một mùa sen, cứ đến hạ về là người Hà Nội quên hết tất cả các loài hoa khác mà bị hút hồn với sen, chỉ cúng Phật một loại hoa sen cho đến khi hết mùa hạ. Mùa sen về dẫn bao bước chân các lứa tuổi người Hà Nội đến tây hồ buông lỏng tâm tư trong trà thiền bên hồ sen, trước khi ra về không quên mang theo một bó sen dâng Tam Bảo. Hình dáng màu sắc hoa sen giản dị, nhưng đằm thắm, hương thơm thanh tịnh, sự ra đời và trưởng thành của loài hoa này chuyển tải bao ý nghĩa sâu xa với đời sống con người. Hoa sen luôn là đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật, biết bao thi nhân, danh nhân, các bậc hiền tài và các kẻ sĩ đã dành tâm hồn mình tạc sen vào thơ, vào văn học với những ngôn ngữ đẹp nhất.
Những nhà mỹ thuật, nhà kiến trúc Việt Nam từ các triều đình thời Lê, thời Lý, thời Trần đã khắc họa hoa sen trên gốm sứ, sử dụng rất nhiều trong kiến trúc Phật giáo. Tại Sài Gòn, hàng ngày những ai ngang qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khu Bình Quới quận Bình Thạnh sẽ thấy một người mẹ bán sen đã mấy mươi năm tại đây. Với khuôn người nhỏ nhắn. nước da nâu xạm nắng ngồi bên cột đèn bán các sản phẩm tươi từ cây sen. Những bó hoa sen, đài sen được bó từng chục cắm trong thùng nước giữ cho tươi. Đài sen tròn trịa màu lá lúp xúp trên bàn, hạt sen nõn nà trong bao nylon, thứ nào cũng tươi nguyên hấp dẫn. Bà nói bây giờ ao sen còn ít lắm vì không có người chăm, thương cây sen nên giờ còn chút sức thì ngồi đây bán. Bà chỉ có vài câu nói giản dị với giọng hiền lành nhẹ nhàng như lá sen la đà trên mặt nước.
Mặc cho nắng, gió, bụi, tiếng ồn xe cộ, bà chẳng quan tâm chỉ chú ý vào những hạt sen đang tách ra rồi cho vào bào nylon xếp lên bàn. Ai hỏi gì bà chỉ trả lời mà không ngước mắt lên. Vì hoa, hạt sen chẳng xa lạ gì với người đời nên người mua chẳng hỏi thêm mà bà cũng không phải trả lời nhiều. người bán không nói thách giá, người mua cũng không trả giá bao giờ. Cho nên chỗ bà ngồi bán sen đã trở thành địa chỉ thân quen của biết bao người lao động và lữ khách. Những Việt kiều Canada, Mỹ, Pháp, các nghệ sĩ đến khu Bình Quới thưởng thức ẩm thực xong cũng dừng xe mua hoa sen, có người mua vài ký hạt về nấu chè, người thì đem biếu, một loại quà thơm thảo tốt cho sức khỏe, một loại quà được coi là quý không ai có thể từ chối khi có người trao tặng.
Từng phần của cây sen còn là dược thảo đặc biệt để chữa bệnh các bệnh về hô hấp, tim mạch, an thần, huyết áp cao, chống béo phì, tiêu chảy, chống rụng tóc, chống lão hóa v v… Củ sen, hạt sen còn chế biến trong nhiều món ăn sang trọng khác nhau từ các bếp trong cung đình vua chúa và được sử dụng thường xuyên trong đời sống xã hội. Hoa sen còn được các ngành vận tải Việt Nam như hãng Hàng Không Việt Nam, các khách sạn, ngân hàng làm biểu tượng thanh cao, mạnh mẽ, là phương châm hoạt động của mình lấy chữ tâm làm gốc.